Thế chân kiềng địa chiến lược Nga – Trung – Ấn và tác động tới Việt Nam

Tác động của các mối quan hệ hai bên và ba bên trong tam giác Nga – Trung – Ấn đến Việt Nam cả hiện tại và tương lai luôn mang tính hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực. Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm thế nào để nâng cao nội lực, sức mạnh quốc gia tổng hợp. Đó là cơ sở quan trọng nhất để có thể vừa tận dụng tối đa những cơ hội và điều kiện thuận lợi mà tam giác này dù vô tình hay cố ý tạo ra, vừa giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các nước này và từ các mối quan hệ của họ.

Thế chân kiềng địa chiến lược Nga – Trung – Ấn và tác động tới Việt Nam

Tác giả: PGS, TS Hà Mỹ Hương, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 6/2015.

1. Nga, Trung Quốc và Ấn Độ – ba quốc gia khổng lồ không chỉ của đại lục địa Á – Âu

Xét trên nhiều chỉ số thể hiện sức mạnh quốc gia, ba nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ là những “chàng khổng lồ” của đại lục địa Á – Âu, mà còn của thế giới. Dân số ba nước này hiện xấp xỉ 2,5 tỷ người, chiếm khoảng 40% dân số thế giới; diện tích lãnh thổ gần 30 triệu km2, chiếm 22,5% diện tích đất liền của cả thế giới. Về quân sự – quốc phòng, nếu như Nga là một siêu cường tên lửa – hạt nhân, thì Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những cường quốc quân sự – hạt nhân. Về chính trị, nếu Nga và Trung Quốc là 2 trong 5 Uỷ viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị – an ninh thế giới, thì Ấn Độ đang là gương mặt sáng giá trong các nước muốn giành được vị trí này một khi Liên Hợp quốc cải tổ Hội đồng bảo an. Về kinh tế, tỷ trọng GDP của ba nước này trong GDP thế giới những năm qua chiếm xấp xỉ 20%. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, ba nước Nga – Trung – Ấn đạt được những thành tựu phát triển kinh tế ngoạn mục, nhất là Trung Quốc. Quốc gia này nhiều năm nay có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất, chủ nợ lớn nhất thế giới, năm 2013 lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới (hơn 4 nghìn tỷ USD). Theo nhiều dự báo, trước năm 2030 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước có GDP lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nguồn dầu khí khổng lồ của Nga, công nghệ phần mềm hàng đầu thế giới của Ấn Độ cũng đang là những mặt hàng chiến lược hấp dẫn trên thị trường thế giới.

Do sức nặng của từng nước trên bàn cờ kinh tế, chính trị, quân sự – an ninh thế giới như vậy, nên bất kỳ một ý tưởng dù rất nhỏ về sự hình thành một “tam giác chiến lược” Nga – Trung – Ấn đều thu hút sự quan tâm theo dõi sát sao của Mỹ cũng như các nước lớn nhỏ khác trong cộng đồng quốc tế, bởi nếu có một tam giác như thế thì tam giác ấy có thể “bẩy cả trái đất”. Vậy trên thực tế có đang hình thành tam giác đó không?

2. Những lợi ích tương đồng của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, hay cơ sở cho liên kết ba bên

Ý tưởng liên kết ba nước lớn nhất đại lục địa Á – Âu thuộc về nước Nga. Cụ thể là trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1998, Thủ tướng Nga lúc đó là E. Primacốp đã đưa ra kiến nghị xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược Nga – Trung – Ấn như là một mô hình trật tự chính trị quốc tế đa cực nhằm kiềm chế ý đồ thiết lập trật tự thế giới đơn cực của Mỹ. Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là quan hệ Trung – Ấn lúc đó đang căng thẳng, nên Bắc Kinh và Niu Đêli không tỏ ra mặn mà lắm với ý tưởng này. Còn hiện tại thì sao?

Có thể thấy hiện nay ba nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có khá nhiều những điểm chung trong lợi ích quốc gia. Thứ nhất,cả ba nước đều đứng trước nhiệm vụ, mục tiêu quốc gia trọng đại là phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng cao vị thế nước lớn trên trường quốc tế. Trước chính sách đối ngoại đơn phương sau Chiến tranh lạnh của Mỹ, việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm là lợi ích chiến lược của cả ba nước.

Thứ hai, cả ba nước đều đang đứng trước những nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia, đang có những tranh chấp phức tạp liên quan đến biên giới, lãnh thổ. Hợp tác chặt chẽ với nhau để xây dựng một môi trường an ninh, một mối quan hệ láng giềng tin cậy nhau là đáp ứng lợi ích quốc gia quan trọng sống còn của Nga – Trung – Ấn.

Thứ ba, các cặp quan hệ song phương trong tam giác đang phát triển khả quan, cả ba đều tìm thấy lợi ích to lớn và nhiều mặt trong hợp tác với nhau. Mà sự hợp tác song phương chặt chẽ trên mọi bình diện là cơ sở vô cùng quan trọng cho liên kết, hợp tác ba bên Nga – Trung – Ấn.

Thứ tư, nếu như Nga và Trung Quốc là những thành viên sáng lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) – một tổ chức khu vực đang gia tăng ảnh hưởng trên đại lục địa Á – Âu, thì Ấn Độ cũng đã tham gia SCO với tư cách quan sát viên. Mới đây nhất, tại Hội nghị cấp cao thường niên của SCO ngày 11 và 12-9-2014, SCO dường như đã hoàn tất các thủ tục để có thể chính thức kết nạp Ấn Độ vào năm 2015. Đây là một tiền đề rất quan trọng cho liên kết ba bên Nga – Trung – Ấn trong tương lai.

Thứ năm, một tổ chức hợp tác đa phương cần có một “thủ lĩnh” –  nước đóng vai trò đi đầu, mắt xích trung tâm gắn kết các mối quan hệ và giúp hóa giải những bất hòa. Trong trường hợp xây dựng tam giác chiến lược Nga – Trung – Ấn, nước đó chính là Nga. Nếu giữa Trung Quốc và Ấn Độ cho đến nay vẫn còn đó những nghi kỵ, dè chừng, thì Nga về tổng thể có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Vậy “Tam giác chiến lược” Nga – Trung – Ấn đã được hiện thực hóa hay chưa?

3. Diễn tiến mối quan hệ và những yếu tố tác động

Để hình thành “tam giác chiến lược”, trước hết phải đưa các mối quan hệ song phương đi vào ổn định và phát triển. Trên thực tế, các quan hệ song phương trong tam giác Nga -Trung – Ấn những năm gần đây hoặc rất phát triển, hoặc đã được cải thiện về chất. Quan hệ Nga – Trung được coi là cạnh nổi bật nhất của tam giác, và chính mối quan hệ này đang và sẽ tác động tích cực đến chính sách của Ấn Độ với các nước này. Còn Nga và Ấn Độ vốn có truyền thống hợp tác từ thời Liên Xô, gần đây đã có những bước tiến mới trên nhiều lĩnh vực rất đáng chú ý. Đặc biệt, quan hệ Trung – Ấn vốn phức tạp nhất, mong manh nhất trong tam giác, thì giờ đây cũng đã được cải thiện rất nhiều trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại và chính trị – ngoại giao.

Nói về những tiếp xúc ba bên, thì hoạt động có ý nghĩa đầu tiên là các cuộc giao lưu, đối thoại giữa học giả ba nước để tìm hiểu các khả năng hợp tác, nhất là làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc hội thảo của các nhà khoa học ba nước đã được tổ chức lần lượt ở thủ đô của mỗi nước. Có thể nói, đây là một kênh tiếp xúc ba bên khá quan trọng, được giới lãnh đạo ba nước coi là “đột phá khẩu” hay là “động lực” thúc đẩy ba nước xích lại gần nhau.

Hoạt động quan trọng thứ hai là các cuộc gặp của Ngoại trưởng ba nước những năm gần đây. Cuộc gặp chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng ba nước diễn ra tháng 6- 2005 tại Vladivostok  (Nga). Sự kiện này đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm theo dõi của dư luận quốc tế, bởi dường như đó là sự bắt đầu cho những thay đổi trong trật tự thế giới hiện tại. Và kể từ lần gặp đầu tiên này cho tới nay, Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước đã gặp nhau tới 13 lần để trao đổi về những vấn đề mà các bên cùng quan tâm.

Về các cuộc gặp ở cấp cao nhất, thì mặc dù chưa có cuộc gặp chung nào được tổ chức, nhưng nguyên thủ quốc gia ba nước cũng đã thường có các cuộc gặp bên lề các hội nghị quốc tế quan trọng. Điều có thể thấy rõ là ba nước Nga – Trung – Ấn đang có những động thái xích lại gần nhau và vai trò nổi trội của Nga trong vấn đề này. Chính nước Nga đã rất kiên trì, tích cực và chủ động trong việc đưa ý tưởng thành lập tam giác Nga – Trung – Ấn đi vào cuộc sống. Cuộc gặp đầu tiên của các nhà khoa học cũng như của các Ngoại trưởng ba nước là do Nga đề xuất và tổ chức thực hiện. Nga đã ký với cả Trung Quốc và Ấn Độ Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược,định hướng cho các hoạt động hợp tác song phương và đa phương của các bên. Nga cũng đã rất chú trọng tạo điều kiện để hợp tác và liên kết (chứ không phải cạnh tranh và kiềm chế) chiếm vị trí chủ đạo trong quan hệ Trung  – Ấn. Khách quan mà nói, những tiến triển đạt được trong hợp tác ba bên Nga – Trung – Ấn và sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc – Ấn Độ một phần không nhỏ là nhờ tính tích cực, chủ động và vai trò cầu nối của Nga. Về phía Trung – Ấn, ngay cả khi hai nước có sự thay thế lãnh đạo (Trung Quốc với Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, Ấn Độ với N. Modi làm Thủ tướng cả hai được coi là cứng rắn hơn những người tiền nhiệm), quan hệ hợp tác Trung – Ấn cũng đã có những tiến triển khả quan. Điểm mới rất đáng chú ý là sự gia tăng vai trò của Ấn Độ. Một điều khá rõ ràng là chính sách năng động, quyết đoán của tân Thủ tướng Modi đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi quan hệ của Ấn Độ với các nước lớn, trong đó có quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển nói trên trong các mối quan hệ hai bên và ba bên, chưa thể nói rằng trên thực tế đang có một “tam giác chiến lược” Nga – Trung – Ấn hoạt động như một liên minh hay như một tổ chức. Vì sao vậy? Có mấy lý do chủ yếu như sau:

Thứ nhất, cả ba đều là những nước lớn đang mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, nên rõ ràng khó tránh khỏi cạnh tranh, thậm chí còn cọ xát, va chạm về lợi ích quốc gia. Trên thực tế, trong các cặp quan hệ song phương của tam giác này, kể cả cặp Nga – Trung, cũng đang tồn tại không ít bất đồng trong các lĩnh vực khác nhau. Quan hệ Nga – Trung, dù hiện tại đang được đánh giá là “nồng ấm nhất”, thậm chí còn được Tổng thống V.Putin coi là mối quan hệ giữa “hai đồng minh tự nhiên”, nhưng như nhiều đánh giá, đây là “một cuộc hôn nhân vật chất hơn là tình yêu thực sự, khi sự hoài nghi tồn tại ở cả hai bên”(1). Trong quan hệ Ấn – Trung, ngoài những tranh chấp lãnh thổ, việc thiếu đi lòng tin chiến lượcvẫn là trở ngại lớn nhất cản trở sự gia tăng hợp tác giữa hai nước lớn này. Hơn nữa, ngoại trừ Nga, chưa hẳn Ấn Độ và Trung Quốc đã mong muốn sự ra đời của “tam giác chiến lược” này. Trung Quốc thường coi trọng các quan hệ song phương hơn và rất thận trọng khi tham gia các liên minh đa phương, còn Ấn Độ vốn có truyền thống “bất bạo động” và “không liên kết”, đồng thời không muốn vì các mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc mà làm tổn hại đến quan hệ với Mỹ. Tất cả những điều này cản trở sự hình thành một liên minh ba bên theo đúng tên gọi của nó.

Thứ hai, nhân tố Mỹ có ảnh hưởng lớn đến quan hệ ba bên Nga – Trung – Ấn và trong tính toán chiến lược của mỗi nước. Trên thực tế, Mỹ có lợi ích to lớn trong hợp tác trên mọi phương diện với cả ba nước. Ba nước lớn này ổn định, hòa bình và phát triển nằm trong lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ. Nhưng Mỹ không mong muốn bất kỳ nước nào trong ba nước này phát triển mạnh đến mức đe dọa vị thế siêu cường thế giới duy nhất của Mỹ, càng lo sợ hơn nếu họ hình thành một liên minh chống Mỹ. Trong khi đó, nếu quan hệ Mỹ – Ấn có nhiều điểm tương đồng hơn, thì những bất đồng trong quan hệ Mỹ – Trung, nhất là Mỹ – Nga không dễ dung hòa một sớm, một chiều. Những căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ hiện nay có thể dẫn đến tình huống “giọt nước tràn ly” và có thể khiến Nga sử dụng triệt để các công cụ, các lợi thế của mình để thúc đẩy sự ra đời trục Mátxcơva – Bắc Kinh – Niu Đêli mang tính chống Mỹ rõ rệt. Nhưng cũng có thể thấy cả ba nước Nga, Trung, Ấn đều đang thực hiện một chính sách đối ngoại rất thực dụng. Bất luận những bất đồng, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, về tổng thể cả ba nước này đều coi trọng quan hệ với Mỹ, trong sâu xa đều không muốn đối đầu với Mỹ, kể cả nước Nga hiện tại dưới thời Tổng thống Putin. Chính vì vậy, tác động của nhân tố Mỹ đến ba nước Nga, Trung, Ấn mang tính hai mặt: vừa thúc đẩy họ xích lại gần nhau, vừa cản trở một liên minh chiến lược của họ.

Tóm lại, còn quá sớm để nói rằng đã ra đời “thế chân kiềng” Nga – Trung – Ấn. Hiện tại, tam giác Nga – Trung – Ấn không phải là một khối hay một liên minh quân sự – chính trị, mà là một hệ thống đối tác mềm dẻo, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là hợp tác đấu tranh chống các thách thức toàn cầu, nhất là hợp tác kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.

4. Một vài dự báo về tác động của tam giác Nga – Trung – Ấn tới Việt Nam

Có mấy kịch bản khác nhau về xu hướng vận động của “tam giác chiến lược” Nga – Trung – Ấn như sau:

Kịch bản thứ nhất,tam giác là có thể và cần thiết để hình thành hệ thống thế giới đa cực, nghĩa là tạo nên một đối trọng địa – chính trị thực sự đối với “thế giới một cực” của Mỹ. Cả ba nước trong tam giác đều mong muốn tạo dựng một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, nơi mà họ có thể tối đa hóa các lợi ích chiến lược của mình, nên trong những năm tới sẽ cố gắng để “tam giác chiến lược” hay “thế chân kiềng” Nga – Trung – Ấn đi vào thực chất.

Kịch bản thứ hai,tam giác này là không thực tế nên không thể hình thành. Giữa họ có những xung đột lợi ích không thể dung hòa, nhất là những tham vọng quá lớn của Trung Quốc không khỏi không khiến Nga và Ấn Độ về lâu về dài cảm thấy bất an. Dù trong thời điểm hiện tại Nga đang bị Mỹ và phương Tây cô lập nên phải ngả sang phía Trung Quốc nhiều hơn, nhưng nguy cơ trở thành đối tác lép vế hay đồng minh hạng hai của Trung Quốc không phải không thể xảy ra. Liệu nước Nga có sẵn sàng chấp nhận tình thế đó không? Còn tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể được giải quyết trong tương lai gần không?  Rồi tình trạng nghi kỵ, dè chừng lẫn nhau đến nay vẫn tồn tại giữa ba nước có sớm được giải tỏa không?  Các câu trả lời là không.

Kịch bản thứ ba,sự hiệp đồng, nếu có, chỉ có thể diễn ra trên cơ sở song phương, động lực chủ yếu của điều này là nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ về vũ khí và dầu khí của Nga; nhu cầu của Nga về việc có đồng minh hay “đối tác chiến lược” thực chất, cùng với đó là công nghệ phần mềm của Ấn Độ và hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc. Do đó, khả quan nhất là xu hướng gia tăng hợp tác song phương Nga – Trung, Nga – Ấn, Trung – Ấn, còn tam giác chiến lược theo đúng nghĩa “thế chân kiềng” khó lòng thành hiện thực.

Có thể thấy tất cả những nhìn nhận trên đều ít nhiều có cơ sở của nó. Về phần mình, có lẽ ba nước Nga – Trung – Ấn sẽ không đi tới thành lập một liên minh hay một tổ chức mang tính đối kháng với bên ngoài, nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện một cơ cấu tổ chức ba bên có đường nét rõ ràng. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa ba nước này sẽ không ngừng tăng lên.

Tam giác Nga – Trung – Ấn có những tác động như thế nào đến Việt Nam? Cả trong lịch sử lẫn hiện tại, quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn luôn có những vấn đề  đặt ra. Nói về tác động của quan hệ tay ba Nga – Trung  – Ấn đến Việt Nam, thì nước ta đã, đang và sẽ còn chịu những tác động không nhỏ từ mối quan hệ tay ba và song phương trong tam giác này. Và bất luận “tam giác chiến lược” Nga – Trung – Ấn vận động theo kịch bản nào cũng luôn ẩn chứa cả mặt tích cực lẫn tiêu cực đối với Việt Nam.

a. Tác động tích cực:

Cả ba nước Nga – Trung – Ấn đều coi trọng vai trò của châu Á – Thái Bình Dương (CATBD), Đông Nam Á nói riêng trong bàn cờ địa – chiến lược của họ ở khu vực này cũng như trên thế giới, đều mong muốn gia tăng sự hợp tác nhiều mặt giữa họ với khu vực. Trong khi đó, Việt Nam, với tư cách là một nước có vị trí địa – chiến lược quan trọng, “cầu nối” cả đất liền và biển giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đồng thời là thành viên tích cực đang lên của ASEAN, nên đều được cả ba nước Nga -Trung – Ấn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác. Nước Nga đang coi Việt Nam là trụ cột để khuếch trương thế và lực tại ASEAN. Trung Quốc đang thực hiện chính sách hướng Nam, không thể không coi trọng hợp tác nhiều mặt với Việt Nam – quốc gia láng giềng án ngữ con đường “Nam tiến” của nước này. Còn Ấn Độ với “Chính sách hướng Đông”, đang coi quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng. Ngoài ra, khi ba nước có cùng mục tiêu chung là xây dựng một CATBD hòa bình, ổn định và kiềm chế tham vọng của Mỹ ở khu vực này, thì không thể bỏ qua vai trò của Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó.

Nếu mặt hợp tác trong tam giác Nga – Trung – Ấn tăng lên thì Việt Nam có thể làm “cầu nối” quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa ba nước này với ASEAN. Và trong một thế giới đang gia tăng tính tuỳ thuộc lẫn nhau này, nếu mặt hợp tác giữa Nga – Trung – Ấn ở khu vực tăng lên, mang lại nhiều lợi ích cho họ thì cũng đồng thời làm tăng lên trách nhiệm của họ trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực. Tất cả những điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Việt Nam, làm gia tăng uy tín, vai trò, vị thế quốc tế của quốc gia dân tộc.

Còn nếu như mặt cạnh tranh trong tam giác Nga – Trung – Ấn gia tăng, thì từng nước một trong tam giác đều muốn tập hợp lực lượng riêng cho mình, nên sẽ muốn thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, liên kết với Việt Nam không chỉ trên lĩnh vực kinh tế – thương mại mà cả chính trị – ngoại giao, quân sự – quốc phòng, văn hóa – xã hội. Tình thế đó vô hình chung cũng góp phần tăng thêm “sức mặc cả” của Việt Nam.

b. Tác động tiêu cực:

Xu hướng đa cực hóa và gia tăng cạnh tranh Nga – Trung – Ấn tạo ra không ít thách thức đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Tham vọng kiểm soát không gian địa – chính trị của các nước lớn này có thể gây ra nhiều khó xử cho Việt Nam trong việc “lựa đường” và trong quan hệ với họ. Nếu không xử lý tốt các mối quan hệ đó, Việt Nam có thể kẹt ở giữa, có khi bị cả “ba làn đạn” từ các đối thủ cạnh tranh hay trở thành “bia đỡ đạn” của đối thủ kia. Sự cạnh tranh giành ưu thế địa – chính trị giữa Nga – Trung, Ấn – Trung tại Đông Nam Á còn có thể bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc và nước lớn. Điều này lại càng làm tăng sự phức tạp hay nhạy cảm trong quan hệ của Việt Nam với các nước lớn này.

Sự gia tăng quan hệ Nga – Trung, Trung – Ấn, Nga – Ấn theo hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức không nhỏ đối với Việt Nam về vị thế và cách ứng xử.Hiện nay, Việt Nam cũng như ASEAN có vị thế quan trọng ở khu vực, nên cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh với nhau nhằm giành vai trò lớn hơn ở Việt Nam và trong khu vực. Nhưng nếu như ba nước này đạt được các thỏa thuận riêng rẽ thì vai trò của Việt Nam sẽ bị giảm đi, thế mặc cả của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế cũng giảm xuống. Trên thực tế cả ba nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều cần đến nhau, sự gia tăng quan hệ hợp tác với nhau đã tạo điều kiện cho từng nước phát huy tiềm năng và lợi thế. Vì vậy, quan hệ giữa họ đã, đang và chắc chắn sẽ có sự tiến triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đây là một thách thức lớn với Việt Nam, bởi khả năng cạnh tranh của Việt Nam chưa thể so với ba nước này.

Việc ba nước Nga – Trung – Ấn thúc đẩy hợp tác Đông Á cũng gây nên không ít thách thức cho Việt Nam. Liên kết sâu rộng hơn về kinh tế sẽ tác động đến một số vấn đề nhạy cảm chính trị, đòi hỏi Việt Nam phải có một số nhượng bộ nhất định, trong khi môi trường trong nước chưa sẵn sàng chấp nhận những thay đổi đó. Hơn nữa, mỗi nước thành viên đều có yếu tố đặc thù, có quyền lợi và ý đồ riêng mà Việt Nam hiện tại chưa nhận diện hết. Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều bất cập về nguồn lực con người và vật chất cho tiến trình hội nhập. Sự nổi lên của các vấn đề an ninh tại Đông Nam Á, nhất là từ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng đã và đang đặt Việt Nam trước các thách thức không nhỏ. Không loại trừ tình huống vì lợi ích riêng của mình mà Nga và Trung Quốc có thể mặc cả, thỏa hiệp với nhau trên lưng Việt Nam, điều đã từng xảy ra trong quá khứ chưa xa.

Tóm lại, tác động của các mối quan hệ hai bên và ba bên trong tam giác Nga – Trung – Ấn đến Việt Nam cả hiện tại và tương lai luôn mang tính hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực. Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm thế nào để nâng cao nội lực, sức mạnh quốc gia tổng hợp. Đó là cơ sở quan trọng nhất để có thể vừa tận dụng tối đa những cơ hội và điều kiện thuận lợi mà tam giác này dù vô tình hay cố ý tạo ra, vừa giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các nước này và từ các mối quan hệ của họ.

———————-

Chú thích:

(1) http://vietnamnet.vn.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ 

Tags: , , ,