Quả tên lửa mang tên Vũ Xuân Thiều

Không một giây chần chừ, Vũ Xuân Thiều liền tăng tốc lao thẳng con én bạc vào chiếc B-52 còn đầy bom chưa kịp ném. Một tiếng nổ long trời lở đất rồi hai quầng lửa bùng lên sáng rực bầu trời Sơn La đêm cuối tháng, rơi xuống biên giới Việt-Lào.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên có giọng nói điềm tĩnh, vốn rất quen thuộc với các phi công lái MiG, bởi ông là người trực tiếp tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích không chiến với không lực Mỹ, góp công vào nhiều trận bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ông vẫn nhớ như in 2 trận đánh của MiG-21 mà ông gọi “thực sự là một mốc son chói lọi”.

Lúc 22h20′ ngày 27/12/1972, Bộ Tư lệnh Không quân cho phi công Phạm Tuân lái máy bay MiG-21 cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái. Anh được Sở chỉ huy và ra-đa dẫn đường trực tiếp, vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F-4 tiến về hướng đội hình B-52.

Đến bầu trời khu vực Mộc Châu (Sơn La), Phạm Tuân tiếp cận được mục tiêu, công kích bằng 2 quả tên lửa. Một quầng lửa trùm lên chiếc B-52 thứ 2. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị MiG-21 của miền Bắc Việt Nam bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Ngay trong đêm 27/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã điện khen bộ đội Không quân lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B-52 của Mỹ.

Sau khi con át chủ bài B-52 bị MiG bắn rơi, Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay đánh phá dữ dội các sân bay của miền Bắc Việt Nam. Hầu như sân bay nào cũng bị hủy diệt nặng.

Không thể tiếp tục trực đánh B-52 ở các sân bay phía Bắc, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng sân bay Cẩm Thủy cho MiG trực chiến để tạo sự bất ngờ. Ngày 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh đưa máy bay bí mật cơ động vào sân bay Cẩm Thủy để sẵn sàng đánh địch.

Đến 21h41′, Sở chỉ huy lệnh cho Vũ Xuân Thiều cất cánh. Chiếc MiG-21 gầm lên, chạy đà rồi nhanh chóng vút lên không trung. Anh được Sở chỉ huy dẫn bay về phía biên giới Việt – Lào, sau đó giữ đường bay gần song song với đường bay của B-52 đang từ hướng Thanh Hóa bay ra vùng Tây Bắc.

Các sĩ quan dẫn đường đã tính toán phương án dẫn máy bay ta giữ được bí mật, không bị địch phát hiện, mà khi ta tiếp cận, dễ phát hiện được mục tiêu. Lúc 21h56′, Vũ Xuân Thiều được dẫn bay qua biên giới Việt – Lào, hướng về vùng trời Yên Châu.

Một phút sau, phát hiện được mục tiêu nhưng anh đã ở quá gần. Không thể bay vượt qua rồi mới vòng lại công kích, bởi như vậy đối phương sẽ phát hiện ra có MiG và kịp thời đối phó. Mặc dù ở cự ly gần, ông vẫn xin công kích. Quả tên lửa thứ nhất rồi quả thứ hai phóng đi về hướng chiếc B-52. Chiếc máy bay B-52 bị thương lạng đi những vẫn cố lao về phía mục tiêu thực hiện ý đồ trút bom xuống Hà Nội.

Không một giây chần chừ, Vũ Xuân Thiều liền tăng tốc lao thẳng con én bạc vào chiếc B-52 còn đầy bom chưa kịp ném. Một tiếng nổ long trời lở đất rồi hai quầng lửa bùng lên sáng rực bầu trời Sơn La đêm cuối tháng, rơi xuống biên giới Việt-Lào.

Đây là chiếc máy bay B-52 thứ 2 bị hạ bởi Không quân nhân dân Việt Nam. Nhưng phi công cảm tử Vũ Xuân Thiều thì mãi mãi không bao giờ về nữa. Lúc đó là 21 giờ 45 phút ngày 28/12/1972.

*     *     *

Ở Quận Long Biên (Hà Nội) ngày nay, có một trường tiểu học, và một con đường mang tên Vũ Xuân Thiều, người phi công dũng cảm đã dùng chính bản thân chiếc MiG-21 làm quả tên lửa thứ 3, lấy tên mình làm số hiệu cho quả tên lửa đó, cảm tử quyết giữ sự bình yên cho bầu trời Tổ quốc.

Mọi cuộc chiến tranh đều có những toan tính chính trị đứng phía sau, nhưng mọi người lính trên chiến trường thì chỉ có một toan tính duy nhất là lòng quả cảm phục vụ cho mục đích cuộc chiến đấu của mình.

Không có 3 phát AK chào vĩnh biệt từ mặt đất, nhưng con én bạc MiG-21 cùng phi công-liệt sỹ Vũ Xuân Thiều làm quả tên lửa thứ 3 nổ tung cùng chiếc B-52 chở đầy bom trên bầu trời Sơn La đêm 28/12/1972 đã gửi lại Tổ quốc lời chào vĩnh biệt, để giữ vững bình yên cho vùng trời đất nước.

Mọi cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi mất mát, hy sinh, nhưng cách mà một người lính ra đi như thế nào và với mục đích gì thì luôn được nhắc nhớ. Quả tên lửa mang tên Vũ Xuân Thiều đã góp phần để hàng ngàn người dân được tiếp tục sống, hàng vạn trẻ thơ tiếp tục được đội mũ rơm đến trường. Anh đã góp cuộc đời mình cho nền độc lập của Tổ quốc! Anh được truy phong danh hiệu Anh hùng LLVT tháng 12 năm 1994.

Theo TRƯƠNG MINH / VIETNAMNET

Tags: , , ,