Quan hệ Nga – Thổ giữa cuộc chiến Ukraina: Cuộc khiêu vũ giữa bầy sói

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tăng cường hợp tác kinh tế khiến phương Tây lo ngại mối quan hệ này sẽ làm suy yếu tác động của lệnh trừng phạt áp đặt lên Điện Kremly vì chiến sự Ukraina.

Quan hệ Nga – Thổ giữa cuộc chiến Ukraina: Cuộc khiêu vũ giữa bày sói

Nga ngày càng xích gần với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế nhằm giảm bớt sự cô lập quốc tế áp lên nước này sau lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây.

Trong khi đó, các nhà kinh tế học cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần ngoại tệ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xuất phát phần lớn từ chính sách tiền tệ của ông Recep Tayyip Erdogan.

Do Mỹ và các nước EU quay lưng với Nga nên họ quay sang Thổ Nhĩ Kỳ”, Gıyasettin Eyyüpkoca – người đứng đầu Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Laleli – nhận định.

Từ năng lượng và vật liệu công nghiệp, đến việc tài phiệt Nga đậu du thuyền trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ankara và Moskva khiến phương Tây lo ngại chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lại lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Điện Kremly, Wall Street Journal nhận định.

“Đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ đem lại cái giá đắt”

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng phản ứng. Hồi tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cảnh báo bằng văn bản tới 2 hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Văn bản ghi các tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị trừng phạt nếu họ làm việc với những bên của Nga có tên trong danh sách trừng phạt.

Văn bản cảnh báo được đưa ra sau khi ông Adeyemo nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, nêu lên “lo ngại các thực thể và cá nhân Nga đang cố gắng lợi dụng (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ và 30 quốc gia khác”.

Theo các quan chức Mỹ, vào tháng 6, trong chuyến thăm hiếm hoi tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông Adeyemo thúc giục một cách riêng tư rằng Ankara cần đạt bước tiến trong tuân thủ lệnh trừng phạt quốc tế với Nga. Cùng chuyến đi, ông cũng đến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nơi trở thành thiên đường trú ẩn cho tiền và tài sản của người Nga.

Ông Adeyemo kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tài sản trị giá hàng trăm triệu USD mà người Nga đang cất giữ ở nước này, từ tiền, đất đai, nhà máy công nghiệp, nhà cửa và du thuyền.

Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đảm bảo với Mỹ rằng “không có tổ chức hoặc cá nhân nào được phép vi phạm các lệnh trừng phạt”. Trong khi đó, quan chức UAE nói nhiều người Nga không có trong danh sách trừng phạt mới tìm tới nước này.

Động thái tăng cường hợp tác kinh tế với Nga của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau nhiều tháng ông Erdogan tìm cách cân bằng mối quan hệ với Điện Kremly và phương Tây, trong khi theo đuổi lợi ích từ cuộc xung đột ở Ukraina.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraina, trong đó gồm ít nhất 50 phương tiện bay không người lái có vũ trang. Thổ Nhĩ Kỳ cũng viện dẫn hiệp ước quốc tế để chặn tàu chiến Nga đi vào eo biển Bosporus.

Sau đó, lập trường của nước này ngày càng trung lập khi tổ chức đàm phán hòa bình và củng cố mối quan hệ với cả hai bên. Ông Erdogan trong chuyến thăm Ukraina ngày 18/8 nhắc lại lời đề nghị nối lại các vòng đàm phán, theo TASS.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với cả Moskva và Kiev để hỗ trợ thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina qua Biển Đen.

Theo một số quan chức, vai trò mang tính xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ trong đàm phán ngũ cốc và cung cấp vũ khí cho Ukraina đã củng cố vai trò của nước này trong đối thoại với Mỹ về việc tuân thủ lệnh trừng phạt cùng nhiều vấn đề khác.

Giới phân tích cho rằng vai trò trụ cột của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận ngũ cốc và thỏa thuận cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO khiến một số nước phương Tây khó đối đầu với Ankara kể cả khi nước này tăng cường hợp tác với Nga.

Đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ đi kèm rất nhiều cái giá”, Erik Meyersson – chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Thụy Điển Handelsbanken – cho biết.

Niềm tin của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ

Trong suốt cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất của NATO không áp lệnh trừng phạt với Nga. Ông Erdogan chọn duy trì mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi nỗ lực bảo vệ nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Sau cuộc gặp với ông Putin đầu tháng này, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble, TASS đưa tin. Ngoài ra, 2 bên cũng nỗ lực mở rộng sử dụng hệ thống thanh toán thẻ Mir của Nga – giải pháp thay thế cho thẻ Visa và Mastercard đã đình chỉ hoạt động tại Nga hồi tháng 3.

Công ty nhà nước Nga cũng tái đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, dấu hiệu cho thấy Điện Kremly coi trọng mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới. Vào tháng 7, Nga chuyển 5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên bờ biển phía nam của nước này.

Dòng tiền Nga và mùa du lịch hè của công dân Nga cũng củng cố tài sản nước ngoài đang cạn kiệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu khủng hoảng tiền tệ hồi năm ngoái sau khi ông Erdogan gây áp lực buộc ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát tăng.

Điều này cho thấy Nga vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân là nhờ vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Ukraina”, Aydin Sezer – người từng là đại diện thương mại của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga – cho biết. “Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng. Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này phục vụ lợi ích quốc gia Nga”.

Kể từ tháng 4, công dân Nga trở thành nhóm người nước ngoài mua nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất khi hơn 1.000 căn nhà trong tháng 7 được bán cho người Nga, gần gấp đôi so với số liệu tháng 3.

Tính trong 6 tháng đầu năm nay, người Nga đã mở 500 công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều gấp đôi số công ty do công dân Nga thành lập tại nước này trong cả năm 2021.

Mối quan hệ năng lượng Nga – Thổ cũng ngày càng sâu sắc. Tận dụng đợt giảm giá, Thổ Nhĩ Kỳ mua gấp đôi lượng dầu thô từ Nga từ tháng 1-8, trong khi nhập khẩu khí đốt cho đến nay tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đang tăng mạnh, tăng 75% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty Nga tìm kiếm mọi hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, như đồ dệt may hay đồ dùng nhà bếp, để thay thế hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Ông Eyyüpkoca cho biết hoạt động kinh doanh của ông đã mở rộng kể từ khi chiến sự bắt đầu, khi các doanh nghiệp Nga tìm cách thay thế thương hiệu phương Tây: “Khi các thương hiệu như Zara ngừng hoạt động ở Nga, họ cần các sản phẩm giống như vậy từ một nơi khác. Hiện họ bắt đầu mua hàng của tôi”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,