⠀
Sức khỏe sinh thái: Vì sao mỗi người chúng ta cần phải quan tâm?
Đại dịch COVID-19 cho thấy, trong tương lai gần, chúng ta không thể bỏ qua sức khỏe sinh thái (ecological health) – mối liên hệ giữa sức khỏe con người và các điều kiện môi trường, nếu muốn có một cuộc sống khỏe mạnh.
Một thế giới nhiều rủi ro
Mặc dù đến thời điểm này, chưa nhóm nghiên cứu nào trên thế giới xác quyết về nguồn gốc của virus nhưng sự tương đồng về trình tự hệ gene giữa SARS-CoV-2 và nhóm virus họ corona đã gợi mở về khả năng dơi có thể là ổ bệnh tự nhiên của SARS-CoV-2. Tuy còn chưa rõ vật chủ trung gian nào bắc cầu cho virus từ dơi lây truyền sang người nhưng đây cũng là gợi ý để các nhà nghiên cứu khám phá về loài dơi tại một số địa điểm phân bố loài dơi lá mũi ở miền Nam Trung Quốc và một số quốc gia xung quanh, đặc biệt là Đông Nam Á bởi độ đa dạng sinh học ở khu vực này có nhiều liên quan đến các loài virus.
Câu chuyện về nguồn gốc đại dịch hé mở cho chúng ta một điều: thế giới tự nhiên còn quá nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa thể khám phá hết. Trong quá trình sống và tương tác qua lại, thế giới tự nhiên có thể một tay hào phóng ban tặng con người nhiều món quà nhưng tay khác cũng có thể mang đến những tai ương dịch bệnh. Tại sao người ta có thể nghĩ đến những điều tồi tệ như vậy? Theo báo cáo công bố vào tháng 7/2020 của Tổ chức Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES)1, ước tính có 1,7 triệu virus xuất hiện trên động vật (những vật chủ được nhận diện là nguồn gốc của những bệnh dịch mới), trong số đó có khoảng 631.000 đến 827.000 virus có khả năng lây nhiễm lên người. Trong lịch sử, 70% các dịch bệnh mới nổi và hầu hết các đại dịch đều là bệnh từ virus trên động vật. Những ổ chứa các mầm bệnh với nhiều khả năng gây đại dịch đáng chú ý nhất là động vật có vú (cụ thể là dơi, họ gặm nhấm, động vật linh trưởng), một số loài chim nước cũng như gia súc, vật nuôi (lợn, lạc đà, gà).
Ở quy mô toàn cầu, sự xuất hiện của những bệnh lây truyền từ động vật mới nổi có mối tương quan với sự đa dạng của động vật hoang dã, mật độ dân số và sự thay đổi về môi trường do con người gây ra. Theo đánh giá của các chuyên gia IPBES, có nhiều bằng chứng chứng minh sự mất mát đa dạng sinh học – do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, phá hủy nơi cư trú, sự xâm lấn của các loài ngoại lai, sự khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất đai, thị trường ngầm buôn bán động vật hoang dã… – làm gia tăng khả năng lây truyền của vi sinh vật từ động vật lên con người trong những điều kiện nhất định. Những cơ chế lây truyền hết sức phức tạp và khó xác định, ví dụ có một số vi sinh vật xuất hiện trên nhiều loài vật chủ, trong đó có những vật chủ đóng vai trò quan trọng hơn vật chủ khác.
Dưới sự thúc đẩy của biến đổi khí hậu và sự thuận tiện của các đầu mối giao thông, nguy cơ của đại dịch tiềm năng đang ngày một gia tăng. Các chuyên gia IPBES cho rằng, hằng năm có hơn năm loại dịch bệnh mới nổi rình rập và bất cứ bệnh nào cũng có khả năng lan truyền thành đại dịch. Cũng có quan điểm đổ lỗi cho thế giới tự nhiên về điều này nhưng theo báo cáo của IPBES, nhu cầu hằng ngày của gần 8 tỉ người về thịt, gỗ, lúa mì, ngô, cá, dầu cọ cũng như nhiều sản phẩm tự nhiên khác khiến chúng ta xâm lấn và khai thác thiên nhiên nhiều hơn. Ví dụ, nhu cầu về dầu cọ dẫn đến việc phá rừng và thay đổi mục tiêu sử dụng đất ở nhiều quốc gia đang phát triển ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Có rất nhiều nguy cơ xảy ra từ đó, tuy nhiên không phải hậu quả nào cũng đến ngay nhãn tiền như sự gia tăng của các đàn muỗi trong các vùng đất bị khai phá và làm tăng các ca bệnh sốt rét (nên nhớ đến tháng 7/2021, WHO mới phê duyệt vaccine sốt rét đầu tiên) mà có thể phải mất một thời gian dài chúng ta mới ngấm nó một cách thực sự.
Các nhà khoa học âu lo về những rủi ro dịch bệnh liên quan đến suy thoái rừng, phá rừng bởi nó sẽ dẫn đến việc mất đi nơi cư ngụ của động vật hoang dã, qua đó khiến lan truyền các tác nhân trung gian gây bệnh, dẫn đến sự gia tăng tiếp xúc giữa động vật hoang dã – con người – vật nuôi đồng thời tạo ra những ngả đường cho các bệnh dịch mới xâm nhập vào cộng đồng.
Việt Nam trước nhiều nguy cơ dịch bệnh
Trong một thế giới toàn cầu hóa, những vấn đề xảy ra ở nhiều vùng đất cũng hiện hữu ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới ẩm gió mùa và độ đa dạng sinh học cao. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đang đứng trước một loạt vấn đề về môi trường sinh thái, trải dài từ nông thôn miền núi đến đồng bằng đô thị như phá rừng, suy thoái rừng, ô nhiễm nước ngầm/nước mặt, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm vi nhựa… Tất cả những điều đó khiến có thể bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể đứng trước nguy cơ rủi ro của bệnh dịch.
Có quá bi quan khi nghĩ về điều đó? Có lẽ, khi nhìn vào thực tế, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ. Trong hơn thập kỷ qua, các phong trào, kế hoạch rầm rộ “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” đã góp phần đem lại màu xanh cho những cánh rừng bị phá, và thời gian gần đây, những vùng đất nuôi tôm ven biển đã bắt đầu biết nương vào thiên nhiên để có được sản phẩm “tôm sinh thái” nhưng ngần ấy vẫn còn chưa đủ. “Quãng thời gian những năm 1990 đến bây giờ thì độ che phủ rừng của Việt Nam đã được tăng lên với tỉ lệ từ hơn 30% lên 42%, trong đó chủ yếu là rừng trồng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là việc gia tăng diện tích đó không song hành với việc cải thiện chất lượng rừng, thậm chí việc duy trì chất lượng rừng thực sự là thách thức”, TS. Phạm Thị Thu Thủy, trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tại Việt Nam, một tổ chức khoa học nghiên cứu về chính sách và kĩ thuật quản lý rừng bền vững, trao đổi với Tia Sáng vào năm 2020. Chị còn cho biết thêm thông tin về một thực tại đáng lo ngại: “Trong khi diện tích rừng trồng tăng thì diện tích rừng tự nhiên lại giảm hoặc suy thoái nặng nề. Theo nhiều báo cáo khoa học, diện tích rừng tự nhiên được phân loại là rừng giàu giảm 10,2% trong khoảng thời gian sáu năm từ 1999 đến 2005 và lượng rừng chất lượng trung bình giảm 13,4% so với cùng kỳ. Đến năm 2012, rừng giàu đóng tán chỉ còn chiếm 4,6% tổng độ che phủ rừng. Trên thực tế, các rừng giàu đa dạng sinh học trên đất thấp hầu như không còn, nhất là rừng ngập mặn”.
Vào những ngày đầu năm 2022, tình huống này lại tiếp tục với một sự việc buồn: 16 ha rừng đặc dụng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) đã bị đơn vị thi công san ủi khi triển khai Dự án đường Trường Sơn Đông đi qua vườn quốc gia. Sau đó, trên Tuổi trẻ ngày 13/2, cán bộ Ban quản lý dự án 46 – Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) thừa nhận, thêm nhiều diện tích rừng thuộc dự án đường Trường Sơn Đông qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) chưa chuyển đổi đã bị ủi trắng2.
Có lẽ, ai cũng hiểu rằng, những cánh rừng là nơi giữ cho đất không bị xói mòn, điều hòa không khí, đảm bảo nguồn nước và nhiều giá trị khác “Việt Nam có ít nhất 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng, trung bình khoảng 20% thu nhập (bằng tiền và hiện vật) của những người này là từ rừng” như nhận xét của TS. Phạm Thị Thu Thủy. Mặt khác, rừng còn có những giá trị mà không phải thực thể tự nhiên nào cũng có được, đó là chức năng “gánh gồng”, góp phần giảm tải ô nhiễm không khí, một hiện trạng đang diễn ra khắp từ Bắc vào Nam trong những năm gần đây – “nếu như chúng ta so sánh giá trị trung bình của bụi PM2.5 hằng năm của các tỉnh với mức khuyến nghị của WHO (năm 2005 là 10µg/m3) thì sẽ thấy tất cả các tỉnh thành của Việt Nam đều vượt mức đó”, theo PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (ĐH Công nghệ, ĐHQGHN).
Nhưng trước mắt, khi mọi ảnh hưởng diễn ra chưa quá tồi tệ thì vai trò của rừng và sự đa dạng sinh học ở những cánh rừng này vẫn còn chưa được quan tâm một cách thực sự. “Đến khi có chuyện xảy ra thì người ta mới bắt đầu tính đến bài toán về rừng và nhận thấy những mất mát khi không có rừng”, TS. Phạm Thị Thu Thủy nói.
Về lâu dài, theo kinh nghiệm quốc tế, quá trình phá rừng, suy thoái rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ mang con người – vật nuôi và động vật hoang dã lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, quá trình này còn được thúc đẩy nhiều hơn với một hiện trạng khác: tình trạng buôn bán động vật hoang dã. Theo báo cáo mới của Trịnh Thị Mai (Tổ chức Save Vietnam’s Wildlife SVW) và cộng sự ở CIFOR, Đại học KHXH và Nhân văn, Học viện Ngoại giao và ĐH Nông Lâm TPHCM3, “các nước châu Á là trung tâm buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu. Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Indonesia là những nước xuất khẩu động vật hoang dã lớn, trong khi Liên minh châu Âu và Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu lớn nhất”. Vậy trong thời kỳ diễn ra COVID, tình trạng này có giảm đi? Báo cáo cho thấy, “mặc dù việc đóng cửa biên giới đã phần nào giảm số lượng buôn bán động vật xuyên quốc gia, có những bằng chứng cho thấy nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn còn rất phổ biến trên khắp Việt Nam trong thời gian COVID”: từ Sơn La, Lạng Sơn đến TPHCM, Long An.
Mặt khác, Việt Nam không chỉ là nơi xuất khẩu động vật hoang dã mà còn là thị trường buôn bán động vật hoang dã làm thú nuôi hoặc thực phẩm. “Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có tối thiểu hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang web điện tử khác. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong những tháng đầu năm 2020, với 424 vụ vi phạm tính đến cuối tháng 4… Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng quy mô và tần suất buôn bán động vật sẽ tăng trở lại trạng thái như trước COVID-19 khi các hạn chế được dỡ bỏ, cũng như bối cảnh sau đại dịch SARS vào đầu những năm 2000”, theo báo cáo.
***
Vào thời Đồ Đá mới, những cánh rừng trên núi đá vôi hay khu vực ven biển Ninh Bình chính là nơi đùm bọc, chở che và đem lại nguồn sống cho tổ tiên của người Việt. Thế nhưng giờ đây, chính chúng ta đang tự tay làm mất dần đi sự bảo bọc ấy. Điều đó khiến trong tương lai, chỉ thật sự may mắn, chúng ta mới có thể thoát khỏi nguy cơ dịch bệnh.
—————————
Chú thích:
1. https://ipbes.net/sites/default/files/2020-12/IPBES%20Workshop%20on%20Biodiversity%20and%20Pandemics%20Report_0.pdf
2.https://tuoitre.vn/chua-duoc-phe-duyet-ngang-nhien-ui-gan-16ha-rung-dac-dung-20220211111646318.htm; https://tuoitre.vn/vu-ngang-nhien-ui-gan-16ha-rung-them-nhieu-dien-tich-rung-bi-pha-khi-chua-duoc-duyet-20220213133330846.htm
3. https://www.cifor.org/publications/pdf_files/WPapers/WP277Trinh.pdf
Theo ANH VŨ / TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Sức khỏe, Bảo vệ rừng, Sinh thái học, Con người và thiên nhiên, Dịch bệnh