Nhận thức mới về chủ nghĩa tư bản của Marx và Engels thời kỳ cuối đời

Marx và Engels thời kỳ cuối đời đã nghiên cứu các thay đổi mới của chủ nghĩa tư bản trên nhiều mặt và thu được rất nhiều thành quả đổi mới về lý luận, có tác dụng gợi ý rất sâu sắc cho chúng ta.

Tác giả: Dương Kim Hải (Trung Quốc).

Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành.

Trong nửa sau của thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản thế giới mà đại diện là Anh và Mỹ đã có một loạt biến đổi mới. Không những các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, tức cách mạng động lực máy hơi nước, được áp dụng phổ biến ở các nước này, mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 mới xuất hiện, tức cách mạng động lực máy điện, cũng lan ra nhiều nước phương Tây. Khắp nơi nhà máy công xưởng mọc lên như nấm, đường sắt đan xen như mạng lưới, xe lửa và tàu biển chạy như mắc cửi trên đất liền và trên đại dương, đèn điện xuất hiện và nhanh chóng được áp dụng, đêm đêm nơi nơi sáng rực. Đúng như Engels nói, đó là thời đại phát triển nhanh chóng của kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Cùng với sự tiến bộ vượt bậc của sức sản xuất, nền đại công nghiệp của các nước phương Tây bắt đầu từng bước hoàn thành việc cải tạo chế độ cổ phần. Cơ cấu các ngành sản xuất của các nước tư bản thực hiện một sự chuyển biến căn bản. Tiếp sau Anh, các nước Mỹ, Pháp, Đức v.v… lần lượt hoàn tất việc chuyển từ nước nông nghiệp thành nước công nghiệp. Cục diện thế giới tư bản cũng phát sinh những biến đổi căn bản. Đến cuối thế kỷ 19, địa vị trung tâm kinh tế thế giới của nước Anh dần dần lung lay. Mỹ nhanh chóng vươn lên và thể hiện xu thế sẽ thay thế địa vị trung tâm của Anh. Tương ứng, tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá của thế giới tư bản cũng có nhiều thay đổi.

Karl Marx [1818-1883] và Friedrich Engels [1820-1895] rất coi trọng nghiên cứu các quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản. Ngay trong thời kỳ đầu, hai ông đã đưa ra một loạt quan điểm về chủ nghĩa tư bản, nhưng bây giờ, trước tình hình mới và các vấn đề mới, Marx và Engels không dừng lại trên những kết luận đã có mà xuất phát từ thực tiễn, hai ông đã không ngừng tiến hành đổi mới lý luận của mình.

Sau thập niên 50 thế kỷ 19, cùng với sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, các công ty cổ phần có ý nghĩa hiện đại bắt đầu ra đời. Marx đã nhạy bén chú ý tới và đi sâu nghiên cứu hiện tượng mới mẻ này, Marx vạch ra rằng, sự xuất hiện của công ty cổ phần “là một trong các hiện tượng kinh tế không bình thường nhất hiện nay ”, “đánh dấu một thời đại mới trong đời sống kinh tế của các nước hiện đại ”.

Marx còn quan sát thấy ý nghĩa cách mạng xã hội tiềm ẩn trong các công ty cổ phần. Ông nói: “Loại tiền vốn (tư bản) xây dựng trên cơ sở phương thức sản xuất xã hội và lấy tiền đề là sự tập trung xã hội của tư liệu sản xuất và sức lao động ấy, ở đây đã có được hình thức tư bản xã hội (tức tiền vốn của các cá nhân trực tiếp liên hợp với nhau), và đối lập với tư bản tư nhân; hơn nữa, các doanh nghiệp của nó cũng biểu hiện thành doanh nghiệp xã hội, đối lập với doanh nghiệp tư nhân. Đây là sự phủ định biện chứng tư bản của tài sản tư nhân trong phạm vi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Theo Marx, loại công ty cổ phần này là hình thức quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đi lên phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Cũng trong thời kỳ đó, tại một số nước đã xuất hiện các nhà máy hợp tác của công nhân. Marx đã đi sâu phân tích hiện tượng này và viết những dòng dưới đây với một tâm trạng vô cùng phấn khởi: “Nhà máy hợp tác của chính người thợ là đột phá thứ nhất mở ra đối với hình thức cũ trong hình thức cũ, …. Loại nhà máy này cho thấy, trong giai đoạn phát triển nhất định của sức sản xuất và hình thức sản xuất xã hội tương ứng với nó, một phương thức sản xuất mới đã tự nhiên phát triển và hình thành như thế nào từ một loại phương thức sản xuất”. Đồng thời Marx vạch rõ: “Không có chế độ nhà máy ra đời từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì nhà máy hợp tác sẽ không thể phát triển lên được; cũng vậy, không có chế độ tín dụng ra đời trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì nhà máy hợp tác cũng không thể nào phát triển được. Chế độ tín dụng là cơ sở chủ yếu để các doanh nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa từng bước chuyển hoá thành công ty cổ phần tư bản chủ nghĩa. Cũng vậy, nó còn là biện pháp dần dần mở rộng doanh nghiệp hợp tác tuỳ theo quy mô lớn hoặc nhỏ của nhà nước. Doanh nghiệp cổ phần tư bản chủ nghĩa cũng như nhà máy hợp tác, nên được xem là hình thức quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chuyển hoá thành phương thức sản xuất liên hợp”.

Sau khi Marx qua đời, Engels khi chỉnh lý xuất bản tập 3 bộ “Tư bản” đã viết riêng một bài lấy đầu đề là “Sở Giao dịch”, dùng làm phụ lục của tập sách đó. Trong bài báo này, Engels đã nghiên cứu tình hình phát triển của công ty cổ phần: trước năm 1865, công ty cổ phần còn chưa chiếm địa vị quan trọng trong toàn bộ hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1866, đã xuất hiện nhiều công ty cổ phần, trước tiên trong ngành đường sắt, sau đó là trong các ngành hoá chất, máy móc, công nghiệp dệt, tiếp theo là các công ty thương mại lớn và ngân hàng thực hiện cải tạo sang chế độ cổ phần, thậm chí xuất hiện các tổ chức độc quyền lớn tơ-rơt [hay công ty tơ-rớt, tiếng Anh trust. Theo Wikipedia, là một nhóm lớn các doanh nghiệp có chung lợi ích kinh doanh cùng với sức mạnh thị trường đáng kể, thường dưới dạng một công ty cổ phần hoặc một nhóm các công ty hợp tác với nhau].

Trong nông nghiệp cũng xuất hiện tình hình tương tự. Các thuộc địa bắt đầu được khai thác, trở thành vật phụ thuộc của các công ty cổ phần và Sở Giao dịch. Vì vậy, Engels cho rằng, các công ty cổ phần và Sở Giao dịch sẽ trở thành đại diện nổi bật nhất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, chúng sẽ quyết định số phận của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Về cuối đời, Engels đã tiến hành nhận thức lại về tiềm lực phát triển của chủ nghĩa tư bản. Trong các bài viết như Lời nói đầu bản in tiếng Đức lần thứ 2 cuốn “Tình trạng giai cấp công nhân Anh” viết năm 1892, bài lời dẫn viết năm 1895 cho sách của Marx “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ năm 1848 đến năm 1850”, và trong các bài viết khác, Engels cho rằng: Quy luật chung và xu thế chung của sự phát triển chủ nghĩa tư bản vạch ra trong “Tuyên ngôn Cộng sản” năm 1848 là không sai, nhưng sự đánh giá về các nhân tố tiềm tại của sự phát triển chủ nghĩa tư bản thì chưa đủ. “Lịch sử chứng minh, chúng tôi và tất cả những người có cùng ý nghĩ như chúng tôi, đều không đúng. Lịch sử thể hiện rõ ràng, tình trạng phát triển kinh tế của đại lục châu Âu lúc ấy còn xa mới chín muồi tới mức có thể quét sạch phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; lịch sử dùng cách mạng kinh tế để chứng minh điểm này, cuộc cách mạng kinh tế ấy từ năm 1848 đã lan ra khắp đại lục châu Âu; tại Pháp, Áo, Hungari, Ba Lan và mới đây tại Nga, lần đầu tiên đã xác lập nền đại công nghiệp, và biến nước Đức thành nước công nghiệp hàng đầu thực sự — tất cả những điều đó đều phát sinh trên cơ sở chủ nghĩa tư bản; bởi vậy, cái cơ sở ấy vào năm 1848 hãy còn có năng lực mở rộng rất lớn”.

Khi bàn về tình hình 50 năm gần đây, Engels nói, sự phục hồi công thương nghiệp sau khủng hoảng kinh tế năm 1847 là sự bắt đầu thời đại công nghiệp mới. Tại Anh, việc bãi bỏ pháp luật về sản xuất ngũ cốc và các cải cách tài chính tiếp theo xuất phát từ việc đó đã tạo điều kiện cho nước Anh phát triển, trở thành trung tâm thị trường thế giới. Nước Đức xuất hiện rất muộn trên thị trường thế giới, chỉ đến cuộc cách mạng năm 1866 và 1870 mới quét sạch được các trở ngại chính trị nghiêm trọng nhất, từ đó nước này phát triển tiến lên, bắt đầu cuộc thay đổi lớn nền kinh tế xã hội, từ kinh tế nông nghiệp chuyển hoá thành kinh tế công nghiệp. Trước và sau năm 1848, nước Mỹ vẫn còn là một thị trường thuộc địa, vài chục năm gần đây mới mở mang, trở thành nước phát triển nhanh nhất.

Engels cho rằng, tình hình ông mô tả trong cuốn “Tình trạng giai cấp công nhân Anh” xuất bản năm 1845, trên rất nhiều mặt đã trở thành quá khứ. Chủ nghĩa tư bản đã đẻ ra một số “tinh thần mới”, tại đây, “đạo đức thương mại” phát triển tới một mức nhất định, giai cấp tư sản áp dụng một loạt “biện pháp cải lương”. Ông nói: “Một trong các quy luật kinh tế chính trị học hiện đại … là: sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì nó càng không thể áp dụng những thủ đoạn lừa bịp dối trá nhỏ nhen mang đặc trưng của giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa tư bản…. Các thủ đoạn xảo trá đó đã không còn thích hợp trên thị trường lớn nữa, ở đây thời gian là tiền bạc, ở đây đạo đức thương mại tất nhiên đã phát triển đến một trình độ nhất định; sở dĩ như thế không phải là xuất phát từ sự cuồng nhiệt về luân lý, mà thuần tuý chỉ là để không phí phạm thời gian và công sức”. “Trong mối quan hệ giữa chủ nhà máy với công nhân cũng phát sinh các biến đổi như vậy”. Thí dụ, đã bãi bỏ chế độ lương hiện vật, thông qua sắc lệnh ngày làm việc 20 giờ, im lặng thừa nhận sự tồn tại và sức mạnh của các công đoàn.

Trong thời gian tháng 8 và 9 năm 1888 [khi ấy Marx đã qua đời], Engels cùng mấy người bạn sang thăm nước Mỹ hơn 50 ngày, một chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc cho ông. Sau khi về London, Engels viết thư cho một người bạn như sau: “Tôi rất thích nước Mỹ; … nó là miền đất vui của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, anh nên tự mình đến xem thực tế nước này”. Trong bài “Ấn tượng du lịch nước Mỹ” viết sau đó không lâu, Engels đánh giá cao tinh thần trọng thực tiễn và chí tiến thủ của người Mỹ. Ông còn dự đoán, nếu Mỹ thực hành buôn bán tự do thì sau đây 10 năm nữa, Mỹ sẽ đánh bại Anh Quốc trên thị trường thế giới. Lịch sử thế kỷ 20 chứng minh dự đoán của Engels là chính xác.

Về chính trị, các nước Anh, Mỹ, Đức từng bước thực hành chế độ chính trị chính đảng; đảng của giai cấp công nhân đã giành được một số ghế nhất định trong nghị viện. Thí dụ, số phiếu bầu cho đảng Dân chủ xã hội Đức tăng lên hàng năm, đến năm 1890 đã chiếm trên một phần tư tổng số phiếu bầu nghị viện. Giai cấp công nhân đã có khả năng sử dụng biện pháp hợp pháp để giành chính quyền. Thậm chí Engels còn cho rằng, đến cuối thế kỷ 19, đảng Dân chủ xã hội Đức sẽ có thể đảm nhận sứ mạng quản lý nhà nước Đức.

Dĩ nhiên, Engels cho rằng các mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại. Xã hội ngày càng tách thành 2 bộ phận, một bên là kẻ chiếm hữu tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng; một bên là quảng đại công nhân làm thuê. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ngày càng biểu hiện rõ, việc đẻ ra kết quả ấy không phải là hiện tượng áp bức nhỏ, mà là bản thân chế độ tư bản.

Marx và Engels thời kỳ cuối đời đã nghiên cứu các thay đổi mới của chủ nghĩa tư bản trên nhiều mặt và thu được rất nhiều thành quả đổi mới về lý luận, có tác dụng gợi ý rất sâu sắc cho chúng ta.

Gợi ý thứ nhất:

Chỉ có nhận thức đầy đủ về các biến đổi mới của chủ nghĩa tư bản thì mới hiểu biết sâu sắc được tư tưởng quan trọng về “Hai cái quyết chưa thể” của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Mọi người đều biết, trong Lời tựa cuốn “Phê phán Kinh tế chính trị học”, Marx từng vạch rõ: “Bất luận hình thái xã hội nào, khi toàn bộ sức sản xuất mà nó có thể dung nạp chưa được phát huy hết, thì nó quyết chưa thể bị diệt vong; khi điều kiện tồn tại vật chất của quan hệ sản xuất trong bào thai của xã hội cũ chưa chín muồi thì quyết chưa thể xuất hiện mối quan hệ sản xuất mới và cao hơn”. Các nhận thức mới của Marx và Engels thời gian cuối đời đã làm cho tư tưởng “Hai cái quyết không thể” phong phú thêm rất nhiều. Ngày nay, khi học tập các tư tưởng đó, chúng ta vẫn cảm nhận được sâu sắc uy lực to lớn của lý luận chủ nghĩa duy vật lịch sử, cảm nhận được tính lâu dài và tính phức tạp của việc chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản, cảm nhận được tính gian nan của sứ mạng lịch sử trên vai những người cộng sản. Trước đây, trên vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta từng một thời gian dài tồn tại tư tưởng nóng vội tiến bừa, điều đó có liên quan đến việc chúng ta chưa lĩnh hội sâu sắc tư tưởng “Hai cái quyết chưa thể”.

Gợi ý thứ hai:

Khi nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, nếu muốn nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội thì phải nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa tư bản. Đúng như Engels nói: “Chủ nghĩa xã hội trong thực tế là sự nhận thức đúng đắn các phương diện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Ngày nay, chúng ta muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc thì phải giao tiếp với chủ nghĩa tư bản rộng lớn như đại dương, như vậy không thể không hết sức coi trọng việc nghiên cứu các thay đổi mới của chủ nghĩa tư bản. Cần nói là, không ngừng nhận thức chủ nghĩa tư bản, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho chúng ta giành được các thành tựu cải cách mở cửa to lớn trong hơn 20 năm qua. Đó là một trong các kinh nghiệm quý báu của chúng ta, và cũng là một trong các phương pháp tư tưởng và phương pháp công tác cần được nghiêm chỉnh kiên trì thực thi trong thời gian trước mắt và trong một thời kỳ khá dài từ nay về sau.

Lý luận và thực tiễn đều chứng minh, chỉ có nhận thức đầy đủ về các biến đổi mới của chủ nghĩa tư bản, từ đó nhận thức đầy đủ các xu thế mới và quy luật mới trong sự phát triển xã hội loài người thì chúng ta mới có thể xác định rõ nhiệm vụ lịch sử của mình, vạch ra đường lối, phương châm và chính sách đúng đắn, không ngừng đẩy mạnh đổi mới lý luận, đổi mới thực tiễn của chủ nghĩa Marx.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , , ,