Rào cản đối với chiến lược xoay trục sang Trung Quốc của Tổng thống Philippines

Tổng thống Duterte có thể sẽ phải sửa đổi Hiến pháp Philippines và “phớt lờ” những điều khoản quan trọng trong phán quyết của Tòa Trọng tài nếu muốn thúc đẩy thành công một Thỏa thuận Khai thác Chung với Trung Quốc

Bài viết của tác giả Richard Javad Heydarian, Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De La Salle. Bài viết đăng trên “National Interest”.

Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines tiếp tục thực hiện chính sách “xoay trục” sang Trung Quốc một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Trong thông điệp quốc gia hôm 24/7, nhà lãnh đạo Philippines đã một lần nữa lên tiếng chỉ trích các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vì đã lên án cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của chính quyền Manila, một chiến dịch cũng vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong thông điệp kéo dài 2 tiếng đồng hồ này của ông Duterte là việc “vắng bóng” hoàn toàn nội dung liên quan tới tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc. Tổng thống Duterte chỉ nhắc đến những tranh cãi về vấn đề Biển Đông một cách chiếu lệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và thương lượng hòa bình giữa các bên tuyên bố chủ quyền. Để làm hài lòng đại diện Trung Quốc trong sự kiện này, ông Duterte chủ yếu ca ngợi “gã khổng lồ châu Á” là một đối tác hào phóng cho sự phát triển kinh tế ở Philippines.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, Lầu Năm Góc đã cung cấp cho Philippines những hỗ trợ hết sức cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là triển khai máy bay không người lái và một đơn vị thuộc các lực lượng đặc nhiệm đến thành phố Marawi ngoài việc viện trợ vũ khí. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte dường như lại để tâm nhiều hơn đến việc củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh. Ngay sau khi kết thúc thông điệp vốn đánh dấu sự khởi đầu năm thứ hai trong nhiệm kỳ của mình, ông Duterte đã tiến hành một buổi họp báo, trong đó, ông “thản nhiên” công bố về khả năng chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Nhà lãnh đạo này giải thích: “Nếu chúng ta có thể khai thác thứ gì ở đó mà không vướng vào bất kỳ tranh cãi nào, thì tại sao lại không tiến hành?”, đồng thời tái khẳng định cam kết tránh căng thẳng với Bắc Kinh bằng bất kỳ giá nào.

Trong nhiều tháng qua, ông Duterte liên tục giữ quan điểm cho rằng Philippines đang đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là xung đột với Bắc Kinh, hành động đồng nghĩa với “tự sát”, hoặc cùng đàm phán dựa trên những điều khoản nhất định. Trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang dần cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ, cụ thể là mỏ khí đốt tự nhiên Malampaya ở Biển Đông, nước này tỏ ra khá hào hứng trong việc thúc đẩy kế hoạch khai thác dầu mỏ ở Bãi Cỏ Rong, nằm trong phạm vi “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố.

Một cựu nghị sĩ Philippines, người hiện là đặc phái viên của nước này tại tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cho rằng Philippines chỉ cần “tạm gác” các tuyên bố chủ quyền” để đổi lấy việc hoàn tất Thỏa thuận Khai thác Chung (JDA) với Bắc Kinh. Tuy nhiên, đề xuất JDA lại tiềm ẩn 2 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, JDA có nguy cơ vi phạm cả Hiến pháp Philippines cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi tháng 7/2016. Thứ hai, và quan trọng hơn, JDA có thể vô hình trung hợp pháp hóa hoàn toàn những tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là khi cường quốc châu Á này đang không ngừng tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở vùng biển tranh cấp. Trung Quốc từng bước tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện ngày càng gia tăng của lực lượng bán quân sự ở Biển Đông để tự thiết lập nên luật chơi của riêng mình, hoàn toàn coi thường luật lệ quốc tế hiện hành và lợi ích của các nước nhỏ hơn cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Về cơ bản, Trung Quốc đang gửi đi thông điệp tới các nước láng giềng rằng: “Những gì của chúng tôi là của chúng tôi, những gì của các bạn, chúng ta cùng chia sẻ”.

JDA là một thỏa thuận tạm thời (tạm ước) giữa các bên tranh chấp khi chưa thể đi đến cách giải quyết cuối cùng. Tạm ước này được quy định trong luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và đồng điệu với lời khẳng định của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Chủ quyền vẫn luôn là của chúng ta; hãy gác tranh chấp, và cùng khai thác”. Trong cuốn Biên giới Vững chắc, Quốc gia An toàn, tác giả Taylor Fravel chứng minh rằng phương châm của Đặng Tiểu Bình đã có những tác động đáng ngạc nhiên tới cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với nhiều nước láng giềng, ngoại trừ một số trường hợp như Ấn Độ.

Giữa những năm 2000, cựu Tổng thống Philippines Gloria Arroyo, người hiện là cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte, đã ký thỏa thuận Thăm dò Địa chất Chung (JMSU) với Bắc Kinh và Hà Nội. Thỏa thuận này được ký kết ngay sau khi Trung Quốc thực hiện những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Philippines. Tuy nhiên, ngay sau đó, không chỉ nguồn đầu tư của Trung Quốc vướng vào các vụ bê bối tham nhũng mà cả thỏa thuận JMSU cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai do không phù hợp với Hiến pháp và có nguy cơ gây ra những mối bất hòa giữa các bên. Giữa lúc có những phản ứng gay gắt trên chính trường Philippines về vấn đề này, cựu Tổng thống Arroyo, người đã thương lượng JMSU với một điều khoản mật gây tranh cãi, đã từ chối gia hạn thỏa thuận 3 năm vốn hết hạn vào năm 2008 này. Chính thỏa thuận mờ ám giữa Manila và Bắc Kinh này đã phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người Philippines không mấy thiện cảm với Trung Quốc và là lý do vì sao đề xuất JDA lại gây tranh cãi lớn đến như vậy.

Một vấn đề khác là Hiến pháp năm 1987 của Philippines có đề rõ việc ngăn chặn một thỏa thuận mà theo đó Trung Quốc có thể đạt được điều mà họ muốn: Khẳng định những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ngay trong phạm vi lãnh hải của Philippines. Điều 12, Mục 2 về Di sản và Kinh tế Quốc gia trong Hiến pháp Philippines nêu rõ: “Việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần phải được thực hiện dưới sự kiểm soát và giám sát toàn điện của Nhà nước Philippines”. Tài liệu này cũng quy định rằng mọi hoạt động khai thác chung đều phải diễn ra dưới sự chỉ đạo của Chính quyền Philippines và một công ty do Philippines chiếm cổ phần đa số, công nhận rõ ràng các quyền chủ quyền duy nhất của Philippines trong khu vực.

Hơn thế nữa, phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye về Biển Đông đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc và Philippines không có EEZ chồng lấn. Chỉ ở khu vực Bãi cạn Scarborough, vốn được quy định là ngư trường truyền thống chung, người ta mới có thể lập luận rằng có cơ sở pháp lý để hai bên cùng chia sẻ nguồn tài nguyên trong khu vực này theo luật quốc tế. Nói một cách ngắn gọn, Tổng thống Duterte có thể sẽ phải sửa đổi Hiến pháp Philippines và “phớt lờ” những điều khoản quan trọng trong phán quyết của Tòa Trọng tài (trong vụ kiện mà chính Manila khởi xướng) nếu muốn thúc đẩy thành công một JDA với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ nghiễm nhiên hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên quý giá ở khu vực tranh chấp này. Khi ấy, rủi ro và nguy cơ sẽ xuất hiện đối với không chỉ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Philippines mà còn với “số phận” tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới này.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,