Những cuộc chiến tranh chớp nhoáng trong thế kỷ 20

Các cuộc chiến tranh đi cùng suốt lịch sử nhân loại. Có những cuộc chiến kéo dài hàng chục năm, nhưng có những cuộc diễn ra chỉ vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí vài giờ.

Những cuộc chiến tranh chớp nhoáng trong thế kỷ 20

Chiến tranh Armenia-Gruzia, 1918

Quân đội đế chế Ottoman đã chiếm lĩnh các vùng dọc biên giới Gruzia và Armenia trong Thế chiến I. Khi họ rút đi, các nước này đã lao vào xung đột tranh giành quyền làm chủ một số vùng đất. Cuộc xung đột này chỉ kéo dài 4 tuần. Chiến tranh bùng nổ ngày 3/12 và kết thúc ngay trước năm mới – ngày 31/12. Nhờ sự giúp đỡ của Anh, cuộc chiến đã được giải quyết. Hai bên đã cùng nhau quản lý biên giới cho đến năm 1920. Chính vào năm đó, Armenia gia nhập Liên Xô.

Chiến tranh 6 ngày, 1967

Cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967 còn có tên gọi chiến tranh 6 ngày, bắt đầu ngày 5 và kết thúc ngày 10/6. Sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, nhiều nước có xung đột với Israel.

Vào năm 1967, tại Cận Đông xuất hiện một tình thế bế tắc. Tăng cường sức mạnh quân sự một cách có kế hoạch, Ai Cập, Syria, Iraq và Jordanie đã xây dựng kế hoạch cùng tấn công Israel. Ngày 5/6/1967, Tel Aviv quyết định ra tay trước và tấn công các căn cứ không quân Ai Cập, tiêu diệt phần lớn máy bay chiến đấu của nước này. Điều đó đã mang lại ưu thế trên không cho Israel trong thời gian xung đột. Việc tiến hành chiến dịch mặt đất cùng lúc trên mấy mặt trận đã kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn của Israel.

Chịu tổn thất nặng nề, quân Arab ngừng chiến sự vào ngày 10/6/. Israel đã chiếm được các vùng lãnh thổ như Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan.

Cuộc chiến tranh bóng đá, 1969

Tiền đề của cuộc xung đột này là những năm bất bình đẳng về kinh tế và bất mãn lẫn nhau giữa hai nước cộng hòa Nam Mỹ là El Salvador và Honduras. Hai nước cũng có tranh chấp lãnh thổ. Báo chí hai nước lại tìm cách thổi bùng căng thẳng. Ví dụ, ở Honduras, người ta nói rằng, nguyên nhân thiếu việc làm trong nước là do người nhập cư Salvador. Căng thẳng gia tăng trùng với việc đội tuyển Honduras thua đội tuyển El Salvador trong các trận play-off vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới.

Hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, sau đó là các cuộc tấn công nhằm vào người Salvador ở Honduras. El Salvador mở chiến dịch quân sự tấn công trước vào ngày 14/7, nhưng tình thế bế tắc nhanh chóng nảy sinh, trong đó Không quân Honduras tiêu diệt được các kho dầu của đối phương, làm cho người Salvador không còn nhiên liệu. Ngày 20/7, xung đột chấm dứt sau khi diễn ra chỉ được 6 ngày. Tuy diễn ra ngắn, cuộc xung đột khiến cả hai bên trả giá đắt với tổng tổn thất lên tới hàng ngàn người, kinh tế hai nước thiệt hại nặng.

Chiến tranh Ấn Độ – Pakistan lần thứ ba, 1971

Cuộc chiến này kéo dài từ ngày 3-16/12/1971 giữa Ấn Độ và Pakistan – lúc đó bị chia thành hai phần Tây và Đông Pakistan. Cuộc xung đột xảy ra sau khi hàng triệu người tị nạn chạy từ Đông Pakistan sang Ấn Độ. Họ buộc phải chạy sang quốc gia gần nhất là Ấn Độ vì bị chính quyền Tây Pakistan truy bức. Chính quyền Tây Pakistan không thích việc Ấn Độ mở cửa biên giới cho người tị nạn, kết quả là xảy ra xung đột vũ trang. Chiến thắng thuộc về phía Ấn Độ, Đông Pakistan giành được độc lập, nước Bangladesh ra đời.

Chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc 1979

Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17/2/1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước, sau một thời gian quan hệ căng thẳng kéo dài.

Cuộc chiến kết thúc sau 27 ngày, khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân vào ngày 16/3/1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên của Việt Nam. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa.

Mỹ xâm lược Panama, 1989-1990

Nguyên nhân xung đột là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Panama. Ngoài sự bất bình lẫn nhau thường xuyên, quan trọng nhất là việc Mỹ mất quyền kiểm soát pháp lý đối với kênh đào Panama theo hiệp ước song phương. Mỹ đưa quân vào lãnh thổ một nước có chủ quyền với cớ bảo đảm an ninh cho 35.000 công dân Mỹ ở Panama. Do quân đội Panama đơn giản là không thể chống chọi được sức mạnh quân sự của một siêu vường nên chiến sự chỉ kéo dài có 5 ngày. Tuy nhiên, việc giải quyết pháp lý đã kéo dài lâu hơn, vì vậy thời gian chính thức của cuộc xung đột là 20/12/1989 – 31/1/1990.

Theo VIETNAMDEFENCE

Tags: ,