Sáng tạo âm nhạc và vấn đề Chân–Thiện–Mỹ

Khi nói đến sáng tạo, người ta thường nói sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi lao động không ngừng, lao tâm, khổ tứ đến mức 99% mới mong thành công, cộng với 1% tài năng thiên phú. Tài năng do đào tạo, vun xới miệt mài như một cuộc chạy đua marathon đường dài nhưng tài năng thiên bẩm, thiên phú là một điều gì đó đứng ngoài sự tiên liệu của con người….

Sáng tạo âm nhạc và vấn đề Chân–Thiện–Mỹ

Tác giả: Nhạc sĩ Thế Bảo.

Tài năng của người nhạc sĩ

Năng khiếu biệt tài về âm nhạc là điều chỉ chiếm 1% nhưng thiếu 1% ấy không thể nào trở thành nhạc sĩ tên tuổi được.

Chúng ta đều biết đến thần đồng âm nhạc Mozart lên 3 tuổi đã chơi đàn, đến 6 tuổi biểu diễn khắp châu Âu và 14 tuổi đã là một nhà soạn nhạc có tiếng. Chính vì muốn Beethoven cũng như Mozart nên bố của Beethoven đã hành hạ con mình để trở nên một thần đồng như Mozart. May thay Beethoven là một cậu bé có tài năng nhưng cứng đầu và sau này Beethoven đi theo con đường sáng tác, tiếp bước và phát triển âm nhạc Mozart. Ferenz Listz cũng là cậu bé tuyệt vời, bố Listz đã từng đưa con đi diễn ở Vienne và Listz nhớ mãi nụ hôn và lời khích lệ cho cậu bé Listz 9 tuổi. Nhưng phải đến năm 13 tuổi, được tu nghiệp và trình diễn ở Paris, Listz mới trở thành danh cầm của châu Âu.

Trong lĩnh vực sáng tác và biểu biễn không có tài năng xuất chúng không thể vượt lên trước biết bao nhiêu người tài năng cùng thời. Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, người giỏi còn có người giỏi hơn. Nhiều tài năng âm nhạc lao động nghiêm túc, cố gắng hết mình và họ đành tìm một lối đi riêng để tiến lên. Đôi khi sự trớ trêu của số phận lại giúp con đường rẽ ấy thành công. Robert Schumann mê biểu diễn piano, ông tìm cách căng các ngón tay cho dài và bị hỏng bàn tay. Schumann dành hết tài năng của mình cho sáng tác và phê bình, ông trở thành nhạc sĩ Đức lừng danh.

Tài năng nào cũng cần có đầu tư thời gian, sức lực và điều kiện, như đã nói cần 99% mới mong gặt hái thành công. Nhưng trời chỉ cho người nhạc sĩ nào đó khoảng 0,5% mà chưa đạt 1% nên họ chỉ là nhạc sĩ thường thường bậc trung.

Tuy chiếm 1% nhưng tài năng thiên phú, năng khiếu, tai nghe tuyệt vời, trí nhớ siêu đẳng và óc sáng tạo kiệt xuất đã khiến những nhạc sĩ thiên tài thường đứng đầu một trường phái và đại diện cho quốc gia (Tổ quốc), cho âm nhạc thời đại mình. Như thế đủ biết tài năng quan trọng đến việc sáng tạo và mở đường cách tân như thế nào!

Cá tính và sự sáng tạo

Cá tính, phong cách sáng tạo của người nhạc sĩ tạo nên sự khác biệt của họ không chỉ ở các thời đại khác nhau mà còn có thể nhận rõ giữa những người cùng thời đại, cùng trường phái và cùng một quê hương. Điều đó tùy thuộc vào quá trình tích lũy kinh nghiệm sáng tạo và đặc biệt là sự va chạm mang tính chất riêng tư của người sáng tạo. Nhưng mỗi tác giả sẽ rất khác nhau không chỉ phản ứng va chạm với thực tại, họ còn tìm đến những phương thức biểu hiện khác nhau như thể loại, hình thức âm nhạc, giai điệu, tiết tấu, hòa âm, phức điệu, đặc biệt là phối âm phối khí với màu sắc.

Mỗi nhạc sĩ trong quá trình hình thành tài năng sáng tạo đã tìm cho mình một lối đi riêng . Để dễ hình dung chúng ta hãy so sánh một vài tác giả trên bình diện cá tính sáng tạo.

Hai nhạc sĩ F. Chopin (Ba Lan) (1810-1849) và F. Liszt (Hungary) (1811-1886) là những nhạc sĩ trường phái Lãng mạn người nước ngoài thành đạt tại Paris – Pháp.

Nhỏ hơn một tuổi nhưng F. Liszt đến Paris trước F. Chopin 7 năm, học hành và trở thành danh cầm piano của Pháp và châu Âu rất sớm. Ngoài biểu diễn piano, Listz còn là nhà sư phạm, nhạc trưởng và hoạt động xã hội. Ông đạt đỉnh vinh quang và hòa nhập với giới trí thức và thượng lưu Paris.

Trong khi đó F. Chopin đến Paris năm 1830 sau thất bại của cuộc khởi nghĩa chống đế quốc Nga của nhân dân Ba Lan. Ở tuổi 20 nhưng Chopin đã là nghệ sĩ piano, là tác giả của Concerto piano No.1 cung mi thứ (1830) và Concerto piano No.2 cung fa thứ (1829), cùng nhiều tác phẩm khác. Đến Paris, nhưng Chopin vẫn phải nhờ F. Listz giúp đỡ và hòa nhập khá khó khăn, Chopin rất cô đơn …

Ngoài 2 bản concerto piano với dàn nhạc giao hưởng kể trên, Chopin hầu như chỉ viết cho piano với nhiều thể loại sử dụng bút pháp tinh tế, giàu chất thơ, mang hoài niệm về Ba Lan với những điệu dân vũ mazurka.

Trong khi đó, những tác phẩm piano của F. Liszt đầy tính hào nhoáng, hoành tráng, giàu kỹ thuật, đối lập với Chopin, bởi Liszt thường cải biên các tác phẩm của nhiều tác giả cho đàn piano. Ông đã thêm thắt vào đây nhiều nét hoa mỹ tạo độ vang như của dàn nhạc. Ngoài viết cho đàn piano, Listz còn viết giao hưởng thơ và nhiều rhapsody Hungary khác…

Tiếp đó, chúng ta phải kể đến hai nhạc sĩ người Nga thiên tài cuối thế kỷ XIX. Hai nhạc sỹ này có hai số phận và phong cách sáng tạo rất khác nhau đó là Tchaikovky (1840-1893) và Mussorgsky (1839-1881).

Tchaikovky tiếp tục truyền thống âm nhạc Nga của Glinca, kết hợp với hướng đi âm nhạc cổ điển và lãng mạn của châu Âu. Tính triết lý, suy tư về bi kịch cuộc đời thấm đậm trong các tác phẩm giao hưởng của Tchaikovky, mà đỉnh điểm là giao hưởng “Bi thương” số 6, ông viết xong trước ngày qua đời không lâu. Cấu tạo âm nhạc của Tchaikovky về giai điệu tiết tấu, hòa âm phức điệu, phối âm phối khí là mẫu mực của sự rành rọt, phân minh và hợp lý. Có lẽ đó cũng là lý do trong bản xếp hạng về tiêu thụ nhạc giao hưởng và thính phòng, Tchaikovky là tác giả có số lượng đĩa bán chạy cao nhất, phổ biến nhất ở Mỹ. Có thể kể hàng loạt các tác phẩm của ông được công chúng yêu thích như các vở ballet “Hồ thiên nga”, “Hằng Nga ngủ trong rừng”, “Kẹp xay hạt dẻ”, giao hưởng số 5, giao hưởng số 6, concerto cho piano và dàn nhạc v.v.

Mussorgsky khiêm tốn hơn, như tên đệm “Modest” của ông, với các opéra “Boris Godounov”, “Khovansky”, bức tranh giao hưởng “Đêm trên núi trọc”, liên khúc piano “Những bức tranh trong phòng triển lãm”, liên khúc thanh nhạc “Bài hát và vũ điệu thần chết” v.v. Tuy vậy, tính cách tân của Mussorgsky rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng, thách thức và gợi mở cho các nhạc sĩ đương thời và nhạc sĩ thế hệ sau. Chẳng thế mà yếu tố màu sắc và hội họa của Mussorgsky đã ảnh hưởng đến trường phái Ấn tượng Pháp với Debussy và Ravel.

Cùng một thời đại, cùng một tổ quốc nhưng Tchaikovky và Mussorgsky có cá tính âm nhạc như là hai cực của nam châm. Và chính Debussy (1862-1918) và Ravel (1857-1937), 2 nhạc sĩ Pháp tiêu biểu của trường phái Ấn tượng rất yêu thích và chịu ảnh hưởng Mussorgsky, cũng có những tác phẩm thành công nhưng rất khác biệt về thể loại và bút pháp. Tác phẩm Debussy giàu màu sắc phương Đông với giai điệu ngũ cung và toàn cung, hòa âm chồng 4, chồng 5, phối khí pha màu tế nhị và tiêu đề tác phẩm gợi ý từ hội họa: “Biển”, “Góc chơi trẻ em”, “Ánh trăng”, “Cô gái tóc tiên” v.v.

Ravel vẫn trung thành với trường phái Ấn tượng dựa vào hội họa nhưng ông hướng đến phương Đông qua giai điệu và tiết tấu Tây Ban Nha để có “Boléro”, “Giờ Tây Ban Nha” và những tác phẩm piano độc đáo như concerto piano tay trái dành cho người bạn nghệ sĩ piano bị mất cánh tay phải trong thế chiến thứ I. Nghe nhạc Debussy, chúng ta hình dung những bức tranh giàu màu sắc, là hình ảnh cầu vồng sau cơn mưa, là pháo hoa muôn hồng nghìn tía của lễ hội. Ravel khác biệt với Debussy, dường như người nghe cảm nhận độ dày đậm đặc, đường nét hình khối của những bức tượng và biểu diễn ballet.

Tính dân tộc và tính thời đại

Trong khi trình bày về cá tính sáng tạo, phong cách riêng của người nhạc sĩ, ở phần trên ít nhiều chúng tôi đã đề cập tính dân tộc và tính thời đại. Tính dân tộc và tính thời đại là một thực tại khách quan song hành với người nhạc sĩ. Và tài năng, cá tính sáng tạo của họ sẽ bộc lộ trong thái độ ứng xử với giọng điệu quê hương, với trải nghiệm cuộc đời.

Nhìn lại tác phẩm và quá trình sáng tạo của Mozart (1756-1791) và Beethoven (1770-1827), hai nhạc sĩ thiên tài của trường phái cổ điển Vienne, chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt trong ứng xử và trải nghiệm để làm nên những tác phẩm bất hủ .

Mozart và Beethoven có thể xem như là người đồng thời, tuy Mozart lớn hơn Beethoven 14 tuổi và mất trước 36 năm, nhưng họ đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, thế kỷ ánh sáng và cuộc cách mạng Pháp 1789.

Thần đồng âm nhạc Mozart lên 6 tuổi đã biểu diễn khắp châu Âu, 14 tuổi đã nhận bằng sáng tác danh dự ở Ý. Cuộc đời ông đầy ánh hào quang và tuy có lúc thăng trầm, ông vẫn là một nhạc sĩ hào hoa trang nhã. Mozart sáng tác âm nhạc dễ dàng sau lúc ông chơi bida hay dạo chơi. Ông đã để lại cho đời nhiều vở opéra hay tuyệt như “Cây sáo thần”, “Đám cưới Figaro”, “Cuộc trốn thoát khỏi hoàng cung”… Giao hưởng 39, 40, 41 và nhiều sonate piano, nhiều tiểu phẩm khí nhạc khác.

Âm nhạc của Mozart đầy màu sắc tươi tắn, yêu đời, tinh tế và trong như pha lê . Ông là một nghệ sĩ đi thong dong, thanh thoát, nhẹ nhàng giữa cuộc đời đầy biến động, bão tố và cách mạng.

Khác với Mozart, Beethoven dù có năng khiếu bẩm sinh từ bé, nhưng ông phải chống lại sự o ép của người bố háo danh, phải lo toan gia đình khi còn niên thiếu. Đến tuổi thanh niên, đến Vienne, ông lại gặp tai biến mất khả năng nghe, đó là bất hạnh lớn của người nhạc sĩ.

Để viết được 9 bản giao hưởng, 32 sonate piano và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, Beethoven đã phải chiến đấu với bệnh tật, trải nghiệm nhiều cay đắng với cuộc đời. Từ thuở 19, ông đã gia nhập cuộc đấu tranh cho lý tưởng như là người chiến sĩ. Beethoven sáng tác trong vật vã của cơn dông tố cách mạng và cuộc đời. Ông sáng tác không dễ dàng mà đau đớn, khổ sở như người phụ nữ mang nặng đẻ đau. Tác phẩm của Beethoven đã mang tâm hồn và tư tưởng triết học Đức đầy suy tư giữa các mặt đối lập thiện ác, ánh sáng bóng tối, thành công và thất bại, niềm vui và đớn đau…

Có thể thấy, một điểm chung của các nhạc sĩ vĩ đại có tầm cỡ thế giới là họ luôn là người phát ngôn của thời đại và tổ quốc mình. Họ đã sử dụng ngôn ngữ âm nhạc của dân tộc mình nâng lên tầm nhân loại và nhân loại tiếp nhận những tác phẩm ưu việt của họ như là tài sản chung và mẫu mực để noi theo.

Nhìn lại lịch sử âm nhạc cận đại Việt Nam, chúng ta thấy tính thời đại và tính dân tộc biểu hiện rất rõ trong phong trào tân nhạc, trong âm nhạc chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Những năm 30 của thế kỷ XX, sự xâm nhập văn hóa, âm nhạc phương Tây, và đặc biệt là văn hóa âm nhạc Pháp, có tính hệ thống và toàn diện từ giáo dục ở nhà trường đến sinh hoạt văn hóa, xã hội. Trẻ em đến trường học tiếng Pháp, hát bài hát Pháp. Các rạp phim hát bài hát theo kiểu phương Tây.

Phong trào tân nhạc do các nhạc sĩ Việt Nam học tập nhạc lý, cách tiến hành của phương Tây để sáng tác những bài hát Việt Nam như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Quý v.v. là một hiện tượng văn hóa đặc biệt của Việt Nam thời kỳ ấy. Nó nói lên sức sống mãnh liệt của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Cũng những nhạc sĩ phong trào Tân nhạc, họ hồ hởi đi vào cuộc cách mạng tháng tám và kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có nhiều bài hát hay về cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược Pháp như trường ca “Sông Lô” (Văn Cao), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Lên ngàn” (Hoàng Việt), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân)…

Có thể nói, âm nhạc thời chống Pháp và chống Mỹ đã mang hơi thở thời đại và tinh thần dân tộc trong nội dung và giai điệu tiết tấu Việt Nam.

Âm nhạc đối thoại với xã hội

Âm nhạc ngoài nhạc đàn còn có nhạc hát, với các loại hình nghệ thuật đơn giản như đồng dao, dân ca, ca khúc đến các hình thức lớn như ca kịch dân ca, opéra, hợp xướng, thanh xướng kịch v.v.

Ở các loại hình ca hát, âm nhạc dùng ngôn ngữ đối thoại nên người nhạc sĩ tìm thấy khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến công chúng và giữa những người thưởng thức cũng có sự gặp gỡ, giao đãi, giao tiếp. Âm nhạc không lời phát huy hiệu quả đối thoại giao tiếp này theo một cung bậc giàu sức tưởng tượng và gợi mở. Như Tchaikovsky nhấn mạnh khả năng biểu hiện và cảm nhận của nhạc không lời, nhạc đàn (khí nhạc). Người nhạc sĩ sáng tác, nhạc công, diễn viên biểu diễn tác phẩm vang lên, tác động người nghe tạo nên hiệu ứng cảm nhận, đồng cảm. Hiện tượng ấy từng được chứng kiến khi cả ngàn người buồn đau, thổn thức hay tràn ngập niềm vui khi xem trong rạp. Và con số ấy sẽ lên hàng triệu thính giả cùng chung cảm xúc qua chương trình phát thanh, truyền hình.

Cái “thông điệp” mà người nhạc sĩ gửi đến người nghe là điều mà người nhạc sĩ hằng ấp ủ trong quá trình sáng tạo.

Ngay cả một nhạc sĩ chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” xem âm nhạc là trò chơi của riêng mình, anh ta cũng bị chi phối bởi tác động với bản thân anh và dù muốn hay không cái “âm nhạc là trò chơi của riêng” đã bị người nghe, bằng kinh nghiệm bản thân, tìm thấy ở đấy rất nhiều điều muốn nói, muốn giải bày. Đó chính là yếu tố khách quan khi âm nhạc là phương tiện trao đổi của nhân loại. Bởi vậy, cùng nghe một bản nhạc có sự đồng cảm chung và cũng có những xúc cảm riêng kinh qua kinh nghiệm bản thân, những kỷ niệm mà người nghe từng trải nghiệm. Như vậy, rõ ràng âm nhạc là ngôn ngữ đối thoại quốc tế, dù là tác phẩm 5 cung, 7 cung, 12 cung, 24 cung, không cần phiên dịch, tất cả mọi dân tộc đều có thể đồng cảm, thấu hiểu những thông điệp mà người nghệ sĩ gửi đến. Âm nhạc tuy có lời, có rào cản của phần ngôn ngữ nhưng vẫn có độ cảm thông nhất định của sắc thái âm nhạc, giai điệu, tiết tấu và các thành phần khác của âm nhạc. Lời trong ca khúc, trong hợp xướng ca kịch vẫn là loại ngôn ngữ biểu hiện và đối thoại, nhất là trong rất nhiều bài thơ, khi phổ nhạc đã lan tỏa nhanh trong công chúng thông qua phương tiện biểu hiện của âm nhạc.

Âm nhạc là loại hình sáng tạo tập thể

Các bạn có thể đã một lần nghe em bé chăn trâu thổi sáo một làn điệu ngẫu hứng khi chiều về trên thôn trang, hoặc các bạn từng thưởng thức đêm nhạc của một danh cầm guitar, hay piano trình diễn một chương trình sáng tác cá nhân…. Người ta thường nói đùa vui là những trình diễn ấy có yếu tố “ba trong một”. Có nghĩa là chương trình âm nhạc gồm 3 yếu tố: sáng tác, trình diễn và quảng bá; điều đó do một người thực hiện.

Thật ra và thông thường, hoạt động âm nhạc là loại hình sáng tạo tập thể.

Ngay cả một ban nhạc rock tự sáng tác, tự trình diễn và tự phát hành thì cũng là sự phối hợp của ban nhạc ăn ý, vừa hát vừa đàn gồm guitar solo, guitar bass, cùng keyboard và trống. Và ban nhạc rock ấy ít khi chỉ dùng tác phẩm của một tác giả mà phải đan xen các phong cách khác nhau tạo nhiều sự đối tỉ…

Trong những chương trình độc tấu, các nghệ sĩ cũng cố gắng để đêm diễn có đậm nhạt khác nhau, muôn màu muôn vẻ nhờ sự khác nhau của các tác giả. Và nhiều lúc như để chứng minh khả năng lột tả khác nhau của những cá tính, phong cách khác nhau, người nghệ sĩ có khi biểu diễn những tác phẩm ở những thời đại khác nhau, trường phái khác nhau.

Sáng tác, trình diễn và quảng bá vẫn là một khâu liên hoàn của hoạt động âm nhạc mà khâu nào cũng cần có sự hoàn hảo. Thiếu hoặc thực hiện kém bất cứ khâu nào trong liên hoàn ấy khó có âm nhạc hay. Tuy nhiên, khâu sáng tác tất nhiên là quan trọng nhất. Từ một sáng tác hay, độc đáo có thể mở ra nhiều cách trình diễn khác nhau. Chẳng hạn tác phẩm “Ánh trăng” của Debussy ông viết cho độc tấu piano như là một bản prélude, người ta có thể soạn lại cho độc tấu violon và piano và có khi phối cho dàn nhạc giao hưởng nữa.

Trong các tác phẩm nhạc hát có lời, ngoài tác giả âm nhạc còn có người viết lời, sáng tác thơ. Hoặc ở các thể loại thanh xướng kịch, vũ kịch, người viết kịch bản hết sức quan trọng. Người ta phải tính đến đồng tác giả của ca khúc phổ thơ, các opéra, thanh xướng kịch, opéra và ballet trong lĩnh vực sáng tác.

Như vậy ,có thể thấy rằng, hoạt động âm nhạc là hoạt động sáng tạo tập thể mà từ lúc sáng tác đến biểu diễn và thưởng thức phải phối hợp một cách hoàn hảo mới mong có được chất lượng cao.

Đạo đức, phẩm cách sáng tạo của nhạc sĩ

Khi Beethoven nói “Một tác phẩm là một bước tiến về đạo đức” là hàm chứa những đứa con sinh sau của nhạc sĩ phải hoàn chỉnh, tốt đẹp về nội dung và hình thức so với những gì đã viết trước đây.

Vấn đề đạo đức là một vấn nạn mà mấy ngàn năm qua, các nhà tư tưởng và nghệ thuật gia vĩ đại luôn bàn cãi.

Lão tử từng nói “Ngũ âm lịnh nhân nhĩ lang” (Năm âm làm người ta ù tai) – Lão tử chương 12 – cũng như Mặc tử, hai ông đều chủ trương: theo đạo đức thì nên từ bỏ nhạc, “Nếu nhạc mà có lợi cho dân chúng như thuyền và xe thì ta không chê… Cho nên âm nhạc là đáng chê trách”. Mặc Tử: “Phi nhạc thượng”. Trái lại Khổng Tử cho rằng “chơi nhạc là để tu tâm dưỡng tính”.

Tuân tử phê phán hạn chế của Lão tử là “biết co mà không biết dãn” và không đồng tình với Mạc tử vì “Mặc tử tế vi dụng nhi bất tri văn” (Mặc tử bị cái dụng che lấp mà không biết đến văn hóa).

Tuân Tử cho rằng “Nhạc tứ là hòa duyệt, vui vẻ (lạc). Đó là tình cảm con người phải có. Bởi vậy con người không thể không vui vẻ, hòa duyệt thể hiện ở âm thanh động và tĩnh. Với con người âm thanh, cử chỉ động tĩnh đều là biểu hiện của tính khí. Con người vì vậy phải vui và niềm vui hiện rõ. Nếu biểu hiện ấy không đúng đạo lý ắt sinh ra loạn. Tiên vương ghét loạn nên đặt ra nhã và tụng để chăn dắt dân, khiến âm thanh đủ gây vui vẻ nhưng không gây sa đọa, cái đẹp được rõ, âm thanh đủ vui mà không dâm đãng, cái văn đủ biện luận mà không chua ngoa, cái điệu múa co duỗi, đầy vơi, khoan nhặt, tiết tấu đủ để cảm động cái lòng thiện lương của con người, cái tà khí dơ bẩn không tiếp xúc với họ. Nhạc trung bình thì dân hòa thuận, không dâm đảng, nhạc nghiêm trang thì dân chỉnh tề, không loạn. Đó là phương hướng đặt ra của tiên vương vậy” (Nhạc luận)

Ở phương Tây, Plato từ thời cổ Hy Lạp khi phác họa một nước cộng hòa lý tưởng, ở đó trẻ em bắt buộc học thể thao và âm nhạc nhưng Plato yêu cầu chính phủ phải kiểm soát âm nhạc theo tiêu chuẩn đạo đức.

Tiếp theo là những nhà thần học, các triết gia công giáo đã khuyến cáo văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng phải phục vụ nhà thờ và lòng tin vào thượng đế. Kể cả Lev Tolstoi về cuối đời cũng yêu cầu sống thật đơn giản và xem âm nhạc là lãng phí. Trái lại các triết gia thế kỷ XVIII, từ Kant đến Croce nghiêng hẳn về hình thức và phủ nhận mối liên hệ văn nghệ và đạo đức.

Ở châu Âu thời ấy nghiên cứu khoa học theo cơ học, chia cắt ra từng phần để phân tích đã có những kết quả tốt. Trong văn học nghệ thuật cũng áp dụng phân tích theo cơ học và điều đó dẫn đến những phiến diện, vì một tác phẩm là một tổng hòa của nhiều nhân tố để trở nên thành công hay thất bại.

Đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, phương tiện để tạo nên tác phẩm là âm thanh, mà âm thanh mang đầy đủ tính chất vật lý. So với các nghệ thuật khác, âm nhạc được sáng tạo trên cơ sở kết hợp các âm cao thấp, các tiết tấu dài ngắn, các sắc thái to nhỏ, các màu âm của giọng người và các nhạc cụ v.v. Chúng được kết hợp với một lập trình khá gần với toán học, có thể xem như những ma trận. Khảo sát các tác phẩm của Bach và Beethoven, chúng ta sẽ tìm thấy vô số sự sắp xếp để tạo ra các chủ đề âm nhạc, kỹ thuật đối vị trong phức điệu với việc triển khai các chủ đề soi gương, đuổi nhau, hoặc qui tắc chồng âm, phối âm… có những qui luật rất biện chứng…

Giáo sư mỹ học Đại học Bắc Kinh – Chu Quang Tiềm – trong sách “Tâm lý văn nghệ mỹ học hiện đại”, dịch giả Khổng Đức Đinh Tấn Dung đã dành cả một chương văn nghệ và đạo đức và chọn làm 3 loại:

– Loại lấy lao động làm mục đích.
– Loại bị mọi người cho là thiếu đạo đức.
– Loại có ảnh hưởng và có đạo đức.

Giáo sư Chu chủ yếu dẫn chứng những tác phẩm văn học và cuối cùng ông đề nghị tập trung 3 điểm:

– Trong mỹ cảm, kinh nghiệm nhìn theo quan điểm của độc giả và tác giả thì giữa văn nghệ và đạo đức có những liên hệ gì?
– Trước khi có kinh nghiệm mỹ cảm, theo quan điểm của độc giả và tác giả thì giữa văn nghệ và đạo đức có những liên hệ gì?
– Sau khi trải qua kinh nghiệm mỹ cảm, theo quan niệm độc giả và tác giả thì giữa văn nghệ và đạo đức có những liên hệ nào?

Cuối cùng giáo sư Chu kết luận: Tóm lại, đạo đức là một cách thế để ứng phó trong cuộc sống, cách thế ấy có hợp hay không hợp là phải nhắm vào mức lãnh hội hiểu biết con người như thế nào. Mà không có cái gì có thể khiến chúng ta thấu triệt và phản chiếu được cuộc sống cho bằng văn nghệ, cho nên cũng không có cái gì giúp đỡ cho chúng ta thiết lập được cơ sở đạo đức hoàn hảo nhất cho bằng văn nghệ. Câu nói sau đây của Socrate quá xưa, nhưng cũng giản đơn khiến cho người ta hoài nghi cũng lắm, thế nhưng đồng thời nó cũng bao hàm một chân lý đời đời là:

“Tri thức chính là đạo đức”

Chúng tôi muốn bàn thêm về việc trao dồi đạo đức người sáng tạo. Đây là một việc khá tinh tế. Chúng ta bắt gặp trong cuộc đời một nghệ sĩ khó ưa, khó tính, thậm chí trong một số trường hợp, người nghệ sĩ ấy còn “chơi xấu” với bạn bè, đồng nghiệp nhưng tác phẩm của anh ta rất hay. Điều ấy được giải thích là nghệ sĩ ấy có tài năng, mặc dù khó ưa, nhưng trong đáy sâu thẳm của anh ta có khát vọng hướng đến điều tốt đẹp tạo nên hiện tượng “lên đồng”, “nhập bóng” và viết nên tác phẩm hay.

Việc rèn luyện đạo đức của người sáng tạo để có một tâm hồn cao đẹp, một tư cách sáng tạo lộng lẫy vẫn là điều rất có ích. Nó là sự tích lũy của rất nhiều thế hệ đi trước, của rất nhiều thời đại và nhiều dân tộc thu góp lại và người nghệ sĩ sẽ có điều kiện tạo nên tác phẩm chân thật, có ích và cái đẹp đó chính là sự không thể cắt rời của một tác phẩm hay, bao gồm chân, thiện, mỹ.

Theo SPNTTW.EDU.VN

Tags: , ,