Phong trào thực học: Từ Nhật Bản, Triều Tiên đến Việt Nam

Cả tiếng Nhật jitsugaku và tiếng Hàn sirhak đều có thể phiên ra âm Hán Việt là “thực học”. Đó là một phong trào tiền duy tân, tiền hiện đại hóa, và có thể nói nó đóng góp lớn vào công cuộc khai hóa và duy tân đất nước tại Nhật Bản và Triều Tiên vào thế kỷ 19.

Phong trào thực học: Từ Nhật Bản, Triều Tiên đến Việt Nam

Bài viết của TS. Dương Ngọc Dũng

Tại Nhật Bản, tư tưởng thực học gắn liền với tên tuổi Kaibara Ekken (1630-1714)Tasan (tức Chong Yagyong, 1762-1836) là nhà tư tưởng thực học lỗi lạc, có thể được xem là một trong những triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử văn hóa và tư tưởng Hàn Quốc. Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) xứng đáng được so sánh cùng hai vĩ nhân Đông Á như những tư tưởng gia cố gắng thay thế cái học từ chương của Tống Nho Trung Quốc bằng những tri thức thực tế nhằm cải tạo xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dĩ nhiên, tại Trung Quốc, Trần Lượng là người đầu tiên dám phản đối triết học Chu Hi, ông tổ của triết học Tống Nho, và đề cao cái học thực tế. Tại Việt Nam, trong quá khứ, Lê Quý Đôn và Hồ Quý Ly cũng từng phê phán Chu Hi, phê phán cái học không liên quan gì đến thực tiễn cuộc sống. Nhưng tất cả chỉ là những tiếng kêu trầm thống lẻ loi trong sa mạc.

Chỉ có Ekken, Tasan và Nguyễn Trường Tộ là phê phán toàn diện nhất, triệt để nhất lối học vụ cổ và đề ra những biện pháp thiết thực để chữa trị tận căn những khối ung thư đang tàn phá thân thể quặt quẹo của xã hội.

Kaibara Ekken: “Aristotle của Nhật Bản”

Trong lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Kaibara Ekken là một trong ba triết gia sống vào đầu thời kỳ Mạc phủ Tokugawa dám mạnh dạn phê phán hệ tư tưởng của Chu Hi. Hai triết gia kia là Ito Jinsai (1627-1705)Yamaga Soko (1622-1685). Ngay từ thời đó sống trong một môi trường quan điểm triết học có sự gắn bó mật thiết với chính trị, Ekken đã nhấn mạnh những tư tưởng cơ bản sau đây:

1-Phương pháp học tập có hiệu quả nhất là kết hợp lý thuyết và thực tế.
2-Người quân tử phải có khả năng tiếp thu phê bình và sửa chữa sai lầm.

Khuynh hướng thực học của Ekken thể hiện trong việc nghiên cứu của ông. Ekken nghiên cứu không những cổ văn, kinh điển Nho gia, ông còn đọc cả ngôn ngữ học, thiên văn học, y học, sinh vật học, thực vật học, nông học, vệ sinh thực phẩm, luật học, toán học, âm nhạc và chiến thuật quân sự.

Nhà bác học người Đức Philip Franz von Siebold (1796 -1866) khi viếng thăm Nhật Bản vào thế kỷ 19 đã tìm hiểu và vô cùng thán phục các tác phẩm của Ekken, gọi ông là “Aristotle của Nhật Bản”. Ngay từ thế kỷ 17 Ekken đã nhấn mạnh giá trị của việc học là ích nước lợi dân, không phải là thảo luận những điều vô bổ.

Kiệt tác Yamato honzo (Cây cỏ Nhật Bản) của Ekken (xuất bản năm 1709) là công trình nghiên cứu thực vật học có giá trị khoa học đầu tiên tại Nhật Bản. Nhiều nhà khoa học phương Tây khi đến Nhật trong thời Minh Trị đã vô cùng kinh ngạc trước hiểu biết rất bác học của Ekken về thực vật. Một Nho gia mà lại quan tâm nghiên cứu khoa học như Ekken quả thật là một hiện tượng hết sức hiếm hoi trong toàn bộ nền văn minh Đông Á. Việc Nhật Bản trong thế kỷ 20 có nhiều giải Nobel khoa học chắc chắn không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Tasan: thách đố Nho Học truyền thống

Cũng như tất cả những tư tưởng gia Triều Tiên (1692-1910) có quan hệ mật thiết với phong trào thực học (sirhak), Tasan thuộc giai cấp quan lại, ngay từ nhỏ đã phải học hành kinh điển Nho giáo rất kỹ, nhưng các biến cố chính trị xã hội đã thúc đẩy ông và nhiều Nho gia khác phải đánh giá lại một cách toàn diện các nguồn lực tư tưởng và chính trị hiện hành xem chúng có mang lại những kết quả tốt đẹp thực tế cho đất nước hay không. Phong trào này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính:

1-Bất mãn với cái học lý thuyết bắt nguồn từ Trung Quốc, đặc biệt sau cuộc chiến tranh Nhâm Dần (1592, khi Nhật tấn công Triều Tiên) và cuộc xâm lăng của Mãn Châu.

2-Bất mãn với tinh thần bè phái tại cung đình đã ngăn cản không cho những người thật sự có khả năng tham gia việc điều hành quốc gia.

Khác với các nhà Nho ra rả tụng niệm kinh điển Nho giáo, Tasan tập trung nghiên cứu khảo sát những vấn đề kinh tế chính trị, nông nghiệp, hình luật, nhằm giảm nỗi khổ cho dân và đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Hai kiệt tác tiêu biểu của Tasan là Mongmin simso (Mục dân tâm thư: những điều tâm huyết về vấn đề cai trị nhân dân) và Hum hum sinso (Khâm khâm tân thư: luận văn mới về hệ thống luật pháp). Tasan đã bị lưu đày 18 năm khi chính quyền Triều Tiên ra lệnh bức hại đạo Công giáo vào năm 1801.

Nguyễn Trường Tộ: nhà thực học đầu tiên của Việt Nam

Trong số các di cảo của mình, Nguyễn Trường Tộ đã viết một bài có cái tựa rất rõ là “Về cái học thực dụng” (di thảo số 18, theo Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo, nhà xuất bản TP.HCM, 2002). Dĩ nhiên, tư tưởng thực học chan hòa toàn bộ trong các tác phẩm của ông nhưng chỉ cần đọc bài này chúng ta cũng thấy được phần cốt lõi trong tư tưởng của ông.

Trong Tế cấp bát điều (điều thứ tư) Nguyễn Trường Tộ lên án gay gắt lối học từ chương khoa cử dưới triều Nguyễn: “Ngày nay lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịnh, binh, hình. Lúc nhỏ học nào Sơn Đông Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ.

Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì lại dùng đến địa lý, thiên văn, chính trị, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn […] Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng có nước nào có nền học thuật như vậy […] Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái đản, không thể hiểu nổi”.

Về quan hệ với phương Tây, Nguyễn Trường Tộ, cũng giống như Ekken và Tasan, chủ trương mở cửa làm ăn buôn bán với họ và đặc biệt phải tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật của người phương Tây. Đó là lối thoát duy nhất ra khỏi con đường học vấn sáo mòn nô lệ vào Trung Hoa. Không đi sâu vào chi tiết chúng ta có thể thấy ngay ba tư tưởng gia này đều thống nhất ở một điểm: một nền học vấn có giá trị thật sự là một nền học vấn đem lại sự phát triển cho đất nước, làm xã hội phồn vinh, đời sống vật chất được nâng cao.

Sự đả kích nền giáo dục cũ của họ, ngày nay nhìn lại, có chỗ hơi quá đà, thậm chí thiển cận. Nho giáo không phải là một triết học hoàn toàn xa rời thực tế: Khổng Tử là một trong những con người thực tế nhất thế giới. Các vương triều Đông Á đã lợi dụng tư tưởng của ông, chế định hóa thành những bài thi mang tính giáo điều cứng nhắc, biến những tư tưởng có giá trị nhân văn muôn đời thành những công thức trống rỗng.

Nhưng trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong một tâm trạng đau lòng, phẫn nộ trước tình trạng lạc hậu của đất nước, Nguyễn Trường Tộ, Ekken và Tasan đã kiên quyết phê phán lối học dựa trên mô hình Trung Hoa một cách triệt để để nhắc nhở chính quyền và giới trí thức mau sớm tỉnh ngộ, không còn vênh váo tự mãn trong tháp ngà sách vở lạc hậu, và mau chóng hấp thu những kiến thức mới đến từ phương Tây để góp phần phú quốc cường binh.

Tiếc thay cả ba đều là những kẻ sĩ sinh bất phùng thời, tuy triều đình cũng có quan tâm lắng nghe, nhưng não trạng của cả một thời đại vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng quá mới lạ như thế. Nhật Bản phải đợi đến Minh Trị Duy Tân. Hàn Quốc sau nhiều thăng trầm lịch sử cũng chỉ cất cánh sau năm 1963.

Thực học: một nhu cầu của thời đại

Thực học, trong phạm vi bài này, xin tạm định nghĩa: “học hành theo phương pháp khoa học hiện đại”. Đối với Ekken, Tasan và Nguyễn Trường Tộ, thực học có nghĩa là tiếp thu văn minh văn hóa phương Tây. Ngày nay khái niệm phương Tây, phương Đông đã trở nên khập khiễng, khó áp dụng. Trung Quốc cũng đã có Trương Lợi Vĩ. Nhật Bản đã có mấy nhà vật lý đoạt giải Nobel. Hàn Quốc mới công bố thành công trong việc nhân bản phôi người.

Việt Nam muốn thành công trong lĩnh vực giáo dục, xã hội, khoa học kỹ thuật, hoàn toàn có thể học hỏi từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, không nhất thiết phải học từ Mỹ hay châu Âu. Vấn đề chính là vấn đề phương pháp khoa học. Phải cần thay đổi những kiểu tư duy lạc hậu, sống bám vào thời bao cấp với những đặc quyền đặc lợi. Tâm huyết và tinh thần Nguyễn Trường Tộ cần phải được phục hưng trong thế hệ trí thức hiện nay.

Không nói suông và hô hào trống rỗng, không làm việc theo chỉ tiêu cho có lệ, không chạy theo các thành tích giả tạo. Phải dành các ngân sách nghiên cứu khoa học cho các chuyên gia có khả năng. Cần lập ra một ủy ban giám định các công trình khoa học hoàn toàn độc lập với Nhà nước. Có lẽ đó là những bước đầu tiên, những điều kiện căn bản để tạo nên một phong trào thực học.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , , , , ,