Tài nguyên thiên nhiên – mối quan tâm địa chính trị hàng đầu của các cường quốc

Những năm gần đây, các nhà chính trị và giới khoa học đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của các nguồn tài nguyên thiên nhiên đối với chiến lược đối nội và đối ngoại của các nước. Thậm chí có những người còn phản đối quan điểm chính trị văn hoá của Huntington về sự đụng độ giữa các nền văn minh và cho rằng tài nguyên thiên nhiên mới là cội rễ của các xung đột dai dẳng hiện nay chứ không phải văn hóa.

Tài nguyên thiên nhiên – mối quan tâm địa chính trị hàng đầu của các quốc gia

Tác giả: PGS-TS Nguyễn Văn Dân, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2011.

Địa chính trị được định nghĩa là “sự tranh giành giữa các đại cường quốc và giữa những đại cường quốc có tham vọng đối với việc kiểm soát lãnh thổ, kiểm soát các nguồn tài nguyên và những vị trí địa lý quan trọng như hải cảng, kênh đào, hệ thống sông ngòi, ốc đảo, cùng các nguồn của cải và nguồn ảnh hưởng khác”(1). Những quan điểm như thế cho thấy trên thực tế có tồn tại một xu hướng lý thuyết và thực hành địa chính trị được gọi là địa chính trị tài nguyên. Những tài nguyên có tầm quan trọng về địa chính trị là những tài nguyên gì? Trước hết đó là đất trồng trọt, là nước ngọt, rồi đến khoáng sản, trong đó đặc biệt phải kể đến dầu mỏ, là một nguyên liệu được gọi là vàng đen từ thế kỷ 19 đến nay.

Trong những nguồn tài nguyên của trái đất thì dầu mỏ được coi là quan trọng nhất, liên quan đến sự tồn tại và phát triển của nhiều ngành công nghiệp. Vì thế, nó cũng trở thành một nguyên cớ gây tranh chấp và xung đột quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế. Thực tế lịch sử đó cho thấy chính xung đột và tranh chấp dầu mỏ là một trong những nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ qua.

Sau khi dầu mỏ được phát hiện ở Mỹ năm 1859, các nước tư bản bắt đầu đổ xô đi tìm thứ tài nguyên quý giá này và đi đến một kết luận quan trọng: trữ lượng dầu mỏ lớn nhất là ở ngay cái nôi cổ xưa của nền văn minh loài người: khu vực Lưỡng Hà – Trung Đông. Các nước tư bản truyền thống như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… cùng với Hoa Kỳ đều nhanh chóng cho ra đời các công ty khai thác dầu mỏ lớn ở nhiều nơi trên thế giới.

Mặc dù các khu vực dầu mỏ không phải là trung tâm quyền lực chính trị của thế giới, nhưng chúng lại có ý nghĩa như là sức mạnh chiến lược quan trọng phục vụ cho các khu vực đầu não địa chính trị. Chính vì thế dầu mỏ đã không ít lần trở thành nguồn gốc của các cuộc xung đột.

Dầu mỏ đã trở thành một con bài quan trọng trong nền ngoại giao quốc tế kể từ đầu thế kỷ 20. Cả những nước sản xuất lẫn những nước tiêu thụ dầu mỏ đều phải quan tâm đến chính sách dầu mỏ và khía cạnh chính trị của dầu mỏ, làm xuất hiện một lĩnh vực được gọi là chính trị dầu mỏ.

Trên thế giới, các khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn hầu hết nằm ở “thế giới thứ ba”. Để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu, các nước đế quốc đã sử dụng những biện pháp chính trị – quân sự để áp đặt đường lối của mình cho các nước sở hữu dầu mỏ, trước hết là ngăn chặn việc quốc hữu hoá của các nước đó. Iran, Venezuela và Iraq là những trường hợp điển hình.

Iraq, nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, đã phải chịu một cuộc xâm lược của Hoa Kỳ năm 2003 dưới cái cớ chống khủng bố, để đến năm 2005, dưới tác động của Hoa Kỳ, Hiến pháp Iraq đã phải bảo đảm một vai trò chủ yếu cho các công ty nước ngoài. Tổ chức Diễn đàn Chính sách Toàn cầu đã khẳng định rằng dầu mỏ Iraq chính là “đặc điểm trung tâm của cảnh quan chính trị” ở đây.

Hiện nay nhiều nước đã bắt đầu sử dụng nhiên liệu sinh học để thay thế cho dầu mỏ: đó là nhiên liệu ethanol được sản xuất từ mía và ngô, dùng để thay thế cho xăng dầu. Người ta cho biết rằng từ năm 2003 đến 2006, nhiên liệu ethanol ở Brazil đã thay thế 40% mức tiêu thụ xăng dầu của nước này. Năm 2005, Thuỵ Điển cũng công bố các kế hoạch dự định đến năm 2020 sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn nhiên liệu hoá thạch(2).

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 đã cảnh báo cho thế giới về những nguy cơ gây mất an ninh lương thực do tình trạng dựng lương thựcđể sản xuất nhiên liệu sinh học. Cho nên, trong tương lai chưa xác định, dầu mỏ vẫn là nguồn nhiên liệu và nguyên liệu bảo đảm sựsống còn cho các ngành công nghiệp quan trọng của các quốc gia. Vì thế, những nước lớn như Hoa Kỳ luôn tìm cách duy trì sự ảnh hưởng của mình ở những nước sở hữu dầu mỏ lớn như Ả Rập Saudi, Kuwait, Iraq…

Một điều đáng qua tõm là trước khi xảy ra cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq năm 2003, những dự án khai thác dầu mỏ không thể thực hiện được trong môi trường chính trị lúc đó, khi Iraq chịu sự trừng phạt kinh tế do Liên hợp quốc áp đặt. Nhưng nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và chế độ hiện hành vẫn được duy trì, thì toàn bộ nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ chưa được khai thác của Irắc sẽ rơi vào tay các công ty ngoài Hoa Kỳ. Khi ấy, các công ty này có thể bán dầu cho Hoa Kỳ hoặc không, hay họ có thể dùng dầu mỏ làm quân bài chính trị. Dù thế nào thì cũng không thể có được sự đảm bảo rằng họ sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của Hoa Kỳ. Rõ ràng, cách duy nhất để ngăn chặn điều đó xảy ra là sắp đặt một sự “thay đổi chế độ” ở Bagdad và thiết lập một chính phủ có khả năng huỷ bỏ các hiệp định nói trên.

Tuy nhiên, chẳng có vị quan chức cấp cao nào viện dẫn điều đó ra làm lý do cho cuộc xâm lược Iraq. Làm như thế thì sẽ đánh mất đi sự tín nhiệm còn lại của chính quyền Bush ở châu Âu và Trung Đông. Nó cũng sẽ gây ra sự phản đối ở chính nước Mỹ rằng, người ta nghi ngờ việc đem xương máu để đổi lấy dầu mỏ. Nhưng chắc chắn là Nhà Trắng có ý thức rất rõ về tình hình dầu mỏ ở Iraq và những vấn đề do nó đặt ra cho việc thực hiện thành công chiến lược năng lượng dài hạn của chính quyền Bush. Chỉ có chiếm đóng Irắc và lập ra một chính phủ mới thì Hoa Kỳ mới tin chắc rằng những vấn đề đó sẽ được khắc phục.

Bên cạnh Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng là một cường quốc nhập khẩu lượng dầu mỏ lớn. Trung Quốc không tìm kiếm dầu mỏ từ Trung Đông và châu Phi như cách của Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc đang rất có ý thức về vai trò sống còn của nguồn “vàng đen” ở hai khu vực này. Hiện tại, dầu mỏ đang trở thành mục tiêu địa chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Nếu như cách đây hơn 20 năm Trung Quốc còn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Đông Á, thì ngày nay Trung Quốc lại là một quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều này đã góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện địa chính trị thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Cựu ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền từng nói: “Ngoại giao của Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ là ngoại giao dầu mỏ”. Chính vì thế mà người ta đã nói chính sách ngoại giao ngày nay của Trung Quốc là “ngoại giao vết dầu loang”. Đặc biệt là Trung Quốc đã chuyển từ chính sách “nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài” sang “khai thác dầu mỏ bên ngoài”(3).

Trong khi đó, những nước có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn cũng cố gắng sử dụng nó như một đòn bẩy chiến lược trên vũ đài chính trị quốc tế. Nước Nga từ khi Putin lên nắm quyền đã trỗi dậy được một phần là nhờ dầu mỏ. Việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã trở thành một con bài ngoại giao của nước Nga trên bàn cờ chính trị châu Âu và khiến cho phương Tây phải e ngại.

Dầu mỏ cũng giúp cho Iran thoát được các đòn trừng phạt của Liên hợp quốc trong vấn đề hạt nhân, khi nhiều nước phương Tây vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ của nước này. Dù rất muốn trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân, nhưng các cường quốc phương Tây và một số nước trong ban giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – là những nước ít nhiều đều phải nhập khẩu dầu mỏ của Iran – rất ngại sử dụng biện pháp cấm vận dầu mỏ, vì nếu làm thế, giá dầu sẽ tăng và làm phương hại đến nền kinh tế của họ.

Venezuela luôn là cái gai ở phía Nam đối với Hoa Kỳ vì lập trường cứng rắn của tổng thống Hugo Chavez phản đối chủ nghĩa bá quyền của Hoa Kỳ. Thế nhưng nước này lại là một trong bốn quốc gia hàng đầu cung cấp dầu thô cho Hoa Kỳ. Chính điều đó đã phần nào giải thích cho thái độ cứng rắn của ông Chavez mà Hoa Kỳ không có cách nào trừng phạt được.

Sudan cũng là một quốc gia dầu khí mới nổi lên ở châu Phi. Nhờ có tài nguyên dầu khí mà đất nước thuộc loại nghèo nhất thế giới này với nhiều bê bối về xung đột sắc tộc này đã được một số cường quốc vị nể. Từ năm 1995, Trung Quốc – một trong năm nước thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã giành được sân chơi dầu khí tại đây, và hiện tại Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Suđan(4). Từ đó, Suđan đã được Trung Quốc bảo vệ tại các diễn đàn quốc tế.

Hiểu rõ vai trò của địa chính trị dầu mỏ, các quốc gia sản xuất dầu mỏ hiện nay đã biết đoàn kết lại để tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm tạo đối trọng với các cường quốc trong thế cân bằng quyền lực. Thập kỷ 1970, các nước này đã cho ra đời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổ chức này nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc điều tiết khai thác và tiêu thụ dầu mỏ, chấm dứt sự độc quyền và khống chế của các công ty dầu mỏ phương Tây.

Về mặt sức mạnh chính trị của dầu mỏ, nhà báo Mỹ nổi tiếng Thomas Friedman khẳng định: “Với tất cả sự kính trọng dành cho Rụnan Rigõn, tôi không tin rằng ông ấy là người đã làm lụn bại được Liên bang Xôviết. Rõ ràng, trên thực tế còn có nhiều yếu tố khác, nhưng giá dầu toàn cầu sụt giảm vào khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 là yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. (Khi Liên bang Xôviết chính thức tan rã vào ngày Giáng sinh năm 1991, giá một thùng dầu dao động ở mức 17 USD).”(5) Ý kiến của Friedman có thể là quá phóng đại, tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu Friedman chỉ muốn nhấn mạnh đến sức chi phối của dầu mỏ đối với nền kinh tế Liên Xô.

Song, địa chính trị tài nguyên không chỉ có dầu mỏ. Đất nông nghiệp luôn được coi là tài nguyên quý giá nhất. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hitler cũng rất coi trọng đất đai có giá trị nông nghiệp chứ không chỉ chú tâm đến công nghiệp, thương mại và cho rằng, giải pháp lâu dài và bền vững để đảm bảo cho việc tự túc tự cấp của một dân tộc trước hết vẫn là nông nghiệp. Đức quốc xã muốn xây dựng một cường quốc đất liền ngay tại châu Âu chứ không chỉ trở thành cường quốc biển. Đó cũng là một nét đặc thù của địa chính trị Đức.

Cuộc cạnh tranh giành tài nguyên là một yếu tố có tính chất quyết định trong việc chi phối sự xung đột kể từ các cuộc chiến tranh được lịch sử ghi chép lại một cách sớm nhất, tại vùng Cận Đông thời cổ đại. Đến nay, các quốc gia đấu tranh để giành quyền kiểm soát những vùng đất thích hợp cho hoạt động nông nghiệp – thường là lưu vực các con sông hoặc những khu vực gần các con suối và các vùng đất màu mỡ.

Hầu như bất cứ một nguồn tài nguyên quý giá nào cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột quốc tế. Nước, nguồn tài nguyên tưởng chừng như vô tận lại đang trở thành đối tượng tranh chấp của nhiều quốc gia liền kề nhau. Vài thập kỷ gần đây người ta thấy nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước ngọt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguy cơ này càng lớn khi mà dân số thế giới đang có xu hướng gia tăng, khi tình trạng hạn hán trở nên phổ biến do hiện tượng biến đổi khí hậu. Năm 2003, UNESCO đã nêu một cảnh báo rằng trong 20 năm tới, lượng nước dành cho mỗi người sẽ giảm 30%(6). Vấn đề trở nên phức tạp vì các nguồn cung cấp nước ngọt lại không tuân theo biên giới chính trị của các quốc gia. Vì vậy rất nhiều nước phải cùng nhau chia sẻ một số lượng hạn chế các nguồn nước chủ yếu, làm gia tăng nguy cơ xung đột vì tranh giành nguồn nước chung. Chính vì thế, nước ngọt trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng trong địa chính trị tài nguyên. Nếu không có sự hợp tác trong việc khai thác các nguồn nước giữa các quốc gia liên quan, thì nước cũng có thể trở thành “ngòi nổ chiến tranh trong thế kỷ 21”. Một số quốc gia bị thiệt thòi khi có một nước sử dụng những biện pháp cưỡng chế nguồn nước làm phương hại đến các quốc gia láng giềng khác. Tình hình khai thác nước sông Nile ở châu Phi, sông Tigris ở Lưỡng Hà, sông Jordan ở Trung Đông, sông Indus ở Nam Á, sông Mekông ở Nam Trung Quốc và Đông Dương… đang làm cho những khu vực này trở thành những điểm nóng tiềm tàng.

Qua một vài viện dẫn trên đây có thể thấy rằng, tài nguyên chính là nguồn gốc chi phối mọi lĩnh vực địa chính trị khác, đặc biệt là chi phối lĩnh vực địa chiến lược. Chiến lược đối nội và đối ngoại của một quốc gia đều nhằm bảo vệ và khai thác địa chính trị tài nguyên. Những cuộc xung đột do tranh chấp tài nguyên nhiều khi đã dẫn đến một cuộc chiến tranh. Việc vẽ lại tấm bản đồ thế giới về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên sẽ cung cấp cho chúng ta một phương tiện chỉ dẫn đáng tin cậy về bạo lực tiềm tàng, góp phần cung cấp luận cứ cho các nhà hoạch định chính sách và chiến lược phát triển của một quốc gia.

———————————

Chú thích:

(1) Michaei Klare: The New Geopolitics, Monthly Review, Volume, No 3, July-August 2003.
(2) Xem Petroleum, www.wikipedia.org.
(3) Trích theo Phương Loan: Trung Quốc và ngoại giao vết dầu loang, ww.tuanvietnamnet. 13-10-2009.
(4) Xem Nguyễn Trường: Năng lượng dầu khí và chính trị thế giới, http://vietscences.free, 7-11-2008.
(5) Thomas Friedman: Nền chính trị dầu mỏ – Phần III Địa chất thao túng tư tưởng (An Duyờn – Phựng Thảo – Hà Anh dịch), Vietnamnet.vn, 29-6-2006.
(6) Xem Water Politics, en.vikipedia

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,