Pháo binh cỡ vừa và nhỏ, nỗi kinh hoàng trên chiến trường Ukraina

Trong cuộc xung đột Nga – Ukraina đang diễn ra, không phải là loại pháo binh cỡ nòng lớn mới nguy hiểm, mà chính là các loại pháo cỡ nòng vừa và nhỏ mới là nỗi kinh hoàng của bộ binh của cả hai bên tham chiến.

Pháo binh cỡ vừa và nhỏ, nỗi kinh hoàng trên chiến trường Ukraine

Mọi người thường nghĩ rằng cỡ nòng của pháo tỷ lệ thuận với hiệu quả chiến đấu của nó. Quan niệm này đã bị làm sai lệch một phần, bởi cuộc xung đột Nga – Ukraina đang diễn ra.

Trong cuộc xung đột này, xe tăng và pháo tự hành được trang bị pháo cỡ lớn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, tin tức từ chiến trường cho thấy, pháo binh cỡ nòng vừa và nhỏ mạnh hơn trong thực chiến.

Pháo cỡ nòng nhỏ và vừa thường dùng để chỉ loại pháo có cỡ nòng từ 20 mm đến 40 mm. Chúng được lắp đặt rộng rãi trên các phương tiện chiến đấu bộ binh, pháo phòng không tự hành và trực thăng vũ trang. Chúng có số lượng rất nhiều và có nhiều ứng dụng.

Một bài báo đăng trên tạp chí “An ninh và Quốc phòng Châu Âu” của Đức cho biết, kể từ khi xung đột Nga-Ukraina bùng nổ, Nga và Ukraina đã sử dụng rộng rãi pháo 30 mm 2A42 được phát triển từ thời Liên Xô.

Loại pháo 30 mm 2A42 thường được lắp trên xe chiến đấu bộ binh dòng BMP-2, BMP-3 và BMD-4M; các loại xe chiến đấu bộ binh và xe chiến đấu bánh lốp dòng BTR và có tính phổ biến rất cao đối với cả Nga và Ukraina.

Tác giả bài viết, Sam Craney-Evans, người từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, “số lượng lớn và sức mạnh kinh hoàng” của pháo binh cỡ vừa và nhỏ, mà đại diện là loại 2A42, quyết định phần lớn hình dạng của cuộc xung đột Nga – Ukraina.

Bài báo dẫn lời một binh sĩ Ukraina nói rằng, xe bọc thép chở quân của Nga nguy hiểm hơn xe tăng vì pháo của nó bắn nhanh hơn và có thể chở binh lính. “Thương tích do pháo cỡ nhỏ và vừa gây ra là rất khủng khiếp, nếu bị trúng đạn, cơ thể con người thậm chí sẽ trực tiếp nổ tung” và đề nghị không nên đối đầu trực tiếp với nó.

Bài báo trên tờ “An ninh và Quốc phòng Châu Âu” phân tích rằng, pháo cỡ vừa và nhỏ có thể giết người trên phạm vi rộng, đồng thời cũng có thể dựa vào mật độ hỏa lực để tiêu diệt xe tăng địch. Hai kịch bản sử dụng này phổ biến trong xung đột Nga – Ukraina.

Khi chiến đấu trong môi trường đô thị, loại pháo này có lợi thế về tầm bắn, đủ để chế áp các loại vũ khí chống thiết giáp di động do bộ binh trang bị; đồng thời pháo có xạ giới tầm lớn, có thể tiêu diệt trực tiếp mục tiêu trên cao.

Nhiều người cho rằng, pháo hạng nặng mới là “vua chiến tranh trên bộ” thực sự, nhưng tình hình thực tế trên chiến trường thường phức tạp hơn, khi vũ khí hỏa lực không chỉ có sức công phá lớn, mà còn phải có hỏa lực dày đặc và liên tục.

Lấy xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abram của Mỹ và T-72 do Nga sản xuất làm ví dụ, chúng được trang bị pháo chính 120mm và 125mm tương ứng, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa vài km. Vấn đề là loại pháo này bắn tương đối chậm và số lượng đạn mang theo hạn chế.

Ngoài ra, pháo cỡ lớn không phù hợp để đối phó với số lượng lớn “mục tiêu mềm” trên chiến trường như bộ binh, súng chống tăng và công sự. Ngược lại, pháo cỡ vừa và nhỏ đã đạt được sự cân bằng tốt giữa sức mạnh phát đạn bắn đi, mật độ hỏa lực và chi phí sử dụng.

Ví dụ, pháo 30mm 2A42 do Nga sản xuất có tốc độ bắn 500 phát/phút, chi phí đạn rẻ hơn đạn pháo tăng nhiều lần. Điều đáng nói là với sự tiến bộ của công nghệ, pháo cỡ nhỏ và vừa cũng có thể được trang bị loại đạn có độ xuyên giáp cao.

Ví dụ trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của quân đội Mỹ, đã sử dụng pháo 25mm Bushmaster để bắn đạn xuyên giáp cõ lõi đầu đạn bằng uranium nghèo, đè bẹp các đoàn xe bọc thép của quân đội Iraq và tạo thời cơ cho lực lượng tiếp theo sử dụng tên lửa chống tăng, để tấn công tiêu diệt các mục tiêu này.

Ngoài ra, trong Chiến tranh Falkland năm 1982 giữa Anh và Argentina, quân đội Anh phát hiện ra rằng pháo 30 mm có khả năng chiến đấu rất lớn. Kể từ đó, các nước phương Tây thường sử dụng loại vũ khí này để trang bị trên các phương tiện chiến đấu và đã đạt được kết quả đáng kể khi đối mặt với phiến quân thiếu hỏa lực mạnh.

Một bài báo đăng trên trang web “Defense News” của Israel vào tháng 10/2022 cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã chứng minh rằng, pháo cỡ nhỏ và cỡ trung vẫn sẽ xuất hiện trên các nền tảng tác chiến mặt đất trong tương lai và sự đổi mới sẽ tiếp tục trên cơ sở này.

Gần đây, Quân đội Mỹ đang có kế hoạch thay thế vũ khí tiêu chuẩn là súng máy Browning cỡ nòng 12,7 mm hoặc 7,62mm trên xe chiến đấu Stryker của họ, bằng tháp pháo 30mm do công ty BAE của Anh phát triển. Và cả quân đội Pháp và Anh đều đã đặt mua pháo 40mm của BAE.

Trên cơ sở này, Mỹ và Nga có kế hoạch phát triển pháo cỡ nòng lớn hơn từ 50 mm và 57 mm cũng như các loại đạn thông minh tương ứng để trang bị trên các xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới. Hiện xe chiến đấu bộ binh CV-90 của Thụy Điển là có hỏa lực mạnh nhất, khi trang bị pháo 40mm.

Hiện Nga và một số nước khác vẫn đang sử dụng rộng rãi xe bọc thép thời Chiến tranh Lạnh, có khả năng bảo vệ tương đối yếu. Trong khi các nước phương Tây có thể thiếu động lực để phát triển thế hệ pháo binh cỡ nhỏ và vừa mới; nên các loại pháo trên vẫn là vũ khí chủ lực trong các cuộc xung đột tương lai.

Do vậy, tờ “An ninh và Quốc phòng Châu Âu” tin rằng, cuộc xung đột Nga – Ukraina đã thể hiện đầy đủ giá trị của pháo cỡ nhỏ và cỡ trung đối với chiến tranh cơ giới. Xét về hiệu suất chiến đấu thực tế của những loại vũ khí đó, chúng sẽ vẫn là một phần quan trọng của phương tiện chiến đấu mặt đất trong tương lai.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG / DEFENCE NEWS

Tags: , ,