Tại sao Karl Marx rất ‘hợp mốt’ nhưng lại bị hiểu lầm là kẻ lỗi thời?

Karl Marx còn có thể nói gì với chúng ta nhiều thập niên sau khi bức tường Berlin sụp đổ? Và ông đã bị mọi người hiểu sai như thế nào?

Tại sao Karl Marx rất ‘hợp mốt’ nhưng lại bị hiểu lầm là kẻ lỗi thời?

Giáo sư triết học người Đức Andreas Arndt trả lời cuộc phỏng vấn trên đài “Deutschlandradio Kultur” (tạm dịch: Đài phát thanh văn hóa Đức) ngày 20/11/2014, ngày triết học thế giới. Hồ Ngọc Thắng lược dịch.

Dieter Kassel: Hôm nay là Ngày triết học thế giới. Tình cờ, đúng 25 năm và 11 ngày về trước bắt đầu sự kết thúc của Nhà nước CHDC Đức… Từ sự tình cờ, chúng ta coi đây là cơ hội, không phải để nói về một nhà triết học hay một tiến trình nào đó, mà cụ thể là nói về K. Marx. Điều này được thực hiện với sự tham gia của Andreas Arndt, ông là Giáo sư Triết học tại Trường đại học tổng hợp Humboldt  – Berlin. Chào buổi sáng tuyệt đẹp, thưa Giáo sư Andreas Arndt!

– Andreas Arndt: Chào buổi sáng!

– Chúng ta nói chuyện trong một ngày có liên quan nhiều sự kiện hệ trọng, vậy ông hiểu về K. Marx hôm nay khác với thời điểm 25 năm về trước như thế nào?

– Khác với 25 năm về trước, đó là điều chắc chắn. Nhưng không phải vì các sự kiện chính trị xảy ra 25 năm trước, mà vì sau đó và từ đó đến nay, việc nghiên cứu một cách tổng thể về K. Marx vẫn tiếp tục phát triển.

Có thể anh cũng đã biết, bộ toàn tập Marx – Engels cùng nhiều bản văn mới và quan trọng được xuất bản. Thí dụ, cuốn Tư bản luận được xuất bản toàn bộ cùng tất cả các bài viết sơ bộ. Trong ấn phẩm mới xuất bản này, có thể thấy rất rõ công việc biên tập do F. Engels đã tiến hành về sau. Phải nói một cách khách quan là công việc biên tập rất thông minh. Toàn bộ các bản thảo do K. Marx viết cho thấy đó là một công trình chưa kết thúc, tuy còn dở dang nhưng vẫn rất hợp thời. Nghiên cứu các công trình đó của ông, chúng ta sẽ có nhìn nhận hoàn toàn khác hẳn trong nhiều vấn đề.

– Liên quan đến việc xuất bản toàn tập mới này, một câu hỏi được đặt ra: Hôm nay ai còn muốn biết đến nó nữa? Còn đối với ông thì sinh viên của ông như thế nào? Về tuổi đời, họ còn trẻ nên họ không hề biết về thời gian trước khi thống nhất nước Đức và không được chứng kiến Chủ nghĩa xã hội trong cuộc sống đời thường. Hôm nay, họ quan tâm tới điều gì ở K. Marx?

– Sự quan tâm thật sự đã có và thường xuyên có rồi. Thí dụ, trước đây 25 năm, ở Trường đại học tự do Berlin (Freien Universitét Berlin) tôi có một bài giảng tại giảng đường lớn về K. Marx, đúng thời điểm mà người ta có thể nói, CHDC Đức từ biệt cộng đồng các quốc gia. Hồi đó rất nhiều sinh viên từ Đông Berlin sang đây, họ đến để nghe ở phương Tây người ta nghĩ gì về K. Marx.

Sau đó một thời gian, K. Marx có vẻ không hợp thời, nhưng hoàn toàn không phải do tôi, mà mối quan tâm của sinh viên lúc đó cũng không còn. Tôi có làm một cuộc hội thảo về quyển ba của Tư bản luận; cuốn này đề cập khá nhiều đến khủng hoảng tài chính, người ta sẽ nhận thấy nếu đọc kỹ. Khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu thì các sinh viên thức tỉnh. Họ luôn mang đến trường những đoạn báo trong phần viết về kinh tế trên tờ Thương mại hoặc Tấm gương hằng ngày. Họ nói rằng, đây chính là những gì mà K. Marx từng suy nghĩ và viết ra.

Chắc chắn là có mối quan tâm lớn đối với K. Marx. Hai năm trước có một sự kiện để nói rõ điều này: Trường đại học tổng hợp Humboldt – Berlin (Humboldt -Universitét zu Berlin) đã tiến hành một hội nghị quốc tế lớn về K. Marx. Người chịu trách nhiệm tổ chức là một đồng nghiệp của tôi, bà Rahel Jaeggi. Người tham gia đông đến mức một số người không tìm được chỗ ngồi trong phòng hội nghị. Người đến rất tấp nập, chủ yếu là những người trẻ. Tôi không biết chính xác, nhưng có thể chỉ 20% số người tham dự thuộc cánh tả cũ, phần còn lại là những người còn trẻ, họ là những người quan tâm đến K. Marx.

– Các sinh viên đã đến gặp ông cùng những bài báo của tờ Thương mại và muốn được giải thích vấn đề bằng lý thuyết triết học. Phải chăng ông đã nói một cách nghiêm chỉnh với họ rằng, K. Marx đã cảnh báo từ lâu rồi về khả năng xảy ra sự cố, như sự cố của Ngân hàng Lehman Brothers? (Ngân hàng Lehman Brothers – Anh em nhà Lehman, thành lập năm 1850, được coi là tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Hoa Kỳ. Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers đã tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD sau khi không có công ty nào mua lại – Người dịch).

– Không biết liệu K. Marx đã có cảnh báo trước theo phương thức này. Nhưng theo tôi, việc để xảy ra khủng hoảng tài chính còn phụ thuộc vào quyết định của đường lối tài chính nhất định, cụ thể như việc Hệ thống Bretton – Woods bị làm mất hiệu lực. Nhưng nguyên nhân của các tiến trình này, K. Marx đã phần nào giải thích bằng một kiến thức rất đơn giản, một kiến thức mà người ta phải nhắc lại và thấm nhuần: tiền không thể tự ấp để nở ra tiền con. (Hiệp ước Bretton Woods ra đời từ hội nghị diễn ra tại Bretton Woods (New Hamshire – Hoa Kỳ) năm 1944 nhằm thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hiệp ước Bretton Woods đưa ra quy định một ounce vàng có giá là 35 USD. Hiệp ước này kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971 thì kết thúc – Người dịch).

Nói cách khác, tiền không thể tự sinh sôi nảy nở, mà đó là những tiến trình khác. K. Marx đã tìm cách khám phá các tiến trình này. Trong thời kỳ hiện nay, kinh tế tài chính gần như đã trở nên độc lập, có xu hướng ngày càng tách khỏi nền kinh tế thực tế, nơi được cho là có thể kiếm lợi nhuận, khiến cho nó chẳng còn liên quan tới lĩnh vực sản xuất như quan niệm cổ điển. Tôi tin là K. Marx có thể giảng giải về sự nhầm lẫn đó, vì thật sự phần nào ông đã nhận thấy rất rõ, và phân tích được các xu hướng độc lập hóa. Trong cuốn ba của Tư bản luận có một số đoạn viết về vấn đề này. Như vậy, các thí dụ mà sinh viên nêu ra đều trùng khớp.

– Rất cần thiết cho phần kết thúc nếu quan sát quá khứ và hiện tại, trong con mắt của ông, ai là người đã thường xuyên hiểu sai và hiểu sai nghiêm trọng hơn? Những người của phe cánh tả hay là người của phe bảo thủ?

– Tôi tin tất cả họ đều hiểu sai K. Marx. Nếu được phép một lần nói một cách táo bạo thì tôi sẽ nói: những người bảo thủ, thường xuyên nhắc lại những điều hiểu lầm của những người cánh tả, chỉ với mục đích là để họ đi đến một đánh giá hoàn toàn khác về K. Marx.

Tôi sẽ nói rằng, sự hiểu lầm lớn nhất mà K. Marx phải chịu đựng chính là ở chỗ, mục đích toàn bộ cố gắng của ông là suy nghĩ về một khả năng cho một xã hội có thể lựa chọn trong điều kiện hiện đại. Trong điều kiện hiện đại, về cơ bản phải coi tự do cá nhân là trọng tâm. Thật ra điều đó được ghi rõ trong Tuyên ngôn cộng sản. Vừa qua, tôi có nói chuyện với một người trước đây là công dân của CHDC Đức, ông ấy nói với tôi, thật ra chúng tôi luôn đọc sai điều K. Marx nói rằng tự do của mỗi người là điều kiện cho tự do của mọi người, và luôn hiểu trái ngược lại, tập thể trước và mỗi người sau. Không, điều đó đối với K. Marx là trái ngược, vì đối với ông thì tự do cá nhân luôn đứng ở điểm trọng tâm.

Và có thể chỉ ra ở một số điểm khác, thí dụ như về phạm trù kinh tế, trong đó K. Marx phác thảo ra một chế độ xã hội kiểu mới có thể lựa chọn được, như chúng ta vẫn nói thì đó là chế độ xã hội hậu tư bản, một xã hội có sở hữu cá nhân. K. Marx viết rằng, trong chế độ xã hội hậu tư bản, công nhân có quyền sở hữu cá nhân đối với sản phẩm do công việc của họ đem lại. Điều này bị hiểu lầm một cách nghiêm trọng, vì có nhiều người cho rằng đó là hàng hóa tiêu dùng. Thí dụ, mỗi công nhân có bàn chải đánh răng của mình, có tủ lạnh riêng, ô-tô riêng và rất nhiều hàng tiêu dùng khác, đó là những thứ mà K. Marx hoàn toàn chưa đề cập tới.

Rõ ràng, về cơ bản là có một quyền cá nhân như thế, điều đó chỉ có nghĩa là chính trong kinh tế và trong tổ chức kinh tế, người ta phải sắp đặt những tiến trình dân chủ, trong đó mỗi người có thể thực hiện quyền sở hữu về tài sản, cũng tức là có thể cùng quyết định cái gì được sản xuất, được sản xuất như thế nào, được phân phối ra sao… Đó là một vấn đề đã không được mọi người chú ý.

Nhưng đã có một trường hợp ngoại lệ duy nhất, ông André Brie, lúc đó đảng của ông còn mang tên PDS (Đảng Chủ nghĩa xã hội dân chủ, là đảng kế thừa của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, nay đổi tên thành Đảng cánh tả – Người dịch), trong bài đăng sau khi thống nhất nước Đức, ông có viết đáng lẽ chúng ta phải hành động như thế, đúng theo các kiến thức này. Đó là một nhận thức muộn màng, đúng hơn là nhận thức quá muộn màng. Nhưng chính nhận thức đó cũng không được chú ý trong tranh luận. Và thực tế đã có những điểm cần phải nêu ra.

– Như vậy có nhiều điều mà sau cuộc trò chuyện tôi sẽ nói rằng, người ta có thể tư duy mới lại một lần nữa, khác đi, sâu sắc hơn và không quên đọc các công trình của K. Marx. Có những suy nghĩ mang tính gợi ý và đã trao cho ông, ông có thể tiếp tục phát triển chúng. Cảm ơn ông Arndt rất nhiều!

– Tôi cảm ơn vì cuộc nói chuyện, xin cảm ơn!

Theo NHÂN DÂN ONLINE 

Tags: , ,