Quyết định sắt đá của Tổng thống Putin nhìn từ thuyết Hiện thực

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraina đang diễn biến khó lường, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN đã có những chia sẻ góc nhìn về sách lược của Tổng thống Putin và đưa ra những gợi ý chính sách để cứu vãn hòa bình.

– Thưa Đại sứ, quyết định của Tổng thống Putin phần nào khiến cả thế giới phải “ngỡ ngàng”. Trước đó, nhiều người còn cho rằng, Washington đã cảnh báo “quá đà”. Quan điểm của Đại sứ về quyết định này?

– Nguyên nhân chính của việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraina rạng sáng ngày 24/2 là việc Nga lo ngại Mỹ và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng biên giới sang phía Đông giáp nước Nga và Ukraina sẽ sớm trở thành thành viên của NATO.

Theo đánh giá của Tổng thống Putin và các lãnh đạo khác của Nga, nếu như điều này diễn ra thì không gian an ninh của Nga sẽ ngày càng bị thu hẹp, thậm chí đe dọa sự tồn tại của Nga với tư cách là một cường quốc. Ngoài ra, Nga cũng muốn có một cơ cấu an ninh mới ở châu Âu, trong đó Mỹ và NATO phải cam kết bằng văn bản sẽ không mở rộng NATO sang “không gian hậu Xô Viết” và phải tính đến vai trò cũng như các lo ngại an ninh của Nga.

Trước sự xích lại gần nhau giữa Ukraina với Mỹ và NATO, cuối năm 2021, phía Nga đã gửi đề nghị cho Mỹ và NATO, trong đó nêu rõ các quan ngại nêu trên của mình.

Đồng thời, Nga cũng triển khai một lực lượng quân đội lớn xung quanh Ukraina để hỗ trợ cho các đòi hỏi của mình. Khi các đòi hỏi mà Nga cho là “chính đáng” không được đáp ứng, thì Nga đã “động binh” bằng chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 vừa qua, với mục tiêu là tìm cách “trung lập hóa” và “phi quân sự hóa” Ukraina.

Hành động của Nga ngay lập tức vấp phải sự chống trả quyết liệt của Ukraina, với quyết tâm bảo vệ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Còn Mỹ, phương Tây và nhiều quốc gia đã triệu tập các cuộc họp của Hội đồng Bảo an, NATO, EU… để lên án cái họ gọi là sự vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế của Nga, đồng thời tiến hành các biện pháp nhằm cô lập Nga về ngoại giao và kinh tế.

– Xét ở góc độ lý luận quan hệ quốc tế với các học thuyết chiến tranh phổ biến, Đại sứ lý giải như thế nào về động thái của các bên hiện nay?

– Về mặt lý thuyết, có khá nhiều thuyết quan hệ quốc tế có thể được áp dụng để giải thích động thái của các bên hiện nay. Tuy nhiên, tôi thấy “thuyết hiện thực” là khả dĩ hơn cả.

“Thuyết hiện thực” giả định rằng thế giới chúng ta đang sống là một thế giới hỗn độn, không có trật tự, do đó nước nào cũng tìm cách “tự cứu” để đảm bảo tốt nhất an ninh của chính mình.

Thuyết này cũng giả định rằng thế giới hiện nay là một thế giới đầy nghi kị với các vòng xoáy luẩn quẩn của chiến tranh và bạo lực.

Khi một quốc gia tìm cách đảm bảo tốt nhất an ninh của mình thông qua việc tăng cường khả năng phòng thủ hoặc liên kết với các nước/nhóm nước khác thì điều này lại tạo ra sự mất cân bằng chiến lược khu vực và được các quốc gia khác xung quanh coi là mối đe dọa đối với an ninh của họ.

Áp dụng điều này vào bối cảnh hiện nay ta thấy: Nga có sự nghi kị sâu sắc về mặt chiến lược với NATO và bên nào cũng cho rằng bên kia là mối nguy cơ an ninh, đe dọa sự tồn tại của mình. Khi Ukraina tìm cách gia nhập NATO, thì Nga diễn giải hành động này sẽ làm mất cân bằng cán cân quyền lực an ninh ở biên giới phía Tây, không có lợi cho Nga, do đó, Nga phải hành động để việc Ukraina trở thành thành viên NATO sẽ không bao giờ xảy ra.

– Tổng thư ký Liên hợp quốc đã gửi thông điệp tới Tổng thống Nga rằng “Hãy cho hòa bình một cơ hội”. “Hòa bình”, lúc này, theo Đại sứ có thể cứu vãn bằng cách nào?

– Đối với bất kỳ căng thẳng hay cuộc chiến tranh nào trên thế giới, cơ hội để giải quyết bằng các biện pháp hòa bình chưa bao giờ khép lại và cuộc chiến tại Ukraina hiện nay không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, một khi súng đã nổ thì điều này có nghĩa các nỗ lực ngoại giao trước đó đã không đem lại kết quả và thất bại. Và do vậy, các nỗ lực ngoại giao từ giai đoạn này trở đi phải được tăng lên gấp bội thì hòa bình mới có cơ hội được cứu vãn.

Một khi súng đã nổ thì điều này có nghĩa các nỗ lực ngoại giao trước đó đã không đem lại kết quả và thất bại. Và do vậy các nỗ lực ngoại giao từ giai đoạn này trở đi phải được tăng lên gấp bội thì hòa bình mới có cơ hội được cứu vãn.

Về cơ hội cho hòa bình hiện nay, tôi thấy phụ thuộc vào 3 yếu tố: Vì Nga là bên phát động chiến tranh, nên điều quan trọng nhất là các đòi hỏi của Nga được Ukraina, Mỹ và phương Tây đáp ứng đến đâu; tình hình chiến trường giữa các bên tham chiến trực tiếp; hiệu quả của các hoạt động ngoại giao và cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga, cũng như viện trợ cho Ukraina đến đâu.

Tôi cho rằng, cuộc chiến này có thể để chấm dứt bất kỳ lúc nào để mở đường cho các các cuộc đàm phán an ninh rộng lớn hơn khi các yêu cầu của Nga về việc trung lập hóa Ukraina và Ukraina không trở thành thành viên của NATO được đáp ứng.

– Xung đột Ukraina hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cục diện quốc tế, thưa Đại sứ?

– Cuộc xung đột hiện nay có tác động nghiêm trọng đến an ninh châu Âu và cục diện quan hệ quốc tế trên các khía cạnh sau:

Một là, muốn có một nền hòa bình lâu dài và bền vững, châu Âu buộc phải thiết kế lại một cấu trúc an ninh khu vực mới, trong đó Mỹ, NATO và Nga đóng vai trò trụ cột.

Hai là, quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng mới tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây.

Ba là, sự lên ngôi của chính trị cường quyền, trong đó các nước lớn tìm cách mở rộng, củng cố không gian ảnh hưởng ở khu vực ngoại vi và theo chân nhau vẽ ” lằn ranh đỏ” an ninh quốc gia.

Bốn là, xu hướng xích lại gần nhau hơn giữa Nga và Trung Quốc, nhưng ít có khả năng hai nước này sẽ trở thành đồng minh thân thiết như giai đoạn 1949-1959 do lợi ích vẫn còn nhiều khác biệt và bản thân Trung Quốc vẫn đang rất cần vốn công nghệ và thị trường của Mỹ và phương Tây.

Năm là, căng thẳng trong quan hệ với Nga đã phần nào giúp giảm nhiệt cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc trong giai đoạn ngắn và trung hạn. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn là “địch thủ” chính trong chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

– Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 

Tags: , ,