Philippe Troussier và bi kịch cho người gánh giấc mơ hão huyền của bóng đá Việt

Một đội tuyển mà siêu sao hàng đầu không đủ trình đá giải hạng Hai của Pháp, lứa sau thấp bé hơn lứa trước, thì lấy gì để thành công?

Philippe Troussier và bi kịch cho người gánh giấc mơ hão huyền của bóng đá Việt

Tôi hiểu sự thất vọng của người hâm mộ Việt Nam. Khi tôi đến, họ đã đặt nhiều kỳ vọng vào tôi. Tôi rất tiếc khi không thể mang lại niềm vui cho mọi người. Có thể tôi đã thất bại. Tôi rất tiếc khi không có đủ thời gian để thực hiện kế hoạch của mình. Tôi thực sự muốn xây dựng mục tiêu lâu dài cho bóng đá Việt Nam. Thành công trước đây của tôi đến từ đam mê, chăm chỉ làm việc. Con đường dẫn đến thành công không phải là đường thẳng“. Đó là những chia sẻ cuối cùng của HLV Philippe Troussier trước khi rời Việt Nam.

Cá nhân tôi thấy rất buồn cho ông thầy người Pháp khi mối lương duyên với đội tuyển Việt Nam kết thúc quá chóng vánh. Và nói gì đi nữa, người hâm mộ Việt vẫn nợ ông một lời cảm ơn vì những gì ông đã cống hiến. Người ta có câu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tiếc rằng ông Troussier đã không có ít nhất hai trong ba yếu tố trên, nên chuyện không thể thành công cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Nhớ lại thời HLV Park Hang-seo mới đến nhận công việc ở đội tuyển Việt Nam, khi ấy, chúng ta may mắn có một lứa cầu thủ được coi là tốt nhất (một thế hệ vàng tiếp theo), họ có nhiều kinh nghiệm trận mạc nhưng vẫn chưa thành danh nên khát khao giành danh hiệu cũng vô cùng lớn. Xuất phát điểm của đội tuyển lúc đó cũng không phải chịu quá nhiều áp lực do kỳ vọng mà người hâm mộ đặt ra là không quá lớn. Tất cả những yếu tố đó cộng hưởng lại, tạo nên một thời kỳ gọi là thành công cho bóng đá Việt Nam.

Nhưng sau khi thất bại ở AFF Cup, chính ông Park cũng thừa nhận rằng khả năng của lứa cầu thủ này cũng chỉ có thể đạt tới đó, và chủ động rút lui khỏi chiếc ghế HLV trưởng. Thực sự, với những cầu thủ đang có lúc này, dù lạc quan đến mấy tôi cũng chẳng tin có một HLV nào đủ sức đưa Việt Nam tới chiếc vé dự World Cup, ít nhất là trong vòng 5-7 năm tới. Ở chiều ngược lại, những HLV tầm cỡ và trung thực cũng sẽ chẳng muốn mất thời gian với đội tuyển Việt Nam khi mà tỷ lệ thành công gần như không có.

Nhiều người Việt có một vấn đề là luôn thích việc nhẹ lương cao, ăn xổi ở thì, canh tác ngắn ngày, không phù hợp với những dự án dài hạn kiểu như 10-20 năm.

Mục tiêu giành vé dự World Cup mà VFF vẽ ra cũng là xuất phát từ tâm lý chung của người hâm mộ sau những năm tháng bất ngờ thăng hoa. Chúng ta muốn “bay khỏi ao làng” càng nhanh càng tốt, nhưng tôi tin những nhà chuyên môn có chút hiểu biết về bóng đá chẳng bao giờ tin vào điều mơ mộng ấy.

Người xem bóng đá nhiều năm cũng hiểu, một đội tuyển muốn dự World Cup, ít nhất phải có vài cầu thủ đủ trình độ thi đấu ở các giải đấu hàng đầu châu Âu. Hãy nhìn Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đều có 3-4 cầu thủ thi đấu ở Ngoại hạng Anh, và chục cầu thủ khác đang chơi bóng ở các giải VĐQG khác ở châu Âu.

Trong khi đó, Việt Nam có ai? Cỡ siêu sao hàng đầu như Quang Hải cũng chưa đủ trình để có mặt trong đội hình dự bị của một đội hạng Nhì nước Pháp. Còn những Công Phượng, Văn Toàn… thậm chí còn chẳng cạnh tranh được ở các giải đấu J-League, K-League hay các giải hạng Ba ở châu Âu. Thế thì chúng ta mơ mộng và đòi hỏi điều gì ở HLV Troussier?

Thể chất là một yếu tố rất quan trọng trong thể thao thành tích cao, đặc biệt là với bóng đá. Thế nhưng, cứ so sánh để thấy, lứa trước của chúng ta còn cao hơn khá nhiều lứa trẻ hiện tại. Trước đây chúng ta có Hoàng Đức, Văn Hậu, Tấn Tài, Tiến Linh, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải… tới hơn nửa đội hình cao từ 1,8 m trở lên. Bây giờ, nhìn vào đội tuyển lại chỉ toàn cầu thủ thấp bé, nhẹ cân, giỏi lắm được vài ba cầu thủ cao đến 1,8 m (không kể thủ môn). Đó rõ ràng là một bước thụt lùi trong công tác đào tạo của bóng đá nước nhà.

Tóm lại, sau ông Troussier, dù HLV nào có lên nắm đội, tôi vẫn tin cái gọi là giấc mơ World Cup vẫn là một thứ hão huyền. Không có bột thì lấy gì gột nên hồ? Bao giờ Việt Nam có những cầu thủ cao to, đủ trình độ thi đấu ở châu Âu, thì hãy hãy nghĩ đến những thứ xa vời như vậy. Còn nếu cứ như 10 năm qua, dù tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, mà chất lượng cầu thủ trẻ vẫn cứ thụt lùi, trình độ kém hơn lứa trước, thì tìm lại ánh hào quang ở “ao làng” xem ra cũng là một nhiệm vụ bất khả thi.

Theo VIETNAMNET / CHÂU

Tags: