⠀
Phóng sinh đầu năm hay sự tiếp tay cho cái ác?
Người mua giúp cho chim được giải thoát đồng thời cũng giúp cho “đội quân” đánh bắt tiếp tục tàn sát chim muông. Đó chính là sự lầm lẫn và lợi dụng thuyết từ bi để tạo nghiệp.
Tín ngưỡng dân gian cho rằng phóng sinh là một hành động thể hiện lòng từ bi và giải trừ được nghiệp chướng. Tục thả chim phóng sinh (sanh) vì thế rộn ràng nhất vẫn là vào các ngày rằm và ngày lễ vía, đặc biệt những ngày đầu năm mới.
Người phóng sinh theo đó sẽ được hưởng phước lành vì đó là một hành vi thiện nguyện, hướng về điều tốt lành. Chính vì vậy khi đi chùa, đi núi, ngoài việc lễ Phật, cúng thánh thần người dân còn muốn thể hiện tấm lòng thành bằng cách giúp đỡ người nghèo, cô đơn, khuyết tật và mua chim, mua cá, mua rùa để phóng sinh.
Trước đây, vào các ngày lễ vía như rằm thượng ngươn, trung ngươn và hạ ngươn, hầu hết các nơi đình, chùa, miễu đều có những người xách lồng chim đi bán dạo hoặc tụ họp thành nhóm để vừa mời gọi vừa níu kéo khách hành hương.
Tại nhiều nơi thờ tự, trong chánh điện và sân chùa lúc nào cũng tràn ngập khói hương, đặc biệt là những ngày đầu tháng Giêng, chùa nào cũng đông nghẹt khách hành hương, nhiều người muốn dành ra những giây phút tĩnh lặng để hướng về những gì thiêng liêng nhất. Khách hành hương có người giàu kẻ nghèo, nhưng ai nấy cũng đều thành tâm bố thí, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh.
Có lẽ người thả chim phóng sinh ai cũng có chung một ước nguyện là “cầu phúc”. Người già ốm yếu thì cầu mong cho khỏe mạnh; người đau lâu ngày nguyện thả đủ 100 – 200 con; người có thân nhân bị tù đày cũng muốn mua chim thả với hi vọng người thân họ sẽ sớm thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng. Có người trước khi thả còn quỳ xuống xì xụp khấn vái cầu xin cho gia đạo được bình yên vô sự…
Mặc dù ở một vài nơi, chính quyền địa phương đã có thông báo cấm bày bán các loại chim phóng sinh nhưng nhiều người vẫn lén lút, tấp nập nhất là vào những ngày lễ vía, chim hút hàng. Thậm chí có người phải đặt hàng từ trước mới đủ số lượng.
Tại các sân chùa hoặc khu hành hương, nơi nào không có bảo vệ họ xách lồng bày bán công khai, chim cắn mổ nhau kêu la tíu tít. Nơi nào có bảng cấm họ mời khách đến điểm hẹn, cũng có người ngụy trang bằng cách ngụy trang, nhốt chim trong từng túi lưới, con nào con nấy đuối sức, thả ra loạng choạng rồi rơi xuống đất làm mồi ngon cho lũ mèo.
Có một thời, việc thả chim phóng sinh, kể cả thả cá, rùa và các loài động vật hoang dã được coi là một nét đẹp văn hóa. Nhưng ở đời, hễ bề mặt càng lớn thời bề trái càng to. Càng đông người thả thì càng đông người bẫy chim, càng đông người săn lùng khiến cho các loài chim nhỏ bé như manh manh, vồng vộc, áo già, cú lý, lá rụng, chim sắt… không còn chốn dung thân.
Hòa thượng K.Sri Dhammaratana lãnh đạo tối cao của Phật giáo Mã Lai đã từng kêu gọi Phật tử không nên phóng sanh trong ngày Vesak.
Thích Giác Nhiệm, vị sư trụ trì chùa Huệ Quang – Cần Thơ thường dạy Phật tử rằng: “Tâm từ bi phải đi đôi với trí tuệ, nếu phóng sinh một cách ngẩu hứng và tùy tiện chẳng khác nào chúng ta tác duyên cho kẻ khác làm điều sai trái. Người phóng sinh phải có tinh thần phóng sinh, có chánh kiến, không vì mục đích riêng tư. Chẳng hạn như khi ra đồng, tình cờ gặp một con chim bị nạn sắp chết, chúng ta tìm cách cứu nó. Đó mới là phước đức viên mãn. Tóm lại, thay vì dùng tiền mua chim phóng sinh, chúng ta đem giúp cho người nghèo sẽ tốt hơn”.
Xem ra, người mua chim phóng sinh và người bán chim phóng sinh chỉ cách nhau có một đường ranh thiện và ác. Người mua giúp cho chim được giải thoát đồng thời cũng giúp cho “đội quân” đánh bắt tiếp tục tàn sát chim muông. Đó chính là sự lầm lẫn và lợi dụng thuyết từ bi để tạo nghiệp.
Theo HOÀI VŨ / TUỔI TRẺ ONLINE (2014)
Tags: Quan điểm sống, Động vật, Văn hóa ứng xử, Đạo đức môi trường, Bảo vệ động vật