Sức sống của cách mạng Cuba từ cập nhật mô hình mới về chủ nghĩa xã hội

Cuba, đất nước nằm ngay cạnh cường quốc số một và nhiều thập niên bị Mỹ cấm vận, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Cuba luôn đứng vững và tiếp tục giành được nhiều thăng lợi quan trọng. Đặc biệt, từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba đề ra đường lối cập nhật mô hình kinh tế – xã hội, Đại hội VII, VIII tiếp tục công cuộc đổi mới, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, ngày càng thể hiện sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Sức sống của cách mạng Cuba từ cập nhật mô hình mới về chủ nghĩa xã hội

Tác giả: TS Lưu Tuấn Hiếu & NCS, ThS Hoàng Xuân Huy, Học viện Chính trị CAND.

1. Nước Cộng hòa Cuba nằm ở khu vực Caribbean thuộc châu Mỹ, do vị trí địa lí chiến lược quan trọng, Cuba từ rất sớm đã trở thành mục tiêu cạnh tranh chiếm giữ của nhiều cường quốc thế giới. Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, đã diễn ra hàng loạt phong trào đấu tranh và cao trào cách mạng của công nhân và các tầng lớp nhân dân Cuba, thuộc nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau vì các mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những phong trào này đều bị chế độ độc tài thân Mỹ đàn áp khốc liệt. Từ 1953-1959, dưới sự lãnh đạo của lực lượng cánh tả của Đảng Chính thống với nòng cốt là sinh viên, thanh niên do Phiđen Caxtơrô đứng đầu, phong trào cách mạng Cuba đã từng bước giành những thắng lợi quyết định. Ngày 01/01/1959, chế độ độc tài Batista bị lật đổ, một chế độ mới của nhân dân lao động được thiết lập, đánh dấu thắng lợi của cách mạng Cuba.

Trước năm 1959, kinh tế Cuba có nền kinh tế chủ yếu dựa vào độc canh (mía đường) thủ công, lạc hậu; nền kinh tế lệ thuộc nặng nề vào kinh tế tư bản và thị trường Mỹ. Ngay sau khi cách mạng thành công, Đảng và nhân dân Cuba đã cải tạo căn bản nền kinh tế đất nước, tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật ban đầu quan trọng cho chế độ xã hội chủ nghĩa.. Đến thập niên 80, Cuba đã có một nền kinh tế công – nông nghiệp tương đối phát triển, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại.

Trước những thay đổi của tình hình quốc tế, thập niên cuối của thế kỷ 20, kinh tế Cuba bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Sự tụt hậu về trình độ công nghệ, chất lượng sản xuất nguyên vật liệu thấp, quản lý kinh tế không hiệu quả, sử dụng lao động bất hợp lý, mất cân đối nghiêm trọng giữa mức lương bình quân khá cao và năng suất lao động thấp… dẫn đến sản xuất đình trệ, đời sống kinh tế – xã hội khó khăn. Đặc biệt, sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống CNXH trên thế giới tạm thời lâm vào thoái trào. . Các nước XHCN trên thế giới (Trung Quốc, Việt Nam…) đã tìm tòi, thực hiện đường lối đổi mới, cải cách, mở cửa phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong điều kiện đó, những khó khăn về kinh tế – xã hội, Cuba đặt ra yêu cầu bức thiết đặt ra là phải tìm ra con đường, biện pháp khắc phục những hạn chế, sai lầm, phát triển kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Khác với con đường cải cách, mở cửa của Trung Quốc, hay mô hình đổi mới của Việt Nam, Cuba đưa ra chủ trương cập nhật mô hình CNXH – cập nhật hóa mô hình kinh tế-xã hội.

2. Chủ trương cập nhật hóa mô hình kinh tế – xã hội đã được Đảng Cộng sản Cuba thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 6 đến 19/4/2011. Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba diễn ra từ ngày 16 đến 19/4/2016, tiếp tục thông qua 3 văn kiện mang tính chất định hướng cho quá trình cập nhật mô hình kinh tế xã hội. Theo đó, nội dung của chủ trương này bao gồm một số đặc điểm nổi bật sau:

Về sở hữu và phân phối: Hệ thống kinh tế mà Cuba xây dựng sẽ tiếp tục dựa trên nguyên tắc sở hữu xã hội chủ nghĩa của toàn dân đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu, vấn đề phân phối sản phẩm lao động sẽ được thực hiện theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Lao động đồng thời là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân và sẽ được trả lương tùy theo số lượng và chất lượng của lao động.

Về chế độ kinh tế: Kế hoạch hóa vẫn được ưu tiên nhưng sẽ tính đến các xu hướng phát triển của thị trường; Nhà nước sẽ tác động vào thị trường đồng thời có tính đến những đặc điểm riêng của thị trường. Mục tiêu của chủ trương này là để đảm bảo tính kế thừa của chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

Những tư liệu sản xuất chính vẫn tiếp tục thuộc sở hữu toàn dân và các doanh nghiệp nhà nước XHCN là hình thức quản lý cơ bản trong nền kinh tế quốc gia. Việc phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công cuộc xây dựng CNXH bởi nó sẽ cho phép Nhà nước có thể rảnh tay với những hoạt động kinh tế không chiến lược đối với đất nước và những khu vực mà Nhà nước không thể thực hiện có hiệu quả và chất lượng cần thiết nếu áp dụng hình thức quản lý nhà nước.

Về mặt xã hội: Nhà nước tiếp tục đảm bảo các dịch vụ giáo dục và y tế miễn phí cho toàn dân. Tiếp tục thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển cũng như việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và lịch sử dân tộc. Nhà nước chủ trương không để bất cứ người dân Cuba nào bị bỏ rơi và sẽ không bao giờ áp dụng các “liệu pháp sốc” đi ngược lại lợi ích của người lao động: “Cuba sẽ không áp dụng “liệu pháp sốc” của các nước tư bản để kích thích nền kinh tế, cũng như không bỏ mặc bất kỳ người dân nào trong xã hội, dù họ thuộc tầng lớp nào”[1].

Hiến pháp mới công bố ngày 10/4/2019, thay thế Hiến pháp 1976 tái khẳng định những mục tiêu tiêu cơ bản của xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời có nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng Cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa, định ra các chức danh lãnh đạo mới, quyết định số nhiệm kỳ và tuổi công tác tối đa của lãnh đạo cấp cao, công nhận những thành phần kinh tế mới…

Như vậy, nếu Đại hội VI là cột mốc định hướng con đường phát triển của cách mạng Cuba trong thời kỳ mới, thì Đại hội VII là sự khẳng định hướng đi đó, bắt đầu xây dựng cơ sở pháp lý và cuối cùng, cho dù có muộn hơn dự kiến, đã khởi động chuyển đổi kinh tế-xã hội của Cuba; thì Đại hội VIII được coi là cột mốc quan trọng trên con đường phát triển kinh tế-xã hội, đây cũng sẽ là thời điểm Đảng Cộng sản Cuba xác định tốc độ, trình tự và cường độ của những bước chuyển đổi sắp tới, để giải được bài toán then chốt nhất là nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước.

3. Với sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Raul Castro và Đảng Cộng sản Cuba, việc thực hiện chủ trương cập nhật mô hình kinh tế – xã hội Cuba đã được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đảng Cộng sản Cuba khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng chiến thắng những khó khăn và bảo tồn thành quả cách mạng. Những điều chỉnh này sẽ đảm bảo tính kế thừa của chủ nghĩa xã hội nhằm phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân”[2]. Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương “cập nhật mô hình kinh tế – xã hội”, Đảng và nhân dân Cuba đã đạt được những thành tựu quan trọng:

Về kinh tế: Cuba thực hiện việc mở rộng mô hình kinh tế tư doanh, thực hiện chính sách thu thuế mới, giảm đáng kể lực lượng lao động dư thừa trong khu vực kinh tế Nhà nước; từng bước dỡ bỏ việc sử dụng đồng tiền kép và thu hẹp chế độ bao cấp trong kinh tế. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tiếp cận công nghệ tiên tiến, phương pháp điều hành, quản lý mới để đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trước hết phải kể đến việc cắt giảm số lượng lao động dư thừa trong khu vực kinh tế nhà nước, Chính phủ Cuba đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực và quyết liệt nhằm cắt giảm số biên chế dư thừa để tiết kiệm ngân sách và thúc đẩy kinh tế phát triển. Những biện pháp này đã mang lịch hiệu quả rõ rệt: “trong giai đoàn 2010 – 2013, Cuba đã cắt giảm hơn 1 triệu lao động làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tương đương với 30% biên chế công chức Nhà nước, từ đó giảm được gánh nặng bao cấp lên tới 2 tỷ USD mỗi năm”[3]. Cùng với tiến trình cải tổ DNNN được đẩy mạnh, thì Chính phủ Cuba đã có nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế dân doanh và đã có hơn 500.000 người dân Cuba tham gia đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra Nhà nước còn ban hành một số quy định mới trong lĩnh vực tín dụng và ngân hàng nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, Chính phủ Cuba đã giao 1,5 triệu ha đất hoang cho nông dân, trong đó 79% diện tích đất được đưa vào để chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả. Trong giai đoạn 2011 – 2016, “Cuba đầu tư 450 triệu USD để thúc đẩy sản xuất lúa gạo và đáp ứng được 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước”[4]. Ngày 28/3/2014 Quốc hội Cuba đã thông quan “Luật đầu tư mới” thay thế cho luật đầu tư năm 1995. “Cuba đã ký kết được nhiều thỏa thuận song phương với Tây Ban Nha, Italia, Việt Nam, Trung Quốc… và duy trì được 42 thỏa thuận đầu tư song phương với các nước này”[5]. Tính đến tháng 12/2015, Cuba có hơn 1000 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động thuộc 340 tổ chức. Những kết quả thu được của việc thực hiện Luật đầu tư mới đã góp phần không nhỏ giúp Cuba phát triển kinh tế đất nước.

Bất chấp nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính, cộng với những thiệt hại do cơn bão Irma gây ra và tình trạng hạn hán kéo dài. Trong đó du lịch, vận tải và viễn thông, nông nghiệp và xây dựng là những ngành đóng góp lớn vào sự tăng trưởng 1,6% của nền kinh tế Cuba năm 2017. Đặc biệt ở lĩnh vực du lịch, trong năm 2017, bất chấp việc chính quyền Donald Trump siết chặt các quy định về đi lại, ngành du lịch của Cuba vẫn đón hơn 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó số khách đến với khu nghỉ dưỡng biển nổi tiếng Varadero đạt kỷ lục 1,7 triệu lượt. Du lịch hiện là lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho Cuba, với doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm. Năm 2018, Cuba ước đón 5 triệu khách du lịch quốc tế…
   Về mặt xã hội: song hành với việc cập nhật mô hình kinh tế, Đảng Cộng sản Cuba luôn chú trọng nâng cao đời sống cho nhân dân, phát triển giáo dục, y tế; Cuba tiếp tục duy trì hệ thống chính sách y tế, giáo dục miễn phí cho toàn dân, quan tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xem xét lại chính sách tiền lương và phân nhà thuộc sở hữu nhà nước cho nhân dân thiếu nhà ở. “Tính đến năm 2014, Cuba đã có 85% hộ gia đình có sở hữu riêng về nhà ở; 97% lãnh thổ đã được sử dụng điện; 95,3% dân số được dùng nước sạch, tỷ lệ người bị nhiễm HIV/AIDS thấp nhất thế giới là 0,03%, đặc biệt tỷ lệ người thất nghiệp ở Cuba thấp nhất ở Mỹ Latinh ở mức 2,7%”[6].

Hệ thống giáo dục miễn phí luôn là một ưu tiên hàng đầu của trong chính sách của Cuba. Hiện nay Cuba là một trong những nước có tỷ lệ đầu tư ngân sách quốc gia vào giáo dục cao nhất thế giới, khoảng 13,8% GDP. Với nền giáo dục được bao cấp toàn bộ, Cuba đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó xóa mù chữ là một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của nền giáo dục Cuba: “Cuba về cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu 100% người dân biết chữ”[7], với trung bình 20 học sinh/1 giáo viên.

Về y tế, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn do bao vây cấm vận của Mỹ, nhưng Cuba luôn chú trọng phát triển giáo dục, y tế và đã xây dựng được hệ thống y tế phát triển vượt bậc. Cuba đang duy trì một hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng, phục vụ miễn phí cho tất cả người dân. Những chương trình tiêm chủng toàn dân hay chăm sóc y tế phổ thông khác gần như xóa sổ những căn bệnh như bại liệt, rubella, lao phổi, thủy đậu.

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như thực hiện các dịch vụ y tế trong và ngoài nước, Cuba luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. “Tính đến 2013, Cuba đã đào tạo được hơn 78.000 bác sỹ, trong đó có 60.000 bác sỹ có bằng thạc sỹ, 96.000 nhân viên y tế”[8]. Hệ thống mạng lưới y tế không ngừng được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa. Cuba đã sử dụng y tế như một kênh ngoại giao quan trọng, nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị, đem lại nguồn thu cho đất nước. Cuba thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực y tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặt khác, việc xuất khẩu các dịch vụ y tế cũng mang lại cho Cuba nguồn thu ngoại tệ lớn, “hiện có khoảng 65.000 chuyên gia Cuba ở hơn 80 nước trên thế giới, chủ yếu là bác sỹ, chuyên gia, nhân viên y tế, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/ năm”[9].

Bên cạnh đó, ngành công nghệ sinh học của Cuba cũng khá phát triển, Cuba đã thành công trong việc điều chế nhiều loại thuốc, vắcxin đặc chủng bao gồm: “33 loại vắcxin, 33 loại thuốc chữa ung thư, 18 loại thuốc chữa bệnh về tim mạch và 7 loại thuốc chữa các bệnh khác”[10]. Đặc biệt là chế tạo thành công vắcxin chống COVID-19 Abdala có hiệu quả lên tới trên 90%. Cuba trở thành nhà cung cấp dược phẩm hàng đầu cho khu vực Mỹ Latinh, và nhiều quốc gia Châu Á.

Với những thành công trên, tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá Cuba là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế. Những thành tựu thần kỳ của nền y tế Cuba cho thấy giả thuyết về mối tương quan giữa “năng lực tài chính” với “khả năng chăm sóc sức khỏe” không phải trường hợp nào cũng đúng, và điều đó cho thấy một khía cạnh về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội

Về chính trị – ngoại giao: việc Mỹ đồng ý bình thường hóa quan hệ với Cuba  thông qua cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch R.Castro và Tổng thống B. Obama  (17/12/2014) đã cho thấy vị thế của Cuba ngày càng được nâng trên trường quốc tế; đất nước Cuba đã bước vào thời kỳ phát triển mới. Đây là những tiền đề quan trọng để Cuba sẽ giành được những kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh và thịnh vượng. Tuy nhiên khi lên cầm quyền 2017, Tổng thống Donald Trump đã có những hành động hòng “đảo ngược” tình hình, có những biện pháp mới siết chặt trừng phạt chống Cuba. Ví dụ như cấm nhập khẩu các loại rượu và thuốc lá cigar Cuba, cấm công dân Mỹ khi thăm Cuba lưu trú tại các khách sạn hoặc cơ sở thuộc sở hữu của Chính phủ, lãnh đạo nhà nước hay đảng Cộng sản Cuba… Ngày 24/9/2020, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, khẳng định các biện pháp thù địch này đã và đang vi phạm những quyền lợi chính đáng của người dân Cuba cũng như công dân Mỹ.

Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch vẫn luôn chống phá, nhưng Cuba vẫn luôn đảm bảo được sự ổn định về chính trị. Tại đại hội VIII Đảng Cộng sản Cuba diễn ra từ ngày 17 đến 19/4/2021 vừa qua, ông Miguel Diaz-Canel (60 tuổi) kế nhiệm Bí thư thứ nhất Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế-xã hội đã đề ra. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là kinh tế, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19 cùng với sự cấm vận và các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng cường từ Mỹ thì GDP của Cuba giảm 11% năm 2020,  bên cạnh đó, những bất ổn tình hình chính trị xã hội như tháng 7/2021 vừa qua của các thế lực thù địch là những vấn đề mang tính thách thức vài trò cầm quyền của Đảng và Nhà nước Cuba cần phải giải quyết. Do vậy thời gian tới, Cuba cần tích cực mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, các nước lớn, đặc biệt là Nga, Trung Quốc, Mỹ, EU và nhiều nước trên thế giới.

Có thể thấy rằng, chủ trương “cập nhật mô hình chủ nghĩa xã hội” của Cuba đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, cho thấy sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Cuba, tạo niềm tin cho nhân dân Cuba vào sự nghiệp cải cách kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuba đã bước đầu xây dựng được nền kinh tế với cơ cấu đa dạng, phát triển theo định hướng thị trường, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân, liên kết là động lực quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cùng với sự chống phá quyết liệt gây nhiều bất ổn về xã hội nhưng Cuba vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách bao cấp về giáo dục và y tế. Điều đó, không những chứng tỏ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn cho thấy sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện thực.

—————————-

Chú thích:

[1]Th.S Lộc Thị Thủy: “Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Cuba”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 04-2016, tr67.
[2], 5, 6Th.S Lộc Thị Thủy: “Đánh giá những thành tựu bước đầu của mô hình kinh tế – xã hội Cuba”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 08-2016, tr 9,10, 12
[5]Cập nhật hóa mô hình kinh tế xã hội Cuba và những kịch bản mới, Hội thảo tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 24/3/2016.
[6],9, 10Th.S Lộc Thị Thủy: “Đánh giá những thành tựu bước đầu của mô hình kinh tế – xã hội Cuba”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 08-2016, tr 16.
[9]Th.S Lộc Thị Thủy: “Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Cuba”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 04-2016, tr66.
[10]Th.S Lộc Thị Thủy: “Những thành tựu ấn tượng của Cuba về giáo dục và y tế”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 02-2017, tr 62.

Theo HVCTCAND.EDU.VN

Tags: ,