⠀
Robin Hood từng bị người Mỹ cáo buộc là Cộng sản như thế nào?
Các cuộc tấn công vào tự do ngôn luận trong thời kỳ Nỗi sợ Cộng sản ở Mỹ đã dẫn đến việc một số cuốn sách bị loại khỏi các thư viện công cộng và trường học trong thập niên 1950 và 1960.
Nguồn: Indiana Textbook Commission member charges that Robin Hood is communistic, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày 13/11/1953, trong một ví dụ về khoảng thời gian ngớ ngẩn mà “Nỗi sợ Cộng sản” (Red Scare) bao trùm nước Mỹ, bà Thomas J. White của Ủy viên Ủy ban Sách Giáo khoa Bang Indiana, đã kêu gọi loại bỏ cuốn Robin Hood khỏi danh sách sách giáo khoa tham khảo cho các trường học của bang. Bà cho rằng có “một chỉ thị của phe Cộng sản trong giáo dục rằng cần nhấn mạnh đến câu chuyện Robin Hood vì anh ta đã cướp của người giàu và chia cho người nghèo. Đó là tuyên ngôn của Cộng sản. Đó là sự bôi nhọ luật pháp, trật tự, và bất cứ điều gì phá vỡ luật pháp và trật tự là điều họ muốn.”
Bà còn tiếp tục tấn công cả phái Giáo hữu (Quakers) vì họ “không tin vào việc chiến đấu trong chiến tranh.” Triết lý này, bà lập luận, có lợi cho cộng sản. Mặc dù sau đó bà đã nói rằng mình chưa bao giờ kêu gọi loại bỏ các đoạn văn có đề cập đến câu chuyện [Robin Hood] trong sách giáo khoa của trường, nhưng bà vẫn tiếp tục khẳng định rằng chủ đề “cướp của người giàu và chia cho người nghèo” là “chính sách ưa thích của Cộng sản.” Phản ứng trước những lời chỉ trích lập trường của mình, bà phản bác rằng, “Bởi tôi đang cố gắng loại bỏ các tác giả Cộng sản ra khỏi sách giáo khoa, nên tên tôi đã bị vấy bẩn. Rõ ràng là tôi đang động chạm tới họ chứ nếu không họ sẽ chẳng làm om sòm mọi chuyện như vậy.” Các cáo buộc của White đã nhận được những phản ứng khác nhau.
Thống đốc bang Indiana, George Craig, tìm cách biện hộ cho phái Giáo hữu, nhưng đã tránh không tham gia vào vấn đề sách giáo khoa. Giám thị giáo dục tiểu bang thậm chí còn đi xa đến mức đọc lại cuốn sách trước khi quyết định rằng nó không nên bị cấm. Tuy nhiên, ông cảm thấy rằng “Cộng sản đã bóp méo ý nghĩa của huyền thoại Robin Hood.” Giám thị các trường học tại thủ phủ Indianapolis cũng không muốn cuốn sách bị cấm, tuyên bố rằng ông không thể tìm thấy bất cứ điều gì mang tính kêu gọi lật đổ trong câu chuyện.
Tại Liên Xô, các nhà bình luận đã tận dụng thời cơ. Một người đùa rằng “việc để Robin Hood gia nhập Đảng Cộng sản chỉ có thể khiến những người có lý trí bật cười.” Cảnh sát trưởng đương nhiệm của Nottingham (quê hương của Robin Hood) thì kinh hoàng bình luận rằng “Robin Hood không phải là cộng sản.”
Dù khi nhìn lại, những sự kiện như thế này thường bị xem là ngu ngốc, nhưng các cuộc tấn công vào tự do ngôn luận trong thời kỳ Nỗi sợ Cộng sản ở Mỹ đã dẫn đến việc một số cuốn sách bị loại khỏi các thư viện công cộng và trường học trong thập niên 1950 và 1960 do nội dung bị coi là kêu gọi lật đổ.
Những cuốn sách nổi tiếng như The Grapes of Wrath của John Steinbeck và Johnny Got His Gun của Dalton Trumbo chỉ là một vài trong số những cuốn sách thường bị lấy ra khỏi kệ. Các bộ phim của Hollywood cũng gặp phải áp lực đảm bảo các chủ đề và câu chuyện phù hợp hơn cho “toàn bộ người Mỹ.” Nhạc rock and roll thì bị một số người coi là lấy cảm hứng từ chủ nghĩa cộng sản.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Mỹ, Cộng sản