⠀
Sự tương đồng và dị biệt giữa kiến trúc cổ Việt Nam và Trung Quốc
Khi tìm hiểu về kiến trúc cổ Việt Nam thì có rất nhiều người đã lầm tưởng rằng đó là sự sao chép của kiến trúc Trung Hoa vì Việt Nam đã sống dưới một ngàn năm ách đô hộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu kỹ về các công trình kiến trúc còn tồn tại của hai quốc gia thì người ta nhận ra rằng trong tất cả các công trình đó thì mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia đều để lại một nét son như là một dấu ấn riêng của dân tộc mình.
Bài viết của Ths / KTS Nguyễn Bảo Tuấn.
Trước hết thì chúng ta có thể nhận thấy rằng kiến trúc Việt Nam và Trung Hoa cũng có khá nhiều nét tương đồng. Cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giống nhau này. Xét về mặt địa lý thì đó là một sự trải dài liên tục của các đới khí hậu và các miền tự nhiên, do đó chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng giống nhau ở những vùng chuyển tiếp và lân cận nên kiến trúc những vùng này sẽ có những nét tương đối giống nhau, ví dụ như là hình thức mái, vật liệu xây dựng…
Ngoài ra, cả hai đều có sự giao thoa văn hóa liên tục suốt hơn một ngàn năm lịch sử. Quá trình giao thoa văn hóa đã để lại dấu ấn rõ nét ở dòng kiến trúc chính thống, chẳng hạn như là một số nét tương đồng giữa cố cung Bắc Kinh và Tử cấm thành của kinh thành Huế hoặc sự giống nhau giữa Văn Miếu Hà Nội và Văn Miếu Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông.
Tuy vậy, trong quá trình giao lưu văn hóa ấy không phải lúc nào chúng ta cũng là người tiếp nhận mà trái lại, không hiếm khi chúng ta đóng vai trò là người truyền bá. Một ví dụ tiêu biểu chứng minh cho điều này là sự cống hiến lớn lao của một người Việt Nam tên là Nguyễn An trong việc thiết kế và tu bổ kinh đô Bắc Kinh thời nhà Minh. Ông là người thiết kế và chỉ đạo thi công điện Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa và một số công trình quan trọng khác của kinh đô Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của suốt hơn một ngàn năm giao lưu văn hóa này đã không thể xâm nhập vào cộng đồng làng xã Việt Nam nên nó đã không ảnh hưởng nhiều đến dòng kiến trúc dân gian. Vào cuối đời Minh, đầu đời nhà Thanh đã có một sự dịch cư lớn của một bộ phận người Hoa sang Việt Nam và trong quá trình dịch cư đó thì cộng đồng người Hoa đã đem theo văn hóa cũng như là kiến trúc của họ sang và cũng tạo nên một kiểu kiến trúc lai tạp khá độc đáo.
Ngoài ra thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong vòng ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nên việc có sự tương đồng giữa hai nền kiến trúc cổ Việt Nam, Trung Hoa là điều tất nhiên. Tuy nhiên, sự tương đồng này không những đã không phủ nhận tính chất độc lập và bản sắc riêng của nền văn hóa Việt Nam mà trái lại, nó còn chứng minh cho khả năng hấp thụ, khả năng tự cường tuyệt vời của nền văn hóa Việt Nam.
Tứ hợp viện – ngôi nhà truyền thống của Trung Quốc: một kiến trúc đóng điển hình.
Trong quá trình đấu tranh sinh tồn thì mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc đều tìm ra cho mình những biện pháp hay, những hình thức kiến trúc thích hợp nhất để chống chọi lại với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Để chống lại thời tiết lạnh giá do nằm gần trung tâm cao áp Siberia thì người dân Trung Hoa đã hình thành nên hình thức kiến trúc đóng. Những nét tiêu biểu của hình thức kiến trúc này là tất cả các công trình kiến trúc đều quây kín lại chung quanh một cái sân, người ta chỉ sử dụng không gian bên trong và hầu như không sử dụng dến không gian bên ngoài, tường thường được làm dày cách nhiệt, ít cửa sổ mở ra ngoài, trong nhà thường có những bộ phận tạo nhiệt như giường lò, tường lò, hầm lò…
Nhà ba gian – ngôi nhà truyền thống của Việt Nam: không gian luôn mở ra với thiên nhiên.
Trong khi đó thì căn nhà người Việt lại tạo ra một hình thức kiến trúc mở để phù hợp với điều kiện môi trường nóng ẩm. Đặc trưng của nó là sự cao ráo, thông thoáng, tiếp cận với thiên nhiên và không gian bên ngoài được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt, tường thường mỏng, nhiều cửa sổ và những yếu tố như cây xanh, mặt nước là những yếu tố không thể thiếu được trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Yếu tố khí hậu cũng góp phần tạo nên sự khác biệt về quá trình hình thành ngôi nhà dân gian Việt Nam và Trung Quốc. Để có được không gian ấm áp thì người dân Trung Hoa đã chủ động đào nhà trong các hang động trước khi chuyển sang dạng nhà đất. Còn để có được không gian thoáng mát thì người dân Việt Nam lại tạo ra ngôi nhà sàn rồi sau đó mới chuyển qua nhà đất. Qua đó thì chúng ta có thể kết luận rằng sự khác biệt của điều kiện tự nhiên đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc tạo ra sự khác biệt giữa kiến trúc cổ Việt Nam và Trung Quốc.
Bố cục kéo dài theo phương Nam Bắc theo kiểu “viện lạc” của nhà Trung Quốc
Với bề dày lịch sử mấy ngàn năm thì mỗi một quốc gia đều có nét tinh hoa riêng của mình, mỗi một dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng biệt không ai giống ai. Với lối sống đại gia đình thì ngôi nhà dân gian Trung Quốc đã tổ chức theo cơ cấu “Tứ đại đồng đường”, và với cơ cấu này thì kiến trúc nhà ở thường là những quần thể. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của các thành viên trong gia tộc thì ngôi nhà thường được kéo dài ra theo phương Nam Bắc và tạo thành quần thể được bố cục theo kiểu “Viện lạc”.
Trong khi đó thì ngôi nhà dân gian Việt Nam là những ngôi nhà riêng lẻ, con cái trong nhà lớn lên lập gia đình thì ra ở riêng nên ngôi nhà thường có quy mô vừa phải để phục vụ cho một gia đình. Vượt khỏi cơ cấu gia đình là cộng đồng làng xã và đây thực sự là một “Tiểu triều đình” trong cơ cấu xã hội Việt Nam. Chính vì vậy mà ngôi nhà dân gian Việt Nam luôn có một mối quan hệ mật thiết xóm làng, thường thì nhiều nhà có một cái ao chung, không gian ngăn cách giữa những ngôi nhà thường rất đơn sơ, trong khi đó thì ngôi làng lại được bao quanh bằng lũy tre chắc chắn.
Nhà Việt Nam thường là những ngôi nhà riêng lẻ với quy mô vừa phải để phục vụ cho một gia đình
Về mặt con người thì mấy ngàn năm lịch sử của người Trung Quốc là lịch sử của các cuộc chiến tranh xâm chiếm, thôn tính lẫn nhau, mở rộng bờ cõi. Và điều này cũng đã được thể hiện trong kiến trúc. Các quần thể nhà ở dân gian Trung Quốc thường gây choáng ngợp, tạo ra cảm giác lấn át, đè nén, màu sắc công trình thường mạnh mẽ, nổi bật và công trình luôn là điểm nhấn giữa phông nền thiên nhiên.
Trong khi đó với đức tính khiêm tốn, hiếu hòa thì người Việt Nam đã tạo ra những ngôi nhà luôn cân xứng, tỷ lệ với thiên nhiên và con người, màu sắc trang nhã, thanh bạch, công trình dường như chỉ là một nét chấm phá giữa thiên nhiên hùng vĩ. Qua đó, chúng ta cũng thấy rằng yếu tố xã hội cũng là một nhân tố tạo nên sự khác biệt giữa hai nền kiến trúc cổ.
Một nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt nữa giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc đó là quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của tổ tiên hai dân tộc Hán và Việt.
Hệ thống đấu củng của Trung Quốc.
Đây là những nét tinh hoa nhất đã được chắt lọc từ đời này sang đời khác. Chẳng hạn như trong kết cấu mái thì tinh hoa của người Việt là cái giá chiêng, trong khi đó thì người Hán sử dụng kỹ thuật chồng rường. Để mở rộng diện tích hiên thì người Hán đã sáng tạo ra “Đấu củng” vừa có tác dụng chịu lực, vừa là một chi tiết trang trí. Cũng với mục đích đó thì người Việt đã sáng tạo ra cái “Bẫy” và nó cũng không hề thua kém gì “Đấu củng” về mặt kết cấu cũng như về mặt nghệ thuật trang trí. Chúng ta không thể nói là cái nào hay hơn cái nào hay cái nào đẹp hơn cái nào, mỗi cái đều có nét duyên dáng riêng của nó và đều là tinh hoa sáng tạo của mỗi dân tộc.
Sự khác biệt trong quá trình sáng tạo nghệ thuật càng được thấy rõ nét hơn trong nghệ thuật trang trí. Mỗi một dân tộc đều có những tinh hoa riêng nhằm tô điểm cho ngôi nhà của mình từ những tảng đá kê chân cột cho đến những tàu đao lá mái. Nghệ thuật trang trí Trung Hoa thì chú trọng đến chi tiết, còn nghệ thuật trang trí Việt Nam thì chú trọng đến hình khối, sự hài hòa và tính biểu trưng của nó.
Một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng một phần của sự khác biệt giữa kiến trúc cổ Việt Nam và Trung Quốc là quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ cha ông.
Để mở rộng diện tích hiên người Việt sử dụng cái bẫy (đầu bẩy).
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng và đã cùng phát triển với bề dày lịch sử gần như tương đương nhau. Trong suốt quá trình phát triển thì cả hai đều tạo nên những thành tựu văn hóa rực rỡ mà vượt lên trên hết là nghệ thuật kiến trúc của hai dân tộc.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau thì hai nền kiến trúc này có sự tương đồng về nhiều khía cạnh, nhất là về mặt hình tượng tổng quát: nhà gỗ, mái cong, cùng các con vật trang trí rồng lân, dùng bố cục đối xứng…
Bên cạnh đó thì hai nền nghệ thuật này cũng thật sự có sự khác biệt về cơ bản. Sự khác biệt này xuất phát từ ba nguyên nhân cơ bản là sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, lịch sử xã hội và sự khác biệt trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ cha ông, và ba yếu tố này cũng là những tác nhân chính để tạo thành bản sắc dân tộc của một nền kiến trúc.
Chính vì vậy mà chúng ta có thể kết luận rằng kiến trúc cổ Việt Nam hoàn toàn khác biệt với kiến trúc cổ Trung Quốc về bản chất mặc dù những hình thức bên ngoài cũng dễ gây ra sự lầm tưởng là hai nền kiến trúc này giống nhau về mọi mặt. Nói cách khác là sự khác biệt rất nổi bật so với sự tương đồng vì những điểm giống nhau chỉ là những hình thức bên ngoài, còn nội dung bên trong là rất khác biệt.
Qua đó, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về quá khứ hào hùng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Mặc dù phải đối phó với không biết bao nhiêu là thiên tai địch họa, nhưng tổ tiên chúng ta vẫn bảo lưu được nền văn hóa dân tộc và đã để lại cho thế hệ ngày nay một di sản kiến trúc vô cùng quý báu.
Và chúng ta có thể khẳng định rằng kiến trúc cổ Việt Nam và kiến trúc cổ Trung Quốc là hai nền kiến trúc có bản sắc riêng biệt chứ không phải như nhiều người lầm tưởng rằng kiến trúc cổ Việt Nam là sự sao chép của văn hóa phương Bắc.
Theo KIẾN TRÚC VIỆT
Tags: Văn hóa Việt, Kiến trúc, Văn hóa Trung Hoa