⠀
Những động thái mới xoay quanh mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc
Mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc đã giảm bớt những căng thẳng từ cuộc gặp vào cuối năm ngoái của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại Woodside, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý duy trì các đường dây liên lạc cởi mở thường xuyên để quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và ngăn ngừa xung đột ngoài ý muốn. Năm 2024 đã qua được hơn một phần tư chặng đường, mối quan hệ quan trọng nhất thế giới hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trải qua nhiều biến động khác nhau, tác động tới nhiều vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Dưới đây, bài viết sẽ điểm lại một số sự kiện nổi bật được cho là có ảnh hưởng quan trọng tới quan hệ của hai nước trong năm 2024.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc.
Những động thái mới trong quan hệ Mỹ Trung gần đây
Ngày 24 – 26/4/2024, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã thực hiện chuyến thăm tới Trung Quốc. Trong cuộc gặp với ông Tập, ông Blinken đã cho rằng hai nước cần tăng cường các kênh liên lạc, quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm, tránh những nhận thức, tính toán sai lầm. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng: “ngay cả khi chúng tôi tìm cách tăng cường hợp tác, nơi lợi ích của chúng tôi phù hợp, Mỹ rất rõ ràng về những thách thức do (Trung Quốc) đặt ra và về tầm nhìn cạnh tranh của chúng tôi cho tương lai. Mỹ sẽ luôn bảo vệ những lợi ích và giá trị cốt lõi của mình”[1]. Nhằm tạo áp lực phục vụ cho chuyến thăm của ông Blinken, ngày 24/4/2024, Tổng thống Joe Biden ký Dự luật sẽ buộc Bytedance thoái vốn khỏi Tiktok sau khi được Thượng viện phê duyệt.
Trước đó, cả hai bên Mỹ – Trung đã có nhiều tương tác đáng chú ý khác. Ngày 02/03/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Ngày 02/04/2024, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm quan trọng. Đây là kết quả từ các cuộc gặp chuyên sâu giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Bangkok vào ngày 26, 27/1/2024 và cuộc gặp của Ngoại trưởng Blinken với người đồng cấp ở Trung Quốc tại Munich vào tháng 2/2024.
Ngày, 06/04/2024, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen công bố các sáng kiến mới giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô và tội phạm quốc tế. Đến ngày 17/4/2024, Tổng thống Biden kêu gọi tăng gấp ba mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và hai ngày sau đó, MOFCOM của Trung Quốc áp dụng thuế chống phá giá 43,5% đối với axit propionic nhập khẩu của Mỹ.
Bên cạnh các động thái trực tiếp giữa hai nước, Mỹ cũng đã thúc đẩy các hành động nhằm bổ sung thêm lực lượng kiềm chế Trung Quốc của mình ở Đông Á. Đáng chú ý là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nhật Bản – Philippines được tổ chức. Bên lề sự kiện này, Thủ tướng Nhật Kishida cũng đã có chuyến làm việc chính thức ở Mỹ, qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ đồng minh.
Ở phía ngược lại, các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc đã tổ chức các cuộc gặp riêng với các đối tác hải quân Mỹ và Nga trong hội nghị chuyên đề về hải quân Tây Thái Bình Dương tại Thanh Đảo.
Mục đích của Mỹ và Trung Quốc trong điều chỉnh chính sách quan hệ song phương
Các hoạt động trên giữa hai nước từ đầu năm 2024 đến nay cho thấy một thực tế, các lĩnh vực thương mại, an ninh quốc phòng vẫn là những vấn đề trọng tâm, ẩn chứa nhiều bất đồng khiến quan chức hai nước. Tần suất của các cuộc gặp giữa quan chức hai nước và chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Trung Quốc được đánh giá là khá nhiều. Từ cuộc gặp của các quan chức quốc phòng, ngoại giao đến chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc và cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia. Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Trung Quốc hai lần chỉ trong vòng 10 tháng. Điều đó minh chứng cho nỗ lực dàn xếp, ổn định mối quan hệ Mỹ – Trung không vượt qua giới hạn và quản lý mối quan hệ này có trách nhiệm theo như phát biểu của ông Blinken. Lý giải cho xu hướng này, về phía Mỹ, hiện nay nước này còn nhiều vấn đề cấp bách khác cần được giải quyết như chiến sự Nga – Ukraine, xung đột tại Trung Đông, hay cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm. Để có thể tập trung giải quyết các điểm nóng trên, việc quản lý các bất đồng, không để nó trở thành nguồn cơn cho một cuộc xung đột mới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là điều cần thiết. Các điểm nóng ở khu vực này như bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, biển Đông hoàn toàn có thể bùng phạt với những bất đồng lớn hơn. Theo những tuyên bố của quan chức hai nước cho thấy rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn kịch bản đó xảy ra. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Blinken rằng Washington cần nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc “dưới góc độ tích cực” để quan hệ song phương được cải thiện. Theo một thông cáo chính thức, ông Tập gọi đây là “vấn đề cơ bản” cần phải được giải quyết đúng đắn để mối quan hệ Trung-Mỹ thực sự ổn định, cải thiện và tiến lên phía trước[2].
Các nỗ lực đó không chỉ diễn ra trên phương diện song phương mà còn cả ở cấp độ đa phương. Các phái đoàn quốc gia khác bao gồm Úc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga và Anh. Người phát ngôn Wu Qian nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Đô đốc Hu Zhongming và chính ủy Yuan Huazhi đã có “trao đổi quan điểm sâu sắc” với Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Stephen Koehler và Tư lệnh hải quân Nga, Đô đốc Alexander Moiseyev. “Hải quân PLA sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước để tăng cường hơn nữa liên lạc, nâng cao lòng tin và đóng vai trò tích cực, mang tính xây dựng trong việc xây dựng một cộng đồng hàng hải với tương lai chung”. Hu và Yuan cũng gặp gỡ các đối tác hải quân từ Pháp, Chile và Campuchia trong khuôn khổ hội nghị chuyên đề có sự tham gia của các quan chức Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Australia trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng. Các quan chức cấp chuyên viên của cả hai bên đã gặp nhau tại Hawaii hồi đầu tháng, tập trung vào cách quân đội hai nước có thể hoạt động an toàn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về Đài Loan và tranh chấp Biển Đông[3]. Những người tham gia cũng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán kín với các cuộc hội thảo về các chủ đề như giải quyết các thách thức an ninh hàng hải. Họ cũng sẽ thảo luận về Quy tắc ứng phó với các va chạm ngoài ý muốn trên biển, một bộ hướng dẫn được xây dựng cách đây một thập kỷ nhằm giảm căng thẳng giữa quân đội trên biển.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều vẫn tồn tại những bất đồng với nhau trên nhiều lĩnh vực:
Về phía Mỹ
Thứ nhất, Mỹ lo ngại Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ ngành công nghiệp quân sự của Nga nhiều hơn sẽ tạo ưu thế trên chiến trường cho Moskva. Đáp trả quan điểm trên, phía Trung Quốc cho rằng nước này hoàn toàn có quyền làm ăn hợp pháp với các doanh nghiệp của Nga.
Thứ hai, Mỹ yêu cầu Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng của mình để kiềm chế Iran. Tránh để những bất đồng giữa Iran và Isarel lan rộng ra trở thành một cuộc chiến tổng lực. Nếu kịch bản trên xảy ra, trước hết bản thân khu vực Trung Đông là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng cũng nó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vốn hiện nay đã xuất hiện những phản đối trong dư luận Mỹ phản đối các quan điểm, chính sách của chính quyền tổng thống Biden về các hành động của Isarel.
Thứ ba, các vấn đề khúc mắc về thương mại. Trong một bài phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Biden đã tuyên bố khả năng sẽ tăng gấp 3 lần thuế với các mặt hàng thép của Trung Quốc. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nêu bật những lo ngại về vấn đề chính quyền Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp bán phá giá các mặt hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Washington cho rằng, làn sóng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc sẽ áp đảo các nhà máy của Mỹ. Bà Yellen trích dẫn việc sản xuất xe điện và pin cũng như thiết bị năng lượng mặt trời – những lĩnh vực mà chính quyền Mỹ đang cố gắng thúc đẩy trong nước – là những lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc trợ cấp đã thúc đẩy mở rộng sản xuất nhanh chóng[4].
Về phía Trung Quốc
Thứ nhất, hoài nghi về các hành động tại khu vực của Mỹ. Một mặt Mỹ có những hành động nhằm duy trì và kiểm soát mối quan hệ của hai nước một cách ổn định. Mặc khác, Mỹ vẫn có các động thái nhằm tăng cường các liên kết liên minh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tiêu biểu là sự gia tăng quan hệ Mỹ – Nhật và hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines. Đồng thời, Mỹ cũng mong muốn Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để giảm bớt các hành động của Iran ở Trung Đông. Mục đích của các hành động trên có thể đúc kết lại rằng Mỹ đang muốn “cùng” hoặc “dùng” Trung Quốc để giảm bớt các căng thẳng, thiết lập ổn định tại khu vực Trung Đông – đồng nghĩa với việc Mỹ không còn phải quá bận tâm để viện trợ cho đồng minh Isarel. Trong khi, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có động thái tập hợp lực lượng được cho là nhằm thẳng vào Trung Quốc. Người phát ngôn Wu Qian cho biết: “Từ lâu, Mỹ và Nhật Bản đã thắt chặt hợp tác quân sự, cường điệu hóa sự đối đầu giữa các khối và thành lập các nhóm nhỏ nhắm mục tiêu vào các nước khác bằng cách viện cớ ‘mối đe dọa Trung Quốc’ vô căn cứ. Điều này sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất của liên minh Mỹ-Nhật và âm mưu phá hoại hòa bình và ổn định khu vực của họ”. Trung Quốc vẫn sẽ giữ hoài nghi với Mỹ ở mức độ nhất định khi các hoạt động của Mỹ trong khu vực vẫn tiếp diễn. Các hoạt động đó như các tiến triển về việc hình thành liên minh Mỹ – Nhật – Philippines, khả năng Nhật có thể gia nhập AUKUS v…v
Thứ hai, Đạo luật mới được thông qua viện trợ cho Ukraine và Đài Loan. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng gói viện trợ nước ngoài này phản ánh thành tích tệ hại của chính quyền Biden trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại. Khi nhận thấy xung đột Nga-Ukraine nằm ngoài khả năng giải quyết của Mỹ, ông Biden đã buộc Hạ viện thông qua dự luật ủng hộ Ukraine, nhằm phô trương sức mạnh và tìm lối thoát bằng cách đổ lỗi cho sự thất bại của Mỹ. về sự “ủng hộ” của Trung Quốc đối với Nga.
Một số dự báo về quan hệ Mỹ – Trung thời gian tới
Khái quát mối quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới, cả hai bên đều tìm cách nhằm ổn định mối quan hệ nhưng những bất đồng vẫn luôn âm ỉ và có nguy cơ cao bùng nổ, gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường. Các vấn đề âm ỉ đó có thể xoay quanh vấn đề đạo luật mới nhất của Mỹ liên quan đến Đài Loan, Ukraine và Tiktok cũng như các tranh chấp liên quan đến thương mại và công nghệ. Nhận xét về chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần tránh những tính toán sai lầm, quan hệ Mỹ-Trung đang “bắt đầu ổn định” với việc tăng cường đối thoại và hợp tác, nhưng cảnh báo rằng “các yếu tố tiêu cực” đang gia tăng và hình thành, và điều đó gây ra “tất cả các loại gián đoạn”. Ông nói: “Quyền phát triển hợp pháp của Trung Quốc đã bị đàn áp một cách vô lý và lợi ích cốt lõi của chúng ta đang đối mặt với những thách thức”, đồng thời yêu cầu Washington “không bước vào ranh giới đỏ của Trung Quốc”.
Cùng với các các cuộc trao đổi quốc phòng giữa Mỹ – Trung từ đầu năm đến nay. Sự kiện quan chức hải quân Mỹ – Trung – Nga đã có những tương tác nhất định là những dấu hiệu mới nhất cho thấy sự liên lạc giữa quân đội 2 nước đã bình thường trở lại sau khi chạm đáy và bị ngừng lại một thời gian kể từ khi tháng 8/2022 khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc năm 2023, ông Blinken cho biết sẽ nỗ lực mở và duy trì nhiều kênh liên lạc song phương hơn nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang quân sự giữa hai bên. Ưu tiên chính là liên lạc giữa quân đội với quân đội, điều mà ông nhấn mạnh là cần thiết để giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chạm trán quân sự leo thang giữa hai nước đối đầu trên vùng biển và vùng trời ở eo biển Đài Loan và Biển Đông[5].
Mặc dù tần suất liên lạc cao hơn nhưng có rất ít sự lạc quan rằng chuyến thăm này sẽ mang lại sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ song phương. Cả giới chuyên gia ở cả Mỹ và Trung Quốc đều có chung nhận định này. Các lĩnh vực có thể mong đợi những bước đột phá trong thời gian tới tập trung vào các vấn đề ít nhạy cảm hơn như là các vấn đề hợp tác nhằm hạn chế dòng chảy của opioid tổng hợp, sự sẵn sàng hợp tác về quản trị AI và mối quan hệ giữa con người với con người.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Sau khi vượt qua trở ngại trong việc gửi hỗ trợ tới Ukraine, Washington chắc chắn sẽ tập trung vào việc cản trở hoạt động thương mại của Trung Quốc với Nga. Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc đấu tranh mới với Mỹ trong việc bảo vệ các lợi ích thương mại. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu tích cực, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, theo thông báo của Tân Hoa Xã, hai bên nhất trí thảo luận các vấn đề như tăng trưởng cân bằng giữa Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu, ổn định tài chính, tài chính bền vững và hợp tác chống rửa tiền trong khuôn khổ Nhóm công tác kinh tế và tài chính Trung Quốc-Mỹ. Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các biện pháp kinh tế, thương mại của Mỹ hạn chế Trung Quốc và phản ứng đầy đủ về vấn đề năng lực sản xuất. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc[6]. Yellen nói với các phóng viên trong chuyến dừng tiếp nhiên liệu ở Alaska trên đường tới Trung Quốc rằng Mỹ “sẽ không loại trừ” thuế quan để đáp trả việc Trung Quốc sản xuất các sản phẩm năng lượng xanh được trợ cấp nhiều. Mỹ đã nỗ lực thông qua luật pháp và các mệnh lệnh hành pháp để loại bỏ một số công nghệ nhất định của Trung Quốc nhằm xây dựng năng lực sản xuất trong nước. Nhiều thành viên Nhà Trắng và Quốc hội coi các hành động này là quan trọng để duy trì an ninh quốc gia[7].
Trong các vấn đề như an ninh quốc phòng, nhận thức hai bên vẫn còn có quá nhiều khác biệt không thể che lấp được. Một trong những lợi ích cốt lõi mà Mỹ là đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang có nhiều hoạt động hỗ trợ cho Nga và Mỹ coi đó là một mối đe doạ. Nhưng nước Nga và Trung Quốc lại không cho rằng hợp tác quân sự giữa hai nước là mối đe doạ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ca ngợi sự hợp tác quân sự với Trung Quốc trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dong Jun tại thủ đô Astana của Kazakhstan. “Hợp tác quân sự Nga-Trung là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng thủ và duy trì sự ổn định toàn cầu và khu vực. Chúng tôi thường xuyên tiến hành huấn luyện tác chiến và tác chiến chung trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời thực hiện thành công các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu với mức độ phức tạp khác nhau”, ông Shoigu nói. Bộ trưởng Quốc phòng Nga còn cho rằng bản chất những căng thẳng là kết quả của cuộc phiêu lưu địa chính trị của phương Tây. Nhìn rộng hơn, Trung Quốc nhận thức rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự và kiềm chế sự phát triển kinh tế của nước này. Trong khi đó, nhận thức của giới lãnh đạo Mỹ cho rằng Trung Quốc đang phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm suy yếu nước này. Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Mỹ đang tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và xa hơn nữa để bao vây Trung Quốc trong khi Washington tin rằng Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động cưỡng bức chống lại nhiều nước láng giềng, đặc biệt là Đài Loan và Philippines, cũng như tăng cường mối quan hệ giống như liên minh với Moskva.
Tác động và ảnh hưởng tới an ninh khu vực
Thời báo Hoàn Cầu đưa ra nhận định của giới quan sát Trung Quốc cho rằng những chuyến thăm gần đây của quan chức Mỹ tới Trung Quốc cho thấy Washington ko thể giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế nếu thiếu Bắc Kinh[8]. Xét trên những hành động gần đây của Mỹ, nhận định trên không hoàn toàn là không có cơ sở. Thái độ của Trung Quốc phản ứng lại với lời kêu gọi của Mỹ với các vấn đề ở Trung Đông, hay phản ứng của nước này trước các biến động gần đây tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tác động lớn tới tình hình an ninh trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Khu vực biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột
Phản ứng lại với đạo luật mới nhất viện trợ cho Đài Loan, Trung Quốc có thể tiếp tục tái diễn các hoạt động quân sự, các cuộc tập trận nhằmg gây sức ép lên làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Đưa eo biển Đài Loan vào một giai đoạn bất ổn mới. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, tại khu vực biển Đông cũng sẽ xuất hiện những gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines. Lü Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ ra một ví dụ là lực lượng Philippines và Mỹ sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm, bao gồm cả mô phỏng đánh chìm tàu, vốn được nhiều người coi là nhằm vào Trung Quốc[9]. Cao Weidong, chuyên gia quân sự và cựu nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quân sự Trung Quốc, cho biết: “Việc Mỹ tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ với Philippines không phải là vấn đề, nhưng khi những cuộc tập trận này mang tính chất tấn công và gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng, chúng ta không chỉ phải cảnh giác cao độ mà còn phải đáp trả”[10]. Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tuần trước, nơi các nhà lãnh đạo ba nước này bày tỏ quan ngại về “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đáp trả lại, Trung Quốc gọi hành động của ba nước trên là “chính trị khối”. Trong thời gian ngắn, khu vực Biển Đông có thể tiếp tục chứng kiến, có thể với tần suất cao hơn, những cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu của Philippines.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Trung Quốc và Mỹ hiện đều là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam cả trong kinh tế và ngoại giao. Vì vậy, những biến động trong quan hệ giữa hai nước trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình của Việt Nam. Với bối cảnh thế giới nói chung và bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung nói riêng, bên cạnh những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ giữa các nước, Việt Nam cũng cần nhìn nhận những cơ hội có được để đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc. Có thể đánh giá, mặc dù vẫn còn những bất đồng, mâu thuẫn trên nhiều lĩnh vực nhưng nhìn chung mối quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới sẽ được duy trì ở mức ổn định, tránh leo thang những căng thẳng. Việt Nam cần tranh thủ thời cơ thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hợp tác với tất cả các nước, bao gồm cả quan hệ chiến lược với các nước lớn (gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ…), cũng như phát triển quan hệ với các nước khác. Đồng thời với nhiệm vụ trên, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực tự chủ, đây là yếu tố phù hợp với xu thế chung cũng như yêu cầu phát triển của Việt Nam trong dài hạn, từ các yếu tố nền tảng như giáo dục, y tế, môi trường đến khả năng nghiên cứu, sản xuất, thương mại, cũng như tích cực tham gia các chuỗi cung ứng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tham gia định hình luật lệ quốc tế… Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể cũng cần có quy hoạch tổng thể và sự tính toán hợp lý[11].
————————-
Tài liệu tham khảo:
[1] Matthew Lee (2024), “Antony Blinken meets with China’s President Xi as US, China spar over bilateral and global issues”, AP News, https://apnews.com/article/us-china-blinken-wang-yi-8c1c453df3afbd6ec87ced0c8d618064
[2] Evelyn Cheng (2024), “China’s Xi says the U.S. needs to accept Beijing’s rise for bilateral relations to improve”, CNBC, https://www.cnbc.com/2024/04/26/us-china-blinken-stresses-need-to-avoid-miscalculations.html
[3] Laurie Chen (2024), “Chinese military officials met US and Russian naval officials this week”, Reuters, https://www.reuters.com/world/china/chinese-military-officials-met-us-russian-naval-officials-this-week-2024-04-25/
[4] FATIMA HUSSEIN AND KEN MORITSUGU (2024), “US will push China to change a policy threatening American jobs, Treasury Secretary Yellen says”, AP News, https://apnews.com/article/china-us-yellen-overcapacity-ukraine-industrial-policy-ab1b8fbef365352096492206e532c7c6
[5] Rosie Levine, Carla Freeman, Andrew Scobell (2024), “Cooperation is not off the table but will not be the thrust of U.S.-China interactions”, United States Institute of Peace, https://www.usip.org/publications/2024/04/blinkens-china-trip-shows-both-sides-want-stabilize-ties
[6] Xinhua (2024), “Chinese vice premier holds talks with U.S. treasury secretary”, XinhuaNet, https://english.news.cn/20240406/aa3c3b94b508443099f66ead7d59013b/c.html
[7] Fattima Hussein, Ken Moritsugu (2024), “New US-China talks will address a top American complaint about Beijing’s economic model, Yellen says”, AP News, https://apnews.com/article/us-china-yellen-economics-trade-tariffs-diplomacy-cb17ca4ed180e9b2d30ac5cdc12e1cb0
[8] “Blinken’s China visit highlights US needs to cooperate with China on domestic, intl issues” (2024), Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202404/1310975.shtml
[9] “Blinken’s China visit highlights US needs to cooperate with China on domestic, intl issues” (2024), Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202404/1310975.shtml
[10] Laurie Chen (2024), “China hosts foreign naval officials amid South China Sea tensions”, Reuters, https://www.reuters.com/world/china/china-hosts-foreign-naval-officials-amid-south-china-sea-tensions-2024-04-21/
[11] Lại Thái Bình (2023), “Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc và tác động đến điều chỉnh chính sách của các nước lớn”, Tạp chí cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/canh-tranh-chien-luoc-my-trung-quoc-va-tac-dong-den-dieu-chinh-chinh-sach-cua-cac-nuoc-lon
Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Quan hệ Mỹ - Trung, Nghiên cứu quốc tế