Những giai thoại về lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn

Có tượng đồng đặt tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng Giải phóng quân Trung Quốc (Bắc Kinh). Tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 2 con đường mang tên ông – Nguyễn Sơn – viên tướng duy nhất trên thế giới làm tướng của 2 quốc gia…Những giai thoại về lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn

24 tuổi Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn

Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh năm 1908 được cha mẹ nuôi ăn học trong những trường tiểu học, trung học danh tiếng ở Hà Nội (như Trường Đỗ Hữu Vị, Bưởi…). Khi đang học Trường Sư phạm nội trú Hà Nội, ông tham gia cách mạng và được kết nạp tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1925 được Nguyễn Công Thu – giao thông của đồng chí Nguyễn Ái Quốc – đưa ông đến Quảng Châu dự lớp học chính trị đặc biệt.

Từ năm 1927 đến 1945 Nguyễn Sơn tham gia cách mạng Trung Quốc lập nhiều thành tích xuất sắc, được bổ nhiệm nhiều chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn và làm chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34,Quân đoàn 12 Hồng quân lúc mới 24 tuổi.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần II nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa (tháng giêng-1934), ông được bầu làm Ủy viên Trung ương.

Từ năm 1946 đến năm 1950 ông về nước lần lượt nhận các nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung bộ, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi, Khu trưởng Chiến khu IV…

Từ giai thoại

Có ông tướng khi luyện tập đội ngũ, sau khi hô: “Đằng trước… thẳng!” là rút súng kê ngay tai người đứng hàng đầu bắn một phát để so hàng xem đã thẳng chưa? Ai phía sau còn chưa ngay hàng là…lãnh đủ (!).

Cũng có chuyện ông tướng này bắn bách phát, bách trúng, từng bắn văng điếu thuốc lá trên môi một đồng đội đang ngồi vừa hút thuốc, vừa câu cá…

Chuyện kể ở khu IV có bà đi chợ về, đường hẹp lại gặp một ông” râu én mày ngài” đi xe đạp cuốc ngược chiều, cái ghi-đông vểnh ra như sừng trâu, bà mắng: đi nghênh ngang như ông tướng. Ông nọ vội xuống xe đứng nép một bên nhường đường chờ bà ta đi qua mới cười vang: thì tướng chứ còn ai. Nhận ra là Tướng Nguyễn Sơn, bà há hốc miệng rơi cả quang gánh.

Chuyện kể sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cấp trên có chỉ thị tẩy chay hàng hóa ngoại quốc, nhưng Nguyễn Sơn suốt đời chỉ nghiện hút một loại thuốc lá thơm Phillip Morris. Thèm thuốc, ông đi tận ra ngoài đê hút. Chẳng may có anh du kích đứng ngược chiều gió ngửi mùi thuốc lạ bèn tiến tới mắng mỏ đòi tịch thu gói thuốc lá. Người cận vệ của ông vội chạy tới quát: Anh có biết đây là Khu trưởng không ? Chàng du kích giật mình rơi cả súng. Nguyễn Sơn nhặt súng trao lại rồi vui vẻ dập điếu thuốc hút dở và móc bao thuốc trong túi áo giao nộp rồi quay lại ôn tồn giải thích cho người cận vệ: Anh du kích này thực hiện đúng quy định, ta phải chấp hành…

Trong cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng quân Trung Quốc nhằm giải vây, bảo toàn lực lượng, lập căn cứ mới thuận lợi hơn đã mất hơn một năm, trải dài hai vạn năm ngàn dặm. Có người nói: Lúc đi 72 vạn người, đến nơi còn 7 vạn 2, để diễn tả nỗi gian truân, vất vả đến cùng cực khi phải vượt qua núi tuyết, vượt qua đồng cỏ mênh mông hoang vắng. Vậy mà Nguyễn Sơn đi tới 3 lần trên con đường ấy để tiền trạm và giải quyết thương bệnh binh. Gần 2 năm trời hành quân có lúc đi môt mình, lạc đường đến vùng dân tộc thiểu số ông phải giả câm xin chăn dê để có cơm ăn, dưỡng sức tìm đường. Về tới Diên An gầy ốm như một bộ xương, quần áo rách te tua không ai còn nhận ra.

Những năm tháng gian khổ ấy ông còn bị khai trừ Đảng 3 lần vì đấu tranh với những điều sai trái và bị vu cáo là phản động, là gián điệp quốc tế, có lúc suýt bị chặt đầu. Nhưng cấp trên nhận ra sai trái lại khôi phục Đảng tịch cho ông.

Ngày 29/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong Nguyễn Sơn quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 27/9/1955, Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai ký lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Hồng Thủy, khi ấy là xã trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Huấn luyện Chiến đấu, thuộc Bộ Tổng Giám huấn luyện Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.

.

Vị tướng mê Kiều

Trong lãnh vực văn hóa- nghệ thuật, chính Nguyễn Sơn là ngưòi bênh vực, bảo vệ, cho khôi phục các hình thức sân khấu tuồng, chèo vì sau Cách mạng tháng Tám bị những người hữu khuynh toan dẹp bỏ. Ông chi tiền để nhân dân Thanh Hóa dựng lại Hội Múa dân gian cổ truyền. Ông mời Đinh Ngọc Liên – Quản Liên vốn chỉ huy đội kèn Bảo an của Bảo Đại-trao nhiệm vụ khôi phục lại đội kèn, bây giờ là đoàn quân nhạc của quân đội ta.

Có chuyện mà nhiều người còn giữ ấn tượng sâu sắc: vô tình nghe Trương Tửu lên lớp giảng truyện Kiều cho học sinh với quan điểm phê phán Thúy Kiều là bị bệnh “ủy hoàng” (bệnh lý về sinh dục), Nguyễn Sơn cho tập trung tất cả học sinh lớp lớn, trong đó có lớp chuyên khoa Văn, rồi suốt một ngày hôm đó Nguyễn Sơn say sưa giảng lại Truyện Kiều, ông làm cho học sinh hiểu rõ Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt tác của dân tộc mà bất kỳ người dân Việt Nam nào khi đọc cũng thông cảm và rung động sâu sắc. Ông kịch liệt phê phán quan điểm của Trương Tửu.

Chuyện ông tướng quân sự mà giảng về kịch Lôi Vũ suốt mấy buổi liền vẫn hấp dẫn người nghe. Đến người dịch Lôi Vũ từ tiếng Trung qua Việt ngữ – Đặng Thai Mai – nghe xong cũng phải thốt lên lời khâm phục sự uyên thâm văn học của Nguyễn Sơn.

Chuyện có người lập miếu thờ Nguyễn Sơn trên núi Hồng Lĩnh –Nghệ An. Người hàng ngày trông nom là một sĩ quan đặc công đã nghỉ hưu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cộng sản kiên định, một con người có khí phách, có chút ngang tàng, có khả năng về chính trị, về tuyên truyền, về văn nghệ. Anh lại có phong cách rất riêng – rất là Nguyễn Sơn. Anh coi trọng bạn bè, coi trọng con người, coi trọng bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như trong lòng mỗi người chúng ta, anh vẫn còn sống mãi với hình ảnh một người cộng sản kiên định, một người bạn, người đồng chí, một người chiến hữu thân thiết và rất mực chân thành, suốt đời phục vụ sự nghiệp cách mạng của nước ta và nước bạn.

.

Theo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Tags: , ,