Những ca khúc cổ xưa nhất của nhân loại còn được lưu truyền

Mặc dù từ cách đây 50 nghìn năm đã có thể chế ra nhạc cụ, song có lẽ người xưa mới chỉ biết viết nên những ca khúc đầu tiên vào vài nghìn năm trước cho đến thế kỷ thứ 13, trong đó từ thế kỷ thứ 1 tới thế kỷ thứ 4, phần lớn các bài hát đều là thánh ca, chứ chưa có các thể loại đa dạng như ngày nay.

Những ca khúc cổ xưa nhất của nhân loại còn được lưu truyền

Bài hát cổ đại đầu tiên của thế giới là Hurrian khúc số 6, của cư dân Akkadia, một dân tộc sống trên bán đảo Ả Rập, trong thời kỳ đồ đồng 3.400 năm trước. Qua phát hiện khảo cổ đối với 29 mảnh đất sét khắc những dòng chữ nêm tại thành cổ Amorite, Ugarit – miền bắc Syria đầu thập niên 60, người ta thấy rằng, đây chính là những bài hát sơ khai của nhân loại, và đặc biệt mảnh thứ sáu là một giai điệu trọn vẹn, có gần như đầy đủ các nốt nhạc, lời ca cùng những hướng dẫn chơi đàn chín dây sammun, một kiểu đàn giống đàn lyre/ harp của phương Tây.

Vì các ký tự thuộc loại ngôn ngữ tối cổ nên các nhà nghiên cứu chưa thể cắt nghĩa toàn bộ bài hát, song đại thể chúng có ý nghĩa tán tụng nữ thần nông nghiệp Nikkai– người bảo trợ cho các vườn hoa quả và vụ mùa thu hoạch bội thu vào hè tại địa phương. Bà là một nữ thần rất quan trọng, đem lại sự ấm no, hạnh phúc của dân gian nên về sau còn được thờ phụng bởi khá nhiều dân tộc khác. Ca khúc được viết dưới dạng những vết khắc hình chữ V, và chạy theo một đường xoáy trôn ốc từ trước ra sau, trên xuống dưới với bên trên là lời ca, các âm tiết tương ứng các nốt nhạc và bên dưới là cách chơi đàn, gồm các số và tên của mỗi dây đàn.

Ca khúc cổ đại thứ hai là nhị điệu Thần khúc Delphi, được hai nghệ sĩ người Athen – Hy Lạp sáng tác vào năm 138 và 128 trước CN, và được tìm thấy ở thành phố Delphi năm 1893. Cả hai đều ca ngợi thần mặt trời Apollo, một trong 12 vị thần lớn nhất của thần thoại Hy Lạp, và là người che chở cho Delphi. Ông vừa là thần ánh sáng xua tan màn đêm, vừa là hiện thân của khả năng giải trừ tai ương, đồng thời cho kiến thức, chân lý và sự dự báo.

Rất nhiều thành phố Hy Lạp thờ Apollo, song đền đài lớn nhất là tại Delphi. Thần khúc thứ nhất gồm có ba khổ, mở đầu với việc mời gọi các nàng thơ Muses – nữ thần âm nhạc và nhảy múa rời khỏi đỉnh núi Helicon để cùng nhau tới diện kiến Apollo. Các phần sau kể về các chiến công của thần. Thần khúc thứ hai lại hồi tưởng ngày Apollo chào đời trên hòn đảo Delos – khi ấy cả bầu trời lẫn mặt biển cùng hân hoan, rạng rỡ. Nhạc của cả hai tác phẩm đều thuộc dạng đơn âm, song cách ký âm khá khác biệt, một là ký thanh âm để hát do tác giả của nó là một ca sĩ, và một là ký cụ âm để chơi nhạc vì người sáng tác là một nhạc sĩ chơi đàn 16 dây cithara.

Xuất hiện muộn hơn vào thế kỷ thứ 1, nhưng Văn bia Seikilos lại là ca khúc cổ đại hoàn mỹ nhất, cả về phần nhạc lẫn lời ca của nhân loại. Đây là một bài hát ngắn, cũng là văn bia của một ngôi mộ ở thị trấn Tralles, xưa thuộc Hy Lạp và nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Dựa theo những gì trên đó, thì tác phẩm là của Seikilos, một nhân vật sống vào năm 200  trước CN đến 100  sau CN. Ông viết bài hát này để tưởng nhớ vợ hoặc mẹ là Euterpe, cũng có thể là viết tặng nữ thần Euterpe vì Euterpe là tên của nữ thần âm nhạc. Nó được phát hiện năm 1883 và chỉ có mấy câu sau: “Khi còn sống, hãy cháy hết mình. Bỏ qua mọi buồn đau – sầu khổ. Bởi cuộc sống chỉ ngắn trong gang tấc. Còn thời gian luôn cướp của ta đi”. Cũng có người lại chuyển thể thế này: “Khi còn sống, hãy vui ca – nhảy múa. Đời là bao, lại nặng gánh trần gian”. Ngoài ca từ trên, còn thấy một dòng chữ: “Tôi là bia, một hình ảnh, được Seikilos đặt ở đây, như là một dấu hiệu để ghi nhớ mãi mãi”. Không nghi ngờ gì nữa, Văn bia Seikilos chính là một tang ca, được lập theo phong tục tạc bia nhằm tri ân, hồi tưởng người xưa.

Là bài hát mở đầu trong Ki tô giáo, Thánh ca Oxyrhynchus cũng ra đời vào những năm cuối cùng của thế kỷ thứ 3, tại Ai Cập thuộc Hy Lạp, khi Hy Lạp bắt đầu có đạo Thiên Chúa. Khác với các tác phẩm khắc ở trên đất đá, nó đã được viết trên giấy bằng tiếng Hy Lạp, và nhờ thế có thể chép ra nhiều bản phổ biến. Vào năm 1786, người ta đã tìm thấy bài thánh ca trong tập giấy Oxyrhynchus, là một tập giấy cổ bao hàm rất nhiều lĩnh vực ở thành phố Oxyrhynchus – Ai Cập. Nội dung của ca khúc không chỉ hay, sâu sắc mà nhạc lý cũng rất chuẩn theo thang âm phương Tây. Bài hát có nội dung là: “Tất cả hãy lặng yên. Sao trên trời đừng nháy. Gió hãy ngừng thổi. Sông thôi trôi. Để chúng con xin hát mừng, Cha – con và thánh thần. Cùng hô vang Amen, Amen. Cùng các vị vua cúi chào, đồng thanh ca ngợi Chúa, người đem tới bao điều tốt lành, Amen. Lời ca, tiếng nhạc rất du dương, bên cạnh những quãng tám, còn có các khoảng lặng để hướng tới Thiên Chúa và cầu xin sự che chở, ân xá”.

Tuy Thánh ca Oxyrhynchus là thánh ca đầu tiên, song bài hát gây ấn tượng mạnh mẽ và được hát nhiều nhất trong nhà thờ cho đến nay, là bài hát Te Deum (Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi danh Ngài). Một ca khúc của La Mã, viết năm 387 và được cho là của thánh Ambrose và Agustine. Trong nhiều thế kỷ, mọi người vẫn có phong tục hát bài ca này như một nghi lễ tạ ơn và đón chào năm mới… Ngày xưa, người ta hay hát vào lễ cầu kinh buổi sáng, song hôm nay thì bất kỳ lúc nào trong các sự kiện trọng đại, nhất là sự kiện quốc thể như các lễ tấn phong của tòa thánh, đăng quang của vua chúa, nhậm chức của tổng thống, đêm Noel, Tết dương và âm lịch cùng các ngày kỷ niệm trong năm. Đặc biệt bài thánh ca luôn được hát vào ngày 31 tháng 12, ngày cuối cùng của một năm, để tạ ơn Chúa vì một năm an lành. Ngoài hát, nhiều nhà thờ thường vẽ Te Deum lên cửa sổ với hình ảnh hai giáo sĩ đang làm lễ rửa tội hoặc đặt tên thánh cho mọi người. Từ bản gốc thế kỷ thứ 9, đến nay đã có khá nhiều dị bản thánh ca Te Deum, mà câu mở đầu đều là Lạy Thiên Chúa…, rồi kể lại ngày Chúa Ki tô giáng sinh, chịu cực hình, tử thương, phục sinh và vinh quang.

Lập tiền đề cho những bài hát tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế là luân khúc Mùa hè sang (đến rồi) hay Bài hát Chim cu thế kỷ thứ 13. Do được phát hiện ở tu viện Reading – Anh nên nó còn có tên là Reading Rota. Được sáng tác năm 1260 bằng thổ ngữ Wessex, đây là một ca khúc vui nhộn về ngày hè cùng các con vật, không rõ tác giả song có lẽ là của W. de Wycombe, một nhà chép sách thời Trung cổ. Đóng vai trò quan trọng trong lịch sử văn học nghệ thuật cùng đời sống văn hóa đương thời của châu Âu, ca khúc có đặc trưng là sự hát đi hát lại nhịp nhàng một khổ, ngoài ra là hát bè, phụ xướng âm vang với sự tham gia của từ ba người trở lên. Giai điệu rất rộn ràng, lôi cuốn và có thể làm một điệu nhảy sôi động: “Mùa hè đang đến kìa. Hót vang lên chim cu. Hạt cây nẩy mầm rồi. Và đồng cỏ mọc xanh. Hát vang lên chim cu. Cừu mẹ trả lời con. Bò mẹ nhường bê con. Bò mộng lồng quấy phá. Cừu cực quanh quẩn quanh. Hát vui lên chim cu. Chim cu ơi, chim cu. Chim hót hay lắm cơ. Hót mãi đừng ngừng nhé. Nào hót đi, chim cu. Hót đi, chim cu ơi”.

Thực ra, mùa hè trong bài hát có ý nghĩa như mùa xuân ở mỗi nước. Đó là thời điểm báo hiệu mọi sự sinh sôi, năng lượng và sức khỏe. Bài hát thể hiện nỗ lực của đông đảo người dân khi vượt qua mùa đông khắc nghiệt, lúc mà vào thời Trung cổ thức ăn rất khan hiếm, cuộc sống vất vả. Mùa đông kết thúc là lúc chim cu bắt đầu làm tổ, bò cừu dê ngựa đều đi tìm bạn. Vì thế, ai cũng vui khi nghe thấy tiếng chim cu, và hát lên bài hát này tỏ lòng vui sướng. Họ có thể hét to, và hát tái lặp để chung vui.

Theo CHU MẠNH CƯỜNG / HOINHACSI.VN

Tags: , , ,