Nhận diện cấu trúc an ninh căng thẳng của khu vực Trung Á

Sự chia rẽ ngày càng tăng trong CSTO – về Ukraina, Afghanistan và các tranh chấp nội bộ khác nhau – có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với cấu trúc an ninh của Trung Á.

Nhận diện cấu trúc an ninh căng thẳng của khu vực Trung Á

Tác giả: Saadi Khamidov – là một nhà nghiên cứu độc lập đến từ Tajikistan.

Biên dịch: Hoàng Hải.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là một liên minh quân sự khu vực Á-Âu bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Tajikistan. Nguồn gốc của liên minh quân sự này có thể bắt nguồn từ Hiệp ước An ninh Tập thể (CST) vào đầu những năm 1990 giữa các nước hậu Xô Viết sau khi Liên Xô tan rã. Kể từ khi thành lập, nó được coi là một công cụ thể hiện sức mạnh của Moskva trong không gian hậu Xô Viết.

Vào đầu những năm 1990, nhiều quốc gia mới độc lập (bao gồm Gruzia, Azerbaijan và Uzbekistan) phải đối mặt với sự kết thúc đột ngột của tổ hợp công nghiệp-quân sự và chuỗi cung ứng quân sự của Liên Xô. Sự phụ thuộc này đã thúc đẩy họ ký kết CST và do đó duy trì khả năng tiếp cận vũ khí và công nghệ quân sự của Nga.

Vào thời điểm CST chuyển thành CSTO vào năm 2002, Georgia, Azerbaijan, Uzbekistan thấy không cần thiết. Họ không mấy mặn mà đến việc ở lại liên minh quân sự do Nga lãnh đạo vì họ đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí và sự duy trì quân đội của Moskva thông qua các kênh khác (năm 2005, Uzbekistan gia nhập lại CSTO, nhưng lại rút khỏi tổ chức này vào năm 2012). Việc Gruzia và Azerbaijan rời khỏi tổ chức này phần lớn được thúc đẩy bởi lo ngại Moskva sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự toàn vẹn lãnh thổ của họ.

Giờ đây, điều đáng chú ý là tư cách thành viên trong liên minh này hầu như ít nhiều phù hợp với lợi ích quốc gia của các thành viên, đặc biệt là về phòng thủ tập thể khỏi sự xâm lược từ bên ngoài và tiếp cận vũ khí cũng như công nghệ quân sự của Nga. Mục đích chính của CSTO ngay từ đầu là đảm bảo an ninh, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa bên ngoài đến từ phía nam, cụ thể là Afghanistan. Bên cạnh phòng thủ chung, CSTO tạo điều kiện cho các nỗ lực chung chống lại việc lưu hành trái phép vũ khí, tấn công mạng, buôn bán ma túy, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố trong khu vực.

Tuy nhiên, những thách thức địa chính trị ngày nay trong không gian Á-Âu đang biến động hơn bao giờ hết và có dấu hiệu đe dọa đến sự gắn kết của CSTO. Những trường hợp này làm tăng nhu cầu đánh giá lại CSTO với tư cách là một tổ chức an ninh tập thể trong khu vực. Những thách thức nổi bật nhất hiện nay là xung đột Nga – Ukraina; xung đột quân sự giữa Armenia và Azerbaijan; xung đột biên giới giữa các thành viên CSTO, Kyrgyzstan và Tajikistan; và sự khác biệt về lợi ích khu vực liên quan đến Afghanistan. Những thách thức này đang gieo mầm chia rẽ trong tổ chức, làm phức tạp thêm các mối quan hệ bên trong CSTO.

Nga luôn đóng vai trò “người bảo đảm an ninh” ở Trung Á, nhất là trước các mối đe dọa đến từ các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia. Các nhóm như vậy hiện đang hoạt động tích cực hơn ở Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm 2021. Kể từ ngày 24/2/2022, ngày Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, ưu tiên của Moskva đã chuyển sang giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Điều đó được cho là phải đánh đổi bằng an ninh của CSTO. Các báo cáo chưa được xác minh cho thấy Nga đã chuyển một số binh sĩ của mình từ Karabakh và căn cứ ở Tajikistan đến Ukraina. Nga, với tư cách là bên đóng vai trò chủ đạo trong CSTO, luôn đặt ra chương trình nghị sự của tổ chức. Tuy nhiên, hiện họ đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraina, khả năng của Moskva trong việc duy trì hơn nữa cấu trúc an ninh khu vực của CSTO có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay cả trong trường hợp có lợi đối với Điện Kremlin.

Do sự phụ thuộc của các thành viên CSTO vào Nga, tất cả các nước thành viên đều ủng hộ sự trung lập đối với cuộc chiến Ukraina và không lên án cuộc tấn công Ukraina của Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Điều này không có nghĩa là các thành viên CSTO ủng hộ cuộc chiến mà Nga đang tiến hành, ngoại trừ chế độ Lukashenko ở Belarus. Không thành viên nào của CSTO công nhận các quốc gia ly khai của Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk hay Krym, họ cũng không công nhận các vùng lãnh thổ Ukraina mới sáp nhập vào Nga.

Trong bối cảnh này, Kazakhstan có lẽ là một trong những ví dụ nổi bật nhất đã dứt khoát từ chối công nhận các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraina. Kazakhstan chính thức giữ thái độ trung lập đối với cuộc chiến ở Ukraina chủ yếu là do mối liên kết kinh tế với Nga. Tuy nhiên, câu hỏi về Ukraina cũng làm dấy lên lo ngại về sự toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan, khi hoạt động tuyên truyền do nhà nước Nga bảo trợ và một số quan chức ở Nga thỉnh thoảng đưa ra những lời lẽ đe dọa chống lại đất nước này. Cuộc chiến ở Ukraina đặt Astana vào một vị trí khá khó khăn đối với Moskva, bất chấp mối quan hệ kinh tế và chiến lược chặt chẽ của Kazakhstan với Nga, đặc biệt là về CSTO và EAEU (Liên minh kinh tế Á-Âu).

Xung đột Armenia-Azerbaijan và CSTO

Đối với Armenia và Azerbaijan, Nagorno-Karabakh là một điểm gây tranh cãi kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cần nhấn mạnh rằng khu vực này được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan. Kể từ năm 1994, cuộc xung đột hầu như bị đóng băng với các vụ bạo lực thỉnh thoảng vẫn bùng phát. Tuy nhiên, vào năm 2022, cuộc xung đột leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữa hai nước, kết thúc bằng việc Azerbaijan giành lại phần lớn lãnh thổ mà họ đã mất trước đó. Vào tháng 9 năm 2022, Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tấn công và chiếm giữ lãnh thổ bên trong Armenia (ngoài khu vực xung đột đã biết trước đây giữa hai nước). Đáp lại, Armenia đã viện dẫn Điều 4 của CSTO, nhằm đảm bảo “an toàn, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của một quốc gia thành viên bởi tất cả các quốc gia thành viên chống lại sự xâm lược từ bên ngoài. Tuy nhiên, sau sự kiện này, CSTO chỉ cử một phái đoàn tới để tìm hiểu thực tế. Với việc Nga đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraina, không có gì ngạc nhiên khi phản ứng của CSTO là quá thiếu kiên quyết. Tuy nhiên, đối với Yerevan, đó là một dấu hiệu cho thấy Nga không còn có thể đảm bảo an ninh cho Armenia, vốn là mối quan tâm đặc biệt đối với một quốc gia bị kẹp giữa hai nước láng giềng thù địch: Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này thể hiện một vết nhơ về uy tín của CSTO trong mắt chính phủ Armenia và công chúng.Với tình hình địa lý bấp bênh của Armenia, nước này vẫn tiếp tục là thành viên của CSTO cho đến nay nhưng cũng đã tìm kiếm sự đảm bảo an ninh cho mình từ phương Tây. Xét về việc Nga coi thường an ninh của Armenia, việc tranh luận ủng hộ tư cách thành viên CSTO cho Armenia trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Xung đột giữa các thành viên CSTO Kyrgyzstan và Tajikistan

Tranh chấp đang diễn ra giữa Kyrgyzstan và Tajikistan đã có lịch sử 30 năm, giai đoạn mà tranh chấp biên giới của hai nước vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân tranh chấp giữa hai thành viên CSTO này chủ yếu liên quan đến việc phân định biên giới, tiếp cận đường sá và nguồn nước. Các cuộc đụng độ biên giới lẻ tẻ giữa hai nước trở nên thường xuyên và dữ dội hơn kể từ năm 2021 do việc quân sự hóa biên giới của cả hai bên. Cuộc đụng độ mới nhất giữa hai nước vào năm 2022 hóa ra lại là một trong những cuộc đụng độ nguy hiểm nhất.

Sự dai dẳng của vấn đề lâu đời này cũng là một thách thức đối với CSTO. Khi chúng ta thảo luận về xung đột này trong bối cảnh của CSTO, cần xem xét hai chi tiết: Thứ nhất, CSTO thiếu bất kỳ cơ chế thích hợp nào giải quyết xung đột giữa các quốc gia thành viên và thứ hai, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra một giải pháp về vấn đề biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan sẽ luôn tạo ra những kết quả phức tạp, khó lường hơn, có thể vượt ra ngoài tranh chấp song phương, làm hằn sâu thêm sự ngờ vực. Xung đột giữa hai nước là một vấn đề khó khăn đối với CSTO, cụ thể là đối với Moskva; bất kỳ sự tham gia nào của CSTO vào tranh chấp đều có thể có tác động bất lợi cho tổ chức.

Thiếu tầm nhìn chung đối với Taliban ở Afghanistan

Sau khi Hoa Kỳ và Taliban ký kết Thỏa thuận Doha, và sau đó là việc Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8 năm 2021, một số quốc gia đã bớt bí mật hơn về mối quan hệ của họ với nhóm này (cụ thể là Pakistan, Qatar, Iran và Nga) trong khi số khác bắt đầu thiết lập quan hệ mới với Taliban. Do đó, cách tiếp cận tương đối mới này đối với Taliban đã được các thành viên CSTO khác áp dụng. Tajikistan là thành viên CSTO duy nhất vẫn công khai coi Taliban là mối đe dọa, nhưng không có gì đảm bảo rằng chính sách của Dushanbe sẽ tiếp tục theo cách này.

Cần lưu ý rằng việc thành lập CSTO vào năm 2002 chủ yếu là do các mối đe dọa bắt nguồn từ Afghanistan, chủ yếu từ Taliban và các nhóm khủng bố khác, bao gồm các chiến binh có nguồn gốc Trung Á trong hàng ngũ của chúng. Trước tháng 8 năm 2021, có một tầm nhìn chung về mối đe dọa từ lãnh thổ Afghanistan đối với CSTO. Tuy nhiên, sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, lợi ích quốc gia của các thành viên CSTO được ưu tiên hơn tầm nhìn chung về an ninh trước đó. Hiện tại, lợi ích quốc gia của các thành viên CSTO khác nhau không phải lúc nào cũng phù hợp và mỗi thành viên CSTO (cũng như các quốc gia không thuộc CSTO trong khu vực) theo đuổi lợi ích riêng của mình ở Afghanistan trong sự hợp tác với Taliban. Trên thực tế, điều này có nghĩa là thiếu các mục tiêu an ninh chung liên quan đến Afghanistan do Taliban thống trị. Và đó không phải là một xu hướng đáng khích lệ đối với sự gắn kết và thống nhất của CSTO, đặc biệt là trong bối cảnh sự hiện diện ngày càng tăng của các nhóm khủng bố ở Afghanistan, chẳng hạn như Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISKP).

Ý nghĩa đối với cấu trúc an ninh của Trung Á

Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraina đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu và tạo ra rất nhiều bất ổn địa chính trị. Chiến dịch quân sự đặc biệt này đã mở ra các quá trình luôn có ảnh hưởng đến CSTO do Nga lãnh đạo; những lực lượng này khó có thể được coi là có lợi cho sự gắn kết và thống nhất của tổ chức. Cấu trúc an ninh của Trung Á, trong những điều kiện phức tạp và khó lường như vậy, có thể thay đổi. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi tuyên bố chắc chắn về vị trí của CSTO. Vì lý do này, cuộc thảo luận về các khả năng có thể xảy ra (được nêu trong bài viết này) chỉ nên coi là suy đoán.

Một khả năng được đưa ra là kết thúc chiến tranh ở Ukraina càng sớm càng tốt để duy trì CSTO như một tổ chức quân sự hoạt động và có năng lực. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là chuyển sự quan tâm và nguồn lực trở lại CSTO nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố đến từ Afghanistan. Trong trường hợp này, CSTO vẫn phải trải qua quá trình điều chỉnh đa phương dựa trên lợi ích quốc gia của các thành viên. Kịch bản này rất khó xảy ra vì việc Điện Kremlin rút khỏi cuộc chiến ở Ukraina mà không có bất kỳ thành tích khả dĩ nào sẽ được coi là một thất bại rõ ràng. Nhưng một cuộc chiến tranh kéo dài (chiến tranh tiêu hao) cũng không thể đứng vững vì chiến tranh càng kéo dài thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng và lan rộng hơn đối với Nga do cuộc chiến không được ưa chuộng từ bên trong nước Nga (liên quan đến số lượng lính nghĩa vụ Nga thiệt mạng đáng kể, các biện pháp trừng phạt và cô lập quốc tế đang diễn ra). Trong những điều kiện như vậy, có thể đến một ngày Nga không thể triển khai sức mạnh và giữ vai trò của mình trong việc duy trì cấu trúc an ninh của Trung Á.

Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Nga muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraina lúc này. Chẳng hạn, việc Điện Kremlin triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là một quyết định leo thang khác. Ngay cả khi Moskva, theo giả thuyết, quyết định đóng băng chiến tranh theo một cách nào đó thông qua đàm phán, thì Ukraina đã rõ ràng rằng họ sẽ không đồng ý với các cuộc đàm phán không khôi phục lại toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Tác động của một cuộc chiến tranh kéo dài cuối cùng sẽ gây bất lợi nhiều hơn cho CSTO. Trong hoàn cảnh như vậy, việc tái cân bằng địa chính trị trong bối cảnh cấu trúc an ninh của Trung Á trở nên khả thi hơn. Sự tái cân bằng địa chính trị này, trên thực tế, sẽ đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các chủ thể khác, cụ thể là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Hoa Kỳ trong việc định hình cấu trúc an ninh của khu vực.

Ví dụ, Trung Quốc đã có ảnh hưởng kinh tế đáng kể ở Trung Á và điều đó có thể chuyển thành ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn nhiều trong dài hạn. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á sắp tới vào tháng 5 đưa ra một định dạng mới khác cho quan hệ giữa các quốc gia Trung Á và Trung Quốc. Điều đó đáng để nghiên cứu. Đồng thời, không nên phóng đại vai trò của Trung Quốc trong khu vực vì ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này thường bị nghi ngờ, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

Các cường quốc khác cũng đang phát triển các mối quan hệ an ninh của họ trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã xuất khẩu máy bay không người lái (có thể cả vũ khí khác) sang các nước Trung Á, đặc biệt là Kyrgyzstan và Tajikistan; trong khi Astana đã đạt được thỏa thuận với công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Kazakhstan. Các quốc gia Trung Á có khả năng tiếp tục móc nối với Hoa Kỳ để đạt được sự cân bằng hơn trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc và Nga. Các chủ thể khác có thể dần dần đóng vai trò quyết định hơn trong việc định hình cấu trúc an ninh của Trung Á nếu khuôn khổ CSTO bắt đầu suy yếu.

Tuy nhiên, việc coi toàn bộ Trung Á như những chủ thể đơn thuần của nền chính trị cường quyền có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả. Rất khó để nói chúng ta nên mong đợi bao nhiêu về quyền tự quyết từ các quốc gia Trung Á, nhưng các quốc gia Trung Á đang xích lại các cường quốc khác dựa trên lợi ích cá nhân của họ. Về khía cạnh này, một số người có thể ám chỉ đến việc định hướng lại an ninh của khu vực theo hướng gia tăng hợp tác nội khối. Tuy nhiên, cuộc thảo luận như vậy có thể không phù hợp với thực tế địa chính trị hiện tại trong khu vực do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau (đặc biệt là trong trường hợp Kyrgyzstan-Tajikistan), cũng như sự thiếu tầm nhìn chung về an ninh, chủ yếu, trong bối cảnh các mối đe dọa phát sinh từ sự hiện diện của các nhóm cực đoan ở Afghanistan.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: ,