Trận Vũ Hán 1938: Biển máu vô nghĩa của người Nhật Bản

Trận Vũ Hán có thể coi là một thất bại đẫm máu vô ích của quân Nhật Bản khi tốn tới nửa binh lực mà vẫn không bắt giữ được bộ chỉ huy của quân đội phía Trung Quốc.

Trận Vũ Hán 1938: Biển máu vô nghĩa của người Nhật Bản

Trận Vũ Hán hay Cuộc chiến bảo vệ Vũ Hán theo cách gọi của người Trung Quốc – Cuộc tấn công Vũ Hán theo cách gọi của người Nhật… là một trong những trận đánh đẫm máu bậc nhất trong Chiến tranh Trung – Nhật.

Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 11/6 tới ngày 27/10/1938 tại thành phố Vũ Hán. Sau trận đánh này, quân đội Nhật dù chiến thắng và chiếm được Vũ Hán nhưng xét chung cuộc, Nhật đã “thua đau”.

Đầu tiên, quân đội Nhật tổn thất tới một nửa lực lượng tham chiến. Dù chiếm được Vũ Hán nhưng mục tiêu cao nhất của Nhật đó là bắt được bộ chỉ huy của quân Trung Quốc đã thất bại.

Chưa hết, xét về mặt chiến lược, quân Nhật thậm chí còn thua “đau” hơn khi mất đi thế thượng phong “đánh đâu thắng đó” và “đánh nhanh thắng nhanh” của mình trước đó.

Tổng cộng trong cuộc chiến này, quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc đã tung vào trực tiếp tham chiến 1,1 triệu quân ở trong lòng Vũ Hán, kèm theo đó là 900.000 quân ở các vùng lân cận, 200 máy bay và 30 tàu vũ trang.

Biển máu ở Vũ Hán diễn ra trong nhiều tháng khiến khoảng 1 triệu quân Trung Quốc bị tan rã, đầu hàng, thiệt mạng hoặc bị thương.

Trong khi đó, phía Nhật ghi nhận có 31.500 lính thiệt mạng hoặc bị thương trong trận chiến, 105.000 lính bị thương vong do ốm đau, bệnh tật.

Do phòng tuyến của quân Trung Quốc quá vững chắc, địa hình tự nhiên lại có sông Dương Tử chia cắt, rất khó để đổ bộ tấn công như thông thường nên quân Nhật đã phải sử dụng phương thức tấn công khác.

Cụ thể, phía Nhật đã sử dụng vũ khí hoá học để tấn công vào phòng tuyến của Trung Quốc. Lệnh được phép sử dụng vũ khí hoá học để tấn công đã được Thiên hoàng Chiêu Hoà của Nhật chấp thuận.

Theo nhiều tài liệu thống kê lại, phát xít Nhật đã sử dụng chất độc hoá học để tấn công quân Quốc dân Đảng Trung Quốc tổng cộng 375 lần khi đánh vào Vũ Hán.

Ở phía ngược lại, quân Trung Quốc dù có trang bị vũ khí tốt, chiến thuật hợp lý nhưng lại thiếu mặt nạ phòng độc nên dễ dàng bị “bật chốt” mỗi lần phía Nhật dùng vũ khí hoá học.

Cách duy nhất mà quân Trung Quốc có thể làm để chống lại đòn tấn công hoá học của Nhật đó là nhúng khăn mặt vào nước tiểu sau đó tự trùm lên mặt, hy vọng rằng chất amoniac trong nước tiểu có thể làm loãng khí độc của đối phương.

Sau bốn tháng kịch chiến, về cơ bản hải quân và không quân Trung Quốc đã bị Nhật xoá sổ hoàn toàn. Tuy nhiên lục quân Trung Quốc vẫn còn tiềm lực và nhân lực để hồi phục.

Ngược lại với người Nhật, đội quân này đã yếu đi rất nhiều sau cuộc chiến ở Vũ Hán, không còn đủ sức tiến hành bất cứ một chiến dịch quy mô lớn nào khác trên bộ cho tới tận 6 năm sau.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,