Nông nghiệp sinh thái: Một triết lý sống lớn của thế kỷ 21

Gần đây, nông nghiệp sinh thái trở thành từ khóa quan trọng trong các chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Đó không đơn giản chỉ là một phương thức canh tác tiến bộ, thuận thiên, mà hơn thế, nó còn là một triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội loài người.

Nông nghiệp sinh thái: Một triết lý sống lớn

Cách mạng xanh

Sau thế chiến II, có một thời gian dài, loài người lâm vào nạn thiếu lương thực trầm trọng trên qui mô toàn cầu. Trong những năm 1960, đói ăn là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ trung bình của loài người thấp. Chẳng hạn, ở Ấn Độ là 39 tuổi còn ở Việt Nam là 59 tuổi ở thời điểm bấy giờ.

Lúc đó, giải quyết nhu cầu tối thiểu về cái ăn cho dân số đang gia tăng nhanh chóng là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Gánh nặng của trọng trách này được dồn lên vai các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học nông nghiệp. Họ đã tạo ra các giống mới năng suất cao, chịu thâm canh, tưới tiêu chủ động, sử dụng phân bón hóa học và hóa chất phòng trừ dịch hại. Những thành tựu to lớn về công nghệ và kỹ thuật của thời kỳ lịch sử ấy được gọi là cuộc “cách mạng xanh”, một thuật ngữ được William Gaud, cựu giám đốc USAID, sử dụng lần đầu tiên vào năm 1968. Cách mạng xanh đã có ảnh hưởng sâu sắc về sinh thái và xã hội của loài người, giúp nhân loại thoát khỏi nạn đói, một số nước từ chỗ thiếu ăn liên miên đã trở thành các ‘cường quốc’ xuất khẩu lương thực mà Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Sự phát triển một cách thái quá của cách mạng xanh đã tạo ra các hệ sinh thái nông nghiệp thâm canh phục vụ mục đích tối thượng là kinh tế, lợi nhuận. Chỉ đến khi “Mùa xuân im lặng” (của Rachel Carson, do Houghton Mifflin xuất bản năm 1962) ra đời, người ta mới giật mình nhận ra rằng, thiên nhiên (nature) là mẹ đẻ của con người, nhưng trong đa số các hoạt động, con người đã quên mất thiên nhiên là mẹ đẻ của mình.

Một ‘chuyện thường ngày ở huyện’ mà bất kỳ người làm nông nghiệp nào cũng đều có thể nhận thấy: Trong cuộc ‘chiến tranh’ giữa loài người với các loài ‘gây hại’ (cho lợi ích kinh tế của con người), để bảo vệ lợi ích cực đoan của mình, con người đã dùng hóa chất để tiêu diệt các loài ‘gây hại’; nhưng dường như trong cuộc ‘chiến tranh’ này, buồn là, loài người dù tự cho là có đầy đủ sức mạnh vật chất, lại luôn là kẻ ‘chạy sau’ các loài gây hại: chưa diệt xong loại dịch hại này thì đã xuất hiện loại dịch hại khác; con người lại dồn tâm lực nghiên cứu các loại thuốc và biện pháp phòng chống mới, và cứ thế và cứ thế, con người đã bị các giống loài gây hại điều khiển và chi phối! Con người đã quá tự tin đến mức quên đi một nguyên lý sinh thái học sơ đẳng về dây chuyền thức ăn và mạng lưới thức ăn của sinh giới.

Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã làm hỏng cấu tượng đất, làm phương hại đến tập đoàn vi sinh vật – phần “sống” của đất, làm ô nhiễm nguồn nước, làm xói mòn đa dạng sinh học… Việc công nghiệp hóa nông nghiệp theo mục đích săn tìm lợi nhuận tối đa đã làm phá sản hàng triệu nông dân nghèo, đẩy họ ra thành phổ bổ sung vào đội quan thất nghiệp vốn đã đông đảo ở nơi đây, và làm trầm trọng thêm các tệ nạn xã hội và nạn ô nhiễm môi trường đô thị.

Cách mạng xanh và dư âm của nó kéo dài đến tận bây giờ đã tạo ra hàng triệu nông dân suốt ngày đầu tắt mặt tối với chống suy thoái đất, diệt trừ sâu bệnh hại, diệt cỏ, bón phân hóa học, lo mua giống mới… nhưng đa số họ vẫn là người có thu nhập thấp, vẫn còn đó những nông dân có thu nhập chỉ 0,3USD/ngày, và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Rất ít nông dân trở nên giàu có nhờ cách mạng xanh hiện giờ, trừ những nguoi nông dân đã ‘chuyển nghề’ sang làm đại lý phân phối cho các công ty siêu quốc gia về cung ứng giống và vật tư nông nghiệp.

Khủng hoảng do cuộc cách mạng xanh trong xã hội chính là sự khủng khoảng do con người có quá nhiều tham vọng. Tham vọng muốn biến đổi tự nhiên theo ý mình đã ngày càng ngăn cách con người với tự nhiên, tách dần con người khỏi tự nhiên, dù tự nhiên chính là mẹ để của loài người. Điều đó chính là một thảm họa: Thảm họa sinh thái, có vai trò quyết định đến sự tồn vong và hưng thịnh của xã hội loài người.

Cách mạng xanh ở vùng nhiệt đới

Các hệ sinh thái nông nghiệp thâm canh vốn dễ làm bùng nổ địch hại, suy thoái đất, nhưng điều đó càng tệ hại hơn ở vùng nhiệt đới.

So với vùng ôn đới, việc phục hồi và thoái hóa ở vùng nhiệt đới đều xảy ra rất nhanh. Nông dân bắt đầu dùng phân hóa học cách đây đã gần một thế kỷ ở Nhật và một số vùng ôn đới khác. Sau 30 năm thực hiện điều đó, các phản ứng bất lợi và các vấn đề nghiêm trọng khác về môi trường và tài nguyên bắt đầu xuất hiện. Ở vùng nhiệt đới chỉ cần sau 10-15 năm, ở vùng đất cao nhiệt đới, các vấn đề bất lợi nhanh chóng xuất hiện sau 5-7 năm. Nói cách khác hệ sinh thái nhiệt đới cân bằng một cách mỏng manh và dễ bị phá hủy hoàn toàn bởi cách canh tác phản tự nhiên.

Khí hậu cực đoan và sự phân hủy nhanh chóng chất hữu cơ diễn ra một cách tích cực trong rừng không hoạt động cùng kiểu như trong nông nghiệp. Canh tác nông nghiệp “quy ước” bắt đầu băng việc chặt và khai hoang rừng. Bằng cách đó khoảng 90% tổng chất dinh dưỡng bị lấy đi khỏi đất, và đất trở nên thiếu chất hữu cơ, mất dần độ phì, khả năng giữ nước và các phẩm chất tốt khác. Hơn nữa ánh sáng gay gắt và nhiệt độ cao tác động trực tiếp vào mặt đất, làm thoái hóa cấu trúc đất. Mưa dữ dội làm xói mòn lớp đất mặt vốn màu mỡ…

Thế nào là nông nghiệp sinh thái?

Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học đã nhận ra sự khủng hoảng tất yếu do nền nông nghiệp thâm canh ‘hóa học’ nói riêng, của nền “kinh tế nâu” nói chung mang đến cho con người; nên họ đã cố gắng áp dụng các nguyên lý của sinh thái học vào sản xuất nông nghiệp, nghĩa là kết hợp một cách hữu cơ và biện chứng giữa các nguyên lý của sinh thái học, các nguyên lý của sản xuất nông nghiệp và các nguyên lý của kinh tế học; từ đó, thuật ngữ ‘sinh thái học nông nghiệp’ ra đời. Người đầu tiên dùng đến khái niệm này là K. H. Klages trong cuốn sách có tựa đề “Crop ecology and ecological crop geography in the agronomic curriculum” xuất bản năm 1928 tại Oklahoma.

Trong sản xuất nông nghiệp sinh thái (NNST), người ta không chỉ quan tâm đến năng suất trên một đơn vị diện tích như thời ‘sản xuất lương thực là mặt trận hàng đầu’, mà còn quan tâm đến năng suất trên một đơn vị đầu tư, năng suất trên một đơn vị lao động, nghĩa là quan tâm đến hiệu quả sản xuất. Đồng thời phương thức sản xuất này tập trung vào tính bền vững của các hệ sản xuất nông nghiệp, ở đó sản xuất nông nghiệp không chỉ hướng tới cung cấp nông sản an toàn, bổ dưỡng, chất lượng cao, mà còn vươn tới việc gìn giữ và hoàn thiện môi trường sống của con người.

Hệ sinh thái nhiệt đới rất cực đoan, sự cân bằng lại cũng rất mỏng manh. Vì lẽ đó, vùng nhiệt đới lại càng cần thực hiện NNST. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho các nhà nông học và các nhà sinh thái học là phải xây dựng được những hệ canh tác thích hợp, có khả năng sử dụng cao các ưu thế của vùng nhiệt đới và giảm thiểu tới mức tối đa các tác động tiêu cực của khí hậu nhiệt đới, sử dụng hợp lý các nguôn lợi. Nếu chúng ta có được những hệ sinh thái nông nghiệp thích ứng với điêu kiện ở đây, thì các hệ sinh thái này cho năng suất và sản lượng cao hơn nhiêu so với các hệ sinh thái nông nghiệp ôn đới.

Nông nghiệp sinh thái: Một triết lí sống

Như vậy, NNST không đơn giản chỉ là một phương thức canh tác tiến bộ, thuận thiên, mà hơn thế, nó còn là một triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội loài người; trên thực tế, đó là một quan niệm, một cách tiếp cận làm nông nghiệp hơn là một phương thức canh tác cụ thể mà chúng ta đang nghe, đang thấy hằng ngày như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, v.v… NNST cũng không loại trừ phân hóa học và các hóa chất phòng chống các loài ‘gây hại’ mà sử dụng chúng một cách hợp lý, có chọn lọc, được thiên nhiên, được sức khỏe của người tiêu dùng và sự an bình của cộng đồng chấp nhận.

NNST là một “cuộc cách mạng’’, nó chạm đến vấn đề lớn nhất và sâu xa nhất của con người từ khi biết sống thành xã hội, đó là mối quan hệ của con người với tự nhiên. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là con người cần nhìn nhận đúng về vai trò của con người trong tự nhiên, trong sinh giới; nó đòi hỏi chúng ta không chỉ làm nông nghiệp một cách khác, ăn uống một cách khác, tiêu dùng một cách khác, mà quan trọng hơn là phải sống một cách khác bằng cách đặt ra các câu hỏi về cõi nhân sinh, đại loại như: thế nào là tiến bộ, thế nào là hiện đại, và căn bản hơn nữa: thế nào là hạnh phúc? Từ đó thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, cách ‘đối xử’ với tự nhiên, cách ‘đối xử’ với đồng loại, cách làm nông nghiệp nói riêng cách làm kinh tế nói chung, cách hiểu về ý nghĩa thực sự của cuộc đời và hạnh phúc làm người…

Mặc dù nông nghiệp là nhân tạo nhưng nó vẫn nằm trong tự nhiên và vì vậy chịu sự điều khiển và tác động của tự nhiên. Lịch sử loài người đã cho thấy, nhiều nền văn minh phát triển đến đỉnh cao nhưng rồi đã mất đi vì ‘chủ nhân’ của các nền văn minh ấy đã ngộ nhận về sức mạnh của họ nên đã sai lầm khi tác động thiếu kiểm soát vào tự thiên. Có thể kể ra các nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) của Tây Á thuộc hệ thống châu thổ sông Tigris và Euphrates, bị tàn lụi do sử dụng tài nguyên nước không hợp lý; nền văn minh Maya ở Trung Mỹ sụp đổ chủ yếu là do con người đã tàn phá các cánh rừng làm hạn hán xảy ra nghiêm trọng; Nền văn minh Angkor của đế chế Khmer ở Đông Nam Á bị suy tàn phần lớn là do người ta đã hủy hoại các cánh rừng nhiệt đới, v.v… Những câu chuyện quá khứ đó có liên hệ mật thiết với bối cảnh hiện tại.

NNST chủ trương kết hợp giữa khảo sát để học hỏi từ các hệ sinh thái tự nhiên để vận dụng vào các hệ sinh thái nông nghiệp, kế thừa kho tàng kiến thức cổ truyền, kiến thức bản địa phong phú trong quản lý và sử dụng tài nguyên của người dân địa phương, và kết hợp kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của cộng đồng, của nông hộ. Và như vậy, NNST không chỉ bảo vệ những hệ sinh thái đã có trong tự nhiên mà còn tìm cách khôi phục những hệ sinh thái đã bị hủy diệt hay đang bị suy thoái.

NNST khuyến khích con người phát huy lòng tự tin, sự sáng tạo để cùng nhau giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở từng địa phương cũng như các vấn đề chung: cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, mất cân bằng sinh thái, đói nghèo…

NNST góp phần tìm ra giải pháp cho vấn đề khủng hoảng môi trường, nó có khả năng tác động đến và cải thiện những vấn đề môi trường và sinh thái. Những khái niệm về NNST đã được phát triển trên nền tảng đạo đức và nguyên lý sinh thái học dẫn đến những chuẩn mực chỉ đạo đúng đắn cho người thực hành.

Triết lý của NNST là phải hợp tác và học hỏi thiên nhiên, tuân thủ những quy luật của tự nhiên, có cái nhìn tổng thể và hệ thống trong quan điểm phát triển. Như vậy, NNST không chỉ thu hẹp trong phạm vi nông nghiệp mà còn tham gia vào việc  giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cục và mở rộng ra cả lĩnh vực kinh tế, thị trường, văn hóa, xã hội, đạo đức và lối sống.

Truyền thống canh tác sinh thái ở Việt Nam

Từ lâu đời, người nông dân Việt Nam đã biết áp dụng các hệ canh tác luân canh, xen canh, gối vụ, né lụt, tránh bão, canh tác kết hợp nhiều loại cây trồng, canh tác kết hợp trồng trọt-chăn nuôi-thủy sản-ngành nghề, canh tác nhiều tầng,…

Hệ thống kênh mương thuỷ lợi đã có từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, nhưng chỉ thực sự được chú ý mở mang vào thế kỷ 10-11 ở phía Bắc và thế kỷ 16 ở phía Nam, không chỉ là các hệ thống ‘chống lại tự nhiên’ mà về bản chất, đó là các hệ thống thuận thiên, nương tựa vào thiên nhiên.

Ngay ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, các hệ thống định canh không phải chỉ hoàn toàn là độc canh lúa. Đâu đâu cũng thấy các hệ canh tác là một tổ hợp cây trồng và vật nuôi phong phú: lúa và hoa màu trên đồng ruộng; cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây vật liệu ở trong vườn, ở hàng rào; chăn nuôi trong vườn nhà; thả cá trong ao, thả cá ngoài đồng, trong hồ đập, trong mương máng; thủ công nghiệp dùng nguyên liệu sẵn có từ nông nghiệp. Có nhiều cách kết hợp như nuôi cá ngoài ruộng lúa, thả vịt sau mùa gặt hái, làm chuồng lợn gần (hay trên) ao thả cá… Mỗi cây dùng vào nhiều mục đích: cây tre bảo vệ xóm làng, cung cấp nguyên liệu cho xây dựng, đan lát; cây mít cây nhãn cho quả và gỗ, lại là cây che bóng, chắn gió hại; cây dâu lấy lá nuôi tằm lấy tơ dệt áo quần, nhộng là một món ăn giàu đạm, sản phẩm phụ của nghề tằm tang làm phân bón cho ruộng, cho vườn.

Còn hệ thống định canh ở vùng Đông Nam Bộ được hình thành trên những “giồng” đất có nước ngọt, những vùng đất cao ven sông, đất cù lao giữa sông. Đặc biệt, người dân ở đây có kỹ thuật lên liếp làm vườn: giữa hai mương là liếp đất cao, trên liếp trồng cây, thường là nhiều tầng. Khi nước vào, phù sa lắng xuống đáy mương, khi nước xuống, phù sa được lấy lên đắp vào gốc cây làm phân bón. Kỹ thuật lên liếp này cũng thấy xuất hiện ở Mexico, Hà Lan. Miệt vườn Nam Bộ là quê hương của nhiều giống cây ăn trái nổi tiếng, là môi trường sống tốt lành cho người dân.

Hệ thống nông nghiệp “định canh” ở vùng đồi núi đặc trưng bởi các loại ruộng, vườn bậc thang: để lại chỏm cây trên đỉnh đồi, san ruộng bậc thang theo đường đồng mức, trồng cây theo bờ ruộng bậc thang (cốt khí, dứa…) ngăn đất rửa trôi, đắp ngăn các chỗ trũng làm nơi chứa nước tưới lúa, nuôi cá. Người ta cho rằng, ruộng bậc thang đã xuất hiện từ thế kỷ 16-17 ở vùng đồi núi Nam Trung Bộ.

Từ lâu, người ta đã biết lợi dụng nguồn nước tự chảy để đưa nước từ suối về nhà làm nước sinh hoạt và nước sản xuất (nước lấn), lợi dụng để giã gạo, chế tạo cọn (guồng) để đưa nước lên nhiều bậc để tưới với hệ thống ‘mương phai nái nín’ nổi tiếng. Cũng chính nông dân miền núi đã sáng tạo ra vụ lúa như vụ sau này thành vụ lúa xuân ở đồng bằng. Họ cũng tạo ra nhiều loại cây, con quý nổi tiếng trong cả nước (nếp Tú Lệ, quế Trà My, hồi Lạng Sơn, trâu Yên Bái, lợn Mường Khương, v.v…). Họ cũng sáng tạo ra nhiều công thức nông lâm kết hợp, nuôi cá lồng ở suối, sau này thành nuôi cá lồng, cá bè ở nhiều vùng đồng bằng; và hệ thống thổ canh hốc đá nổi tiếng…

Ở vùng ven biển, người ta khắc phục hiện tượng cát đụn, cát bay bằng cách trồng các hàng cây chắn gió; trồng rừng ngập mặn để lấn biển. Người ta dùng trâu cày nơi ruộng thấp, dùng dao, cuốc loại bỏ lau lách, cỏ lác cào đắp thành bờ nơi ruộng sâu (“khai sơn trảm thảo”), đào kênh mương để tưới tiêu, thau chua rửa mặn, đắp bờ giữ nước mưa, dưới mương thả cá, trên bờ trồng cây…

Truyền thống định canh được đúc kết không chỉ trong rất nhiều dân ca, tục ngữ như “nước, phân, cần, giống”, “nhất thì nhì thục”, “chiêm ba giá mùa ba mưa”, “chiêm bóc vỏ mùa xỏ tay”, v.v… mà còn thể hiện bằng những kỹ thuật dùng bèo hoa dâu trong thâm canh lúa (từ thế kỷ 11), cày ải, phơi ải đất lúa “hòn đất nỏ bằng giỏ phân”, cày vặn rạ, dùng phân chuồng, phân xanh, phân bắc, sáng tạo những giống cây quý về lương thực, thực phẩm thích ứng với từng điều kiện sinh thái, kể cả với những loại đất khắc nghiệt, còn lưu giữ đến tận ngày nay, tạo ra các loại cây, con đặc sản cho từng vùng miền, của mỗi làng xã; có những hệ thống luân canh, xen canh, gối vụ truyền thống: hai vụ lúa-một vụ đậu tương, xen đậu với ngô, với dâu tằm, v.v… vô cùng phong phú.

Đã có lúc, các hình thức canh tác “xưa cũ” đó bị coi là lạc hậu, bị cấm đoán. Chẳng hạn từng có chính sách “khuyến nông” để người H’Mông ở Hà Giang ngừng trồng các giống ngô bản địa mà chuyển sang giống mới năng suất cao hơn. Tuy nhiên thực chất giống ngô mới dù năng suất cao nhưng lại khó bảo quản lâu, dễ đổ khi có gió lớn. Những tri thức và hình thức canh tác bản địa, có tính bền vững từ xưa truyền lại cần phải được nâng niu, giữ gìn và cải tiến. Hơn nữa, NNST cần và nên kết hợp với du lịch, chẳng hạn du lịch sinh thái, du lịch canh nông (hình thức cho phép khách du lịch vừa tham quan, vừa cùng người dân canh tác). Ở nhiều nơi đã tổ chức thành công các làng sinh thái (ecovillage), nay có nơi gọi là làng thuận thiên (harmonious to nature village), các mẫu hình cho các điểm định cư sinh thái ở nông thôn.

Người ta đã đề ra các khái niệm như đạo đức của NNST, nguyên lý của NNST, nguyên tắc của NNST từ lâu, ví dụ như:

(1) Đạo đức của NNST: (i) Chăm sóc và bảo vệ Trái đất-ngôi nhà chung của sinh giới; (ii) Chăm sóc con người; (iii) Tiết kiệm và giảm bớt tiêu thụ; và (iv) Phân phối dư thừa (dành thời gian dư thừa, tiền của dư thừa, năng lượng dư thừa để chăm sóc Trái đất, chăm sóc đồng loại…);

(2) Nguyên lý của NNST: Việc thỏa mãn các nhu cầu và các khát vọng của con người là mục tiêu chủ yếu của sự phát triển; NNST là nền nông nghiệp có khả năng thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không tổn thương đến khả năng thỏa mãn các nhu cầu ấy của các thế hệ mai sau.

Theo TRẦN ĐỨC VIÊN / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,