Nhà văn Ivan Turgenev: Cánh chim đầu đàn của văn học Nga thế kỷ 19

Ivan Turgenev là một trong những nhà văn Nga tài năng bậc nhất của thế kỷ 19. Hệ thống nghệ thuật do ông tạo ra đã thay đổi thi pháp tiểu thuyết ở Nga cũng như nước ngoài. Đương thời, tác phẩm của ông vừa được khen ngợi vừa bị phê phán kịch liệt, nhưng Turgenev vẫn suốt đời tìm kiếm trong đó con đường dẫn nước Nga tới hạnh phúc và thịnh vượng.

Nhà thơ tài năng, quý tộc, đẹp trai

Gia đình Turgenev xuất thân từ dòng họ quý tộc lâu đời ở tỉnh Tula. Bố ông, Sergey Turgenev, phục vụ trong trung đoàn kỵ binh và sống một cuộc đời hết sức xa xỉ. Để cải thiện tình hình tài chính, ông buộc phải cưới một phụ nữ địa chủ không còn trẻ, nhưng rất giàu là Varvara Lutovinova.

Cuộc hôn nhân trở nên bất hạnh với cả hai, họ sống với nhau không hòa hợp. Người con trai thứ hai, Ivan, nhà văn tương lai, ra đời hai năm sau khi cưới, năm 1818, ở tỉnh Oryol. Gia đình Turgenev có ba con trai: Nikolay, Ivan và Sergey.

Trước năm chín tuổi, Turgenev sống ở trang ấp Spasskoye-Lutovinovo thuộc tỉnh Oryol. Bà mẹ là người khó tính và mâu thuẫn: ở bà tình thương và sự quan tâm, chăm sóc con cái được kết hợp với thái độ hà khắc. Varvara Turgeneva nhiều lần đánh các con. Tuy nhiên, bà đã mời các thầy giáo giỏi người Pháp và Đức về dạy cho các con, và chỉ nói chuyện với các con bằng tiếng Pháp. Mặc dù vậy, bà vẫn là người hâm mộ văn học Nga và đã đọc các tác phẩm của Nikolay Karamzin, Vasily Zhukovsky, Aleksandr Pushkin và Nikolay Gogol.

Năm 1827, gia đình Turgenev chuyển đến Moskva để các con có điều kiện học hành tử tế. Ba năm sau, ông Sergey Turgenev bỏ nhà ra đi.

Năm 15 tuổi, Ivan vào học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Moskva. Một năm sau, ông Sergey Turgenev qua đời, bà Varvara cùng với các con chuyển đến Petersburg, tại đây Turgenev vào học Khoa Triết Đại học Petersburg. Lúc bấy giờ, ông thực sự say mê thơ ca và đã viết tác phẩm đầu tay của mình – kịch thơ “Steno”.

Sau này, Turgenev nhận xét về nó như sau: “Một tác phẩm hoàn toàn ngớ ngẩn, trong đó thể hiện sự bắt chước hết sức vụng về vở “Manfred” của Byron”. Trong những năm học đại học, Turgenev viết gần 100 bài thơ và một số trường ca. Một số bài thơ của ông đã được đăng trên tạp chí “Người đương thời”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Turgenev lên đường sang châu Âu để học tiếp. Ông nghiên cứu các nhà văn cổ đại, văn học La Mã, Hy Lạp, đi khắp nước Pháp, Hà Lan, Ý. Cuộc sống châu Âu đã làm Turgenev hết sức kinh ngạc: Ông rút ra kết luận rằng nước Nga cần phải thoát khỏi sự thiếu văn hóa, lười biếng, vô học, để đi theo các nước phương Tây.

Trong những năm 1840, Turgenev trở về Tổ quốc, nhận bằng thạc sĩ Ngữ văn Hy Lạp và La tinh tại Đại học Petersburg, thậm chí ông đã viết luận án tiến sĩ, nhưng không bảo vệ. Nhu cầu sáng tác văn học đã lấn át sở thích hoạt động khoa học. Chính trong thời gian này, Turgenev đã gặp gỡ Nikolay Gogol, Sergey Aksakov, Aleksey Khomyakov, Fyodor Dostoyevsky, Afanasy Fet và nhiều nhà văn khác.

“Hôm nay nhà thơ Turgenev từ Paris trở về. Một con người mới tuyệt vời làm sao! Nhà thơ tài năng, quý tộc, đẹp trai, giàu có, thông minh, uyên bác, 25 tuổi – em không biết còn điều gì Trời không phú cho anh ấy?” – Fyodor Dostoyevsky viết cho anh trai của mình như vậy.

Khi về thăm trang ấp Spasskoye – Lutovinovo, Turgenev đem lòng yêu cô gái nông nô Avdotya Ivanova. Mối tình này kết thúc bằng việc nàng sinh hạ cho ông một cô con gái tên là Pelageya. Turgenev muốn cưới Avdotya, nhưng không thành. Sau này ông đưa con gái sang Pháp.

Năm 1843, với bút danh viết tắt T.L (Turgenez-Lutovinov), Turgenev công bố trường ca “Parasha”. Nó được nhà phê bình Vissarion Belinsky đánh giá cao, từ thời điểm đó họ đã trở thành bạn bè thân thiết, thậm chí Turgenev đã làm cha đỡ đầu của con trai nhà phê bình.

“Turgenev cực kỳ thông minh…Thật sung sướng được gặp con người mà ý kiến độc đáo và đặc biệt của anh ta, khi va chạm với ý kiến của anh, phát ra những tia lửa” – Vissarion Belinsky viết.

Cũng vào năm đó, Turgenev gặp nữ danh ca Pháp – Tây Ban Nha Pauline Viardot. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu tác phẩm của Turgenev vẫn tranh luận về mối quan hệ của họ. Họ gặp nhau ở Saint-Petersburg khi nữ danh ca sang Thủ đô Nga biểu diễn. Turgenev thường đi du lịch với Pauline và chồng bà, nhà nghiên cứu nghệ thuật Louis Viardot, ở châu Âu. Con gái ngoài giá thú Pelageya của nhà văn được nuôi dưỡng trong gia đình của Viardot.

Nhà văn và nhà viết kịch

Vào cuối những năm 1840, Turgenev viết nhiều cho sân khấu. Các vở kịch của ông “Kẻ ăn bám”, “Người độc thân”, “Một tháng ở làng quê” và “Cô gái tỉnh lẻ” trở nên rất nổi tiếng với công chúng và được giới phê bình nhiệt liệt đón nhận.

“Cái bóng của Shakespeare đang đè nặng lên tất cả các nhà viết kịch, họ không thể chạy thoát những hồi ức; những kẻ bất hạnh này đọc quá nhiều và sống quá ít” – Ivan Turgenev viết.

Năm 1847, tạp chí Người đương thời đăng truyện ngắn của Turgenev “Khor và Kalinych”, truyện lấy cảm hứng từ những cuộc đi săn của tác giả. Muộn hơn, cũng trên Người đương thời xuất hiện các truyện ngắn trích từ tập “Bút ký người đi săn”. Tập truyện này xuất bản năm 1852. Turgenev gọi nó là lời hứa quyết tâm đấu tranh đến cùng với kẻ thù mà ông căm ghét từ nhỏ: chế độ nông nô.

“Bút ký người đi săn” ghi nhận một tài năng lớn đến mức nó có ảnh hưởng tốt đẹp đối với tôi; sự hiểu biết thiên nhiên thường được nhà văn thể hiện như một mặc khải” – nhà thơ Fyodor Tyutchev viết.

Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên công khai nói về tai họa và tác hại của chế độ nông nô. Nhân viên kiểm duyệt cho phép in “Bút ký người đi săn” bị Nga hoàng Nikolay đệ nhất sa thải và truất lương hưu, còn cuốn sách bị cấm tái bản. Kiểm duyệt giải thích rằng Turgenev tuy đã thi vị hóa những người nông nô, nhưng lại phóng đại một cách tội lỗi những nỗi đau khổ của họ dưới ách thống trị của bọn địa chủ.

Năm 1856, tiểu thuyết đầu tay “Rudin” được Turgenev sáng tác chỉ trong 7 tuần đã ra đời. Tên của nhân vật cuốn tiểu thuyết trở thành danh từ chung ám chỉ những người mà lời nói không đi đôi với việc làm. Ba năm sau, Turgenev công bố tiểu thuyết “Tổ quý tộc” , tác phẩm trở nên hết sức nổi tiếng ở nước Nga đến mức tất cả những người có học thức đều coi mình có nghĩa vụ phải đọc nó.

“Sự hiểu biết đời sống Nga, hơn nữa không phải hiểu biết sách vở, mà là qua trải nghiệm thực tế, được thanh lọc và suy ngẫm bằng sức mạnh của tài năng và suy tưởng, thể hiện trong tất cả các tác phẩm của Turgenev…” – nhà phê bình văn học Dmitry Pisarev viết.

Từ năm1860 – 1861, tờ Người đưa tin Nga đã trích đăng tiểu thuyết “Cha và con”. Cuốn tiểu thuyết viết về vấn đề thời sự và tư tưởng xã hội thời bấy giờ, chủ yếu là quan điểm hư vô chủ nghĩa của giới thanh niên. Nhà triết học và nhà chính luận Nga Nikolay Strakhov nhận xét: “Trong “Cha và con”, tác giả chứng minh một cách cụ thể hơn so với các tác phẩm khác rằng thơ ca đích thực… có thể phụng sự xã hội một cách tích cực…”.

Tiểu thuyết “Cha và con” được các nhà phê bình nhiệt liệt đón nhận, nhưng không được những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ, ví dụ, nhà cách mạng dân chủ Aleksandr Gertsen, chủ bút báo Tiếng chuông nổi tiếng mà Turgenev thường cộng tác. Gertsen nhìn thấy tương lai nước Nga ở chủ nghĩa xã hội nông dân, đồng thời cho rằng châu Âu tư sản đã lỗi thời, còn Turgenev ủng hộ việc tăng cường các mối quan hệ văn hóa của nước Nga với phương Tây.

Sau khi xuất bản tiểu thuyết “Khói”, Turgenev bị phê phán gay gắt. Đó là tác phẩm đả kích, chế giễu một cách sâu cay cả giới quý tộc bảo thủ Nga lẫn những kẻ theo chủ nghĩa tự do mang tư tưởng cách mạng. Theo tác giả, ông bị tất cả mọi người mắng nhiếc: “cả đỏ lẫn trắng, cả trên lẫn dưới, cả bên cạnh – đặc biệt là bên cạnh”.

Từ “Khói” đến “Thơ văn xuôi”

Sau năm 1871, Turgenev sống ở Paris, thỉnh thoảng trở về nước Nga. Ông tham gia tích cực vào đời sống văn hóa Tây Âu, tuyên truyền văn học Nga ở nước ngoài. Turgenev tiếp xúc và trao đổi thư từ với Charles Dickens, George Sand, Victor Hugo, Prosper Mérimée, Guy de Maupassant, Gustave Flaubert.

Vào nửa sau những năm 1870, Turgenev công bố cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhất “Mới”, trong đó ông mô tả các thành viên phong trào cách mạng những năm 1870 trên tinh thần châm biếm và phê phán kịch liệt.

“Cả hai cuốn tiểu thuyết (“Khói” và “Mới”) chỉ thể hiện sự lạnh nhạt ngày càng tăng của ông đối với nước Nga, cuốn thứ nhất bằng nỗi cay đắng bất lực của mình, cuốn thứ hai – bằng sự thiếu vắng thông tin và cảm giác hiện thực trong việc mô tả phong trào lớn mạnh của những năm 70″ – nhà phê bình Dmitry Svyatopolk-Mirsky viết.

Cũng như “Khói”, cuốn tiểu thuyết này không được các đồng nghiệp của Turgenev đón nhận. Ví dụ, nhà văn Mikhail Saltykov-Schedrin viết rằng “Mới” ủng hộ chế độ chuyên chế. Mặc dù vậy, danh tiếng của các truyện vừa đầu tay và tiểu thuyết của Turgenev không giảm bớt.

Những năm cuối đời, nhà văn gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ ở nước Nga cũng như nước ngoài. Xuất hiện chùm tiểu phẩm trữ tình “Những bài thơ văn xuôi”. Mở đầu cuốn sách là bài thơ văn xuôi “Làng quê”, và kết thúc là bài “Tiếng Nga” – một khúc ca nổi tiếng về niềm tin vào thiên chức vĩ đại của Tổ quốc mình: “Trong những ngày lòng đầy hoài nghi, trong những ngày trĩu nặng nghĩ suy về số phận của Tổ quốc, chỉ có người là sự hỗ trợ và điểm tựa của ta, ôi, tiếng Nga vĩ đại, hùng mạnh, chân thật và tự do!…Nhưng không thể tin rằng một ngôn ngữ như vậy không dành cho một dân tộc vĩ đại!”. Tập sách này là lời từ biệt của Turgenev với cuộc đời và nghệ thuật.

Những năm cuối đời, Turgenev bị ốm nặng. Ông mất ngày 3 tháng 9 năm 1883 ở Bougival, ngoại ô Paris, và được an táng tại nghĩa trang Volkov ở Petersburg. Sự ra đi của nhà văn là một mất mát lớn đối với những người hâm mộ tác phẩm của ông.

Theo TRẦN HẬU / VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: , ,