Nghệ thuật thu phục lòng người của các vĩ nhân lịch sử Việt Nam

Sự thành công và thành danh của các vĩ nhân lịch sử Việt Nam ngoài yếu tố nhân cách, tài năng, còn là sự sáng suốt mưu lược trong nhận thức và hành động để thu phục nhân tâm.

Nghệ thuật thu phục lòng người của các vĩ nhân lịch sử Việt Nam

Tượng đài vua Lý Thái Tổ ở thành phố Bắc Ninh.

Sự thành công và thành danh của các danh nhân trong sử Việt, ngoài yếu tố nhân cách và tài năng đã được họ phát huy cao độ để giải quyết những yêu cầu lịch sử của thời cuộc, thì còn là sự sáng suốt mưu lược trong nhận thức và hành động để thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng, tạo niềm tin cho dân chúng về sự cần thiết phải đi theo hay ủng hộ bậc vĩ nhân của thiên hạ. Từ đó, nhiều mưu hay kế lạ đã được họ triển khai dưới những dạng thức độc đáo và thu được hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.

Lý Thái Tổ: Đốt chài lưới, thả tù nhân, biểu thị nền nhân chính của tân triều

Lý Thái Tổ là Hoàng Đế sáng nghiệp triều Lý (1009-1226). Tháng 11/1009, được sự hậu thuẫn của lực lượng Phật giáo trong nước và sự tôn phò của bá quan, ông được đưa lên ngai vàng, thay thế triều Tiển Lê trị vì đất nước.

Lý Thái Tổ lên ngôi giữa lúc tình hình xã hội khá rối ren do cách cai trị kiểu bạo chính của Lê Ngọa Triều (Hoàng Đế cuối cùng nhà Tiền Lê) gây ra. Bấy giờ, nhân dân nhiều nơi đói khổ, nhiều địa phương xa kinh đô không thần phục triều đình, trong ngục tù đầy rẫy phạm nhân. Lý Thái Tổ là người nhân từ độ lượng, vừa có uy vừa có đức trong mắt người đương thời. Nay ông làm vua thiên hạ thì sẽ trị nước như thế nào và sẽ làm gì để xã hội được thái bình yên vui? Đó là vấn đề lớn mà người trong nước ai cũng ngóng trông.

Lý Thái Tổ là người cao minh, ông biết rõ người dân đang trông đợi điều gì. Sau khi ban thưởng, phong chức tước cho triều thần và ban chiếu đại xá, ông đã có hai quyết định quan trọng. Một là hạ lệnh thu gom một lượng lớn chài lưới rồi đem đốt ngay giữa hoàng thành. Hai là thả ngay 28 tù nhân người thiểu số bị Lê Ngọa Triều bắt trước đây, cấp áo quần lương thực đầy đủ để họ về quê.

Hai hành động trên dù nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đốt bỏ chài lưới, Lý Thái Tổ muốn tỏ rõ tính khoan dung, nhân trị của tân triều. Không chỉ con người được giải phóng mà đến các loài chim cá cũng được giải thoát. Việc trả tự do cho 28 người Man cũng là cách nêu cao đường lối nhân chính của triều đại mới. Hành động này ở một mức độ nào đó còn góp phấn xoa dịu sự bất bình, chống đối triều đình của các tộc người thiểu số và các địa phương xa trong nước.

Với hai hành động nhỏ nhưng đầy toan tính sâu xa, Lý Thái Tổ đã bày tỏ đường lối trị nước một cách nhẹ nhàng, cụ thể và thuyết phục. Muôn dân đồng lòng đi theo tân triều. Nhờ đó, sau 18 năm trị vì, ông đã tạo lập được nền móng vững chắc cho sự hưng thịnh và tồn tại dài lâu của triều Lý trong lịch sử. Đánh giá về sự nghiệp của Lý Thái Tổ, sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỉ XV đã hết lời ngợi khen:

“Có đức tất có ngôi, bởi vì lòng người quy phụ. Lại nhằm sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược, mà Lý Tổ thì vốn tiếng khoan nhân, trời tìm người làm chủ dân, dân theo về người có đức, trừ Lý Tổ ra thì còn ai hơn nữa? Xét ra vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp kẻ phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ yên lành, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương” (Đại Việt sử kí toàn thư).

Trần Quốc Tuấn: Hành động nhỏ khiến anh em đoàn kết, triều đình tin tưởng

Đại danh tướng, anh hùng chống Mông Nguyên Trần Quốc Tuấn xuất thân là hoàng tộc cao quý, cháu gọi vị Hoàng Đế mở nghiệp nhà Trần (Trần Thái Tông) bằng chú. Dẫu vậy, sự nghiệp của ông không được suôn sẻ ngay từ đầu, mà gặp những trắc trở khó khăn bởi mối ân oán do đời trước để lại.

Thân phụ của Trần Quốc Tuấn – An Sinh Vương Trần Liễu – suốt đời ôm theo mối hận bị em trai (Trần Thái Tông) cướp vợ. Trước khi mất, ông cầm tay Trần Quốc Tuấn dặn đi dặn lại, rằng nhất định phải giành lấy thiên hạ, có thế ông mới nhắm mắt được. Trần Quốc Tuấn ghi nhớ kĩ nhưng không cho lời cha là phải.

Trần Quốc Tuấn được Trần Thái Tông phong tước Hưng Đạo Vương, đối đãi trọng hậu. Ông cũng dốc lòng phò tá nhà vua. Nhưng một số đại thần triều đình vẫn không khỏi lo ngại, sợ rằng Trần Quốc Tuấn sẽ tìm cách trả thù cho cha. Ngay cả hoàng tử thứ ba của Thái Tông là Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải cũng không ưa gì ông anh con nhà bác này.

Năm 1285, giặc Mông Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Vua Trần Thánh Tông (con Trần Thái Tông) phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế chỉ huy quân đội cả nước. Trần Quang Khải được phong làm Thượng Tướng Thái Sư, địa vị trong quân đội chỉ kém Trần Quốc Tuấn. Vấn đề là giữa hai người anh em con chú con bác này có hiềm khích với nhau, liệu rằng họ có đồng lòng chung sức chống thù không? Vì sự an nguy của xã tắc, Trần Quốc Tuấn thấy oán thù nên cởi không nên kết, vì thế ông quyết định làm hòa với Trần Quang Khải. Bằng cách nào? Sách Đại Việt sử kí toàn thư kể lại:

“Có một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng Tướng”. Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc Công tắm rửa cho”. Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà”.

Tự tay tắm cho Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn đã chân thành bộc lộ ý muốn xóa bỏ hiềm khích giữa đôi bên. Trần Quang Khải thông minh nhận rõ sự việc và cũng không hẹp bụng chối từ. Sau lần ấy, hai người rất thân thiết với nhau, cùng dốc chí chống giặc giữ nước.

Cũng từ khi nắm quyền Quốc Công Tiết Chế, Trần Quốc Tuấn thường theo hầu bên cạnh vua Trần. Ông thường cầm theo cây gậy có sắt nhọn bịt ở đầu. Các quan trông thấy ai cũng nghi ngại, đề phòng, sợ răng ông nhớ mối thù cha mà dùng gậy làm hại nhà vua. Trần Quốc Tuấn tinh ý nhận ra thái độ ngờ hoặc ấy nên đã tháo bỏ sắt nhọn, chỉ đem theo cây gậy không. Từ đó triều thần hết nghi ngờ và càng tin tưởng vào tấm lòng trung quân ái quốc của ông.

Chỉ với hai hành động nhỏ, Trần Quốc Tuấn vừa chứng tỏ được lòng thành, cởi bỏ mối cừu thù đời trước, vừa tạo được đồng tâm nhất trí nơi nội bộ triều đình và hoàng thất để tạo nên một đầu não chỉ huy kháng chiến đoàn kết và đầy sức mạnh, kiên quyết đối đầu với tham vọng xâm lăng đến từ phương Bắc.

Trần Nhân Tông: Câu nói khuyến tiến khiến ba quân thêm hăng hái

Trần Nhân Tông (trị vì 1278-1293) là Hoàng Đế thứ ba của nhà Trần. Ông được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi để lên làm Thái Thượng Hoàng rồi cả hai cha con cùng chung tay điều khiển chính sự.

Dưới thời Trần Nhân Tông, quân dân nhà Trần đã phải hai lần chống giặc Mông Nguyên xâm lược vào năm 1285 và 1288. Năm 1285, 50 vạn quân Nguyên ồ ạt tiến vào nước ta. Trần Nhân Tông cùng triều đình tạm thời bỏ kinh thành, thực hiện cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội phản công. Khi thời cơ đến, quân nhà Trần tiến hành tổng phản kích trên tất cả các mặt trận. Trần Nhân Tông cùng vua cha cũng thân chinh cầm quân.

Tháng 6/1285, dưới sự chỉ huy của Trần Nhân Tông, quân Trần đánh trận Tây Kết (Hưng Yên) lần thứ hai. Quân Nguyên do hai đại tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi cầm đầu. Hai bên giao chiến kịch liệt. Cuối cùng quân Nguyên đại bại. Toa Đô bị chém đầu, Ô Mã Nhi trốn biệt về nước.

Thủ cấp viên tướng giặc được dâng lên. Chính vào lúc nhìn thấy đầu kẻ thù, Trần Nhân Tông đã có lời nói và hành động vừa thể hiện sự nhân đức của bậc đế vương vừa mang dụng ý khuyến khích tinh thần quân sĩ rất rõ. Ông nói: “Người làm tôi thì nên như thế này” và cởi áo đang mặc bọc lấy cái thủ cấp, sai người đem chôn tử tế.

Toa Đô là viên tướng giặc, nhưng đối với vua Nguyên hắn là một trung thần hết lòng phụng sự chủ cho đến chết. Thời ấy, vua là chủ của nước, trung với vua là nghĩa lớn của người làm tôi. Trần Nhân Tông cảm tấm lòng trung của Toa Đô và cũng muốn khuyến tiến tướng sĩ nên mới nói ra câu ấy. Chính nhà sử học Ngô Sĩ Liên sống sau đó 200 năm cũng nhận thấy dụng ý ấy và có lời bình luận rằng:

“Than ôi! Câu nói ấy của vua chẳng phải là câu nói của đế vương ư? Nói rõ đại nghĩa để cho người bề tôi muôn đời biết trung với vua chết vì nước là vinh, tuy chết mà tiếng không mất, quan hệ lớn lắm. Huống chi lại cởi áo khiến khâm liệm mà chôn. Có thể phấn khởi khí sĩ tốt để trừ giặc mạnh là phải lắm” (Đại Việt sử kí toàn thư).

Lê Lợi, Nguyễn Trãi: Khôn khéo tạo dư luận về mệnh đế vương của người thủ lĩnh đất Lam Sơn

Đầu thế kỉ XV, giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta. Nhân dân nhiều nơi vùng dậy khởi nghĩa nhưng đều bị đàn áp đẫm máu. Người thủ lĩnh đất Lam Sơn (Thanh Hóa) là Lê Lợi không vì thế mà khiếp sợ, đêm ngày vẫn đau đáu suy tư tìm cách cứu nước diệt thù.

Lê Lợi là thủ lĩnh của một vùng, thuộc hạ và những người ủng hộ không phải là ít, thế lực không phải là quá nhỏ, nhưng chỉ bấy nhiêu mà đương đầu với quân Minh đông đảo và hung bạo, lại đã chiếm được cả đất nước thì có khác gì lấy trứng chọi đá? Nhưng nếu vì thực lực nhỏ yếu mà kêu gọi nhân dân cùng Lê Lợi đứng dậy thì liệu có mấy ai theo, khi mà tiếng tăm của ông chưa thể bao trùm cả nước, mà tai mắt quân thù có khắp nơi, không may việc bại lộ thì đại sự khó thành. Do vậy, việc cần thiết là phải tìm cách nâng cao uy tín, hình ảnh của Lê Lợi một cách nhanh chóng và gây được ấn tượng mạnh với nhân dân, để họ hoàn toàn tự nguyện đi theo ông. Trên cơ sở cân nhắc như vậy, Lê Lợi và những người thân tín đã vạch ra một kế hoạch nhằm ngấm ngầm tuyên truyền trong dân về chân mệnh đế vương của ông, về thiên ý đã lựa chọn ông là vị cứu tinh của đất nước.

Kế hoạch ấy biểu hiện ra bên ngoài bằng những sự việc ngỡ như là ngẫu nhiên tình cờ nhưng lại có liên hệ với nhau, khiến người ta phải tin theo và tự động loan truyền. Kế hoạch ấy được sách Đại Việt thông sử (Thái Tổ thượng) chép lại dưới dạng câu chuyện như sau:

“Thời ấy người phường chài ở sách Mục Sơn là Lê Thận, đêm nào cũng thấy khoảng sông Lam Xuyên có luồng ánh sáng như bó đuốc cháy, rồi hơn một tháng sau, bỗng chài được một thanh sắt dài hơn một thước, hình tựa thanh đao cũ, đem về để trong nhà, ngay hôm ấy Hoàng Đế (chỉ Lê Lợi) đến nhà y, thấy trong nhà tối có một luồng ánh sáng, liền tới chỗ đó lấy thanh đao đem về, về đến nhà, không phải mài mà sáng như đao mới, nhận thấy có hàng chữ triện khắc trên thân đao, biết là một thanh bảo kiếm. Đêm hôm sau, có trận mưa gió, sáng ra, thấy trong vườn rau có lốt chân thần in trên lá rau, Hoàng Đế sai người vẽ hình vết chân ấy. Ngày hôm sau, Hoàng Hậu (vợ Lê Lợi) ra vườn hái rau, đến chỗ cây rau có hình bàn chân, bỗng được một quả ấn báu, bề dài bề rộng ngay ngắn, mặt quả ấn khắc mấy chữ lối triện, trên quả ấn khắc đích họ tên Hoàng Đế, nhận kĩ mới rõ. Hoàng Đế biết rõ bảo vật của trời đất ban cho, bèn cúi đầu lạy tạ. Ngày hôm sau, bỗng được cái chuôi thanh kiếm ở cây đa, rửa sạch đất cát đi, thấy có khắc hình con rồng và con hổ, và hiện ra hai chữ “Thanh Thúy”, đem lắp vào thanh kiếm đã bắt được hồi trước, vừa vặn không sai tí nào, càng tin là vật thần cho”.

Từ đó tin tức Lê Lợi được trời trao cho ấn kiếm không cánh mà bay, được nhân dân Lam Sơn và nhiều vùng lân cận không ngừng bí mật truyền tai nhau. Xã hội thời ấy còn rất mê tín, rất tin vào những việc liên quan đến thánh thần, thiên mệnh nên không mấy ai nghi ngờ việc Lê Lợi nhận được mệnh trời. Bởi đó, dân chúng nhiều nơi đã hồ hởi theo về với Lê Lợi, nhiều hào kiệt tài cao chí cả cũng hăm hở tìm đường đến Lam Sơn.

Trong số những người đến với Lê Lợi có Nguyễn Trãi. Là người thông minh mưu lược, kiến văn quảng bác, Nguyễn Trãi tất nhiên biết rõ sự thật phía sau câu chuyện ấn và kiếm kia. Nguyễn Trãi cũng biết rõ đó là điều phải làm để quy tụ lực lượng chờ ngày phất cờ nổi dậy. Do vậy ông rất tán đồng cách làm của Lê Lợi và sau đó cùng với Lê Lợi bàn tính rồi triển khai một số hành động tiếp theo nhằm tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn hơn, làm gia tăng niềm tin cho trăm họ về chân mệnh thiên tử của Lê Lợi. Sách Tang thương ngẫu lục cho hay:

Nguyễn Trãi “lấy mỡ viết khắp lá cây trong rừng: Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi). Sâu và kiến ăn mỡ đục thành nét chữ. Kẻ đi kiếm củi thấy thế cho là chuyện thần linh. Người nọ bảo người kia, nhân thế theo về ngày một nhiều”.

Bởi mưu kế đó của Nguyễn Trãi, số người theo về dưới trướng Lê Lợi ngày càng đông, đủ cả anh tài khắp mọi miền đất nước, thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Đó là cơ sở đế đến năm 1416, Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai, thực chất là buổi ra mắt bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa trong tương lai dưới dạng đặc biệt. Ngày mùng hai tết Mậu Tuất (1418), khi mọi thứ đã sẵn sàng, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, chính thức giương lên ngọn cờ bình Ngô đầy chính nghĩa.

Lý Thái Tổ, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng nhiều nhân vật xuất chúng khác trong lịch sử là những người đã biết căn cứ vào đòi hỏi cụ thể của thế cuộc để vận dụng trí mưu, xếp đặt hành động, thi hành kì mưu dị kế, bề ngoài có vẻ giản đơn tự nhiên nhưng chứa đựng những tính toán và mục đích cao xa khôn ngoan. Mục đích đạt thành chẳng những giúp họ dần vươn đến vinh quang của sự nghiệp mà còn có tác dụng thúc đẩy sự tiến lên của lịch sử một cách khả quan rõ rệt.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,