Sự vô liêm sỉ của ‘trật tự dựa trên luật lệ’ mà phương Tây đang theo đuổi

Rõ ràng là những luật lệ đó được vẽ ra và được áp dụng với mục đích chống lại các quá trình hình thành và đang lớn mạnh tự nhiên của các trung tâm phát triển độc lập mới và là biểu thể khách quan của chủ nghĩa đa phương.

Tóm lược bài viết của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov đăng trên tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu” ngày 5/5/2023.

Theo truyền thống, tháng 5 hàng năm ở nước Nga trôi qua với dấu ấn về lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vĩ đại. Nước ta nhận được sự hỗ trợ của các đồng minh đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh tiêu diệt Đức quốc xã và đặt nền móng cho trật tự quốc tế sau chiến tranh. Cơ sở pháp lý trật tự này là Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tổ chức toàn thế giới này thể hiện chủ nghĩa đa phương thực sự đã đóng vai trò trung tâm điều phối nền chính trị thế giới.

Hiện nay hệ thống lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm đang trải qua cuộc khủng hoảng sâu sắc. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng này là tham vọng của một số quốc gia thành viên của Tổ chức này đang thay thế luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc bằng một loại “trật tự dựa trên luật lệ”. Những “luật lệ” này không phải là chủ đề của các cuộc đàm phán quốc tế minh bạch và cũng không được ai nhìn thấy được. Rõ ràng là những luật lệ đó được vẽ ra và được áp dụng với mục đích chống lại các quá trình hình thành và đang lớn mạnh tự nhiên của các trung tâm phát triển độc lập mới và là biểu thể khách quan của chủ nghĩa đa phương.

Washington và phần còn lại của Phương Tây áp dụng các “luật lệ” này bất cứ khi nào họ cần biện minh cho các bước đi bất hợp pháp chống lại những quốc gia có chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế và từ chối tuân theo lợi ích ích kỷ của các quốc gia thuộc “nhóm tỷ phủ vàng”. Những quốc gia không chấp nhận “các luật lệ” đó bị họ đưa vào “danh sách đen” theo nguyên tắc “ai không theo chúng tôi là chống lại chúng tôi”.

Các đồng nghiệp Phương Tây đã từ lâu nhận thấy “không thoải mái” một khi phải đàm phán về các định dạng phổ quát như Liên Hợp Quốc. Để xây dựng cơ sở luận chứng về ý thức hệ cho chính sách phá hoại chủ nghĩa đa phương, họ đề xuất và lưu hành chủ đề về sự thống nhất của “các nền dân chủ” đối lập với “các chế độ chuyên chế”. Ngoài các “hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” mà thành phần tham dự do một quốc gia tự cho mình quyền bá chủ tự xưng lựa chọn. Họ cũng đang thành lập các “câu lạc bộ của các quốc gia được lựa chọn” mà phớt lờ Liên Hợp Quốc.

Giờ đây, các lực lượng đáng kể của Mỹ và các đồng minh của họ đã được triển khai để phá hoại chủ nghĩa đa phương ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương-nơi một cấu trúc hợp tác kinh tế và an ninh cởi mở thành công đã được xây dựng xung quanh ASEAN trong nhiều thập kỷ. Cấu trúc này tạo điều kiện xây dựng các cách tiếp cận đồng thuận phù hợp với cả mười thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại của họ, bao gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, đảm bảo chủ nghĩa đa phương toàn diện thực sự. Bằng cách đưa ra “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Washington chủ trương phá hoại cấu trúc đa phương đã được thiết lập này.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid, NATO-một tổ chức luôn thuyết phục các quốc gia rằng các chương trình quân sự của họ chỉ nhằm mục đích “hòa bình” và chỉ mang tính chất phòng thủ, đã tuyên bố “về trách nhiệm toàn cầu” cũng như “an ninh không thể chia cắt” giữa Châu Âu- Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Như vậy, giờ đây tuyến phòng thủ của NATO đang chuyển sang bờ biển phía tây Thái Bình Dương. Cách tiếp cận theo khối như vậy làm suy yếu chủ nghĩa đa phương lấy ASEAN làm trung tâm và đã được thể hiện trong việc thành lập liên minh quân sự AUKUS, trong đó Tokyo, Seoul và một số nước ASEAN bị “cho ra rìa”. Dưới sự bảo trợ của Mỹ, các cơ chế đang được tạo ra để can thiệp vào các vấn đề an ninh hàng hải nhằm đảm bảo các lợi ích đơn phương của Phương Tây ở các vùng biển thuộc Biển Đông. J. Borrell đã từng cam kết sẽ phái lực lượng hải quân của EU đến khu vực này. Rõ ràng là mục tiêu của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là kiềm chế Trung Quốc và cô lập Nga.

Sau khi Hiệp ước Warsaw tuyên bố giải thể và Liên Xô rút lui khỏi chính trường quốc tế đã từng hé lộ hy vọng về việc thực hiện các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương thực sự, sẽ không còn ranh giới phân chia trong không gian Châu Âu-Đại Tây Dương. Nhưng thay vì giải phóng tiềm năng của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) dựa trên cơ sở tập thể bình đẳng, các nước Phương Tây không chỉ giữ lại NATO mà còn đi trái lại những cam kế của họ, đã trắng trợn “thôn tính” không gian xung quanh, bao gồm cả những vùng lãnh thổ mà ở đó Nga luôn có lợi ích sống còn. Như Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là John Baker đã từng báo cáo với Tổng thống George W.Bush-cha: “Mối đe dọa chính đối với NATO là OSCE”. Đang hình thành ấn tượng rằng ngày nay cả Liên Hợp Quốc và các yêu cầu trong Hiến chương của tổ chức này cũng là mối đe dọa đối với tham vọng toàn cầu của Washington.

Một ví dụ rõ ràng và nhức nhối là các cuộc ném bom phi pháp nhằm vào Nam Tư năm 1999, trong đó có sử dụng đầu đạn uranium nghèo đã từng gây bệnh ung thư ngày càng phổ biến ở cả người dân Serbia và các binh sỹ của NATO. J. Biden khi đó là thượng nghị sĩ đã từng tự hào phát biểu trước ống kính rằng chính ông đã kêu gọi đánh bom Belgrade và phá hủy tất cả các cây cầu trên sông Drina. Giờ đây, Đại sứ Mỹ tại Belgrade K.Hill, thông qua các phương tiện truyền thông, đang kêu gọi người Serbia “lật sử” và “không nên cảm thấy mình bị xúc phạm”.

Về việc “không nên cảm thấy mình bị xúc phạm” thì Mỹ đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Nhật Bản từ lâu đã rụt rè im lặng về việc ai đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Sách giáo khoa trong nhà trường Nhật Bản không có từ ngữ viết về vụ ném baom này. Mới đây, tại một hội nghị của G-7, Ngoại trưởng Mỹ E. Blinken đã tỏ ra cảm thông về nỗi thống khổ của các nạn nhân trong các vụ đánh bom đó nhưng không nhắc đến ai đã thực hiện các vụ đánh bom đó.

Cuộc xâm lược Iraq đáng xấu hổ của liên minh do Mỹ chỉ huy năm 2003 cũng như cuộc xâm lược Libya năm 2011 rõ ràng là đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hậu quả là sự sụp đổ chính thể của nhà nước, hàng trăm ngàn người chết và chủ nghĩa khủng bố tràn lan.

Sự can thiệp của Mỹ vào công việc của các quốc gia hậu Xô Viết cũng vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc. “Các cuộc cách mạng màu” được tổ chức ở Georgia và Kyrgyzstan, cuộc đảo chính đẫm máu ở Kiev trong tháng 2/2014. Tương tự như vậy là nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực ở Belarus năm 2020.

Để ngăn chặn chiến tranh bùng nổ ở miền đông Ukraina sau cuộc đảo chính, các nỗ lực đa phương đã được thực hiện để tìm kiếm giải pháp hòa bình được thể hiện trong Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua các thỏa thuận Minsk. Những thỏa thuận này đã bị Kiev và các ông chủ của họ ở Phương Tây chà đạp thô bạo-những người mà vừa qua đã cay độc và thậm chí tự hào thừa nhận rằng họ không bao giờ có ý định thực hiện thỏa thuận này mà chỉ muốn câu giờ để tuồn vũ khí cho Ukraina để chống lại Nga.

Các hành động nhất quán của chúng ta nhằm ngăn chặn đối đầu, bao gồm các đề xuất trong tháng 12/2021 của Tổng thống Vladimir Putin nhằm đạt được thỏa thuận về các đảm bảo an ninh chung đa phương đã bị từ chối một cách ngạo mạn. Họ nói với chúng ta rẳng không ai có thể ngăn cản NATO kết nạp Ukraina.

Tất cả những năm sau cuộc đảo chính, bất chấp những yêu cầu kiên quyết của chúng tôi, các ông chủ ở Phương Tây của chế độ Kiev chưa một lần nhắc nhở P.A. Poroshenko, V.A.Zelensky cũng như Quốc hội Ukraina khi họ áp dụng các đạo luật bãi bỏ tiếng Nga trong giáo dục và truyền thông, bài bỏ truyền thống, văn hóa và tôn giáo Nga, đi ngược lại Hiến pháp Ukraina và các công ước quốc tế về các dân tộc thiểu số. Đồng thời, chính quyền Kiev áp dụng các đạo luật cũng như các biện pháp tôn sùng lý thuyết và thực hành về chủ nghĩa quốc xã. Họ không ngại ngùng tổ chức các cuộc rước đuốc hoành tráng ở trung tâm Kiev và các thành phố khác dưới ngọn cờ của các sư đoàn SS. Phương Tây im lặng và “xoa tay” trước những hành động đo. Những gì đang diễn ra hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Mỹ sử dụng chế độ phân biệt chủng tộc trắng trợn mà họ đã nuôi dưỡng để làm suy yếu nước Nga bằng mọi cách có thể theo đường lối chiến lược nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, phá hoại mọi kịch bản xây dựng chủ nghĩa đa phương công bằng trong các công việc quốc tế.

Ngày nay, mọi người đều thấy rõ, mặc dù không phải ai cũng dám nói thẳng về điều này: hoàn toàn không phải là nói về Ukraina, mà là nói về cách thức xây dựng các quan hệ quốc tế thông qua việc hình thành sự đồng thuận ổn định dựa trên sự cân bằng lợi ích, hoặc thông qua việc thúc đẩy quyền bá chủ bằng hành động xâm lược tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Trong bối cảnh cơn cuồng loạn do Mỹ và Liên minh Châu Âu gây ra, tôi muốn hỏi ngược lại: Washington và NATO đã làm gì ở Nam Tư, Iraq, Libya? Có mối đe dọa nào từ những quốc gia này đối với an ninh, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ của họ không? Họ đã được hướng dẫn bởi những chuẩn mực đa phương nào khi tuyên bố công nhận nền độc lập của Kosovo vi phạm các nguyên tắc của OSCE, phá hủy các quốc gia thịnh vượng về kinh tế ổn định của Iraq và Libya nằm cách bờ biển Mỹ 10 nghìn dặm?

Hệ thống đa phương bị đe dọa bởi những nỗ lực vô liêm sỉ của các quốc gia Phương Tây nhằm khuất phục các ban thư ký của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Luôn có sự mất cân bằng về số lượng nhân sự có lợi cho Phương Tây, nhưng cho đến gần đây Ban thư ký đã cố gắng giữ thái độ trung lập. Ngày nay, sự mất cân đối này là vấn nạn kinh niên, còn các nhân viên thư ký ngày càng tự cho phép mình hành động mang động cơ chính trị không phù hợp với các quan chức của một tổ chức quốc tế.

Dĩ nhiên, chủ nghĩa đa phương thực sự trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi Liên Hợp Quốc phải thích ứng với các xu thế khách quan hình thành cấu trúc đa cực trong quan hệ quốc tế. Cần đẩy nhanh cải cách Hội đồng Bảo an bằng cách mở rộng đại diện của các quốc gia Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Sự đại diện thái quá hiện nay của Phương Tây trong cơ quan chủ yếu này của Liên Hợp Quốc làm suy yếu nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương.

Theo sáng kiến của Venezuela, Nhóm những người bạn bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được thành lập. Đã đến lúc tất cả các quốc gia tôn trọng Hiến chương sẽ tham gia. Việc sử dụng tiềm năng mang tính xây dựng của BRICS và SCO cũng rất quan trọng. Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) cũng sẵn sàng tham gia. Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng tiềm năng của các hiệp hội khu vực của các quốc gia ở Nam bán cầu.

Trách nhiệm chung của chúng ta là gìn giữ Liên Hợp Quốc như khuôn mẫu điển hình về chủ nghĩa đa phương và sự phối hợp nền chính trị thế giới. Chìa khóa thành công là làm việc cùng nhau, từ bỏ những kỳ vọng về sự độc quyền của bất kỳ ai và – tôi xin nhắc lại một lần nữa – tôn trọng sự bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia. Đây là điều mà tất cả chúng ta đã cam kết khi phê chuẩn Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM 

Tags: ,