Thế giới bước vào thời kỳ ‘Chiến tranh Lạnh kiểu mới’?

Những biến chuyển mạnh mẽ trên toàn cầu gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu thế giới đã thực sự bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh kiểu mới?

Thế giới bước vào thời kỳ ‘Chiến tranh Lạnh kiểu mới’?

Xung đột Nga – Ukraina bùng phát, đẩy quan hệ Moskva và phương Tây lên cao trào khi hai bên liên tục tung các đòn trừng phạt đáp trả lẫn nhau. Quan hệ Mỹ – Trung Quốc chưa hết nóng khi cả Washington và Bắc Kinh có những động thái cho thấy không bên nào chịu nhường bên nào. Viễn cảnh đó khiến các nhà quan sát cho rằng, có thể thế giới đang bước vào một thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới.

Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy nói, cuộc khủng hoảng ở Ukraina và chuyến thăm mới nhất của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) là những động thái cho thấy Washington đang có ý định vực dậy tâm lý Chiến tranh Lạnh. Theo vị này, Chiến tranh Lạnh mới đã và đang diễn ra.

Đối đầu Nga – phương Tây

Thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” được nêu ra lần đầu tiên vào tháng 7/1947 để miêu tả sự chia rẽ chính trị giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc đối đầu kéo dài đó được cho là kết thúc năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Ukraina và căng thẳng không có dấu hiệu giảm nhiệt trong quan hệ quốc tế khiến cho nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” hiện hữu, đe dọa sự ổn định.

Dưới góc nhìn của giới quan sát, những gì diễn ra tại Ukraina từ hồi tháng 2 đến nay dường như đã đi quá giới hạn trong quan hệ Nga và phương Tây. Giờ đây, khác biệt là chủ yếu và hai bên khó có thể tìm thấy điểm tương đồng để cùng hợp tác. Rạn nứt trong quan hệ giữa Moskva và phương Tây ngày càng sâu rộng, khó có thể hàn gắn.

Nga vượt qua Iran, trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới với hơn 8.000 lệnh trừng phạt. Mỹ và đồng minh đã áp loạt đòn cấm vận với quy mô chưa từng có đối với Moskva.

Nga và phương Tây tuyên bố trừng phạt, đáp trả nhau trên mọi mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao… Và cuộc đối đầu không tiếng súng giữa Moskva và phương Tây trên mặt trận kinh tế xem ra cũng không kém phần căng thẳng.

Các quốc gia phương Tây đã giáng đòn cấm vận lên Nga với những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, chưa từng có tiền lệ, hạn chế Nga tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. Mục tiêu đòn trừng phạt của phương Tây rất rõ ràng, muốn gây tổn thất, cô lập Nga, thậm chí làm kiệt quệ kinh tế nước này.

Tuy nhiên, Nga dường như đã lường trước kịch bản, có những toan tính sâu xa, ít nhiều nắm thế chủ động trong “trò chơi trừng phạt” đang diễn ra. Sau hơn 5 tháng bùng phát xung đột Nga – Ukraina, kinh tế của Nga vẫn trụ vững trước những đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, lạm phát tại nước này đã chậm lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định.

Cuộc chiến Nga và phương Tây trên mặt trận kinh tế đã phơi bày những bất hòa khó có thể hàn gắn giữa hai bên. Giờ đây, để tìm được yếu tố có sự liên kết giữa Moskva và phương Tây chẳng khác nào “mò kim đáy biển”, khác biệt là chủ yếu và hố ngăn cách trong quan hệ kinh tế giữa hai bên ngày càng sâu rộng.

Có lẽ sẽ còn phải mất nhiều thời gian, thậm chí cả Nga và phương Tây đều hiểu rằng việc gỡ bỏ những hạn chế này dường như là điều không thể. Một số phân tích cho rằng, điều đó không khác cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa hai bên.

Đó là trên mặt trận kinh tế, đối đầu giữa Nga và phương Tây trên mặt trận quân sự thậm chí còn diễn ra gay gắt hơn. Moskva và phương Tây không đem khí tài để đấu trực diện, mà hai bên đồng thời diễn ra cuộc đua tranh trên mặt trận quân sự, liên tục chạy đua vũ trang, phô trương sức mạnh quân sự.

Đối với Nga, việc nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraina là lời cảnh báo đanh thép đối với Mỹ và đồng minh. Moskva muốn gửi gắm thông điệp cứng rắn đến NATO rằng, việc liên minh quân sự này mở rộng về phía Đông là mối đe dọa với an ninh Nga, vượt qua “lằn ranh đỏ” trong quan hệ song phương và nước này sẽ đáp trả quyết liệt.

Cả Mỹ và đồng minh cũng hiểu rằng, việc đem quân đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường Ukraina tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ III. Vì thế, liên minh này chỉ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraina đối phó Nga.

Cắt đứt mọi kênh tiếp xúc, giao lưu đi lại và kinh tế với Nga, Mỹ dồn nguồn lực hậu thuẫn Ukraina trong cuộc xung đột với quốc gia láng giềng với hàng tỷ USD viện trợ quân sự cùng nhiều loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại như các loại tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không và mới đây là loại pháo tầm xa…

Dù Mỹ chưa trực tiếp tham chiến, song viện trợ quân sự cùng trợ giúp huấn luyện, thông tin tình báo cho Ukraina đã khiến giới quan sát quân sự cho rằng, Washington và phương Tây thực tế đang tham gia cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraina. Hơn nữa, Washington cũng tăng cường quân và khí tài quân sự tại các nước thành viên NATO, sẵn sàng đối phó Moskva.

Căng thẳng Mỹ – Trung

Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – ông Tần Cương – khẳng định, không quốc gia nào mong muốn Chiến tranh Lạnh mới nổ ra, bởi lẽ không ai có thể thắng cuộc. Ông Tần Cương tin rằng, chiến tranh sẽ dẫn đến những hậu quả không thể chống đỡ nổi đối với toàn thế giới.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, Washington không muốn “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” với Bắc Kinh, tuyên bố Mỹ sẽ không ngăn cản Trung Quốc phát triển kinh tế, nhưng muốn nước này tuân thủ các luật lệ quốc tế.

Tuyên bố của giới chức hai nước là một chuyện, còn trên thực tế, quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang khó tìm được điểm chung. Quan hệ hai bên đã rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khi Washington châm ngòi cuộc chiến thương mại và áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Tình hình không hề được cải thiện, thậm chí xấu đi dưới thời ông Joe Biden.

Quan hệ Mỹ – Trung trở nên hết sức căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Sau đó, Bắc Kinh tuyên bố “đóng băng” đối thoại, hủy một loạt hợp tác với Washington. Giới phân tích cho rằng, việc “đóng băng” này khiến 2 nước rơi vào tình cảnh “đu đưa trên miệng hố” của một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Trên tờ South China Morning Post (SCMP), nhận định về căng thẳng Mỹ – Trung mới đây, giáo sư Nghê Lạc Hùng tại Đại học Chính pháp Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng, tuyên bố hủy bỏ ba cơ chế đối thoại quốc phòng với Mỹ của Trung Quốc (nhóm công tác của Bộ Quốc phòng hai nước, liên lạc giữa lãnh đạo cấp chiến khu và cơ chế tham vấn an toàn quân sự trên biển) là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài. Động thái của Trung Quốc nhằm gửi đi thông điệp chuẩn bị sẵn sàng cho các thách thức về quân sự.

Đồng quan điểm, cũng trên SCMP, nhà nghiên cứu Collin Koh tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (IDSS – Singapore), cho rằng, việc thiếu các kênh đối thoại và cơ chế xây dựng lòng tin khác sẽ khiến nguy cơ leo thang tăng lên, trong khi cơ hội giảm leo thang mất đi. Ông nhận định, nguy cơ lớn hơn là khả năng căng thẳng liên quan Đài Loan khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, trong bài bình luận trên tờ Nikkei Assia hồi tháng 6, ông Rizal Ramli – từng là Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải của Indonesia thuộc nội các đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo – cho rằng, ranh giới đang được vẽ trước những gì diễn ra trong quan hệ Mỹ – Trung và điều này được coi là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất và những căng thẳng gia tăng thời gian gần đây trong quan hệ Washington và Bắc Kinh.

Sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Khi bước vào Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, Washington không chỉ phải cạnh tranh với Bắc Kinh để giành vị trí bá quyền ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà giờ đây nước này còn phải đối phó những mối đe dọa an ninh mới và cận kề châu Âu do hậu quả từ xung đột Nga – Ukraina.

Trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ II, Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn kinh tế và biến động chính trị trong nước. Giờ đây, mọi chuyện đã khác khi Bắc Kinh có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi năng lực quân sự xếp thứ ba sau Mỹ và Nga. Do đó, vai trò và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đe dọa vị trí siêu cường của Washington.

Nhiều thách thức đặt ra đối với Mỹ và đồng minh khi họ ngày càng lún sâu trong xung đột Nga – Ukraina, liên tục chi tiền, “bơm” khí tài cho Kiev. Điều này sẽ khiến Tổng thống Joe Biden càng có ít nguồn lực hơn để tập trung việc đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trên thực tế, Tổng thống Joe Biden và đội ngũ cố vấn về chính sách đối ngoại của ông đã có sự cải thiện trong chính sách về châu Á của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1/2021. Không giống người tiền nhiệm Donald Trump, ông Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken hiểu sự cần thiết tăng cường liên kết, đẩy mạnh liên minh với các đồng minh và đối tác ở khu vực trong cuộc đối phó với Trung Quốc.

Dưới thời ông Biden, mối quan hệ với châu Âu đã được khôi phục, đồng thời quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và khối ASEAN cũng được tăng cường, trong khi các liên minh quân sự song phương và đa phương cũng dần được củng cố.

Cách tiếp cận đa phương của ông Biden đã được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ Tứ – QUAD” hồi tháng 5 ở Tokyo, nơi các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ ra tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết của họ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Điều đó cho thấy Washington sẽ không “chơi một mình” trong chiến lược đối phó, ngăn chặn ảnh hưởng Bắc Kinh ở khu vực.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây, Mỹ và Trung Quốc sẽ theo chiều hướng nào? Tốt hơn hay xấu đi? Liệu có quay trở lại thời kỳ đối đầu như Chiến tranh Lạnh?… Khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác vào thời điểm này, song có điều chắc chắn là xu thế nóng lên hay lạnh đi của mối quan hệ giữa các bên sẽ tác động rất lớn tới cân bằng chiến lược toàn cầu, đến các mối quan hệ trên thế giới, cũng như định hình trật tự thế giới mới.

Theo VTC

Tags: , , ,