Nhận diện mùa thu trong thơ văn cổ điển Trung Hoa

Mùa thu dường như được gắn liền với một cái gì buồn bã. Trong Hán tự, chữ sầu 愁 (buồn bã) gồm có chữ thu 秋 (mùa thu) ở trên và chữ tâm 心 (con tim) ở dưới.

Nhận diện mùa thu trong thơ văn cổ điển Trung Hoa

Mùa thu đã chiếm một vị trí độc đáo trong gia tài thơ văn của nhân loại. Mùa thu là niềm gợi hứng cho các thi văn sĩ tự cổ chí kim. Chúng ta chắc không ai quên được những vần thơ tuyệt tác về thu của Nguyễn Khuyến, Lưu Trọng Lư, Tản Đà, Paul Verlaine, Guillaume Apollinaire v.v… Riêng trong kho tàng thơ văn cổ điển của Trung hoa, mùa thu buồn là một đề tài truyền thống rất được các văn thi sĩ ưa chuộng, và được dùng làm bối cảnh khi tác giả muốn phơi bày một tâm sự không vui.

Mùa thu dường như được gắn liền với một cái gì buồn bã. Trong Hán tự, chữ sầu 愁 (buồn bã) gồm có chữ thu 秋 (mùa thu) ở trên và chữ tâm 心 (con tim) ở dưới, có thể suy diễn là con tim vào mùa thu làm sao mà vui được. Do đó, khi nói đến thu người ta mường tượng ngay đến cảnh trí tiêu điều, lá rơi hoa rụng, gió thổi thê lương, chim chóc kêu thê thiết, côn trùng khóc rỉ rả, người nhớ người, người nhớ cảnh, lòng sầu ảm đạm day dứt khôn nguôi. Và đó là những điều chúng ta gặp khi điểm qua các bài thơ, các bài tự, các bài phú của nền văn học cổ Trung hoa. Ở đây chúng tôi xin được giới hạn từ cổ đại đến hết nhà Tống, nhưng đặc biệt chỉ chú trọng nhất vào đời Đường (618-907) và Tống (960-1279).

Người đầu tiên tả mùa thu một cách tỉ mỉ và có hệ thống là Tống Ngọc 宋玉 (người nước Sở đời Chiến quốc, sống sau Khuất Nguyên 屈原). Ông là một tay cự phách về Sở từ và là người khai sáng ra thể Phú, một thể văn ở giữa văn xuôi và thơ, nói thẳng vào sự vật mà không so sánh quanh co gì cả (trực trần kỳ sự 直陳其事). Ông cũng có tâm sự bất đắc chí như Khuất Nguyên thành ra giọng văn ông thật bi thảm. Bài ông tả về thu là một đoạn ngắn ở trong tác phẩm Cửu Biện (九辨). Tuy ngắn nhưng được xem là một trong những đoạn văn tả về thu hay nhất của Trung hoa, đem lại cho người đọc một cái cảm giác bi ai tịch mịch:

“Bi tai thu chi vi khí dã, tiêu sắt hề thảo mộc dao lạc nhi biến suy .
Liệu lật hề nhược tại viễn hành, đăng sơn lâm thủy hề tống tương quỵ
Quyết liệu hề thiên cao nhi khí thanh, tịch liêu hề thu lạo nhi thủy thanh.

Yến phiên phiên kỳ từ quy hề, thiền tịch mịch nhi vô thanh,
Nhạn ung ung nhi nam du hề, côn kê trù chiết nhi bi minh.
Độc thân đán nhi bất mị hề, ai tất suất nhi tiêu chinh.
Thời vỉ vỉ nhi quá trung hề, kiển yêm lưu nhi vô thành…”

九辩

悲哉!秋之為氣也。蕭瑟兮,草木摇落而變衰。
憭栗兮,若在遠行。登山臨水兮,送將歸。
泬寥兮,天高而氣清;寂寥兮,收潦而水清。

燕翩翩其辭歸兮,蟬寂漠而無聲。
雁噰噰而南游兮,鵾雞啁哳而悲鳴。
獨申旦而不寐兮,哀蟋蟀之宵征。
時亹亹而過中兮,蹇淹留而無成。

Tạm dịch ra tiếng Việt như sau:

“Khí vị mùa thu thật buồn thay! Cây cỏ úa, lá tàn rụng. Thê lương như khi đi xa, trèo núi lội sông mà đưa tiễn người về. Trời cao quang đãng, khí trong. Cô tịch thay, lụt đã rút mà nước trong”
“Chim én vùn vụt từ giã bay đi, ve sầu im lặng không lên tiếng, nhạn cùng nhau bay qua Nam, gà chim chíp kêu bi ai. Thức một mình tới sáng không chợp mắt, buồn thương con dế thui thủi trong đêm. Đã cố gắng hơn nửa đời người, lao đao trôi giạt mà không đạt được gì”

Lồng trong đoạn tả cảnh này, Tống Ngọc đã thêm vào ít câu nói lên tình huống chua xót của mình, thân phận một kẻ lẻ loi không bạn bè, không quan tước, hoàn cảnh và tâm sự không khác gì Khuất Nguyên.

Đây là lần đầu tiên trong văn học Trung hoa có được một đoạn văn tả về thu một cách trực tiếp, đầy đủ chi tiết và mang một giọng buồn thảm như vậy. Rồi từ đó, trải qua mấy ngàn năm, mùa thu đã trở thành bối cảnh để cho các thi sĩ bày tỏ cảm xúc của mình, từ những nét chấm phá lãng mạn của Lý Bạch, nét tiêu sái của Vương Duy, đến nỗi buồn ai oán của Bạch Cư Dị, vẻ nghiêm túc của Thượng quan Nghi v.v. Tuy nhiên, phải đợi đến Âu dương Tu đời Tống, chúng ta mới có được một bài văn tả mùa thu một cách tỉ mỉ và quy mô. Âu dương Tu là một trong Đường Tống bát đại gia 唐宋八大家 (Hàn Dũ 韓愈, Liễu tôn Nguyên 柳宗元 , Âu dương Tu 歐陽修, Tăng Củng 曾鞏, Vương An Thạch 王安石, Tô Tuân 蘇洵, Tô Thức 蘇軾 tức Tô Đông Pha 蘇東坡, Tô Triệt 蘇轍). Bài Thu thanh phú (秋聲賦) của ông được coi là một trong những bài tả mùa thu hay nhất của nhân loại. Ông đi vào mùa thu qua âm thanh, cái mà ông gọi là tiếng thu. Qua tiếng thu, ông nói đến hình dáng, khí vị, ý của mùa thu rồi nhân đó đề cập đến kiếp nhân sinh và than thở cho thân phận vất vả của con người. Bài Thu thanh phú gồm độ 500 chữ và có nội dung như sau:

Đêm khuya Âu dương Tu nằm đọc sách bỗng nghe một thứ tiếng động lạ từ hướng tây nam, bèn bảo đồng tử ra xem. Cậu bé xem xong bảo rằng không thấy gì cả, chỉ nghe tiếng phát ra từ lùm cây. Ông bèn bảo rằng đó là tiếng thu đấy. Rồi ông dùng một đoạn để nói về cảnh điêu lạc của mùa thu. Đoạn kế tiếp ông luận về thu dựa trên âm dương ngũ hành, lẽ thịnh suy của trời đất. Sau đó, ông lại liên tưởng đến kiếp người phải lao đao khổ ải. Khi ông than xong và quay lại thì đồng tử đã ngủ mất, chỉ còn có tiếng côn trùng rỉ rả góp thêm lời than thở với ông.

Qua bài này, chúng ta được biết một số chi tiết lý thú về mùa thu theo quan niệm Trung hoa thời xưa. Mùa thu là mùa của hình tội, vì theo luật lệ nhà Chu, đến mùa thu các quan mới đem tội nhân ra xử, cho rằng như thế thì hợp với đạo trời viện lẽ là mùa thu là mùa của điêu linh, chứa đầy sát khí. Mùa thu thuộc âm, cùng với mùa đông. Còn trong ngũ hành, thu thuộc kim. Kim là sắt, nguyên liệu để làm binh khí, thành ra thu cũng mang thêm ý nghĩa tàn sát. Thật là khác xa với các ý tưởng lãng mạn về thu của các thi sĩ cận đại. Trong ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ), tiếng thương thuộc kim như mùa thu, thành ra tiếng thương là tiếng của mùa thu. Và chữ thương này cũng đồng âm với chữ thương có nghĩa là bi thương, do đó tiếng thu buồn bã là chuyện đương nhiên. Chúng ta thử đọc đoạn tả mùa thu:

“Cái phù thu chi vi trạng dã, kỳ sắc thảm đạm, yên phi vân liễm, kỳ dung thanh minh, thiên cao nhật tinh; kỳ khí lật liệt, biêm nhân cơ cốt; kỳ ý tiêu điều, sơn xuyên tịch mịch. Cố kỳ vi thanh dã, thê thê thiết thiết, hô hào phấn phát. Phong thảo lục nhục nhi tranh mậu, giai mộc thông long nhi khả duyệt, thảo phất chi nhi sắc biến, mộc tao chi nhi diệp thoát. Kỳ sở dĩ tồi bại linh lạc giả, nãi nhất khí chi dư liệt”.

„…蓋夫秋之為狀也:其色慘淡,煙霏雲斂;其容清明,天高日晶;其氣慄冽,砭人肌骨;其意蕭條,山川寂寥。故其為聲也,淒淒切切,呼號憤發。豐草綠縟而爭茂,佳木蔥籠而可悅;草拂之而色變,木遭之而葉脫;其所以摧敗零落者,乃其一氣之餘烈“

(Nghĩa: Ôi tình trạng mùa thu, sắc ảm đạm, khói bay ra, mây thu lại, vẻ trong sáng, bầu trời cao, mặt trời sáng; khí lạnh lẽo, châm chích thịt xương, ý tiêu điều, núi sông tịch mịch. Cho nên tiếng mùa thu thê thiết, ồn ào nổi dậy. Cỏ đang xanh rậm tranh nhau tươi tốt, cây đang xum xuê vui vẻ mà bị (khí thu) dính vào thì cỏ úa, cây rụng lá. Do đó cây cỏ tiêu điều hư hao là vì cái khí khốc hại của mùa thu).

Sau khi gán cho mùa thu cái vẻ hắc ám thê thảm trên, Âu dương Tu liên tưởng đến kiếp người:

“…Thảo mộc vô tình, hữu thời phiêu linh; nhân vi động vật, duy vật chi linh; bách ưu cảm kỳ tâm, vạn sự lao kỳ hình; hữu động hồ trung, tất dao kỳ tinh; nhi huống tư kỳ lực chi sở bất cập, ưu kỳ trí chi sở bất năng; nghi kỳ ác nhiên đan giả vi cảo mộc, y nhiên hắc giả vi tinh tinh.”

„… 草木無情,有時飄零。人為動物,惟物之靈。百憂感其心,萬事勞其形。有動乎中,必搖其精。而況思其力之所不及,憂其智之所不能;宜其渥然丹者為槁木,黟然黑者為星星“。

(Nghĩa: Cây cỏ vô tình, có lúc phải điêu linh; người là động vật, linh hơn mọi vật; trăm lo làm động lòng, vạn sự làm khổ thân; hễ có động thì tinh thần phải lung lay; huống hồ còn nghĩ chuyện quá sức mình, lo chuyện quá tài trí của mình, thì mặt đang hồng hào biến thành cây khô, tóc đang đen biến thành trắng xóa âu cũng là chuyện đương nhiên.).

Trên đây là hai đoạn văn xuôi (thể Phú) miêu tả mùa thu, tuy hay nhưng không khỏi có vẻ khô khan vì hơi có tính cách nghị luận, phân tích. Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ được nhìn thu dưới một nhãn quan khác, lãng mạn hơn, nặng về xúc cảm hơn, của các thi sĩ. Chữ lãng mạn đây xin được hiểu theo nghĩa tương đối, vì chúng ta không thể nào bắt các nhà thơ Đường cổ điển có được những vần thơ trữ tình ướt át như Lưu trọng Lư, Xuân Diệu, Lamartine hay Paul Verlaine được. Mùa thu ở đây được dùng như là khung cảnh để nói lên tâm trạng của tác giả, nghĩa là tả cảnh để tả tình vậy. Những tình cảm ở đây vẫn có tính cách chừng mực, nhẹ nhàng và khuôn thước của lễ giáo.

Tuy được ưa chuộng, nhưng mùa thu không phải là mùa được các thi sĩ nhắc đến nhiều nhất. Mùa thu còn phải đứng sau mùa xuân. Trong khoảng 300 bài thơ được tuyển chọn trong Đường thi tam bách thủ, chỉ có 11 bài nhan đề có chữ thu, trong khi chữ xuân có đến 14 bài. Lý Bạch, thi tiên của Trung hoa, có rất nhiều bài nhắc đến mùa thu, nhưng cũng không nhiều bằng mùa xuân. Ngay cả Tô Thức (Tô Đông Pha) cũng có vẻ thiên vị mùa xuân, khi ông viết trong bài Pháp Huệ tự Hoành Thúy các (法惠寺横翠閣) như sau:

Nhân ngôn thu bi xuân cánh bi (Câu 10) 人言秋悲春更悲
(Nghĩa: Người ta bảo là thu buồn, nhưng mùa xuân lại buồn hơn).

Trong các thi sĩ cổ điển, Bạch Cư Dị 白居易 và Đỗ Phủ 杜甫 là những người tương đối dùng mùa thu rất nhiều để làm hậu cảnh cho các bài thơ của họ. Dù thế nào đi chăng nữa, mùa thu cũng là mùa dễ tạo cho con người một cảm giác buồn bã, và do đó dễ làm cho tâm hồn nhạy cảm của các thi nhân nảy sinh ra được những vần thơ trữ tình trác tuyệt. Nhiều khi không cần phải tả cảnh thu nhiều, chỉ cần nhắc đến tên mùa thu là đủ để tạo nên cái khung cảnh thích hợp cho một tuyệt phẩm. Chúng tôi muốn nhắc đến Tiền Xích Bích phú 前赤壁賦 của Tô Thức 蘇軾 và Tỳ bà hành 琵琶行 của Bạch Cư Dị.
Hãy xem Tô Đông Pha mở đầu bài phú nổi tiếng của ông:

“Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô Tử dữ khách phiếm chu du ư Xích Bích chi hạ”

壬戌之秋,七月既望,蘇子與客泛舟遊於赤壁之下。

(Nghĩa: Quá rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô Tử cùng khách bơi thuyền đi chơi Xích Bích).

Chữ thu chỉ xuất hiện duy nhất ở trong câu mở đề cũng đủ làm khung vải cho ngọn bút Tô Thức tạo nên những nét chấm phá như:

Nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư Ngưu Đẩu chi gian, bạch lộ hoành giang, thủy quang tiếp thiên.

月出於東山之上,徘徊於牛斗之閒,白露横江,水光接天。

(Nghĩa: Trăng mọc trên núi đông, lững thững đi giữa hai sao Ngưu Đẩu, sương trắng toả mặt sông, nước lóng lánh chạm chân trời)

Quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang.

桂棹兮蘭槳,撃空明兮溯流光。

Phan Kế Bính dịch:
Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong

Cũng thế, trong Tỳ bà hành, mùa thu cũng chỉ được làm khung cảnh cho tiếng đàn tỳ bà và câu chuyện của người thiếu phụ tài sắc bị tuế nguyệt đào thải, và cũng chỉ được nhắc đến trong 2 câu thơ đầu bài:

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.

潯陽江頭夜送客,
楓葉荻花秋瑟瑟。

Phan Huy Vịnh đã dịch:
(Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.)

(Theo thiển ý, hai câu dịch nghe thật hay và thật buồn, nhất là chữ quạnh dùng trong bản dịch thật là tuyệt tác !)

Mùa thu như thế là mùa dễ gợi hứng cho thi nhân:

Sầu nhân bạc mộ khởi,
Hứng thị thanh thu phát.

愁因薄暮起,
興是清秋發。

(Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然, Thu đăng Lan sơn ký Trương Ngũ 秋登蘭山寄張五 , câu 5-6)

Nghĩa:
Sầu do hoàng hôn lên,
Hứng do mùa thu phát

Đỗ Phủ có liền một hơi tám bài Thu hứng, ý tứ và lời văn thật là sầu thảm, nhìn cảnh buồn mà nhớ lại những ngày xưa:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ (Bài 1, Câu 5)

叢菊兩開他日淚。

Nghĩa: (Tùng và cúc hai lần rơi dòng lệ ngày xưa)

(Thính viên thực há tam thanh lệ (Bài 2, Câu 3)

聽猿實下三聲淚。

Nghĩa: (Nghe vượn kêu ba tiếng nước mắt rơi)

Ngư long tịch mịch thu giang lãnh (Bài 4, Câu 8)

魚龍寂寞秋江冷。

(Nghĩa: Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh)

Bích ngô thê lão phụng hoàng chi (Bài 8, Câu 4)

碧梧棲老鳳凰枝。

(Nghĩa: Phụng hoàng đậu mãi trên cành ngô đồng xanh)

Cảnh mùa thu bao giờ cũng buồn cho dù có gió mát trăng thanh. Hãy xem Lý Bạch 李白 tả cảnh thu trong Thu tứ秋思:

Thu phong thanh,
Thu nguyệt minh.
Lạc diệp tụ hoàn tán,
Hàn nha thê phục kinh.
Tương tư tương kiến tri hà nhật,
Thử thời thử dạ nan vi tình.

秋風清,
秋月明,
落葉聚還散,
寒鴉棲復驚,
相思相見知何日,
此時此夜難為情。 …

(Nghĩa: Gió thu trong, trăng thu sáng.
Lá rơi hợp rồi tan, quạ lạnh đậu giật mình.
Nhớ nhau nhưng biết ngày nào thấy nhau,giờ này đêm này biết bao tình).

Trong một bài khác, ngòi bút Lý Bạch lại có vẻ thê lương hơn:

Vân yên hàn quất trục,
Thu sắc lão ngô đồng.

雲烟寒橘柚,秋色老梧桐。

(Thu đăng Tuyên thành Tạ Diểu Bắc lâu, 秋登宣城謝朓北樓 câu 5-6 )

(Nghĩa: Mây khói làm lạnh cây quất trục,
Hơi thu làm già úa cây ngô đồng.

Mùa thu làm Đỗ Phủ buồn nhớ quê hương:

Cựu quốc kiến hà nhật,
Cao thu tâm khổ bi.

舊國見何日,
高秋心苦悲。

(Đỗ Phủ, Bạc mộ 薄暮 , câu 5-6)

(Nghĩa: Ngày nào thấy lại đất nước cũ,
Trời thu cao khiến lòng buồn khổ)

Giọng văn tả cảnh mùa thu của Bạch Cư Dị (白居易) lại còn ai oán bi thảm hơn trong Thu giang tống khách (秋江送客):

Thu hồng thứ đệ quá,
Ai viên triêu tịch văn.

秋鴻次第過,
哀猿朝夕聞。
(câu 1-2)

(Nghĩa: Mùa thu chim hồng bay qua mấy lần,
Vượn sớm tối kêu thảm thiết

Yên ba sầu sát nhân

烟波愁殺人。(câu 8).

(Nghĩa: Khói sóng buồn chết người).

Ông cũng có một bài có tên là Thu tứ 秋思 , xin độc giả đối chiếu với bài cùng tên của Lý Bạch được viện dẫn ở trên:

Tịch chiếu hồng vu thiếu,
Tình không bích thắng lam.
Thú hình vân bất nhất,
Cung thế nguyệt sơ tam.
Nhạn tứ lai thiên Bắc,
Châm sầu mãn thủy Nam.
Tiêu điều thu khí vị,
Vị lão dĩ thâm am.

夕照紅于燒 ,
晴空碧勝藍,
獸形雲不一,
弓勢月初三。
雁思來天北,
碪愁滿水南。
蕭條秋氣味,
未老已深諳。

(Nghĩa: Buổi chiều, mặt trời đỏ như thiêu,
Trời tạnh, màu biếc nhiều hơn màu lam.
Mây hình như các con thú,
Trăng mùng ba giống cái cung.
Chim nhạn từ Bắc bay về,
Tiếng chày buồn vang khắp sông miền Nam.
Sắc thu thực là buồn bã,
Chưa già nhưng cũng đã hiểu sâu được.)

Trong câu 6, Bạch Cư Dị đề cập đến tiếng chày. Đây là tiếng chày giặt áo. Người Trung hoa thời đó bỏ đồ giặt vào trong cối đá, và dùng chày giã cho sạch thay vì vò bằng tay. Và mùa thu là mùa họ giặt nhiều nhất.
Trong một bài khác, Bạch Cư Dị cũng nhắc đến tiếng chày:

Tỉnh ngô lương diệp động
Lân chử thu thanh phát.

井梧涼葉動,
鄰杵秋聲發。

(Bạch Cư Dị, Tảo thu độc dạ 早秋獨夜 , câu 1-2)

(Nghĩa: Lá cây ngô đồng bên giếng lay động,
Cái chày hàng xóm phát ra tiếng thu)

Và chúng ta cũng hãy nghe thử tiếng chày qua ngòi bút của một thi sĩ khác:

Tinh hà thu nhất nhạn,
Chiêm can dạ thiên gia.

星河秋一雁,
砧杵夜千家。

(Vi Nhất 韓翃, Thù Trình Duyên Thu dạ tức sự kiến tặng 酬程延秋夜即事見贈 , (câu 3-4)

(Nghĩa: Một con nhạn bay qua Ngân hà,
Hàng ngàn nhà vang tiếng chày)

Ngoài tiếng chày giặt áo ra, một loại tiếng thu khác cũng được nhắc nhở nhiều, đó là tiếng côn trùng:

Thiết thiết ám song hạ,
Yêu yêu thâm thảo lý.
Thu thiên tư phụ tâm,
Vũ dạ sầu nhân nhĩ.

切切暗窗下,
喓喓深草裏。
秋天思婦心,
雨夜愁人耳。

(Bạch Cư Dị, Thu trùng 秋蟲)

(Nghĩa: Eo óc dưới cửa sổ,
Rả rích trong đám cỏ dày.
Trời thu làm người đàn bà nhớ chồng,
Đêm mưa làm buồn tai người)

Nếu tiếng chày mà được cộng thêm tiếng của côn trùng thì quả thật là não lòng:

Thùy gia châm chử tịch liêu trung.
Thiền thanh đoạn tục bi tàn nguyệt,
Huỳnh diệm cao đê chiếu mộ không.

誰家砧杵寂寥中。
蟬聲斷續悲殘月,
螢燄高低照暮空。

(Đỗ Phủ, Tân thu 新秋 , câu 4-6)

(Nghĩa: Tiếng chày nhà ai trong thanh vắng,
Tiếng ve đứt nối thương trăng tàn,
Lửa đom đóm cao thấp chiếu trời chiều)

Khi nói đến mùa thu, người ta lại thường hay nghĩ ngay đến lá rơi, hoa rụng. Thơ văn cổ điển Trung hoa cũng không ra ngoài biệt lệ đó. Lá rơi báo cho mọi người biết là mùa thu đã tới:

Hoài nam nhất diệp hạ,
Tự giác Động đình ba.

淮南一葉下,
自覺洞庭波。

(Hứa Hồn 許渾, Tảo thu 早秋, câu 7-8)

(Nghĩa: Phía nam sông Hoài một chiếc lá rụng,
Động đình hồ bỗng phát ra sóng thu)

Lá rơi cũng làm xúc động lòng người bần sĩ không gặp thời, lang thang nơi đất lạ:

Lạc diệp tha hương thụ,
Hàn đăng độc dạ nhân.

落葉他鄉樹,
寒燈獨夜人。

(Mã Đái 馬戴, Bá thượng thu cư 灞上秋居, câu 3-4).

(Nghĩa: Lá của cây đất khách rơi,
Ngọn đèn lạnh đêm soi người cô độc.

Nhìn lá thu rơi, thi nhân lại ngẫm nghĩ đến thân phận xế chiều của mình, bao nhiêu ước vọng ngày xanh đã thành bọt sóng:

Trì trì bạch nhật vãn,
Niệu niệu thu phong sinh.
Tuế hoa tận dao lạc,
Phương ý cánh hà thành.

遲遲白日晚。
裊裊秋風生。
歲華盡搖落。
芳意竟何成。

(Trần tử Ngang 陳子昂, Cảm ngộ 感遇 (bài 2), câu 5-8)

(Nghĩa: Chầm chậm ngày dần xuống,
Nhè nhẹ gió thu sinh.
Năm qua hoa rơi tàn hết,
Mộng đẹp ngày xưa bao giờ thành tựu.)

Đối với người chinh phụ đang trông chờ chồng, lá rơi lại còn làm thương tâm thêm:

Yên Chi hoàng diệp lạc,
Không bi huệ thảo tồi.

燕支黄葉落,
空悲蕙草摧。

(Lý Bạch 李白, Thu tứ 秋思, câu 1 và 8. Ghi chú: Lý Bạch có nhiều bài Thu tứ)

(Nghĩa: Lá vàng rụng ở núi Yên Chi,
Thương hoa huệ bị tàn phai )

Trong một bài nhạc phủ nổi tiếng khác, Lý Bạch cũng nói lên nỗi niềm một người vợ trẻ nhớ chồng mùa thu khi nhìn lá thu rơi và ngắm đôi bướm tháng tám bay lượn bên vườn phía Tây:
Lạc diệp thu phong tảo,
….
Cảm thử thương thiếp tâm,
Tọa sầu hồng nhan lão.

落葉秋風早。

感此傷妾心,
坐愁紅顏老。

(Lý Bạch, Trường Can hành 長干行 , câu 22, 25-26)
(Nghĩa: Lá rụng, gió thu sớm,
….
Thấy vậy đau lòng thiếp,
Ngồi buồn mặt mày già đi.)

Người thiếu phụ nhớ chồng nhưng không nhận được tin tức, lúc nào cũng nghĩ đến hình ảnh buổi chia tay:

Tương tư trở âm tức,
Kết mộng cảm ly cự

相思阻音息,
結夢感離居。

(Tiêu Khác 萧悫 (thời Bắc Triều), Thu tứ 秋思, câu 7-8)

(Nghĩa: Nhớ nhau mà không có tin tức,
Toàn mơ thấy tình cảnh lúc chia tay.)

Cũng tả cảnh nhớ chồng, giọng văn của Vương Duy (thường được gọi là Thi Phật) tương đối nhẹ nhàng, siêu thoát hơn. Vì ông cũng là một họa sĩ tài ba, nên bài thơ của ông cũng giống như một bức Thủy mặc, chỉ cần một vài nét chấm phá nhỏ là đủ nói lên toàn ý của tác giả:

Quế phách sơ sinh thu lộ vi,
Khinh la dĩ bạc vị cánh y.
Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng,
Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy.

桂魄初生秋露微,
輕羅已薄未更衣。
銀箏夜久殷勤弄,
心怯空房不忍歸。

(Vương Duy 王維, Thu dạ khúc 秋夜曲)

(Nghĩa: Trăng mới sinh, sương thu mỏng,
Áo lụa mỏng chưa chịu thay.
Đêm khuya ân cần gảy đàn tranh,
Lòng sợ phòng vắng không dám về.)

Chúng ta hãy xem thêm ít câu tả cảnh chiều thu của Vương Duy, để thấy rằng câu thi trung hữu họa (trong thơ có tranh vẽ) không phải là điều nói ngoa:

Không sơn tân vũ hậu,
Thiên khí vãn lai thu,
Minh nguyệt tùng gian chiếu,
Thanh tuyền thạch thượng lưu.

空山新雨後,
天氣晚來秋。
明月松間照,
清泉石上流。

(Vương Duy, Sơn cư thu minh, 山居秋暝câu 1-4)

(Nghĩa: Núi vắng vừa mưa xong,
Khí trời chiều đượm vẻ mùa thu.
Trăng sáng chiếu giữa cây thông,
Suối trong chảy trên phiến đá)

Lá thu rơi một phần cũng vì có gió. Do đó gió thu cũng được các thi nhân nhắc đến khá nhiều. Chúng ta hãy nghe một bài hát về gió thu:

Hà xứ thu phong chí,
Tiêu tiêu tống nhạn quần.
Triêu lai nhập đình thụ,
Cô khách tối tiên văn.

何處秋風至?
蕭蕭送雁群 ,
朝來入庭樹 ,
孤客最先聞。

(Lưu Vũ Tích 劉禹錫, Thu phong dẫn 秋風引)

(Nghĩa: Gió thu từ xứ nào đến,
Hiu hắt tiễn đưa bầy chim nhạn.
Buổi sáng tới nhập vào cây trước sân,
Người khách một mình nghe trước tiên)

Cùng tả nhắc đến gió thu, giọng văn của Thượng quan Nghi có vẻ nghiêm nghị chững chạc hơn, đúng là tác phong của một ông quan trên đường đi vào Triều:

Thước phi sơn nguyệt thự,
Thiền táo dã phong thu.

鵲飛山月曙,
蟬噪野風秋。

(Thượng quan Nghi 上官儀, Nhập triều lạc đê bộ nguyệt 入朝洛堤步月, câu 3-4)

(Nghĩa: Quạ bay, trăng núi sáng,
Gió đồng nội mùa thu mang lại tiếng ve kêu)

Gió thu cũng có khả năng làm não lòng bậc đế vương. Chúng ta hãy nghe Hán Vũ đế Lưu Triệt than thở:

Thu phong khởi hề bạch vân phi,
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam phi.
Hoài giai nhân hề bất năng vong.
Hoan lạc cực hề ai tình đa,
Thiếu tráng kỷ thời hề nại lão hà.

秋風起兮白雲飛,
草木黄落兮雁南歸。
懷佳人兮不能忘。
歡樂極兮哀情多。
少壯幾時兮奈老何。

(Lưu Triệt (Hán Vũ đế) (汉武帝) 劉彻, Thu phong từ 秋風辭 câu 1-2, 4, 8-9)

(Nghĩa: Gió thu lên, mây trắng bay,
Cây cỏ vàng rơi, nhạn bay về Nam.
Nhớ người đẹp, không quên được.
Vui sướng cùng cực, bi ai càng nhiều,
Tuổi trẻ qua mau, không làm gì được)

Ôi, tâm sự của bậc đế vương mà cũng não nề thế sao?

Khi đã nói đến gió, thì người ta cũng không thể quên được sương:

Bạch phát tam thiên trượng,
Duyên sầu tự cá trường.
Bất tri minh kính lý,
Hà xứ đắc thu sương.

白髪三千丈,
縁愁似個長。
不知明鏡里,
何處得秋霜。

(Lý Bạch, Thu phố ca 秋浦歌)

(Nghĩa: Tóc trắng dài ba ngàn trượng,
Theo mối sầu lại càng dài ra.
Không biết ở trong gương,
Sương thu từ đâu tới)

Theo TRẦN VĂN LƯƠNG / NGUYENTRUONGTO.INFO

Tags: , ,