Núi Bà Đen và tín ngưỡng thờ Bà Đen ở Đông Nam Bộ

Trong đời sống tâm linh của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những nét nổi bật của tín ngưỡng dân gian, trong đó việc thờ Mẫu ở mỗi vùng miền có sự khác nhau. Nếu như ở miền Bắc với tục thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì miền Trung thờ Mẹ Xứ Sở, vùng đồng bằng sông Cửu Long thờ Bà Chúa Xứ, vùng Đông Nam Bộ thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, hay còn được gọi bằng cái tên dân dã là Bà Đen (Bà Đênh).

Núi Bà Đen và tín ngưỡng thờ Bà Đen ở Nam Bộ

Bài viết này tập trung vào bốn khía cạnh: (1) Truyền thuyết về Bà Đen – (2) Hình tượng Bà – (3) Hệ thống điện thờ – (4) Lễ Vía Bà.

Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết vào đầu thế kỷ XIX, mô tả ngọn núi này “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù, tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế. Núi cao 986 mét, tọa lạc tại huyện Dương Minh Châu và là biểu tượng của mảnh đất và con người Tây Ninh.

Về truyền thuyết thứ nhất thì kể rằng nàng Đênh[1] – một người con gái là con của một ông quan tri huyện ở vùng Trảng Bàng, nàng có nước da ngâm đen. Từ nhỏ nàng đã có lòng mộ đạo, thường hay lên chùa để lễ phật. Một lần nọ, nàng Đênh khi đang trên đường lên núi thì bị cọp vồ. Linh hồn của nàng báo mộng cho nhà sư tu ở chùa Linh Sơn. Sau đó, nhà sư đã đi tìm xác của nàng. Sau khi tìm được thì làm lễ mai táng, lập điện thờ phụng ở Điện Bà.

Truyền thuyết thứ hai lại kể về một cô gái mang tên Lý Thị Thiên Hương, quê ở Trảng Bàng, hay văn giỏi võ thường hay lên núi Quả Một (tên gọi cũ của núi Bà Đen) cúng Phật. Trên núi có một ngôi chùa thờ tượng Phật rất linh thiêng. Vì đường lên núi rậm rạp, thường có nhiều loại hổ báo ẩn náu nên dân chúng thường đi theo từng nhóm để hỗ trợ nhau khi bị thú dữ tấn công. Lý Thị Thiên Hương đã gặp một người con trai trong làng tên Lê Sĩ Triệt và hai người đem lòng thương yêu nhau tha thiết. Một lần nọ, cô bị một tên quan tham háo sắc trong làng ức hiếp và muốn cô gả cho hắn. Sau khi biết tin, vì không muốn người mình thương yêu phải lấy tên tham quan nên Lê Sĩ Triệt đã ra tay cứu người yêu. Sau khi cứu được nàng thì hai người nên duyên vợ chồng và chung sống với nhau rất hạnh phúc. Khi đó, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) đang cho người đi chiêu mộ quân sĩ để đánh lại nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt đã đầu quân cho Nguyễn Ánh. Lý Thị Thiên Hương ở nhà lên núi cầu Phật cầu cho chồng sớm quay về thì bị bọn cướp vây bắt. Cô nhanh chóng chạy vào rừng hòng thoát thân và mất tích từ đó. Đến thời vua Minh Mạng, trên chùa có một vị sư già làm trụ trì. Một hôm, khi đang tụng kinh niệm Phật thì nhà sư phát hiện bóng một cô gái xinh đẹp hiện ra, nói rằng: “Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị bọn cướp vây bắt, nên chẳng may ngã xuống vực chết, nay đắc quả, xin Hòa thượng xuống triền núi phía đông nam, tìm thi hài của ta và chôn cất giùm”. Nhà sư y lời đi tìm xác cô đem về chôn cất. Dân chúng trong vùng ca ngợi tấm lòng trinh trắng, trung hậu của Lý Thị Thiên Hương – cô gái có màu da đen sậm, do vậy sau đó người dân đã cho xây dựng miếu thờ tự và gọi bà bằng tục danh là Bà Đen, đồng thời cũng cho sửa tên ngọn núi Một thành núi Bà Đen.

Như tất cả chúng ta đều biết, vùng đất Nam Bộ này trước khi mà cộng đồng lưu dân Việt từ miền Bắc di cư vào đây, từng là lãnh thổ của vương quốc cổ Phù Nam, và sau này là của Chân Lạp.

Tục danh “Bà Đen” cũng đã cho ta thấy được nét cơ bản nhất của hình tượng Bà. Sở dĩ gọi là Bà Đen vì Bà có khuôn mặt đen. Hình tượng Bà Đen thường đi liền với hình tượng Bà Trắng; hai vị nữ thần này trong văn hóa của Khmer được biết đến dưới tên gọi lần lượt là Neang Khmau và Mé Sar. Khi di cư vào trong vùng Nam Bộ này, với tâm thức thờ Mẫu có sẵn từ miền ngoài, tương tự như Bà Chúa Xứ, người ta dễ dàng tiếp nhận nữ thần Neang Khmau và nhanh chóng Việt hóa vị nữ thần này. Đến đây thì một vấn đề phát sinh, đó là tại sao trong văn hóa Khmer tồn tại cả hai vị nữ thần là Neang Khmau và Mé Sar; trong khi tiếp nhận thì những lưu dân Việt chỉ chấp nhận Neang Khmau, vậy Mé Sar tại sao lại không được tiếp nhận?

Để lý giải nguyên nhân này, theo tác giả, chúng ta cần truy ngược lại chức năng của các vị Mẫu ở Nam Bộ. Không giống như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bắc Bộ đó là mỗi vị Mẫu phụ trách những “phủ” khác nhau; tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ về bản chất, như tác giả đã đề cập chính là có sự tương đồng với Mẫu Thoải hoặc Mẫu Địa trong tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Với điều kiện sông nước nhiều, yếu tố “nước” rất quan trọng trong việc phát triển đời sống vật chất. Do đó, việc phụng thờ thêm vị Nữ thần Mé Sar là không cần thiết. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu Bà Đen chính là kết quả của sự hỗn dung văn hóa Chăm – Khmer – Việt. Cụ thể hơn, trong văn hóa Chăm, vị Nữ thần xứ sở của họ chính là Po Inư Nagar còn được biết đến với tục danh là Bà Đen (Muk Juk). Chính hình tượng này đã kết hợp với vị Nữ thần Neang Khmau của người Khmer đã tạo nên hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu ngày nay. Sự hỗn dung của các dạng thức thờ Mẫu của ba tộc người Chăm – Khmer và Việt được tác giả tối giản hóa theo công thức bên dưới:

Sơ đồ: Nguồn gốc ra đời của hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu – Bà Đen.

Trước đây, khi những người hành hương muốn lên viếng Bà phải lên núi mất hơn hai tiếng đồng hồ. Sau này thì đã có hệ thống cáp treo và máng trượt hỗ trợ rất nhiều cho du khách và những người hành hương di chuyển lên và xuống núi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số người (đặc biệt là những du khách trẻ tuổi) muốn thử sức chinh phục ngọn núi vẫn có thể lên núi bằng đường bộ.

Ngoài chính điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, trên đỉnh núi còn có động Ba Cô, thờ Bà Chúa Tiên và Ba Cô[2], trong động có biển đề “Chúa Tiên Nương Nương, Tam vị Thánh Cô”bằng chữ Hán. Bên cạnh có chùa Hang (hay còn có tên chữ là Long Châu Tự). Chùa Hang vốn là một cái hang, diện tích không lớn (khoảng 20 mét vuông), bên trong có thờ Bà Đen và Bà Trắng (có thể là Bà Chúa Xứ); Bà Đen mặc áo đỏ, khoác áo màu vàng, đầu đội vương miện; Bà Trắng mặc áo màu xanh trắng, cũng khoác áo màu vàng và đầu có đội vương miện; hai bên là tượng hai Bà hầu mặc áo vàng rực rỡ. Phía trước còn có thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và Địa Tạng Bồ Tát, thấp hơn một chút là tượng Tam Thế Phật. Lùi ra phía cửa hang là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca, Thập Điện Diêm Vương và tượng Hộ pháp. Đằng trước cửa chùa Hang là hai pho tượng của Quan Âm và Diêu Trì Kim Mẫu.

Theo các nguồn tài liệu mà tác giả tiếp cận được thì khu di tích núi Bà Đen được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ XIX (năm 1872), khi ấy chỉ có miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu được xây dựng rất đơn sơ. “Trong ghi chép của Trịnh Hoài Đức ở cuốn Gia Định Thành thông chí vào đầu thế kỷ XIX thì ở trên núi Bà Đen chỉ có chùa Linh Sơn (hay Vân Sơn tự), tức tiền thân của Linh Sơn Tiên Thạch tự hiện nay, mà không thấy ông nhắc đến miếu thờ bà Đen. Chắc chắn miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen được biết đến nhiều hơn qua truyền thuyết vua Gia Long được bà báo mộng cứu giúp khi còn tranh chấp với quân Tây Sơn trong những năm cuối thế kỷ XVIII, nên để tri ân bà, vua Gia Long khi lên ngôi đã cho người đúc tượng bà bằng đồng đen để thờ và sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Vì thế, có thể điện bà được xây dựng khang trang hơn vào những năm cuối thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn trị vì; rồi kể từ đó đến nay người ta đã nhiều lần trùng tu điện Bà, cùng chùa Linh Sơn Tiên Thạch và xây dựng thêm nhiều chùa chiền, miếu điện thờ tự hỗn hợp nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác nhau trên núi Bà Đen…” [2,tr.318].

Ngoài ra, phía sau nơi thờ tự chính của Bà, ở trên cao người ta còn thiết kế một pho tượng Phật nằm (hay còn gọi là “Phật nhập Niết Bàn”) bằng đá khá lớn, toàn thân trắng toát, trông rất quy mô và hoành tráng.

Về điện Bà, thực chất là được dựng lên từ một mái hang đá, phần ngoài được xây thêm cho rộng rãi. Từ ngoài vào trong lần lượt hệ thống điện thờ như sau:

+ Ở ngoài sân trước điện là tượng Phật Bà Quan Âm toàn thân, khoác áo trắng, tay cầm bình nước cam lộ[3].

Lễ vía Bà được tổ chức chính thức vào các ngày 4, 5 và 6 tháng 5 Âm lịch hằng năm, trùng với dịp Tết Đoan Ngọ[4] (Tết giết sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu gây hại cho cây trồng). Diễn trình lễ hội tuần tự như sau:

+ Ngày mùng 4 tháng 5 thì lần lượt diễn ra các hoạt động như: Cử hành lễ tụng kinh niệm Phật; đến trưa thì tiến hành lễ cúng Ngọ, lễ cúng bá tính thọ trai, lễ cáo yết Bà Đen, lễ khai kinh và lễ cầu siêu bá tính. Tuy nhiên hoạt động đáng chú ý hơn cả là “lễ tắm Bà” (tương tự như lễ tắm Bà Chúa Xứ) diễn ra vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5; lễ tắm ở đây được diễn ra bí mật và không nhiều người được tham dự. Công việc này do những người phụ nữ nhanh nhẹn đảm nhận, người ta chuẩn bị cho nghi lễ này khá chu đáo, như: nấu nước thơm bằng các loại hoa có nhiều hương thơm ngát… rồi lọc lấy nước thơm tắm tượng; cùng nhiều khăn mặt bông mới tinh, nước hoa các loại hảo hạng… và xiêm y mới để thay cho bà… Khi ấy người ta đóng kín cửa cung cấm lại, chỉ có những người phụ nữ được phân công từ trước là vào đó làm lễ tắm tượng và thay xiêm y mới cho bà, nghi thức này kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ… những chiếc khăn đã dùng lau tượng bà, hoặc nước đã dùng nhúng khăn lau tượng, các thứ hoa quả… liên quan đến lễ này đều được coi là lộc, là bùa có ý nghĩa linh thiêng đối với người trần gian….

+ Đến sáng mùng 5 thì có hoạt động lễ tế với việc dâng 10 loại lễ vật: Hoa, đèn, nhang, trà, quả, thực, bỉnh, thủy xoàn, châu báu. Theo Ngô Đức Thịnh thì hoạt động này là “… một nghi thức có phần trộn lẫn giữa Đạo và Phật” [2,tr.302]. Tối mùng 5 thì có hát múa Bóng rỗi.

+ Sang đến mùng 6 tháng 5 thì tiếp tục diễn ra các nghi lễ của Phật giáo, lễ cúng Ngọ và thí thực cô hồn, đàn tràng viên mãn. Ngày trước việc hát chầu, hát bội kéo dài đến tối mùng 8 mới kết thúc nhưng hiện nay thì kết thúc sớm hơn.

Những hoạt động trên trong lễ vía Bà đều do các vị sư tăng chủ trì theo hệ thống nghi lễ và nghi thức của Phật giáo. Tuy nhiên, khi so sánh với lễ cúng Phật ở vùng Bắc Bộ thì phong phú và vui hơn, vì có dàn nhạc hiện đại, có vai trò như một ban nhạc nhẹ đệm cho các nhà sư làm lễ cúng Phật.

Với những đặc điểm như vậy, một số đặc điểm mà tác giả rút ra được từ lễ hội vía Bà như sau:

“Trong lịch sử, về thực chất, đã không có chỗ đứng nào cho một thứ chủ nghĩa độc tôn, độc quyền về văn hóa tâm linh hay hệ tư tưởng. Sự đa dạng của môi trường ý thức tâm linh Việt truyền thống đã trải ra trên một biên độ rất rộng…” [1: tr.31]. R. Redfield, Woodside, Ysun Yu đã đưa ra cặp khái niệm Little tradition (truyền thống nhỏ) – Great tradition (truyền thống lớn) để chỉ một bên là những tín ngưỡng và lối sống của quần chúng bình dân; còn bên kia là chỉ tôn giáo, hệ tư tưởng. Trong lễ hội vía Bà Đen, ta thấy rõ cặp khái niệm Little tradition – Great tradition trong đó, khi mà đây là một lễ hội của một trong số những hình thức thờ Mẫu của Việt Nam nói chung, của vùng Nam Bộ nói riêng nhưng tự thân nó lại mang những sắc màu (nghi lễ, nghi thức) của Phật giáo.

+ Thứ hai, khi mà quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa văn hóa Chăm – văn hóa Khmer – văn hóa Việt đã xảy ra, kết hợp với việc đã được nhà nước phong kiến của triều Nguyễn công nhận[5] thì hình tượng Bà Đen đã hình thành và xâm nhập vào hệ thống thần linh của người Việt ở Nam Bộ. Điều này đã xảy ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

+ Lễ hội vía Bà cũng là một minh chứng cho đặc điểm văn hóa chung của vùng Nam Bộ mà xuyên suốt công trình, tác giả đã đề cập đến rất nhiều, đó chính là tính mở. Văn hóa dân gian kết hợp với văn hóa Phật giáo đã tạo nên một lễ hội đa sắc màu trong hệ thống lễ hội nói chung của vùng Nam Bộ.

+ Hai bên trái phải của điện thờ Bà là hai ngôi miếu nhỏ thờ ông Tà bằng tảng đá, tương tự như hình tượng linga. Có lẽ đây chính là minh chứng cho sự giao lưu tiếp biến văn hóa với tộc người Khmer rõ nét nhất, bởi vì trong tín ngưỡng của người Khmer có thờ một vị thần là thần Nieaktà. Theo Ngô Đức Thịnh thì “ông tà là vị thần thổ địa, ai bị bệnh đến vái cục đá thì khỏi, cũng có thể người ta đến cầu có con” [2, tr.300].

+ Hai bên rìa tường có đặt bàn thờ của Tứ vị Sơn Thần: Đông phương Sơn Thần, Tây phương Sơn Thần, Nam phương Sơn Thần, Bắc phương Sơn Thần.

+ Ngay trước cửa vào điện Bà có dựng pho tượng toàn thân của Diêu Trì Địa Mẫu – một vị nữ thần trong Đạo giáo của Trung Quốc khoác áo choàng màu xanh lục.

+ Trong chính điện có bày tượng thờ của ba vị, bao gồm: Ở giữa là tượng của Linh Sơn Thánh Mẫu, mặc áo đỏ; bên phải là Bà Mặt Trắng, mặc áo xanh da trời; Bà bên trái mặc áo xanh nõn chuối mà theo Ngô Đức Thịnh thì đây chính là Bà Rá[6].

Còn đối với chùa Linh Sơn Tiên Thạch thì tại đây lại thờ thuần túy về các vị Phật trong Phật giáo. Hệ thống thần và Phật được thờ tại đây bao gồm: Phật Thích Ca, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát, Thập Điện Diêm Vương, Thập Bát La Hán…

Trên bước đường mở cõi về phương Nam, hành trang mang theo của lớp cư dân Việt không đơn thuần chỉ là những nổi niềm, những khát khao về sự mưu cầu hạnh phúc, ấm no vùng đất mới, mà hơi nữa, đó còn là những giá trị văn hóa tinh thần đầy tính nhân văn chốn quê hương. Sự hiện sinh của vị Mẫu thần “Linh Sơn Thánh Mẫu” chính là một biểu hiện sống động cho “hành trang” ấy của cộng đồng người Việt. Ở vị Mẫu này, không chỉ ẩn chứa trong đó những giá trị nhân sinh mà xa hơn nữa còn là biểu hiện cho tinh thần đoàn kết của các cộng đồng tộc người khác; hay nói khác đi, vị Mẫu thần này chính là một sản phẩm chung trong tư duy, nhận thức về thế giới quan của hai chủ thể người Việt – Khmer. Nó đã, đang và sẽ là một nét đẹp trong sinh hoạt tâm linh của toàn bộ người dân vùng đất mới Nam Bộ.

———————————

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thừa Hỷ (2012), Văn hóa Việt Nam truyền thống một góc nhìn, NXB Thông tin Truyền thông.
2. Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam (tập 1), NXB Tôn giáo.
3. http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_%C4%90oan_ng%E1%BB%8D

———————————

Chú thích:

[1] Nàng Đinh hay Nàng Đênh đều để chỉ một người là Bà Đen, tùy từng tài liệu mà có những tên gọi khác nhau.
[2] Tương truyền ngày xưa có ba cô gái quê ở Long An về tu hành và qua đời trong động này nên tên gọi động Ba Cô mới xuất hiện.
[3]: Một số tài liệu thì nhận định đây là tượng của Linh Sơn Thánh Mẫu, nhưng theo quan sát của tác giả, đây là tượng của Phật Bà Quan Âm thì chính xác hơn.
[4] “Vào một ngày sau vụ mùa nông dân chúng đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ” [3].
[5] Liên quan đến sự kiện Lê Văn Duyệt dâng sớ về triều đình nhà Nguyễn sau khi khẳng định sự hiển linh của Bà; sau đó vua Gia Long đã phong cho Bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Ngoài ra thì Bảo Đại cũng có sắc phong cho Bà là “Dực Báo trung hưng linh phủ chi thần” vào năm 1935.
[6] Đây chỉ là nhận định của Ngô Đức Thịnh, tác giả vẫn chưa khẳng định quan điểm của ông là có phù hợp hay không.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , , ,