⠀
Giải mã các chứng bệnh lạ lùng của vua chúa Việt
Nhờ ánh sáng y học hiện đại, những chứng bệnh bí ẩn của nhiều bậc vua chúa trong lịch sử đã được phơi bày.
Bệnh hóa hổ của vua Lý Thần Tông
Lý Thần Tông (1116 – 1138), là vị vua thứ năm của nhà Lý. Theo các giai thoại, lúc cuối đời vua đã mắc một chứng bệnh rất lạ.
Vào một ngày nọ, vua bỗng thấy ngứa ngáy khắp cả mình mẩy, càng gãi bao nhiêu thì lông càng mọc bấy nhiêu. Rồi vua hóa thành chúa sơn lâm, tính khí cuồng loạn, hay gầm gừ đáng sợ, ngồi xổm vồ người khác. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó.
Không thầy thuốc nào chữa khỏi căn bệnh quái ác này. Triều đình phải sai sứ giả đi khắp dân gian, tìm người tài giỏi về chữa bệnh cho vua. Đến vùng Ninh Bình thì có nhà sư Nguyễn Minh Không nhận chữa.
Sư Minh Không đến triều đình, vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó”. Sư lấy tay mò trong đảnh lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: “Quí là trời”. Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ.
Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, không lấy thuế ruộng.
Theo quan điểm của y học hiện đại thì căn bệnh của vua Lý Thần Tông là có thật. Đó chính là căn bệnh rậm lông, tên khoa học là Hypetrichose, thuộc dạng dị loạn: người bệnh bỗng nhiên ngứa ngáy rồi lông mọc khắp người, càng ngứa càng gãi thì lông lại càng mọc nhiều. Nhiều bệnh nhân bị chứng bệnh tương tự vua Lý Thần Tông bị gọi là “người sói”.
Chính căn bệnh này gây tâm lý bực bội, khó chịu, bẳn gắt khiến nhà vua hay quát tháo, được mô tả là “tiếng như hổ gầm”. Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp và khó chữa. Vì vậy, nếu cách đây gần 900 năm sư Minh Không chữa lành được cho vua thì quả là một kỳ tích.
Chứng tâm thần của vua Lê Long Đĩnh
Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông thường được mô tả như một hoàng đế cực kỳ tàn bạo, hoang dâm.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép về vua Lê Long Đĩnh như sau:
“Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần hết, hoặc sai kép hát người nước Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: ‘Nó không quen chịu chết’. Vua cả cười.
Đi đánh dẹp bắt được tù binh thì đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết, vua thân đến xem, lấy làm vui.
Có lần vua đi đến sông Ninh, sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau.
Có lần vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong, lấy đầu mèo dâng lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích.
Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”…
Có ý kiến nhận xét rằng chỉ có những người mắc bệnh tâm thần, với một đầu óc bệnh hoạn mới tưởng tượng ra các trò tiêu khiển ghê rợn kể trên.
Theo giáo sư – bác sĩ Bùi Minh Đức, vua Lê Long Đĩnh có bệnh tâm thần với tên khoa học ngày nay là “chứng bệnh loạn dâm gây đau và thích đau”. Đây là chứng bệnh bạo hành tâm thần, khiến cho người mắc phải muốn tìm kiếm khoái cảm khi làm cho người khác đau đớn về thể xác cũng như tinh thần.
Cơn đột quỵ của hoàng đế Quang Trung
Trong sử sách nhà Nguyễn, cái chết của hoàng đế Quang Trung được miêu tả khá chi tiết và nhuốm màu sắc kỳ bí:
“Một buổi chiều, vua Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm tối tăm, thấy một ông già đầu bạc mặc áo trắng từ trên không trung hạ xuống, tay cầm thiết bảng mắng rằng: Cha ông ngươi sống trên đất của các chúa, đời đời làm dân của chúa, ngươi sao dám phạm đến lăng tẩm?
Nói xong, lão lấy thiết bảng đập vào trán vua Quang Trung. Vua Quang Trung mê man ngã xuống, hồi lâu mới tỉnh và kể lại với quan Trung thư Trần Văn Kỷ.
Từ đó, bệnh của vua Quang Trung chuyển nặng. Vua gọi quan Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Quang Diệu về bàn bạc để dời đô về Nghệ An. Bàn bạc chưa xong thì Thế tổ Cao hoàng Nguyễn Ánh đã lấy lại được Gia Định và chiếm Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh với thanh thế chấn động.
Vua Quang Trung nghe được lo buồn mà bệnh ngày càng tăng, liền gọi bọn Quang Diệu vào dặn rằng: Ta mở rộng bờ cõi chiếm cả vùng Nam phục này, nay vì bệnh tật mà ắt không dậy được. Thái tử tư chất khá cao nhưng tuổi còn bé, ngoài thì có mối thù với nước Gia Định, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già ham dật lạc không lo hậu họa. Khi ta thác rồi, việc chôn cất phải sơ sài trong một tháng cho xong mà thôi. Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm rời về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Nếu không, như thế thì binh Gia Định đến bọn ngươi không có chỗ chôn.
Bọn Diệu cùng khóc mà nhận lệnh, rồi giết ngựa bạch mà thề.
Ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung băng, ở ngôi được 5 năm, thọ được 40 tuổi”.
Theo giải thích của mô tả này, cơn bệnh đột ngột dẫn tới cái chết của vị hoàng đế Tây Sơn là sự trừng phạt cho việc “Nguyễn Huệ tàn ngược vô đạo, lúc đô thành Phú Xuân bị chiếm, các tôn lăng của chúa Nguyễn đều bị xâm phạm”.
Theo các nhà y học hiện đại, nếu gạt bỏ những yếu tố hoang đường và dụng ý chính trị thì những mô tả trong sử nhà Nguyễn đã hé mở phần nào nguyên nhân dẫn đến cái chết của vua Quang Trung. Theo đó, nhiều khả năng ông đã bị suy sụp bởi một cơn tăng huyết áp đột ngột và qua đời vì tai biến mạch máu não.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Vua chúa Việt Nam, Giai thoại lịch sử, Sức khỏe, Tổng quan sử Việt