⠀
Những hé lộ về chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Nhật Bản
Một cuốn sách gây tranh cãi về chương trình chạy đua chế tạo bom nguyên tử của Nhật Bản vào năm 1945 lần đầu tiên đã được công bố trong tháng 8/2019. Sự thật này cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc CHDCND Triều Tiên cũng đạt được ước nguyện sở hữu bom nguyên tử. Thực hư bản công bố chấn động này là như thế nào?
Cuốn sách “Chiến tranh mật của Nhật Bản” của tác giả Robert K. Wilcox lần đầu tiên nó đã được công bố tại Hoa Kỳ vào năm 1995 nhưng chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản khi nước này long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 74 năm ngày Hoa Kỳ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Tựa đề đầu tiên của cuốn sách là “Cuộc chạy đua của Nhật Bản chống lại thời điểm chế tạo riêng bom nguyên tử”, còn bây giờ tiêu đề của cuốn sách được đổi thành “Làm thế nào Nhật Bản tự chạy đua để chế tạo bom nguyên tử cung cấp nền tảng cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên”. Bản dịch tiếng Nhật của cuốn sách đã tự nó được xem là một lời răn đe hạt nhân.
Bí mật lộ sáng
Tác giả Wilcox đã viết một cuốn sách rất công phu, ông đã tham chiếu đến nhiều bí ẩn lịch sử và các thuyết âm mưu. Và trong vòng gần 24 năm kể từ lần công bố đầu tiên cuốn sách “Chiến tranh mật của Nhật Bản”, ông Wilcox đã tiếp tục nghiên cứu sâu vào chương trình nguyên tử của Nhật Bản dưới thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2 (ĐCTGII), từ đó ông xây dựng một nghiên cứu sâu rộng khi ông tự thu thập những cuộc phỏng vấn “nặng ký” với các khoa học gia Nhật Bản – những người này từng có thời gian tham gia vào dự án – tiếp xúc với các giới chức Hoa Kỳ, cùng lúc ông cũng thu thập nhiều tài liệu được phân loại và giải mật từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, rồi tập hợp chúng lại với nhau thành một bản tường thuật cực kỳ hấp dẫn về những nỗ lực của Nhật Bản để có được thứ vũ khí tối thượng.
Trong khi người ta biết rằng Nhật Bản đang tự họ phát triển ra một loại bom nguyên tử – quy mô và nội dung của chương trình vẫn còn đang tranh luận – và tác giả Robert K. Wilcox đã lưu ý rằng các giới chức “tai to mặt lớn” của Hoa Kỳ đã giúp Nhật Bản che đậy một số tội ác chiến tranh ghê rợn, bao gồm các chương trình thí nghiệm sinh hóa tàn bạo trên cơ thể tù binh chiến tranh.
Ông Wilcox cho rằng trong cùng một chính phủ, rất có thể chính phủ Hoa Kỳ đã che đậy nhiều tài liệu tuyệt mật về chương trình hạt nhân của Nhật Bản.
Tác giả Wilcox đã trưng ra một dẫn chứng rằng Nhật Bản đã thành công khi cho kích nổ một thiết bị nguyên tử gần với địa danh Konan (miền Bắc Triều Tiên) vào ngày 12/8/1945, vụ nổ này diễn ra chỉ 6 ngày sau khi xảy ra vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima (ngày 6/8/1945) làm chết 90.000 dân thường; và 3 ngày tiếp đó là nổ bom nguyên tử ở Nagasaki (ngày 9/8/1945) tước đoạt thêm mạng sống của 40.000 thường dân khác. Quyết định chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản diễn ra vào ngày 15/8/1945 mà theo tác giả Wilcox thì mặc dù người Nhật đã thành công khi thử bom nguyên tử nhưng họ cho rằng đã quá muộn để phản đòn.
Nạn nhân và kẻ tội đồ
Năm 1991, ông William Chapman là cựu giám đốc văn phòng chi nhánh báo Washington Post ở Tokyo, trong cuốn sách của mình mang tiêu đề “Khai sáng Nhật Bản” đã lưu ý rằng nền giáo dục thời hậu chiến ở Nhật Bản có cam đoan rằng càng để cho ít người biết càng tốt về những nỗi thống khổ do quân phiệt Nhật cai trị.
Tác giả Chapman viết: “Đối với tầng lớp người Nhật bình dân, các tội ác Nhật Bản bị cho là lời đồn đại của chiến tranh…. Hai vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki chỉ là những cuộc đột kích của quân địch vào các thành thị lớn (của Nhật Bản) và đó là sự thật hiển nhiên không thể chối cãi…. Cuộc chiến đó chỉ có người Nhật là nạn nhân, đó là cách mà nhiều người Nhật nhớ về nó”.
Chính quyền hiện tại của Thủ tướng Shinzo Abe – được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi Thần Đạo và phe vận động hành lang cánh hữu Nippon Kaigi – đã có những nỗ lực to lớn nhằm xóa bỏ ký ức về các tội ác chiến tranh Nhật Bản, hoặc họ thẳng thừng từ chối nó.
Nhiều người trên thế giới không tin rằng Nhật Bản đã chế tạo bom nguyên tử của riêng họ – và gần như đã thành công – nhưng đã quá muộn. Kể cả Hoa Kỳ cũng không hề biết sự thật này. Đầu năm 1945, tin tình báo gửi về cho thấy Hoa Kỳ đang ngờ ngợ tin rằng Nhật Bản đang cố gắng chế tạo vũ khí nguyên tử, và lơi là phòng bị.
Khoảng tháng 2/1945, OSS (tiền thân của CIA hiện nay) đã nhận được một báo cáo về “những mẩu chuyện” về “một đợt kích nổ bom nguyên tử nhằm chống lại máy bay phe Đồng Minh”.
Vài tháng sau, một số nguồn tin tình báo của phe Đồng Minh tiết lộ rằng có một nhà khoa học đã nói với Quý Tộc Viện (cơ quan Thượng viện của đế quốc Nhật Bản) và loan tin rằng “ông ta đã thành công trong nghiên cứu cho ra một thứ cực mạnh và cần ít năng lượng, nhưng có thể tiêu diệt hạm đội tàu địch chỉ trong nháy mắt”.
Rõ ràng người hiểu chuyện sẽ biết thứ mà nhà khoa học Nhật đang đề cập chính là bom nguyên tử. Và Hoa Kỳ như ngồi trên đống lửa khi hay tin một tàu ngầm lớn của Đức Quốc xã (ĐQX) bị bắt giữ vào tháng 5/ 1945 có chở theo nửa tấn uranium sang Nhật.
Sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, giới chức tình báo Mỹ mới hay rằng quân phiệt Nhật – chỉ trước khi họ đầu hàng – thực sự đã chế tạo và thử nghiệm thành công một thiết bị nguyên tử.
Theo mật tin thì dự án được thực hiện tại Konan (người Nhật gọi địa danh này là Hưng Nam) ngay trên vùng duyên hải ở phần phía Bắc bán đảo Triều Tiên. Tình hình tồi tệ thật sự khi mà vào cuối năm 1945 ngay cả Liên Xô cũng chưa có bom nguyên tử, và họ đã đóng quân ở phía Bắc vĩ tuyến 38 của Triều Tiên và nhà máy nơi có chương trình bom nguyên tử của Nhật được phát triển dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của họ.
Mùa hè năm 1946, David Snell, một điệp viên của Biệt đội điều tra tội phạm số 24 (viết tắt CID-24) ở Triều Tiên, kể rằng ông đã thực hiện buổi phỏng vấn với một sĩ quan Nhật đang trên đường từ Triều Tiên về Nhật, người này có tham gia vào dự án bom nguyên tử (nhân viên an ninh).
Ông Snell viết: “Nhật Bản đã phát triển và thử nghiệm thành công một quả bom nguyên tử chỉ 3 ngày trước khi kết thúc chiến tranh. Nhưng họ đã phá hủy các quả bom nguyên tử chưa hoàn thành cùng các tài liệu mật cũng như các kế hoạch chế tạo bom chỉ vài giờ trước khi các đơn vị của quân Nga tiến vào Konan. Các nhà khoa học Nhật – những người chế tạo bom giờ đang ở Moscow, họ là tù binh của Nga. Dự án chế tạo bom ở Triều Tiên có sự tham gia của 40.000 công nhân Nhật, xấp xỉ 25.000 người trong số họ là kỹ sư qua đào tạo và các nhà khoa học”.
Điệp viên David Snell viết thêm: “Tổ chức có nhà máy tọa lạc buộc các công nhân hạn chế ra bên ngoài. Phần chính của nhà máy nằm sâu trong một hang động, với khoảng 400 chuyên gia làm việc ở đó”.
Bài viết của ông David Snell còn lột tả các chiến thuật và những mục tiêu chiến lược: “Khi các mũi tiến công tiến sát lục địa Nhật Bản, Hải quân Nhật đã tăng tốc chế tạo bom nguyên tử nhằm chống lại các chiến dịch đổ bộ. Bom nguyên tử được trang bị trên các máy bay cảm tử của Phi Đội Thần Phong dùng để chống lại tàu của quân Đồng Minh”.
Vì mãi đến năm 1949, Liên Xô mới có thể phát nổ thiết bị nguyên tử của họ, thế nên họ cũng không hay biết về các nỗ lực nghiên cứu của người Nhật.
Trong cuốn sách học thuật mang tiêu đề “Stalin và Bom”, tác giả David Holloway đã không đề cập nhiều đến chương trình hạt nhân của Nhật Bản, nhưng quan tâm sâu đến nghiên cứu của người Nga dựa trên thông tin lấy cắp từ Dự án Manhattan của Hoa Kỳ.
Và trong cuốn sách chấn động của mình, tác giả Wilcox đã đi thu thập tài liệu ngay từ năm 1946 và biết rằng Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu bom nguyên tử từ cuối thập niên 1930. Kế hoạch buổi đầu là làm kích nổ một quả bom nguyên tử ngay trên… lục địa Mỹ.
Vào cuối năm 1942 hay đầu năm 1943, Thủ tướng Hideki Tojo đã gọi Bộ trưởng Chiến tranh là Tướng quân Toranosuke Kawashima đến phủ thủ tướng, ở đó ông Tojo đã ra lệnh cho thuộc cấp của mình: “Các dự án bom nguyên tử của Mỹ và Đức đang tiến bộ trông thấy. Nếu bị tụt hậu, chúng ta thua là cái chắc. Ông phải hành động ngay”.
Uranium: Thanh kiếm hai lưỡi
Các nhà khoa học Nhật Bản rất rành về thuyết nguyên tử, và thứ mà họ thiếu là uranium. Giới khoa học trên khắp đế quốc Nhật Bản bắt đầu tập trung vào dự án, đặc biệt là tại khu phức hợp Konan (Triều Tiên), nơi có kho tài nguyên thủy điện và tiềm tàng dự trữ uranium.
Konan được ví von là Los Alamos của Nhật Bản, hay nó cũng được đánh giá quan trọng như Dự án Manhattan khi Nhật bắt đầu tìm kiếm uranium từ khắp nơi trên đế quốc của họ, sau đó mới chuyển hướng sang đồng minh ĐQX. Người Nhật cũng nhắm nguồn uranium ở Tiệp Khắc. Ở Đức, viên chức Yasukazu Kigoshi khi đó là chuyên gia kỹ thuật kiêm tùy viên đại sứ quán Nhật ở Berlin nói rằng lúc đầu Bộ kinh tế Đức khước từ hợp tác với Nhật.
Trong cuộc phỏng vấn với tác giả Wilcox, ông Kigoshi nhớ lại: “Thực tình, tôi là người rất nóng tính và tôi tự gửi một bức điện tín cho chính phủ Đức trong đó tôi nói rằng: “Lý do chúng tôi cần quặng uranium của các ngài là để phát triển sức mạnh nguyên tử. Chúng tôi hiện đang theo Hiệp ước Ba Bên (Hiệp ước Berlin) và cả 2 chúng ta phải liên kết để chống lại Mỹ và Anh. Lý do này lẽ nào các ngài lại từ chối?”.
Người Đức trả lời họ sẽ cho chúng tôi 2 tấn uranium”. Cho đến cuối cuộc đại chiến, khi Đức Quốc xã thất thủ, 1 tàu ngầm Đức đã chở cùng với 2 sĩ quan Nhật và 1234,59 cân Anh uranium oxide giao cho quân đội Thiên Hoàng – nếu thành công nó sẽ đủ sức tạo ra 1 quả bom nguyên tử. Nhưng rồi Đức bại trận, Hitler tự tử.
Không đầy 1 tuần sau đó, chiếc tàu ngầm đã đầu hàng các lực lượng quân Đồng Minh (ngày 14 tháng 5 năm 1945) cách Mũi Race (Newfoundland) khoảng 500 hải lý. Việc tìm thấy lượng lớn uranium trên tàu ngầm khiến hết thảy Anh, Mỹ thất kinh hồn vía.
Ông J. Robert Oppenheimer, “cha đẻ” của bom nguyên tử Mỹ, đã đích thân tới kiểm tra kho hàng. Số uranium này sau đó đã được người Mỹ trưng dụng cho Dự án Manhattan. Tác giả Wilcox lưu ý rằng người Mỹ “nẫng tay trên” nguồn uranium mà đáng lý là của Nhật Bản và sau đó lại dùng chính nó tàn phá Hiroshima và Nagasaki.
Lời răn đe
Ông Yoshiaki Yano, người dịch cuốn sách của tác giả Wilcox ra Nhật ngữ, vốn từng là Thiếu tướng trong Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), phát hiểu: “Có một sự thật là các nhà khoa học Nhật tham gia vào dự án chế tạo bom nguyên tử đều muốn khẳng định nước họ chỉ là nạn nhân của vũ khí hạt nhân hơn là khả năng sở hữu sức mạnh hủy diệt. Người Nhật mà đặc biệt là giới học giả, truyền thông và ngành giáo dục đều hợp tác ăn ý để cố gắng che đậy càng nhiều càng tốt các sự thật lịch sử và cố tình “quên” nó”.
Ông Yano cũng bị thuyết phục rằng chương trình bom nguyên tử còn dang dở của các nhà khoa học Nhật Bản đã tiếp sức cho chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Theo DÂN VIỆT
Tags: Nhật Bản, Thế chiến II, Vũ khí hạt nhân