Tại sao học sinh Phần Lan không cần làm nhiều bài tập về nhà mà vẫn giỏi?

Làm thế nào mà trẻ em ở Phần Lan ở trường ít giờ hơn, phải làm ít bài tập về nhà hơn mà vẫn có thể đạt được kết quả học tập đứng hàng đầu thế giới?

Câu hỏi này nhắm vào trọng tâm của rất nhiều nỗi lo lắng của những người làm cha mẹ về việc liệu con em họ có chịu quá nhiều áp lực về việc phải nỗ lực ở trường

Các bậc phụ huynh nào thường xuyên tham gia vào những buổi cãi vã quanh bàn ăn có thể phải cân nhắc lại nếu trẻ em Phần Lan có thể làm được mà không cần học cả đêm.

Như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra: “Một trong những điểm đáng kinh ngạc nhất về hệ thống giáo dục ở Phần Lan là việc học sinh của họ có số giờ được dạy ít hơn bất cứ quốc gia OECD nào khác.”

Kỳ nghỉ hè dài

Nó cũng chạm đến một nỗi nhức nhối khác của gia đình và nhà trường – cái giá ngày càng cao của các kỳ nghỉ hè.

Trong khi học sinh ở Anh và xứ Wales vẫn đang đến trường vào giữa tháng Bảy, học sinh Phần Lan đã đi nghỉ hè được 6 tuần, trong một kỳ nghỉ hè kéo dài từ 10 đến 11 tuần.

Và để hoàn thiện bức tranh về “học ít hiểu nhiều”, học sinh Phần Lan về lý thuyết không cần phải đến trường trước năm 7 tuổi – mặc dù phần đông các em vẫn sẽ đi học trước thời điểm đó.

Nhưng khi bước vào các bài thi PISA quốc tế, Phần Lan đứng thứ 6 còn Anh quốc đứng thứ 23 về kỹ năng đọc, còn về Toán thì học sinh Phần Lan đứng hạng 12, học sinh Anh quốc hạng 26.

Một bảng xếp hạng khác về giáo dục của OECD xếp Phần Lan đứng hạng thứ 6 về toán và khoa học vào năm ngoái.

Vậy điều gì đang diễn ra? Làm thế nào mà học sinh Phần Lan bắt đầu chậm hơn, học ít tiết hơn mà vẫn vượt trội hơn các quốc gia khác?

Như là một phần trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh của mình, chính phủ Phần Lan đã lên một dự án chia sẻ những điểm mạnh trong hệ thống giáo dục của mình với các quốc gia khác.

Saku Tuominen, giám đốc của dự án HundrEd, nói rằng phụ huynh ở Phần Lan không muốn con mình ở trường lâu hơn.

Ông nói xã hội Phần Lan có một cách tiếp cận “toàn diện” với giáo dục, với các bậc phụ huynh mong muốn một cách tiếp cận thân thiện với gia đình.

Tôn trọng giáo viên

Học sinh Phần Lan có lượng bài tập về nhà không đáng kể, nếu so với ở Anh, và chuyện dạy thêm là không tồn tại.

Một khái niệm thiết yếu trong hệ thống giáo dục Phần Lan, theo lời ông Tuominen, là “lòng tin”.

Cha mẹ học sinh tin tưởng rằng nhà trường sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn và mang lại một nền giáo dục tốt cho con em họ trong thời gian lên lớp – và nhà trường thì đặt lòng tin vào chất lượng đội ngũ giáo viên.

Dạy học là một nghề được kính trọng ở Phần Lan và giáo viên được trao rất nhiều quyền tự do trong công việc

Đó là một sự khác biệt về triết lý giáo dục với hệ thống ở Anh, nơi mà theo ông Tuominen, giáo dục được xây dựng quanh một danh mục các bài kiểm tra, bảng xếp hạng các trường, mục tiêu và trách nhiệm giải trình cho công chúng.

Ông miêu tả khối lượng bài kiểm tra như là “cái đuôi điều khiển con chó”, một thành ngữ miêu tả một hệ thống lớn bị điều khiển bởi một bộ phận không quan trọng.

Nhưng trước khi cho rằng việc cách tiếp cận thong thả của người Phần Lan là tương lai của giáo dục, bạn cũng có thể dễ dàng đưa ra sự so sánh với các cường quốc giáo dục như Singapore hay Hàn Quốc.

Học sinh của họ cũng giỏi hơn học sinh Anh, nhưng đó là thành quả của một cách tiếp cận hoàn toàn đối lập, dựa trên thời gian học tập kéo dài và áp lực thành tích kinh khủng.

‘Kế hoạch dài hạn’

Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu hệ thống giáo dục, thay vì kiến tạo nên những thế hệ kế tiếp, thực chất chỉ phản ánh lại cơ cấu vốn có của xã hội.

Và trong trường hợp của Phần Lan, ông Tuominen nói rằng hệ thống giáo dục không thể bị tách rời khỏi nền văn hóa mà nó phục vụ.

Ông cho rằng đó là một xã hội công bằng, hiệu quả và gắn kết, và đi cùng với đó là một hệ thống giáo dục tương xứng.

Nghe như thể là mọi quốc gia sẽ mắc kẹt mãi mãi với hệ thống trường học mà họ được thừa kế.

Nhưng điều đáng nói là khi mới bắt đầu, hoàn toàn không có gì chắc chắn về thành công của Phần Lan.

Hệ thống giáo dục này được xây dựng trên nền tảng những cải cách đưa ra vào những năm 1970 và 1980, đã góp phần đưa một hệ thống giáo dục bình thường lên hàng đầu thế giới.

Russell Hobby, người đứng đầu Hiệp hội các Hiệu trưởng Anh, chọn ra sự “ổn định” thoát khỏi chu kỳ bầu cử như là điểm then chốt.

“Chính phủ Phần Lan có một cách tiếp cận dài hạn với chính sách giáo dục, giúp cho các kế hoạch được giữ nguyên trong một thời gian dài, cho chúng cơ hội phát huy tác dụng,” ông nói.

“Ở Anh thì mọi thứ diễn ra ngược lại. Chính phủ thường xuyên thay đổi chính sách và có một nỗi ám ảnh với hệ thống – như là trường chuyên – thay vì tập trung vào bằng chứng.”

Nhưng không có dấu hiệu gì là số ngày học hay số tiết học sẽ được cắt giảm ở Anh quốc.

Học sinh Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều có số ngày học cao hơn trung bình của khối OECD.

Và ở Anh, ngân sách chính phủ năm nay thực tế bao gồm một khoản chi cho việc kéo dài số ngày học ở cấp trung học.

Học sinh ở Anh hiện tại đang được dạy nhiều hơn các bạn Phần Lan 150 giờ trong năm.

Bài tập về nhà có ích

Giám đốc giáo dục của OECD, Andreas Schleicher, nói rằng học nhiều hơn sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

“Hãy dành thêm một tiếng dạy khoa học mỗi tuần và bạn sẽ thấy kết quả được phản ánh ở điểm số trung bình cao hơn,” ông nói.

Nhưng điều đó không có nghĩa thế là đủ để bắt kịp – vì những nước như Phần Lan, “tạo ra kết quả cao hơn trong thời gian ngắn hơn.”

Cũng tồn tại một câu hỏi lớn nữa về sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng.

Nếu như học sinh dành ít thời gian ở trường hơn, điều đó sẽ gây ảnh hưởng gì đến công việc của các bậc phụ huynh và chi phí cho việc chăm sóc trẻ?

Và cũng có tin không tốt trong việc đưa bài tập về nhà.

Mặc dù học sinh Phần Lan không cần chúng, các nghiên cứu chỉ ra rằng bài tập về nhà mang lại hiệu quả tích cực.

Giáo sư Susan Hallam từ Viện Nghiên cứu Giáo dục cho rằng có “bằng chứng chắc chắn” khẳng định bài tập về nhà thực sự giúp cải thiện sức học của học sinh.

“Không có thắc mắc gì về điều đó,” bà nói.

Một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Anh cho thấy các học sinh dành hơn 3 tiếng mỗi tối làm bài tập về nhà có cơ hội đạt 5 điểm GCSEs tốt, cao gấp 10 lần so với các học sinh không làm bài tập.

Vậy là chúng ta lại quay về với những tranh cãi lúc nửa đêm xoay quanh đống bài tập còn chưa được hoàn thành.

Theo BBC

Tags: ,