⠀
Nhà thơ Aleksandr Blok: Tinh thần Nga trong từng vần thơ
Aleksandr Blok (1880-1921) là nhà thơ vĩ đại của nước Nga trước Cách mạng. Sáng tác của Blok là một trong những hiện tượng xuất sắc nhất của nền thơ ca Nga sau Puskin, Necrasvo, Chatsav. Mảng thơ trữ tình Blok chiếm một vị trí nổi bật nhất trong đời sống thơ ca nước Nga cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Khi tôi trốn vào thời gian tĩnh lặng
Khi tôi trốn vào thời gian tĩnh lặng Tôi biết, Em Sáng Ngời nhưng tai ác Tôi đâu làm cái lười Em tức giận Em có nhớ tôi trốn vào yên tĩnh Aleksandr Blok |
Xuất thân từ giới thượng lưu đại trí thức và lớn lên ở đất đế đô Saint Peterburg, Blok nhanh chóng khẳng định vị thế khá vững chắc trên văn đàn đồng thời được nồng nhiệt tán thưởng từ phía các nhà văn có xu hướng bất chấp sự thật tàn nhẫn của cuộc sống để dựng nên “những huyền thoại ngọt ngào” về thực tại.
Song Blok không đi vào thế giới mộng ảo mà luôn gắn với thực tại, bởi vậy thơ trữ tình thời trẻ của Blok tuy có những bài còn đậm chất lãng mạn thần bí, nhưng khi viết về cuộc đời thực tại thì tình cảm tự nhiên của con người trong thơ Blok vẫn dậy lên, dồn dập, khỏe khoắn.
Hình tượng nước Nga – Mẹ hiền in đậm nét trong thơ Blok. Thơ viết về đề tài Tổ quốc của Blok là thơ nói về nước Nga, vận mệnh nước Nga, lòng yêu nước và tất cả những gì gắn bó với nước Nga. A. Blok viết: “Tôi hiến dâng cuộc đời một cách có ý thức và dứt khoát cho đề tài nước Nga”. Một trong những bài thơ đầu tiên Blok viết khi đang còn rất trẻ nói đến hình tượng Tổ quốc là bài thơ “Gamaiun, chim tiên đoán” (1899).
Gamaiun, chim tiên đoán
Phẳng lặng dòng nước trôi vô tận Aleksandr Blok |
Trong những ngày Cách mạng Nga lần thứ nhất 1905, được cuộc cách mạng này cổ vũ Blok đã viết được một bài thơ xuất sắc: Ý chí mùa thu (tháng 7/1905). Tâm trạng háo hức và những dòng suy nghĩ mới đã đem lại cho thơ trữ tìnhBlokhơi thở dồn dập của cuộc sống khi nói về Tổ quốc nước Nga:
Cứ nhảy nhót niềm vui ta đó
Ngân nga, ngân nga trong lùm cây
Xa xa tay áo mùa thu vẫy
Rực rỡ khoe màu như thêu ren…
Ta lên đường không ai mời gọi
Mảnh đất này êm dịu nhường bao!
Ta nghe tiếng nước Nga ngấm rượu
Nghỉ chân nơi tửu quán đường xa.
Tình yêu Tổ quốc ở Blok mãi mãi không bao giờ tắt, tình yêu ấy đốt cháy trái tim nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên khi nói về Tổ quốc, Blok đã thốt lên: “Thiếu Người ta sống, khóc sao đây!” (Ý chí mùa thu).
Ý chí mùa thu
Ta bước trên con đường rộng mở Mùa thu sáng tràn về thung lũng Cứ nhảy nhót niềm vui ta đó Ai rủ ta đi đường quen thuộc Ta lên đường không ai mời gọi Điều ta thành đạt ta hát chăng Bao nhiêu người tự do, kiện tráng Aleksandr Blok |
Blok tự coi mình nằm dưới sự sai khiến của nước Nga, coi mình là một phần bé nhỏ của nước Nga, là đứa con của nước Nga, thở chung nhịp thở với đất nước và nhân dân khi đất nước sắp có những cơn biến động lớn lao. Nước Nga và nông thôn Nga nơi Blok đang sống là nguồn vô tận tạo ra niềm tin của nhà thơ trẻ đối với sự tất yếu không thể đảo ngược của cuộc nổi dậy sẽ làm đổi thay bộ mặt thế giới.
Bài thơ dài tuyệt tác trong thơ trữ tình yêu nước của Blok là bài thơ Trên bãi chiến trường Kulikovo gồm năm chùm thơ, 120 câu thơ. Nhà thơ muốn tái hiện trang sử của cuộc chiến tranh ái quốc của nhân dân Nga cuối thế kỷ 14, ghi lại bức tranh của trận chiến đấu quyết liệt của nhân dân Nga với Liên minh bộ lạc Tarta – Mông Cổ do tên tướng Mamai cầm quyền. Mạch thơ trữ tình yêu nước củaBlokvang lên tha thiết, sâu đậm như tiếng nói tự đáy lòng của những người con yêu đối với nước Nga Mẹ hiền, xót xa trước cảnh “Chiến trận triền miên. Ta chỉ mong thấy được bình yên. Qua máu và qua bụi…”.
Với nỗi trăn trở và lòng biết ơn Mẹ hiền Tổ quốc – “Nước Nga, người vợ của ta”, Bloktự hứa phải trả xong món nợ tinh thần với nước Nga đã sinh thành và nuôi dưỡng mình trở thành một nhà thơ-công dân: Ròng rã hơn nửa năm trời từ ngày 7/6/1908 đến 23/12/1908 với quyết tâm bền bỉ đến ngạc nhiên Blok đã hoàn thành bài thơ dài Trên bãi chiến trường Kulikovo để dâng tặng nước Nga và nhân dân Nga.
Sau khi viết xong bài thơ tuyệt tác này Blok đã nói to từ trên diễn đàn, đoán trước sắp tới trên đất nước Nga sẽ xảy ra những biến cố dữ dội hơn, hào hùng hơn so với biến cố lịch sử năm xưa: “Ðúng, chúng ta đang ở ngày hôm trước của những biến cố và tất cả những gì một lần, hai lần, ba lần không thành công thì lần thứ tư sẽ thành công”. Thời gian này ở Blok dòng máu công dân trội hơn, lấn át dòng máu quý tộc, Blok đã dành những lời thơ đằm thắm, da diết của một đứa con được sống trong chiếc nôi rộng lớn là nước Nga thân yêu để nói về Tổ quốc trong mạch thơ trữ tình yêu nước:
Ôi nước Nga cùng khổ, nước Nga
Người là những nhà gỗ xám ngắt trong ta
Như giọt lệ đầu khi tình yêu đến
Người là những bài ca theo gió lan xa.
Cuộc cách mạng lần thứ nhất thất bại đã gieo vào lòng nhà thơ một tâm trạng nặng nề, và có lần chính Blok phải thốt lên sự thất bại đó đã giết đi “những hy vọng tốt đẹp nhất” của nhà thơ. Nhưng nhà thơ không mất lòng tin ở tương lai. Nước Nga trong thơ Blok được miêu tả trong sự vận động đi tới, trong viễn cảnh lãng mạn đầy hy vọng.
Blok viết: “Tôi muốn hành động, tôi cảm thấy ngọn lửa đang đến gần, cuộc sống không chờ đợi (mà cũng không kịp chờ đợi nữa – ngọn lửa tự nó bay đến), tôi muốn căm giận thật nhiều, tôi muốn cứng rắn hơn… Cái cũ đang sụp đổ… Giá mà anh biết được gương mặt nông thôn Nga. Có ai đó bắt đầu trao cho tôi vũ khí. Một thời kỳ hệ trọng làm sao! Vĩ đại làm sao! Ôi sung sướng” (Thư của Blok gửi Evgheni Ivanov, 25/6/1905).
Ðến năm 1913 thì Blok đã viết những lời tiên đoán quả quyết về nước Nga Tổ quốc mình: “Có một nước Nga thoát thai từ một cuộc cách mạng đang say mê nhìn về đôi mắt của một cuộc cách mạng khác có lẽ còn khủng khiếp hơn”. Ðêm trước của Cách mạng Tháng Mười đã thành vầng sáng, thành lực hút mạnh mẽ đối với nhà thơ yêu nước. Ông tham gia Ðại hội lần thứ nhất các Xô-viết công nhân và binh sĩ vào mùa hè năm 1917, sau đó tham gia Hội nghị đại biểu giới trí thức văn nghệ họp ở Cung điện Xmonnưi. Cách mạng Tháng Mười Nga đã truyền cho nhà thơ cảm hứng cao độ phải ghi lại bằng thơ một cái gì đó rất đặc trưng cho thực tại nước Nga lúc bấy giờ. Blok thấy rõ cách mạng là sức mạnh của chủ nghĩa tập thể.
Nhật ký đầu năm 1918 của Blok viết: “Cách mạng, đó là tôi – không phải một mình tôi, mà là chúng tôi. Bọn phản động – đó là sự lẻ loi, sự bất tài”. Cảm hứng trào dâng khiến Blok viết một mạch hai mươi ngày liền và tháng Giêng năm 1918 nhà thơ đã hoàn thành một kiệt tác chân thực về Cách mạng Tháng Mười Nga – đó là trường ca Mười hai.
Trường ca Mười hai là đỉnh cao trong sáng tác của Blok, là trường ca đầu tiên viết về cách mạng vô sản ở nước Nga, về cuộc xung đột giữa thế giới cũ và thế giới mới, sự tất yếu sụp đổ thế giới cũ và sự bắt đầu một kỷ nguyên mới ở nước Nga.
Trường ca Mười hai miêu tả hình tượng nước Nga trong những ngày sôi động ở Petrograd. Hình tượng cơn bão tuyết tượng trưng cho cách mạng. Trận gió, cơn giông, cơn rét thấu xương – đó là những hình tượng mà Blok ưa thích sử dụng khi muốn truyền cảm giác tràn đầy trong sự chờ đợi những biến cố phi thường.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên Blok dùng hình tượng trận gió cuốn để mở đầu bản trường ca, hình tượng này xuyên suốt bản trường ca và đồng hành với mọi ý nghĩ của nhà thơ trong những ngày cách mạng dữ dội. Nước Nga mới đứng lên với trận gió cuốn xô ngã nhào những kẻ đại diện thế giới cũ thối nát, từ những cha cố, những tên tư sản, thằng cha văn sĩ đến cô tiểu thư, gái điếm. Trong đêm trường gió cuốn chỉ còn lại mười hai đội viên Cận vệ Ðỏ của đội tuần tra cách mạng đang vững bước đi với gương mặt đanh thép. Trong hình tượng nước Nga đang tiến bước mười hai chiến sĩ hướng về lá cờ đỏ thắm phía trước dẫn đầu đoàn quân: Hãy giữ vững bước đi cách mạng! Ðiệp khúc này như lời kêu gọi âm vang trong lòng người khi được nhà thơ cố ý nhắc đi nhắc lại trong bản trường ca. Hơi thở cách mạng hừng hực, tiếng bước đi rầm rập của đoàn quân cứ thế như vang lên dồn dập, hân hoan: Hãy giữ vững bước đi cách mạng! Bởi kẻ thù đâu chịu ngủ yên/ Bước cách mạng hãy đi cho vững/ Kẻ thù ngoan cố vẫn kề bên!. Bằng cách đó Blok đã đưa vào trường ca những gương mặt khác nhau của các tầng lớp nhân dân yêu nước sẵn sàng tham gia cách mạng. Họ chính là những người làm nên lịch sử và là những người đại diện xứng đáng cho nước Nga đã rũ sạch ách thống trị của chế độ chuyên chế.
Nước Nga
Bây giờ lại như những tháng năm vàng Ôi nước Nga, ôi nước Nga nghèo khó Xót thương Người ta không biết làm sao Mặc cho ai dụ dỗ, dối lừa Thôi đành thế. Một nỗi lo nhiều hơn Thành có thể cả điều không thể tưởng Aleksandr Blok (1908) |
Coi mình là phần nhỏ bé máu thịt của Tổ quốc, Blok đã trở thành nhà thơ đích thực của nước Nga. Dù là sáng tác thơ về đề tài tình yêu, cuộc sống riêng tư, đề tài nhân dân hay đề tài Tổ quốc, lúc nàoBlok cũng khẳng định không thể có một thế giới nghệ thuật nào tự nó tách riêng ra, dù thế giới ấy là thế giới tâm tình của riêng đôi lứa.
Với 41 tuổi đời, trong đó thực sự chỉ hơn hai mươi năm cống hiến cho Thơ, A. Blok đã để lại cho đời một khối lượng thơ trữ tình đồ sộ còn lại mãi với thời gian, trong đó thơ về đề tài Tổ quốc là những vần thơ đằm thắm được viết nên với ý thức trách nhiệm cao của một nhà thơ-công dân.
Blok đã trở thành nhà thơ của nước Nga, sống với đời sống của nước Nga, nhà thơ của nhân dân khi ông thực sự hướng cái mộng mơ, cái trữ tình hòa chung nhịp thở với cuộc sống và thời đại để trở thành nhà thơ “cùng xương thịt với nhân dân của tôi” (Xuân Diệu) của nước Nga thân yêu.
Theo PGS.TS NGUYỄN XUÂN HÒA / NHÂN DÂN ONLINE
Tags: Văn học, Văn hóa Nga, Aleksandr Blok