⠀
Hồi giáo trong chiến lược của trùm phát-xít Hitler
Đức quốc xã muốn các lực lượng Hồi giáo sẽ chứng tỏ là những đồng minh quan trọng của Berlin, song các tín đồ của thánh Allah chỉ trở thành nỗi thất vọng lớn của Đệ tam Đế chế.
Công cụ hóa đạo Hồi
Tunis, ngày 19/12/1942. Đây là ngày Eid al-Adha, Lễ hiến sinh của người Hồi giáo. Việc Thống chế Đức Erwin Rommel (1891-1944) rút quân khỏi Bắc Phi đã biến thành phố này thành một doanh trại quân đội khổng lồ. Vào cuối buổi chiều, một đoàn xe mô tô Đức gồm 4 chiếc di chuyển chậm rãi, nghiêm trang dọc đại lộ Avenue de Paris – tuyến phố chính của Tunis, rời thủ đô để hướng đến thị trấn duyên hải Hamman Lif. Trong đoàn xe có Thượng tướng Hans-Jürgen von Arnim – chỉ huy quân đội Đức ở Tunisia; Rudolf Rahn – Lãnh sự của Hitler ở Tunis và là đại diện dân sự cao nhất của Đức ở Bắc Phi cùng một số nhân vật cấp cao khác của Đức.
Họ sẽ đến thăm Muhammad VII al-Munsif, người trên danh nghĩa vẫn là nhà lãnh đạo của Tunisia, để gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp nhân ngày lễ linh thiêng này và cũng để biểu thị lòng tôn kính đối với đạo Hồi. Phía trước Cung điện mùa Đông ở Hamman Lif, hàng trăm người dân hò reo chào đón đoàn xe trong khi các lính gác Tunisia nghiêm nghị đứng chào. Trong cuộc gặp với Quốc vương, phía Đức cam kết rằng dịp lễ Eid al-Adha tiếp theo sẽ diễn ra trong hòa bình và quân đội Đức sẽ cố gắng hết sức để người Hồi giáo không bị vướng vào chiến tranh. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa quan trọng hơn là việc người Đức công khai thể hiện lòng tôn kính đối với đạo Hồi.
Tại trụ sở của mình ở Tunis, Rudolf Rahn hăng hái đánh điện về hối thúc Berlin tổ chức nghi lễ trọng thể nhân dịp đón lễ Eid al-Adha. Trong những ngày sau đó, bộ máy tuyên truyền của Đức quốc xã lan truyền thông tin khắp Bắc Phi tung hô Đệ tam Đế chế là nước bảo trợ cho đạo Hồi.
Vào lúc cao điểm của Chiến tranh Thế giới thứ 2, giai đoạn 1941-1942, khi binh sĩ của Hitler tiến vào các vùng lãnh thổ của người Hồi giáo ở Bắc Phi, khu vực Balkan, Krym và Caucasus cũng như tiếp cận Trung Đông và Trung Á, giới chức ở Berlin bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của đạo Hồi xét trên khía cạnh chính trị. Trong những năm sau đó, họ đã có những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy hình thành một liên minh với thế giới Hồi giáo nhằm chống lại những kẻ thù chung là Đế chế Anh, Liên Xô, Mỹ và người Do Thái.
Mặc dù vậy, lý do Đệ tam Đế chế can dự với đạo Hồi không phải chỉ bởi các khu vực của người Hồi giáo đã trở thành một phần của những vùng chiến sự mà quan trọng hơn còn vì khi đó, quân đội Đức đang trở nên yếu thế. Ở Liên Xô, chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của Hitler đã thất bại. Khi các lực lượng vũ trang Đức phải chịu sức ép, Berlin bắt đầu tìm kiếm những liên minh chiến tranh rộng rãi hơn, thông qua những việc làm mang tính thực dụng cao. Họ “lấy lòng” người Hồi giáo để bình định những vùng lãnh thổ Hồi giáo đã chiếm đóng và huy động các tín đồ sùng đạo tham chiến bên cạnh quân đội của Hitler.
Giới chức Đức đã ngày càng tích cực can dự với người Hồi giáo từ cuối thế kỷ thứ 19, khi Hoàng đế Đức cai trị những thuộc địa có số lượng người Hồi giáo đáng kể là Togo, Cameroon và khu vực Đông Phi do Đức cai quản (gồm Burundi, Rwanda và phần lục địa của Tanzania ngày nay). Tại đây, người Đức tìm cách sử dụng tôn giáo như một công cụ để kiểm soát. Các tòa án theo hệ thống luật Sharia (hệ thống luật pháp cơ bản của đạo Hồi) được công nhận, các tài sản hiến tặng cho đạo Hồi được giữ nguyên, các cơ sở giảng dạy kinh Koran được hoạt động bình thường và những ngày lễ tôn giáo được công nhận. Giới chức thuộc địa cai trị thông qua các nhà trung gian Hồi giáo, những người mang lại tính hợp pháp cho chế độ thực dân.
Ở Berlin, đạo Hồi thậm chí còn được xem xét tạo điều kiện phát triển theo chính sách đối ngoại của Hoàng đế Đức Wilhelm II trong giai đoạn 1890-1918. Chính sách này được thể hiện rõ nét nhất trong chuyến công du Trung Đông của Wilhelm II năm 1898 và qua bài phát biểu “đầy kịch tính” của ông sau khi thăm lăng mộ Saladin ở Damascus, trong đó ông tự nhận mình là “người bạn” của 300 triệu tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Ngoài ra, Berlin cũng nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo sống ở các đế chế Anh, Pháp và Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Mặc dù tất cả những nỗ lực nhằm mở rộng cuộc thánh chiến vào năm 1914 đã thất bại, song các chiến lược gia Đức vẫn quan tâm nhiều đến nền địa chính trị gắn với đạo Hồi.
Với việc Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và quân đội Đức tiến vào những khu vực của người Hồi giáo, giới chức ở Berlin bắt đầu một lần nữa tính đến vai trò chiến lược của thế giới Hồi giáo. Cuối năm 1941, nhà ngoại giao Eberhard von Stohrer – cựu Đại sứ của Hitler tại Cairo – trong một bản ghi nhớ đã lần đầu tiên đề xuất “công cụ hóa” đạo Hồi một cách có hệ thống. Stohrer gợi ý cần triển khai một chương trình Hồi giáo tăng cường, trong đó sẽ bao gồm một tuyên bố về “thái độ của Đệ tam Đế chế đối với đạo Hồi”.
Từ năm 1941 đến cuối năm 1942, Bộ Ngoại giao Đức đã lập ra một đề án Hồi giáo, chiêu mộ những nhân vật tôn giáo mà nổi bật nhất là Giáo sĩ Amin al-Husayni ở Jerusalem, người đến Berlin cuối năm 1941. Ngày 18/12/1942, Đức quốc xã khai trương Học viện Hồi giáo Trung ương ở Berlin. Cơ sở này đã trở thành đầu mối của những chiến dịch tuyên truyền cho Đức quốc xã trong thế giới Hồi giáo. Tờ Völkischer Beobachter của Đảng Quốc xã cho chạy dòng tít đầy hứa hẹn “Cuộc chiến này có thể mang lại tự do cho người Hồi giáo”. Khi chiến tranh leo thang và quân đội Đức tiến vào những khu vực của người Hồi giáo ở Balkan và Liên Xô, người Đức vẫn duy trì những chính sách này.
Chiêu bài tôn giáo
Giới chức Đức quốc xã có khuynh hướng nhìn nhận các cộng đồng người Hồi giáo dưới lăng kính của đạo Hồi, bởi sử dụng chiêu bài tôn giáo thay vì chính sách nhà nước – dân tộc sẽ giúp Berlin né tránh vấn đề gai góc là độc lập dân tộc.
Hơn nữa, tôn giáo dường như là chính sách và công cụ tuyên truyền hữu hiệu để giao tiếp với các cộng đồng đa sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa xã hội.
Người Đức coi đạo Hồi như một nguồn quyền lực có thể hợp pháp hóa việc tham chiến và thậm chí là giúp biện minh cho bạo lực. Bởi vậy, Đức quốc xã đã tỏ ra hết sức thực dụng trên khía cạnh chủng tộc: Người Thổ Nhĩ Kỳ, người Iran và người Arab (không theo đạo Do Thái) đã được miễn phải chịu các biện pháp phân biệt đối xử chủng tộc chính thức trong những năm 1930, sau các hành động can thiệp ngoại giao từ các chính phủ ở Ankara, Tehran và Cairo. Trong chiến tranh, người Đức cũng cho thấy sự thực dụng tương tự khi xử lý quan hệ với những người Hồi giáo ở Balkan và các cộng đồng người Turk thiểu số ở Liên Xô. Mọi sĩ quan Đức từ Sahara cho tới Caucasus (Kavkaz) đều ý thức rõ một điều rằng phải đối xử với người Hồi giáo như những đồng minh của mình.
Ở Bắc Phi khi tiếp xúc với cư dân vùng duyên hải, các sĩ quan quân đội Đức cố gắng né tránh xung đột. Đầu năm 1941, quân đội Đức phát cho các binh sĩ cuốn sổ tay “Der Islam”, trong đó hướng dẫn họ cách cư xử phù hợp với người Hồi giáo. Tại vùng sa mạc Libya và Ai Cập, giới chức Đức tìm cách lôi kéo các thủ lĩnh tôn giáo, mà quan trọng nhất là các tộc trưởng của dòng Sufi đầy uy thế.
Vấn đề ở chỗ lực lượng tôn giáo quyền uy nhất ở vùng chiến sự Cyrenaica (Đông Libya) – bộ lạc Sanusi thuộc dòng Sufi – đi tiên phong trong cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị thực dân của Italy và chiến đấu bên cạnh quân đội của Thống chế Anh Montgomery chống phe Trục (gồm các thế lực chính Đức, Italy và Nhật Bản). Trong bất cứ trường hợp nào, lời hứa hẹn của Berlin giải phóng người Hồi giáo và bảo vệ đạo Hồi mâu thuẫn sâu sắc với tình trạng bạo lực và tàn phá trên khắp khu vực Bắc Phi và người Đức rốt cuộc đã không thể thổi bùng một phong trào Hồi giáo lớn thân phe Trục trong khu vực.
Ở Mặt trận miền Đông (cuộc chiến Đức – Liên Xô) tình hình lại khác hoàn toàn. Người Hồi giáo ở Krym (Crưm)và Bắc Caucasus đã đối đầu với chính quyền Trung ương kể từ khi Sa Hoàng sáp nhập các khu vực này vào thế kỷ 18 và 19, sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn sau Cách mạng tháng Mười Nga. Dưới thời Stalin, các khu vực Hồi giáo bị ngược đãi về chính trị và tôn giáo ở mức chưa từng có tiền lệ. Nhà chức trách kiểm duyệt các tác phẩm văn học Hồi giáo, cấm lưu hành luật Sharia trong khi sung công tài sản của các cộng đồng Hồi giáo. Ngoài ra những công trình, địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo như nhà thờ, tháp giáo đường bị xâm phạm. Mặc dù vậy, đạo Hồi vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và xã hội.
Sau khi xâm lược Caucasus và Krym, giới chức quân đội Đức vốn ráo riết tìm kiếm những “cộng tác viên” địa phương để bình định những khu vực đã càn quét, đã không bỏ lỡ cơ hội tự quảng bá mình là lực lượng giải phóng đạo Hồi. Tướng Ewald von Kleist, chỉ huy Cụm tập đoàn quân A chiếm đóng Caucasus, đã ra lệnh cho các sĩ quan của ông tôn trọng người Hồi giáo và ý thức được những hệ quả mà hành động của quân đội Đức có thể gây ra đối với toàn bộ thế giới Hồi giáo. Ông nhấn mạnh: “Những gì chúng ta làm ở đây sẽ có sức lan tỏa đến tận Iraq, Ấn Độ và cả khu vực biên giới của Trung Quốc. Chúng ta phải thường xuyên ý thức được tác động sâu rộng của các hành động của chúng ta”.
Những mệnh lệnh tương tự cũng được Tướng Erich von Manstein đưa ra tại Krym. Trong một mệnh lệnh nổi tiếng ngày 20/11/1941, ông yêu cầu “xóa bỏ hệ thống Do Thái- Bolshevik một lần và mãi mãi” và “phải tôn trọng các tập tục tôn giáo của người Tartar Hồi giáo”.
Trong nỗ lực nhằm kiểm soát các vùng hậu phương nhạy cảm chiến lược, người Đức đã tận dụng triệt để các chính sách tôn giáo. Họ ra lệnh tái thiết các nhà thờ, phòng cầu nguyện và cơ sở truyền giáo cũng như xác lập lại các ngày nghỉ lễ tôn giáo. Ở Caucasus, họ tổ chức những buổi lễ lớn vào lúc kết thúc tháng lễ Ramadan năm 1942, trong đó hoạt động đáng chú ý nhất diễn ra ở thành phố Kislovodsk.
Trong thời kỳ Liên Xô, người Hồi giáo ở Kislovodsk không được thực hành lễ Eid al-Fitr công khai và chính điều đó tạo ra sự khác biệt giữa sự cai trị của Berlin và Moscow. Ngoài ra, Đức còn cử đông đảo các tướng lĩnh quân đội cấp cao tham gia lễ này.
Ở Krym, người Đức thậm chí còn thiết lập một chính quyền Hồi giáo được gọi là “Ủy ban Hồi giáo”. Song rốt cuộc, những kỳ vọng về nền tự do của người Hồi giáo tại các vùng biên giới Liên Xô đã tan vỡ. Thái độ của các quan chức Đức quốc xã đối với các cộng đồng Hồi giáo lạnh nhạt dần theo thời gian họ chiếm đóng. Nhiều binh sĩ Đức chịu ảnh hưởng của sự tuyên truyền coi các tộc người châu Á trong Liên Xô là những người hạ đẳng, không sẵn sàng giao thiệp với người Hồi giáo. Tồi tệ hơn, sau khi Đức rút quân, Stalin đã cáo buộc các cộng đồng Hồi giáo thiểu số thông đồng với kẻ thù và ra lệnh trục xuất họ.
Chính sách thực dụng
Từ năm 1941 trở đi khi cục diện chiến tranh thay đổi theo hướng bất lợi cho phe Trục, quân đội Đức và lực lượng SS đã tuyển mộ hàng chục nghìn người Hồi giáo, bao gồm những người từ Bosnia, Tatar ở Krym, Caucasus và Trung Á, chủ yếu là nhằm tránh cho người Đức phải đầu rơi máu chảy.
Trong khi đó, tình hình ở Balkan lại cũng khác. Khi Đức xâm lược và giải thể Nam Tư năm 1941, ban đầu họ không can dự vào các khu vực Hồi giáo, mà quan trọng nhất là Bosnia và Herzegovina vốn nằm dưới quyền kiểm soát chế độ Ustasa (nắm quyền ở Croatia trong Thế chiến 2). Chế độ này do nhà độc tài bù nhìn của Hitler là Ante Pavelić đứng đầu, về sau đã chính thức tìm cách lôi kéo người Hồi giáo, trong khi tàn sát người Do Thái, Thiên Chúa giáo và khủng bố người Serb Chính thống giáo. Tuy nhiên, từ đầu năm 1942, khu vực này ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột nghiêm trọng giữa các phe phái ở Croatia và người Hồi giáo trở thành đối tượng bị tấn công liên tiếp.
Chính quyền Ustasa sử dụng các đơn vị quân đội Hồi giáo để chiến đấu chống cả lực lượng liên minh của Josip Broz lẫn phong trào dân quân Chetnik. Các ngôi làng Hồi giáo không lâu sau đó đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công trả đũa. Số nạn nhân Hồi giáo tăng lên đến hàng chục nghìn. Giới chức Ustasa đã hầu như không làm gì để ngăn chặn những cuộc thảm sát này.
Các đại diện hàng đầu của người Hồi giáo quay sang nhờ Đức giúp đỡ, xin cho người Hồi giáo cơ chế tự trị dưới sự bảo hộ của Hitler. Trong một bản ghi nhớ ngày 1/11/1942, họ bày tỏ “lòng kính yêu và trung thành” với Hitler cũng như sẵn lòng cùng phe Trục chiến đấu chống người Do Thái, Hội tam điểm, Bolshevik và những kẻ thực dân Anh.
Khi cuộc nội chiến ở Balkan vượt ngoài tầm kiểm soát, người Đức dần can thiệp nhiều hơn vào các khu vực Hồi giáo. Trong nỗ lực nhằm bình định khu vực, quân đội Đức và quan trọng hơn là lực lượng SS (Schutzstaffel – vốn là đội cận vệ cho lãnh đạo Quốc xã) coi người Hồi giáo là những đồng minh được hoan nghênh và quảng bá hình ảnh Đức quốc xã như người bảo trợ đạo Hồi ở Đông Nam châu Âu.
Chiến dịch này bắt đầu vào mùa xuân năm 1943, khi SS cử Giáo sĩ Jerusalem tham gia một chuyến công du đến Zagreb, Banja Luka và Sarajevo. Tại những nơi này, vị giáo sĩ đã gặp gỡ giới lãnh đạo tôn giáo và đưa ra những tuyên bố ủng hộ phe Trục. Khi đến thăm nhà thờ Gazi Husrev Beg ở Sarajevo, ông đã có bài phát biểu xúc động về nỗi thống khổ của người Hồi giáo, đến nỗi nhiều người phải bật khóc. Trong những tháng sau đó, Đức đã phát động một chiến dịch tuyên truyền lớn về tôn giáo. Cùng lúc, Berlin bắt đầu liên hệ mật thiết hơn với các chức sắc và cơ sở Hồi giáo, cho rằng giới lãnh đạo tôn giáo là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến người dân.
Người Hồi giáo chính thức được đặt dưới sự quản lý của Ulema – Medžlis – Hội đồng tôn giáo tối cao. Các quan chức Đức quốc xã đã nhiều lần tham vấn các thành viên hội đồng và cố gắng “sử dụng” họ. Nhiều lãnh đạo Hồi giáo hy vọng Đức sẽ giúp họ thành lập một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên không lâu sau, các lực lượng vũ trang Đức đã tỏ ra bế tắc trong nỗ lực bình định khu vực, trong đó việc Đức hậu thuẫn người Hồi giáo chỉ càng thổi bùng ngọn lửa căm thù của các phe chống chính quyền ở Croatia. Bạo lực leo thang và rốt cuộc có tới 250.000 người Hồi giáo thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
Từ năm 1941 trở đi khi cục diện chiến tranh thay đổi theo hướng bất lợi cho phe Trục, quân đội Đức và lực lượng SS đã tuyển mộ hàng chục nghìn người Hồi giáo, bao gồm những người từ Bosnia, Tatar ở Krym, Caucasus và Trung Á, chủ yếu là nhằm tránh cho người Đức phải đầu rơi máu chảy. Các binh sĩ Hồi giáo chiến đấu trên mọi mặt trận. Họ được triển khai ở Stalingrad, Warsaw và phòng tuyến ở Berlin. Các sĩ quan quân đội Đức đảm bảo nhiều quyền lợi tôn giáo cho lực lượng tân binh này, như cho phép sử dụng lịch Hồi giáo, luật pháp tôn giáo và chế độ ăn kiêng.
Họ thậm chí còn dỡ bỏ lệnh cấm giết mổ hiến tế. Lệnh cấm này trước đó được áp dụng theo Đạo luật bảo vệ động vật năm 1933 của Hitler vì những lý do bài Do Thái.
Các imam quân đội (thủ lĩnh Hồi giáo trong quân đội) đóng vai trò quan trọng trong những đơn vị tân binh Hồi giáo. Họ không chỉ chịu trách nhiệm chăm lo đời sống tinh thần mà còn phụ trách công tác truyền bá tư tưởng chính trị. Đề cập đến việc Đức quốc xã tuyển mộ người Hồi giáo vào SS năm 1944, Thống chế lực lượng này, Heinrich Himmler giải thích đó là vì những lý do thực dụng: “Tôi không phản đối đạo Hồi, bởi tôn giáo này thay tôi giáo dục các binh sĩ trong đơn vị và còn hứa hẹn rằng sau khi chiến đấu và hy sinh trong chiến trận họ sẽ được lên thiên đàng. Đó quả thực là một tôn giáo thực tế và quyến rũ đối với các binh sĩ”.
Tuy nhiên, sự can dự của Đức với người Hồi giáo không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn. Các chính sách của Đức quốc xã với đạo Hồi, như được đề ra bởi giới chức ở Berlin, thường xuyên mâu thuẫn với tình hình trên thực địa. Trong những tháng đầu tiên sau khi xâm lược Liên Xô, các đội SS đã hành quyết hàng nghìn người Hồi giáo, đặc biệt là tù nhân chiến tranh, dựa trên suy đoán rằng việc những người này cắt bao quy đầu chứng tỏ họ là người Do Thái.
Một hội nghị cấp cao giữa quân đội Đức, lực lượng SS và Bộ phụ trách các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở miền Đông đã được tổ chức vào mùa hè năm 1941. Tại đây, Đại tá Erwin von Lahousen, đại diện cho Wilhelm Canaris – trùm tình báo quân sự Đức, đã có cuộc khẩu chiến gay gắt với Heinrich Müller, lãnh đạo Gestapo (cơ quan Mật vụ Đức), về các vụ hành quyết này. Trong đó đặc biệt được nhắc đến là việc tuyển chọn hàng trăm người Tatar Hồi giáo vốn từng được đưa đi “điều trị đặc biệt” do bị nhầm là người Do Thái.
Thực tế phũ phàng của chiến tranh
Việc người Đức không thể phân biệt các nhóm Karaite và Krymchak, vốn trên thực tế đều là những cộng đồng Do Thái, quả là điều “ấn tượng”. Cuối cùng, nhóm Karaite được xác định là người sắc tộc Thổ và được tha trong khi nhóm Krymchak bị coi là người sắc tộc Do Thái và bị giết hại.
Ở các khu vực biên giới miền Nam Liên Xô, các đội hành quyết của Đức quốc xã vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa người Hồi giáo và người Do Thái. Khi Đội hành quyết D bắt đầu tàn sát người Do Thái ở Caucasus và Krym, nhóm này gặp phải một tình huống đặc biệt liên quan đến ba cộng đồng Do Thái vốn cư ngụ lâu đời sát cạnh người Hồi giáo và chịu ảnh hưởng của đạo Hồi, gồm Karaite và Krymchak ở Krym và Judeo-Tat ở Bắc Caucasus.
Tại Krym, các quan chức SS lúng túng khi gặp các cộng đồng Karaite và Krymchak nói tiếng Thổ. Khi thăm Simferopol vào tháng 12/1941, hai sĩ quan quân đội Đức là Fritz Donner và Ernst Seifert đã ghi lại một chi tiết thú vị: Phần lớn những người Do Thái này ở Krym giữ đức tin Hồi giáo, trong khi cũng có những nhóm chủng tộc vùng Cận Đông không mang đặc trưng của người Do Thái lại theo đạo Do Thái.
Việc người Đức không thể phân biệt các nhóm Karaite và Krymchak, vốn trên thực tế đều là những cộng đồng Do Thái, quả là điều “ấn tượng”. Cuối cùng, nhóm Karaite được xác định là người sắc tộc Thổ và được tha trong khi nhóm Krymchak bị coi là người sắc tộc Do Thái và bị giết hại. Theo ông Walter Groß, Trưởng phòng Chính sách chủng tộc thuộc đảng Quốc xã, sở dĩ nhóm Karaite không bị ngược đãi là do họ có mối quan hệ gần gũi với những đồng minh Tatar Hồi giáo.
Ở Caucasus, các đại diện của cộng đồng Judeo-Tat – một nhóm thiểu số là nhánh của các tộc người Iran, đã nêu cảnh ngộ của mình cho nhà chức trách Đức. Sau đó lực lượng SS bắt đầu điều tra, đến thăm các ngôi nhà, tham dự các buổi lễ và tìm hiểu các phong tục của cộng đồng này. Walther Bierkamp, Đội trưởng Đội hành quyết D, đã đích thân đến thăm một ngôi làng của người Judeo-Tat ở khu vực Nalchik. Trong chuyến thăm này, người Judeo-Tat hết sức hiếu khách và Bierkamp nhận ra rằng ngoài niềm tin tôn giáo ra thì họ không có điểm nào giống với người Do Thái. Bên cạnh đó ông cũng cảm nhận được đạo Hồi ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống của họ, điển hình là người Judeo-Tat cũng có phong tục đa thê. Vậy là, Bierkamp nhanh chóng ra lệnh không làm hại những người này.
Ở các vùng chiến sự khác, nhà chức trách Đức Quốc xã và các “cộng tác viên” địa phương cũng bị nhầm lẫn giữa người Do Thái và người Hồi giáo, đặc biệt ở khu vực Balkan. Nhiều người Do Thái “khao khát” vị thế đặc quyền của người Hồi giáo ở nước Ustaša (Croatia), cho rằng vị thế đó sẽ giúp họ tránh bị ngược đãi. Bởi vậy, không ít người Do Thái đã tìm cách chính thức cải sang đạo Hồi với hy vọng thoát khỏi sự áp chế và trục xuất.
Chỉ tính riêng ở Sarajevo, ước tính khoảng 20% dân số Do Thái đã cải sang đạo Hồi hay Thiên chúa giáo trong khoảng thời gian từ 4 -10/1941. Đến mùa thu cùng năm đó, chính quyền Ustaša đã chính thức can thiệp, cấm đoán việc cải đạo và thậm chí những người đã cải đạo rồi vẫn không được yên thân, bởi theo quan điểm của chính quyền Đức và Ustaša, chủng tộc, chứ không phải tôn giáo, mới là yếu tố xác định đâu là người Do Thái. Mặc dù vậy, một số người Do Thái cải đạo hoặc không cải đạo đã trốn thoát được nhờ cải trang thành người Hồi giáo. Một số, kể cả đàn ông và phụ nữ, đeo khăn trùm mặt Hồi giáo.
Cuối cùng, các cuộc tàn sát những người Di-gan ở châu Âu đã liên quan trực tiếp đến Hồi giáo. Khi quân đội Đức bắt đầu rà soát những vùng lãnh thổ chiếm đóng từ Liên Xô, họ sớm bắt gặp nhiều người Di-gan Hồi giáo. Trên thực tế, đa số người Di-gan ở Krym theo đạo Hồi. Trong nhiều thế kỷ họ đã hòa nhập với các cộng đồng Tatar. Ngược lại, người Tatar cũng thể hiện sự đoàn kết đáng kể đối với người Di-gan. Các đại diện Hồi giáo cấp cao đã nhiều lần đề nghị chính quyền Đức bảo vệ những người Di-gan có chung tín ngưỡng với họ.
Với sự giúp đỡ của người Tatar, nhiều người Di-gan Hồi giáo đã đóng giả là người Tatar để tránh bị trục xuất. Một số thì sử dụng đạo Hồi. Một ví dụ điển hình là vụ vây hãm người Di-gan ở Simferopol hồi tháng 12/1941, trong đó những người bị bắt cố gắng thể hiện các hành vi, biểu tượng tôn giáo để thuyết phục người Đức rằng họ đã bắt nhầm đối tượng.
Mùa Hè năm 1941, người Di-gan kiến nghị lên Ủy ban Hồi giáo về việc họ bị phân biệt đối xử. Sau đó, một phái đoàn Hồi giáo cấp cao đã kiến nghị Berlin rằng người Di-gan Hồi giáo cần được xem như một phần của cộng đồng Hồi giáo và bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào họ cũng sẽ bị coi là hành động chống lại đạo Hồi. Vì muốn tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo, các quan chức Ustaša và Đức rốt cuộc đã trao “quyền miễn trừ” cho người Di-gan.
Trong quá trình thực thi các chính sách ủng hộ người Hồi giáo, giới chức Đức đã không tính đến thực tế rằng một số cộng đồng (được xác định về mặt tôn giáo) Hồi giáo mà họ muốn lôi kéo làm đồng minh lại có thể chính là những nhóm (được xác định về mặt chủng tộc) nằm trong danh sách đen diệt chủng.
Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, khi ẩn náu trong boong-ke ở Berlin, Hitler đã than thở rằng những nỗ lực của Đệ tam Đế chế nhằm huy động thế giới Hồi giáo đã thất bại bởi những cố gắng muộn màng đó chưa đủ mạnh và còn thường xuyên đi ngược lại những thực tế “phũ phàng” của chiến tranh. Quan trọng hơn, Berlin đã không tạo được uy tín trong cam kết bảo vệ người Hồi giáo, bởi hầu hết người Hồi giáo trong các vùng chiến sự đều hiểu rằng họ sẽ chỉ phục vụ những lợi ích chính trị ngoại đạo mà thôi.
Người Đức cũng không thể khơi dậy một cuộc nổi dậy Hồi giáo quy mô lớn chống lại phe Đồng minh. Mặc dù hàng chục nghìn người Hồi giáo đã được tuyển mộ vào quân đội Đức, tuy nhiên, Anh, Pháp và Liên Xô lại thành công hơn trong lời “hiệu triệu” các tín đồ của Allah. Hàng trăm nghìn tín đồ Hồi giáo đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng chống phe Trục. Chỉ riêng các vùng lãnh thổ Bắc Phi do Pháp kiểm soát, có tới 250.000 người Hồi giáo ghi tên tham gia các đơn vị của Tướng Charles de Gaulle (1890 – 1970), góp phần đáng kể vào những chiến dịch giải phóng châu Âu.
Theo BÁO TIN TỨC
Tags: Adolf Hitler, Thế chiến II, Đức Quốc Xã, Hồi giáo