⠀
Sự đổi mới quan niệm về chiến tranh của nhà văn Việt Nam sau 1975
Sau 1975, viết về chiến tranh chủ yếu là những người từng ít nhiều trải qua chiến trận. Nhưng khi cuộc chiến dần lùi xa, đối diện với nhu cầu mới của người đọc, nhà văn rất trăn trở về đề tài này vì họ biết không thể viết như cũ.
Sau 1975, đội ngũ nhà văn còn được bổ sung một loạt cây bút mới mà trong chiến tranh họ ở vị trí của người lính hoặc gần gũi với công việc của người lính, đó là những “nhà văn trung úy” như Chu Lai, Thái Bá Lợi, Xuân Đức, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh. Họ đã đem vào văn xuôi những trải nghiệm từ chiến hào của cá nhân mình và của thế hệ mình. Quan niệm về chiến tranh của họ có những điểm khác biệt so với quan niệm truyền thống. Sự đổi mới quan niệm về đề tài chiến tranh của nhà văn Việt Nam sau 1975 vừa được phát biểu trực tiếp vừa được thể hiện qua thực tiễn sáng tác và thường xoay quanh các khía cạnh sau.
1. Viết về chiến tranh như một sự tri ân
Bước ra từ chiến trường máu lửa, các nhà văn – chiến sĩ hiểu hơn ai hết về sự hi sinh lớn lao và nghĩa tình của đồng bào, đồng chí. Với họ, viết về chiến tranh là một món nợ ân tình cần phải trả. Nguyễn Minh Châu thấy rằng: “Viết về hai cuộc kháng chiến, viết về chiến tranh, nhiều đồng chí cầm bút viết văn trong quân đội đã đứng tuổi nhiều lần nói tới công việc đó như một trách nhiệm, một món nợ chưa trả được. Một món nợ chưa trả và không thể nào quên”(1). Bạn đọc hôm nay cũng tha thiết mong mỏi: “Người viết phải đáp ứng cho được, thỏa mãn cho được mĩ cảm nghệ thuật, bao hàm nhận thức cái đẹp từ trong phẩm chất, đức hi sinh và tâm hồn nhân văn của con người hôm qua”(2) . Ở đây, sự gặp gỡ giữa nhà văn và độc giả chính là thái độ tri ân quá khứ.
Quan niệm ấy được nhiều người đồng tình, nó vừa được phát biểu trực tiếp vừa được hiện thực hóa bằng thực tiễn sáng tác.
Chính thức nêu vấn đề tri ân quá khứ là hướng đi được nhiều người ủng hộ. Với quan niệm ấy, nhà văn sẽ chú trọng khắc họa vẻ đẹp của lòng dũng cảm, đức hy sinh, lối sống vị tha, tình nghĩa…
2. Chiến tranh là một hiện thực đa chiều cần nhận thức lại
Viết về chiến tranh trên lập trường giai cấp, dân tộc là vấn đề không mới. Song sau 1975, quan niệm về chiến tranh và về đề tài chiến tranh trở nên đa dạng, đôi khi tới mức trái ngược nhau nên với một số nhà văn, việc nhấn mạnh tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là điều vô cùng cần thiết. Nhà văn Nam Hà luôn tâm niệm “Trước hết cần phân biệt rõ “chiến tranh nào”, theo ông, “vấn đề tôn trọng sự thật lịch sử, trung thực với lịch sử phải đặt lên hàng đầu”(3). Nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng có chung suy nghĩ như vậy: “Thiên chức của nhà văn là viết về chiến tranh để chống chiến tranh nhưng cần phân biệt đó là cuộc chiến tranh nào”(4). Xuất phát từ lợi ích dân tộc và giai cấp, nhà văn Hồ Phương đặc biệt đề cao việc xây dựng mâu thuẫn đối kháng và tính sử thi của tác phẩm: “Nhưng dù thế nào, viết về chiến tranh vẫn cứ phải lấy mâu thuẫn địch ta làm sợi chỉ xuyên suốt; không khí bi hùng và cách mạng của cuộc vật lộn sống còn của dân tộc vẫn phải bao trùm”(5). Quan niệm trên là một hướng tiếp cận đề tài chiến tranh và là tiền đề quan trọng cho khuynh hướng sử thi tiếp tục phát triển.
Vẫn coi trọng mục đích phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại, khẳng định chính nghĩa, khẳng định phẩm giá dân tộc, nhưng sau 1975, nhà văn nhấn mạnh hơn vào yêu cầu “chân thực”. Không bằng lòng với cái hiện thực được lí tưởng hóa một chiều, họ xác định “không chỉ nói đến thắng lợi mà còn cần nói đến tổn thất, hi sinh, không chỉ nói đến niềm vui mà còn nói đến nỗi đau khổ do quân thù gây nên”(6). Chu Lai là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên nói về bản chất của chiến tranh khác với quan niệm truyền thống: “Bằng những kiểm nghiệm bản thân, tôi hiểu ra rằng chiến tranh quả thật không vui vẻ gì, đối với bất cứ dân tộc nào, dù là tự vệ hay xâm lược, chiến tranh đều mang ý nghĩa bi kịch”(7).
Những cảm nhận về chiến tranh không chỉ được thể hiện trực tiếp qua các bài báo, mà còn được nêu lên bởi suy nghĩ của nhiều nhân vật trong tác phẩm.
Từ cách nhìn khách quan, tỉnh táo, nghiêm ngặt về chiến tranh, với nhiều nhà văn, viết về chiến tranh quan trọng nhất là tính chân thực. Chu Lai cho rằng: “Viết về chiến tranh, tôi cho rằng quan trọng nhất là phải chân thực (…) quan trọng nhất là nêu lên được nỗi đau của nhân vật trong chiến tranh, vì chiến tranh là nước mắt”(8). Còn Văn Lê thì phát biểu: “Chiến tranh không bao giờ chỉ toàn một màu vinh quang, để đến chiến thắng có bao nhiêu máu và nước mắt (…) Chính vì thế, các sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng hiện nay cũng phải dần đi theo khuynh hướng phản ánh hiện thực chân thật nhất của chiến tranh”(9)#.
3. Viết về chiến tranh là viết về số phận con người, viết về nhân tính
Trước năm 1975, do yêu cầu cổ vũ cho chiến đấu, nhà văn rất coi trọng việc phản ánh kịp thời những sự kiện nóng bỏng ở mặt trận. Khi cuộc chiến đi qua, nhiều người băn khoăn lựa chọn “con người” hay “sự kiện” làm đối tượng chủ yếu trong tác phẩm của mình. Ngay từ năm 1976, trong bài Viết về chiến tranh sau chiến tranh, Nguyễn Đình Tiên đã xác định cần dành sự ưu tiên cho con người. Đi xa hơn, Nguyễn Minh Châu còn dự báo: “rồi trước sau con người cũng leo lên trên các sự kiện để đòi “quyền sống”(10). Sau này, nhà phê bình Hồng Diệu dứt khoát cho rằng, nhà văn cần “viết về thân phận con người trong cuộc chiến, còn các sự kiện thì hãy dành phần cho các nhà sử học và các nhà quân sự”(11). Thực tế sáng tác từ khoảng giữa thập kỉ 80 diễn biến đúng như dự đoán và mong muốn của các nhà văn.
Khi lấy con người làm hệ quy chiếu, chiến tranh sẽ là nỗi đau, là hi sinh, mất mát. Nó để lại những hậu quả khó bề đo đếm bằng cái nhìn bên ngoài. Với nhiều nhà văn, việc đề cao tính người và tình người là mục tiêu vô cùng quan trọng. Xuân Thiều thấy rằng: “Đã tới lúc một nhân vật chỉ huy không nên nói: “Ta phải chiếm được điểm cao này bằng bất cứ giá nào”. Mà nên nói: “Ta phải chiếm bằng được nó sao cho bớt đổ máu nhất”(12).
Khi miêu tả trực tiếp về nỗi đau và bi kịch của con người trong chiến tranh, văn học Việt Nam có sự gặp gỡ nhất định với văn học hiện đại thế giới. Qua những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh như Phía tây không có gì lạ (Remacque), Giã từ vũ khí và Chuông nguyện hồn ai (Hemingway), Số phận con người (Sholokhov), Bác sĩ Zhivago (Pasternak), Tuổi sắt đá (Coetzee)… có thể thấy bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng là điều con người không mong muốn. Ở đó, người lính và dân thường phải chịu nhiều bi kịch hơn cả.
Những tác phẩm viết về chiến tranh nổi tiếng của thế giới hay của Việt Nam được bạn đọc đánh giá cao là nhờ tìm ra “mẫu số chung” về nhân tính trong chiến tranh. Chính điều này sẽ kết nối tinh thần nhân văn đẹp đẽ giữa những con người vốn từng bị chia rẽ bởi ý thức hệ. Dành mối quan tâm hàng đầu cho thân phận con người trong cuộc chiến, nhiều cây bút đã tạo ra bước chuyển mới cho văn học chiến tranh khi đặt trọng tâm vào việc suy tư về nhân tính và về nghệ thuật. Đề tài chiến tranh, do đó, không còn mang ý nghĩa thuần túy là một đề tài văn học mà đã trở thành chất liệu thử thách khả năng đổi mới tư duy của người viết.
4. Viết về chiến tranh bằng kinh nghiệm cá nhân trên cơ sở hư cấu nghệ thuật
Buộc phải đương đầu với hai kẻ thù lớn mạnh nên trong một thời gian dài, để cổ vũ cho chiến đấu, bằng kinh nghiệm cộng đồng, nhà văn Việt Nam rất chú trọng phản ánh chiến công hào hùng của quân dân ta. Khi chiến tranh qua đi, văn học dần trở về bản chất đích thực của nó, nhà văn có nhu cầu thể hiện những trải nghiệm riêng và ý thức cá tính của mình. Ngay từ năm 1978, trong bài Viết về chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã mong ước: “Bao giờ những cây bút đã từng lăn lộn trong chiến tranh sẽ đem lên trang giấy những điều sở đắc nhất, những bài học đường đời chỉ riêng anh mới khám phá thấy trong hoàn cảnh chiến tranh và có thể làm bài học cho nhiều hoàn cảnh khác?”(13). Nhiều nhà văn thấy rằng văn học về chiến tranh cần phải thể hiện “cá tính” của người viết.
Từ khoảng cuối thập kỉ 80, mong ước của Nguyễn Minh Châu và của các nhà văn đã trở thành hiện thực. Với sự “nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận”, một số nhà tiểu thuyết đã đưa vào tác phẩm “cuộc chiến của riêng anh”. Nhu cầu viết bằng kinh nghiệm cá nhân và ý thức cá tính là tiền đề quan trọng tạo nên những khuynh hướng khác nhau của văn học sau 1975 về chiến tranh.
Song nếu chỉ coi trọng kinh nghiệm cá nhân mà không chú ý đúng mức tới vai trò của hư cấu và tưởng tượng – bản chất của văn chương – thì nhà văn sẽ khó thành công. Nhờ phát huy vai trò của hư cấu và tưởng tượng nên tác phẩm của một số nhà văn đã thực sự hấp dẫn bạn đọc. Khi đó, viết như thế nào sẽ quan trọng hơn viết cái gì. Khi đề cao bản chất hư cấu, tưởng tượng của văn chương, một số nhà văn coi chiến tranh như một chất liệu nghệ thuật; với họ, “chiến tranh chỉ là một thi pháp”. Khi việc tái hiện hiện thực không phải là mục đích cuối cùng, nhà văn có thể dùng chiến tranh để khảo sát về nhân tính, về tình yêu, tình dục, về bản năng sống… của con người trong những tình huống trái khoáy, bất thường. Đây chính là sự mới lạ so với quan niệm truyền thống.
Khi coi chiến tranh là “thi pháp”, nhà tiểu thuyết cũng khắc phục được lối áp đặt chân lí theo kiểu truyền thống. Trong Cuộc bàn tròn văn học trao đổi về chiến tranh cách mạng và người lính, nhà văn Lê Nguyên Ngữ (Hội Văn nghệ Bình Thuận) đã kể lại câu chuyện sau: “Tôi có quen biết một bà cụ có năm người con đi lính ngụy thì cả năm đều chết. Bà cụ nói với tôi: “Chú ơi! Tôi không dạy con tôi đi lính bắn vào bà con chòm xóm mình, tôi không biểu nó đi đánh các chú cộng sản. Con tôi, đứa đang đi chăn trâu thì bị bắt lính. Đứa đang giong thuyền đánh cá bị bắt lính. Đứa đang đi học thì bị xung lính ngay ở sân trường. Chú ơi! Chú không biết đẻ ra một đứa con, không may nó bị chết, đau như thế nào đâu? Vậy mà tôi những năm đứa chết”(14).
Thông qua câu chuyện này, phải chăng nhà văn lên tiếng đối thoại với quan niệm và sự phân tuyến ta – địch rạch ròi từng tồn tại khá lâu trong văn học về chiến tranh ở nước ta? Ở những tiểu thuyết lịch sử hóa hay tiểu thuyết theo khuynh hướng tự truyện (thí dụ: Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên của Hữu Mai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Thời của những tiên tri giả của Nguyễn Viện, Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang, Sóng chìm của Đình Kính…), nhà văn đã chọn chất liệu quen thuộc để chuyển tải cái nhìn mới. Họ đem đến tinh thần đối thoại về những vấn đề tưởng như đã trở thành chân lí bất di bất dịch: lí tưởng – lẽ sống, chính nghĩa – phi nghĩa, ta – địch, bạn – thù…
Sự đổi mới quan niệm về đề tài đã dẫn đến sự đa dạng trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 về chiến tranh. Từng có những tiêu chí khác nhau để phân loại bộ phận văn học này, song dựa trên nguyên tắc xây dựng hình tượng nhân vật chính, chúng ta thấy nổi lên ba khuynh hướng cơ bản: khuynh hướng khám phá người anh hùng từ cái nhìn đa diện, khuynh hướng thể hiện con người bị chấn thương và những số phận bi kịch, khuynh hướng thể hiện con người đời thường và những vấn đề thế sự.
Trong đó, khuynh hướng khám phá người anh hùng từ cái nhìn đa diện có số lượng tác phẩm nhiều nhất và đã có những cách tân nhất định nhằm đáp ứng thị hiếu người đọc. Khuynh hướng thể hiện con người bị chấn thương và những số phận bi kịch manh nha từ ngay sau 1975, đạt được những kết tinh nghệ thuật vào cuối thập kỉ 80 và thập kỉ 90 – sự đổi mới của văn học về chiến tranh chủ yếu thuộc khuynh hướng này. Khuynh hướng thể hiện con người đời thường và những vấn đề thế sự tuy ra đời muộn hơn nhưng cho đến nay đã có được thành tựu đáng kể. Cả ba khuynh hướng trên đã và sẽ tiếp tục tác động qua lại, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.
Để văn học về chiến tranh thực sự hấp dẫn bạn đọc, có lẽ mỗi nhà văn đều hiểu rằng không chỉ đổi mới quan niệm về đề tài mà còn cần có thực tài, có thể đặt ra được những suy tư về văn hóa, về giá trị con người ở một chiều sâu triết học thực sự.
—————————————-
Chủ thích:
(1), (10), (13). Nguyễn Minh Châu, Viết về chiến tranh, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 11/ 1978.
(2). Thanh Giang, Tản mạn về đề tài chiến tranh, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 8/ 1993.
(3). Nam Hà, Trước hết cần phân biệt rõ “chiến tranh nào”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 1/ 1998.
(4), (12), PV, Người lính và chiến tranh cách mạng – một đề tài vĩnh cửu, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 1/ 2001.
(5). Hồ Phương, Có gì mới trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh hôm nay, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4/ 2001.
(6). Nguyễn Đình Tiên, Viết về chiến tranh sau chiến tranh, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 9/ 1976.
(7). Chu Lai, Vài suy nghĩ về phản ánh sự thật trong chiến tranh, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4/ 1987.
(8) Chu Lai, Viết về chiến tranh cần chân thực, nguồn: Media.vn (21/12/2004).
(9) Văn Lê, Phản ánh tính chân thật của chiến tranh, nguồn: www.cinet.gov.vn (12/2/2009).
(11). PV, Viết về đề tài chiến tranh cách mạng – một đề tài không cũ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 673+674, 7/2007.
(14). Sương Nguyệt Minh (lược thuật), Cuộc bàn tròn văn học trao đổi về chiến tranh cách mạng và người lính, Tạp chí Văn nghệ quân đội số 654, 9/2006.
Theo NGUYỄN THỊ THANH / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI
Tags: Văn học, Chiến tranh