Nhận diện chính sách của Biden tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ra đời nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ chống lại sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã trở thành khu vực chính cho cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn nhất thế kỉ 21 giữa hai siêu cường này. Bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ công bố hồi tháng 10/2022 đã xác định nhiệm vụ thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, những hành động trong thực tiễn cũng hết sức mạnh mẽ và quyết liệt với nỗ lực tập hợp đồng minh và các đối tác. Tuy vậy, chính quyền tổng thống Joe Biden và chính phủ các nước đồng minh, đối tác cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Nhận diện chính sách của Biden tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần đầu tiên được Mỹ công bố dưới thời của chính quyền tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, với tên gọi đầy đủ của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Khái niệm này cho thấy Mỹ đã mở rộng phạm vi tầm ảnh hưởng của mình hơn (từ phía tây nước Mĩ trải rộng đến phía đông của Châu Phi) so với khái niệm Châu Á – Thái Bình Dương trước kia. Mục đích chính là Mỹ muốn đối phó tốt hơn với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tại khu vực này. Chính sách này vẫn được tiếp tục dưới thời chính quyền tổng thống Joe Biden và còn có những bước đi mạnh mẽ hơn để hiện thực hoá chiến lược này từ cả chính sách đến hành động trong thực tiễn.

Chính sách của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Khác với chính quyền tổng thống Trump trước kia, khẩu hiệu luôn luôn là nước Mỹ trên hết, đề cao chủ nghĩa đơn phương, ông Trump có phần thái độ coi nhẹ mối quan hệ với các đồng minh. Đến thời tổng thống Joe Biden ông có chiến lược hoàn toàn khác khi chủ trương tăng cường hợp tác, liên kết với các đồng minh, đối tác để đối phó với các thách thức toàn cầu mà trực tiếp nhất là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ nhất qua Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ công bố hồi tháng 10 năm 2022 (chỉ một ngày sau khai mạc Đại hội XX của Trung Quốc).

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ giành hẳn một phần để nhắc tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tên gọi “Thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Nội dung bản chiến lược an ninh quốc gia khẳng định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế thế giới và là trung tâm của địa chính trị thế kỉ 21 và Mỹ có lợi ích sống còn tại đây. Để đảm bảo cho khu vực phát triển thịnh vượng cởi mở, an toàn, Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia tại khu vực để giúp các quốc gia được tự do đưa ra lựa chọn của mình theo sự phù hợp của luật pháp quốc tế. Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được Mỹ nhắc tới tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính quyền tổng thống Joe Biden khẳng định tính trung tâm của ASEAN và tìm kiếm sự gắn kết sâu sắc hơn với các đối tác Đông Nam Á thông qua mở rộng hoạt động ngoại giao và hợp tác phát triển kinh tế mà trọng tâm là các nước ở Đông Nam Á và những quần đảo ở Thái Bình Dương. Liên minh Bộ tứ kim cương và AUKUS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với các thách thức của khu vực. Mĩ sẽ tăng cường sức mạnh tập thể bằng cách khuyến khích những mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các nước Châu Âu chung chí hướng. Đối với các đồng minh lâu năm của Mỹ như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, Mỹ thể hiện ý chí sắt đá sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đồng minh thông qua các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, các mối đe doạ sinh học, năng lực y tế… Riêng đối với Nhật Bản, Mỹ tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh chung, bao gồm cả quần đảo Senkaku. Một mặt Mỹ tìm kiếm những giải pháp ngoại giao bền vững đối với Triều Tiên để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều tiên, bên cạnh đó vẫn tăng cường khả năng răn đe với mối đe doạ tên lửa đến từ Bình Nhưỡng. Quốc gia cuối cùng được Mỹ nhắc tới là Ấn Độ, với khẳng định Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và đối tác quốc phòng chính, Mỹ sẽ cùng Ấn Độ hợp tác cả song phương và đa phương để hỗ trợ lợi ích chung, tầm nhìn chung tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kết thúc phần về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ tái khẳng định không một khu vực nào trên thế giới ngày nay quan trọng với Mỹ hơn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khẳng định Mỹ đã bước vào thời kỳ chính sách đối ngoại mới yêu cầu sự hiện diện nhiều hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với các đồng minh và đối tác vì tầm nhìn chung cho tương lai.

Động thái triển khai và những bước đi trong thực tế của Mỹ

Những bước đi trong thực tế của Mỹ có thể đánh giá là mãnh mẽ và chưa từng có tiền lệ. Với việc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, năm 2022 vừa qua là một năm có nhiều hoạt động ngoại giao giúp nâng tầm quan hệ Mỹ – ASEAN. Tiêu biểu như Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ 2022 kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt tại thủ đô Washington D.C với các lãnh đạo ASEAN. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sự kiện là dịp đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hai bên, cũng trong dịp này hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố tầm nhìn chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ 2022 cũng được đưa ra, tuyên bố thể hiện tầm nhìn toàn diện, bao trùm, một cam kết mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ trên nhiều khía cạnh như phục hồi sau đại dịch, tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác biển, giữ gìn hoà bình và xây dựng lòng tin. Theo sau những cam kết là những chương trình hợp tác Mỹ – ASEAN, đáng kể có chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, trị giá ban đầu 40 triệu USD và sẽ tăng lên tới 2 tỉ USD, chương trình hợp tác hàng hải, kinh tế biển, phát triển nghề cá, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển trị giá 60 triệu USD, các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, an ninh mạng, kinh tế số, hạ tầng giao thông, biến đổi khí hậu…[1]. Vị thế của các nước ASEAN cũng ngày càng được củng cố với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế được tổ chức tại các nước thành viên như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại Campuchia, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 tại Thái Lan, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia với đích thân sự tham dự của tổng thống Hoa kỳ Joe Biden tại Campuchia và Indonesia đã chứng tỏ sự quan tâm của Hoa kỳ dành cho khu vực này.

Đối với khối liên minh “Bộ tứ kim cương”, không cần chờ đến khi bản chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố, ngay sau khi nhậm chức không lâu, ngày 12/3/2021 tổng thống Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ kim cương trực tuyến với sự tham gia của nguyên thủ các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Nhóm “ Bộ tứ” được thành lập và hoạt động đơn lẻ từ năm 2007 nhưng đến tận 2021, sau 14 năm mới có cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu chính phủ các nước trong khuôn khổ một hội nghị để cùng vạch ra những mục tiêu chiến lược[2]. Hội nghị đã bàn bạc nhiều vấn đề nóng, có tính thời sự ngay tại thời điểm đó và cho đến tận hiện tại như an ninh hàng hải, COVID – 19, chống biến đổi khí hậu, công nghệ và chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ, chống khủng bố, và thương mại.

Liên minh AUKUS được thành lập vào ngày 15/9/2021, Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson đã tổ chức cuộc họp truyền thông trực tuyến thông báo việc thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên nâng cao với tên gọi AUKUS[3]. Với tuyên bố quan hệ đối tác tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhằm thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Nổi bật của liên minh ba bên này là tham vọng chung nhằm hỗ trợ Úc mua và có khả năng tự phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tờ The Economist đã nhận xét AUKUS là sự thay đổi chiến lược sâu sắc như “Nixon đến Trung Quốc năm 1972 và sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989”[4]. Trước Australia chỉ có duy nhất đồng minh Anh của Mỹ vào năm 1950 được tiếp cận công nghệ để phát triển động cơ đẩy hạt nhân dành cho tàu ngầm. Trong bài phân tích của nhà báo Peter Jennings ông có nhận xét: “AUKUS có lẽ là sự thừa nhận ngầm về giới hạn năng lực cá nhân của ba quốc gia. Dù hùng mạnh như Mỹ, họ cần các đồng minh có năng lực để tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, thêm các lựa chọn hỗ trợ và duy trì hậu cần, cũng như các nền tảng quân sự có thể tương tác trên thực địa. Đối với cả ba quốc gia, AUKUS là một hệ số nhân tiềm năng có giá trị với khả năng tăng cường răn đe thông thường và làm phức tạp kế hoạch chiến lược của Bắc Kinh”.

Khó khăn, thách thức với Mỹ và các đồng minh, đối tác

Đối với Mỹ

Những khó khăn, thách thức với Mỹ trong quá trình thực hiện chiến lược tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải là ít và vô cùng phức tạp, là bài toán nan giải mà chính quyền tổng thống Joe Biden phải giải quyết. Thách thức lớn nhất đến từ nội bộ nước Mĩ khi sự chia rẽ sâu sắc đang diễn ra trong chính nước Mỹ, chia rẽ ngay trong dân chúng, chia rẽ đến chính quyền trung ương. Những mâu thuẫn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà ngày càng sâu sắc, gay gắt. Ngay trong nội bộ từng Đảng cũng xuất hiện những chia rẽ, mẫu thuẫn chưa từng thấy, khi mới đây phải mất đến 15 lần bỏ phiếu thì Hạ Viện Mĩ mới bầu được ra chủ tịch Hạ Viện là ông Kevin McCarthy – điều chưa từng xuất hiện suốt 164 năm qua trong chính trường nước Mỹ. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do một số thành viên thuộc phe cánh hữu cứng rắn trong Đảng Cộng hoà không ủng hộ vị lãnh đạo của Đảng mình do họ cho rằng ông McCarthy đã quá “thoả hiệp” với tổng thống Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ. Tình trạng chính trị chia rẽ tại Mỹ trái ngược hoàn toàn với tình hình tại Trung Quốc hiện nay, sau Đại hội XX Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái đắc cử nhiệm kì thứ ba của mình, tập trung được quyền lực tối đa vào tay mình, sáu thành biên trong Ban thường vụ ban thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc đều là thân tín từng có thời gian công tác dưới quyền ông Tập. Tình hình chính trị có thể coi là ổn định hơn và hiện tại trong năm 2023 Trung Quốc đã quyết định từ bỏ chính sách Zero COVID, mở cửa dần nền kinh tế, đây là những điều kiện thuận lợi của Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược với Washington tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tác động của COVID – 19 cùng với cuộc xung đột Nga – Ukraine đã dẫn tới tỉ lệ lạm phát cao tại Mỹ. Trong suốt năm 2022 tỉ lệ lạm phát tại Mĩ luôn ở trên mức 7%, đỉnh điểm vào hồi tháng 6 năm 2022 tỉ lệ lạm phát lên tới 9,1%[5] . Để kiểm soát tình trạng lạm phát trên , Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 7 lần tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2022, tại lần gần nhất vào tháng 12 năm 2022 cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ 2007 ở mức 4,25 – 4,5%[6], theo dự báo xu hướng tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục trong năm 2023 có thể đạt mức từ 5 – 5,25% nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của FED. Điều này dẫn tới nguy cơ suy thoái nền kinh tế khi làm tăng thêm chi phí của nhiều khoản vay tiêu dùng và kinh doanh, đồng nghĩa với giá cả các mặt hàng thiết yếu, cơ bản cũng liên tục ở mức cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân, xuất hiện tâm lý phẫn nộ, bất bình với chính quyền làm gia tăng thêm mẫu thuẫn, chia rẽ vốn đã vô cùng sâu sắc trong xã hội Mỹ.

Thách thức tiếp theo đối với Mỹ khi thực hiện chính sách đối ngoại của mình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là hiện tại Mỹ còn có những vấn đề khác phải quan tâm và có thể không dành toàn tâm toàn thời gian cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đó là cuộc xung đột Nga – Urkaine, xung đột về hình thức là giữa Nga và Ukraina nhưng về bản chất là cuộc chiến tranh uỷ nhiệm giữa Nga và phương Tây mà lãnh đạo là Mỹ. Chính quyền Kiev tồn tại và chống lại được các cuộc tấn công từ lực lượng quân đội Nga suốt gần 11 tháng qua phụ thuộc hoàn toàn vào sự viện trợ từ Mỹ và các nước thành viên NATO, riêng Mỹ số tiền và vũ khí viện trợ đã lên tới hàng chục tỷ đô la, ngoài ra còn là thời gian bị tiêu tốn thảo luận và đồng thuận các chính sách dành cho cuộc xung đột này. Vì vậy, có lí do để lo ngại Mỹ sẽ dành ít thời gian hơn cho những cam kết, những hành động để hiện thực hoá chính sách của mình với các đồng minh, đối tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ

Các nước đồng minh và đối tác cũng đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng lạm phát của Mỹ và những động thái liên tăng lãi suất liên tiếp của FED. Điều này dẫn tới ngân hàng Trung ương của các nước cũng đứng trước sức ép phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng tiền của nước mình tránh mất giá. Nhưng cũng chính vì vậy lại gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế cho các nước và vấn đề cân bằng tỉ giá để vừa giữ được tăng trưởng kinh tế vừa tránh mất giá đồng tiền là bài toán nan giải mà các đồng minh và đối tác của Mỹ đang phải giải quyết.

Trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng diễn ra căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn độ dương – Thái bình dương, các nước đứng trước sức ép phải thể hiện rõ hơn thái độ của mình là ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho các nước khi hoạch định chính sách đối ngoại, làm sao để vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa không làm mất lòng các nước lớn và tránh rơi vào vòng xoáy cạnh trạnh địa chiến lược giữa các siêu cường.

Như vậy, có thể thấy trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, đối đầu Mỹ – Trung vẫn tiếp tục gia tăng và sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nơi đều nằm trong chiến lược của hai siêu cường, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Đặc biệt ASEAN sẽ là trung tâm của sự cạnh tranh này khi khu vực này đều được xác định vị thế quan trọng trong chính sách của hai siêu cường, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần có chính sách đối ngoại phù hợp, linh hoạt để giữ vững trạng thái trung lập và vai trò trung gian giữa 2 nước để đảm bảo lợi ích quốc gia của chính mình, tránh trở thành con cờ trong bàn cờ chính trị giữa các nước lớn.

———————–

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/the-gioi/hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-asean-my-nhung-dinh-huong-moi-ve-hop-tac-dai-han-20220515095725491.htm
[2] http://quocphongthudo.vn/quoc-te/my-khang-dinh-vai-tro-trong-bo-tu-kim-cuong-.html
[3] https://www.heritage.org/military-strength/topical-essays/aukus-new-opportunities-the-united-states-and-its#essay-jennings_edn3
[4] https://www.economist.com/international/2021/09/19/the-strategic-reverberations-of-the-aukus-deal-will-be-big-and-lasting
[5] https://www.statista.com/statistics/273418/unadjusted-monthly-inflation-rate-in-the-us/#:~:text=The%20annual%20inflation%20rate%20in,available%20funds%20to%20make%20purchases.
[6] https://vtv.vn/kinh-te/fed-tang-lai-suat-lan-thu-bay-trong-nam-2022-20221215063623998.htm

Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , ,