‘Ngăn chặn kép’ Nga và Trung Quốc: Mỹ đang phạm phải sai lầm chiến lược

Mỹ đang sử dụng chiến lược “ngăn chặn kép” đối với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, cùng lúc mở ra hai mặt trận để kiềm chế hai cường quốc lớn là một việc hết sức cấm kỵ về mặt chiến lược. Kissinger và các chính trị gia Mỹ theo trường phái cũ đã bày tỏ lo ngại về cách mà Washington đang làm. Điều này rõ ràng là vi phạm lẽ thường của chiến lược quốc tế, nhưng chính phủ Mỹ hiện tại vẫn đang đi theo con đường này.

‘Ngăn chặn kép’ Nga và Trung Quốc: Mỹ đang phạm phải sai lầm chiến lược

Tác giả: Jin Canrong, Giáo sư trường Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Biên dịch: Hoàng Hải.

Tại sao Mỹ mắc phải sai lầm chiến lược một cách sơ đẳng như vậy?

Đầu tiên, sự kiêu ngạo và lo lắng chiến lược đan xen với nhau. Trong Chiến tranh Lạnh, họ đã giành chiến thắng trước một đối thủ hùng mạnh như Liên Xô, điều này khiến giới tinh hoa chính trị Mỹ quá tự tin, cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu đồng thời đối phó với Trung Quốc và Nga ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, Mỹ đã tự hào về mình trong một thời gian khá dài, nhưng bây giờ đột nhiên phát hiện ra rằng họ phải đối mặt với nhiều “thách thức”, điều này khiến một bộ phận giới tinh hoa chính trị ở Washington cảm thấy khó chịu và lo lắng.

Thứ hai liên quan đến nhóm ra quyết định chiến lược hiện nay ở Mỹ. Nhóm những người ra quyết định do Blinken và Sullivan đại diện nhìn chung còn tương đối trẻ và kinh nghiệm chính trị chủ yếu của họ là sau Chiến tranh Lạnh. Chúng ta ấn định thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh vào ngày 25/12/1991, vài ngày sau khi Hiệp định thành lập Cộng đồng các Quốc gia độc lập được các bên ký kết. Liên Xô chính thức tan rã, lá cờ Liên Xô cuối cùng đã được hạ xuống. Cho đến nay, Chiến tranh Lạnh mới kết thúc chưa đầy 32 năm. Riêng Sullivan, sinh năm 1976, chỉ là một cậu bé 15 tuổi trong những ngày tháng cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Cùng một số nhân vật khác, họ chưa trải qua những cuộc đối đầu cực kỳ phức tạp và gay gắt trong Chiến tranh Lạnh, vì vậy họ có xu hướng trở nên tự tin một cách mù quáng khi trưởng thành.

Khách quan mà nói, những nhà lãnh đạo hay chính trị gia giỏi nhất ở các nước phương Tây sau những năm 1940 đều là những người đã trải qua Thế chiến II, những người thực sự trải qua thử thách sinh tử, sau đó là những người đã trải qua Chiến tranh Lạnh. Thế hệ hậu Chiến tranh Lạnh vẫn còn thiếu kinh nghiệm chiến lược, chưa từng trải qua những va chạm sinh tử hay những trò chơi khốc liệt.

Nguyên nhân thứ ba là chất lượng chính trị của Mỹ sa sút, biểu hiện ở tính đấu tranh tư tưởng ở mức độ cao và ngày càng gay gắt giữa hai đảng. Một điểm tiêu cực rõ ràng là những tư tưởng cực đoan có thể dễ dàng chiếm thế thượng phong, và phe ôn hòa, lý trí trong hai đảng thường bị “đàn áp”. Tình trạng này được lan truyền đến thượng tầng chính trị của Mỹ, bao gồm cả việc hoạch định chính sách đối ngoại, đó là sự thiếu vắng liên tục của những tiếng nói và suy nghĩ ôn hòa, lý trí.

Thứ tư, vì Mỹ và Nga đã rơi vào thế đối đầu công khai. Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh toàn diện, cùng với xu hướng tư tưởng nói trên của nền chính trị Washington ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, v.v., dẫn đến việc các chuyên gia thực sự về Nga và Trung Quốc ở Mỹ đã bị gạt ra ngoài lề, hoặc chẳng ai còn muốn nghe, muốn nói nữa. Tất cả những điều này đã dẫn đến một thực tế rằng Mỹ đang mắc phải những sai lầm chiến lược nghiêm trọng.

Lời cảnh báo của Brzezinski trở thành sự thật

Nhiều người trích dẫn một câu trong cuốn “The Grand Chessboard” của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Brzezinski, rằng đối với Mỹ, “mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn nhất là Trung Quốc hình thành một liên minh lớn với Nga và có lẽ cả Iran. Lý do cho liên minh ‘chống bá quyền’ này không phải là hệ tư tưởng, mà là những bất bình bổ sung cho nhau”. Nhưng những cảnh báo thận trọng của Brzezinski đối với Mỹ đã trở thành sự thật, Washington hiện đang làm những điều như vậy.

Trước hết, sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong những năm qua phần lớn trách nhiệm được “quy kết” cho Mỹ.

Iran đã từng ở trong một tình thế khó khăn, đặc biệt là vào những năm 1980. 

(1) Với tư cách là lãnh đạo của một quốc gia theo dòng Shiite, Iran thuộc về một bộ phận thiểu số trong thế giới Hồi giáo, trong số những người theo đạo Hồi trên thế giới, người Sunni chiếm 85%, trong khi người Shiite chiếm dưới 15%; (2) Cuộc cách mạng Khomeini năm 1979 đã làm mất lòng gần như toàn bộ thế giới phương Tây, Mỹ và lãnh đạo Sunni Saudi Arabia đã ủng hộ Saddam Hussein ở Iraq tấn công Iran, dẫn đến cuộc chiến tranh Iran-Iraq kéo dài 8 năm; (3) Mỹ câu kết với Saudi Arabia để áp đặt giá dầu, lúc đó mục đích chính là đánh vào nền kinh tế Liên Xô ngày càng phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, nhưng đồng thời, nó cũng tác động đến Iran.

Do đó, trong suốt những năm 1980, Iran thuộc về thiểu số trong lĩnh vực tôn giáo, đồng thời bị Mỹ, phương Tây và người Sunni hợp sức gây sức ép trong lĩnh vực chính trị.

Nhưng sau đó Mỹ đã liên tục “giúp đỡ” Iran.

Chính quyền Bush phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 nhằm lật đổ chế độ Saddam và giúp Iran loại bỏ một “thiên địch”. Sau đó, Mỹ đã phát động cái gọi là “Dự án dân chủ Trung Đông vĩ đại” ở Iraq, thúc đẩy nền dân chủ kiểu phương Tây “mỗi người, một phiếu bầu”. Các lực lượng chính trị trong nước của Iraq chủ yếu bao gồm ba phe, đó là người Shiite chiếm 60%, người Sunni chiếm dưới 20% và người Kurd. Ngay khi cuộc bầu cử “mỗi người một phiếu” được tổ chức, người Shiite ở Iraq bất ngờ nổi lên nắm quyền.

Sau khi “mở cửa” Iraq, Iran đã kết nối về mặt địa lý với Syria, quốc gia do gia đình Assad theo dòng Shiite nắm quyền, và các lực lượng chính trị Shiite khác ở Trung Đông như lực lượng Hezbollah của Lebanon, lực lượng được coi là thân Iran. Bằng cách này, các phe phái tôn giáo của Iran đã được “hồi sinh” và tình thế khó xử chính trị đã được giải quyết ở một mức độ nhất định.

Trên bình diện kinh tế, giá dầu quốc tế đã tăng chóng mặt kể từ đầu thế kỷ 21, điều này rất có lợi cho nền kinh tế của Iran và Nga vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng dầu mỏ và khí đốt.

Người ta suy đoán rằng có “yếu tố Trung Quốc” đằng sau sự đầu cơ của tư bản Mỹ làm tăng giá dầu quốc tế vào đầu thế kỷ này. Trước năm 1993, Trung Quốc là nước xuất khẩu dầu mỏ, sau đó trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ, đặc biệt sau khi bước vào thế kỷ 21, nước này bắt đầu nhập khẩu dầu thô quốc tế với quy mô lớn. Những thế lực tư bản đầu cơ và nâng giá dầu quốc tế vào thời điểm đó đã mơ tưởng đến việc một mũi tên bắn trúng hai con chim, nghĩ rằng họ không chỉ cản trở sự phát triển của Trung Quốc mà còn kiếm được tiền. Thật bất ngờ, thay vì gài bẫy Trung Quốc, nước này lại có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng sau khi gia nhập WTO, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi và nâng cao sức mạnh của Nga và Iran.

Trong khi gián tiếp giúp Iran gia tăng ảnh hưởng nhưng vẫn tiếp tục thù địch với Iran, thì Mỹ vốn bị mơ hồ về chiến lược sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một lần nữa tiếp tục mắc sai lầm. Brzezinski vẫn đang cảnh báo “mối nguy cơ tiềm ẩn” mà Mỹ đang tiếp tục lún sâu, đó là thực hiện “ngăn chặn kép” chống lại hai cường quốc Trung Quốc và Nga. Không có gì ngạc nhiên khi một số người mô tả rằng chính quyền Biden hiện tại đang “làm mọi thứ với một kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng.”

Hậu quả của “ngăn chặn kép”

Hậu quả của bước đi thiếu khôn ngoan về mặt chiến lược này của Mỹ là rất rõ ràng.

Thứ nhất, xét v cục diện chiến lược tổng thể, hành động kép của Mỹ nhằm trấn áp Trung Quốc và Nga sẽ chỉ dẫn đến lập trường và lợi ích nhất quán hơn của hai nước trên nhiu vấn đ, chẳng hạn như chống bá quyn. Sau đó, trong không gian trung tâm Á-Âu, ảnh hưởng của Washington sẽ dần dần bị loại trừ.

Chính trị nằm trong địa lý, và lý thuyết cổ điển về chính trị quốc tế này vẫn được áp dụng. Theo học thuyết “đảo thế giới (World-Island)” của nhà địa chiến lược người Anh Mackinder, từ sông Dương Tử đến sông Volga, từ dãy Himalaya đến Bắc Cực là “trung tâm” của Á-Âu, dễ phòng thủ nhưng khó tấn công. Nếu Mỹ buộc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau thì việc khống chế “trung tâm” Á-Âu, sau đó khống chế “đảo thế giới” Á-Phi-Âu, tiếp tục thống trị thế giới sẽ càng khó khăn hơn.

Nếu họ có kinh nghiệm về Chiến tranh Lạnh, những người ra quyết định chiến lược hiện tại của Washington nên biết rằng tư thế chiến lược của Mỹ đang có quỹ đạo đi xuống kể từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.

Tháng 3 năm 1946, Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc “Diễn văn Fulton” tại Mỹ để khơi mào Chiến tranh Lạnh. Lúc đầu, Mỹ có ưu thế nhất định so với Liên Xô, tuy nhiên, hơn ba năm sau, một “Trung Quốc đỏ” đột ngột xuất hiện trên trường quốc tế và gia nhập lực lượng phương Đông, điều này khiến Mỹ ngay lập tức bị suy yếu. Vào thời điểm đó, một số người ở Mỹ đã nản lòng, nghĩ rằng Washington gần như không thể giành chiến thắng trước Trung Quốc và Liên Xô. Ở một mức độ lớn, chính sự lo lắng này đã dẫn đến sự xuất hiện của “Chủ nghĩa McCarthy”.

Sau này, một trong những chìa khóa lớn nhất để Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh là “thắng” Trung Quốc, sự xoay chuyển trong quan hệ với Trung Quốc năm 1972 gần như lập tức đảo ngược cục diện Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Nicholas Lardy, một trong những học giả giỏi nhất của Mỹ về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, đồng thời là thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế, nhận định rằng Trung Quốc là nhân tố bên ngoài số một giúp Mỹ chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Do mối quan hệ xấu giữa Trung Quốc và Liên Xô, Liên Xô buộc phải triển khai 850.000 quân chính quy và 500.000 lính biên phòng ở Viễn Đông trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon. Điều đó chắc chắn đã tạo ra gánh nặng tài chính khổng lồ và kìm hãm sự phát triển của Liên Xô.

Diễn biến cục diện chiến lược Mỹ – Liên Xô trước và sau Chiến tranh Lạnh là kinh nghiệm cũng như bài học quan trọng mà lịch sử để lại cho chính trường quốc tế, nhưng hiện nay “lớp trẻ” trong chính quyền Biden dường như không chú ý, không coi trọng những kinh nghiệm lịch sử này một chút nào.

Thứ hai, trước sức ép ngày càng lớn, chưa từng có của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc và Nga cũng sẽ buộc phải tìm kiếm một bước đột phá chiến lược.

Trước các hành động khiêu khích và trừng phạt từ bên ngoài, Nga đang nỗ lực hết sức để đối phó với các lệnh trừng phạt về kinh tế và kiềm chế về mặt ngoại giao. Về phía Trung Quốc, cách đây không lâu chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran, đây được coi là một thành tựu ngoại giao nổi bật của Trung Quốc.

Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không tham gia vào cuộc cạnh tranh địa chính trị với Washington ở Trung Đông hoặc lấp đầy khoảng trống chính trị do việc Mỹ rút khỏi Trung Đông để lại như một số phương tiện truyền thông phương Tây đã đồn đoán. “Ngoại giao hòa giải” của Trung Quốc thực sự hoàn toàn trái ngược với cách làm của Mỹ trong việc tạo ra xung đột và trục lợi từ chúng.

Mỹ đã học hỏi “chiến lược bá quyền” của Đế quốc Anh trong quá khứ, một trong những thủ đoạn quan trọng là chia để trị, gieo rắc mâu thuẫn giữa các phe phái khác nhau vốn cùng một quốc gia, thậm chí là cùng một dân tộc. Dẫn đến hậu quả là tạo ra hai quốc gia hoặc thực thể chính trị ngang tầm nhau, khiến cả hai bên mâu thuẫn đối đầu, từ đó phải dựa vào thế lực bên ngoài, chẳng hạn như Ấn Độ và Pakistan. Ở Trung Đông, Mỹ đang dùng thủ đoạn “chia để trị” này để tạo ra nhiều mâu thuẫn.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm ngược lại, lấy sự hòa giải giữa Shah và Iraq làm ví dụ, đưa ra một lựa chọn con đường khác, khác với việc Mỹ và phương Tây thường xuyên kích động đối đầu. Nói chung, Trung Quốc đi theo đường lối riêng và thúc đẩy phát triển thông qua hợp tác sâu rộng với các nước đang phát triển, điều này tạo thành một đòn phản công lại chủ nghĩa bá quyền của Mỹ.

Thứ ba là “ngăn chặn kép” bao gồm việc loại bỏ Trung Quốc ra khỏi hệ thống toàn cầu hóa do Mỹ thống trị, điu này cực kỳ bất lợi cho Mỹ và toàn bộ phương Tây.

Quá trình “hút máu” của các nước phát triển ở phương Tây đã bắt đầu suy giảm. Thời đại công nghiệp hóa của phương Tây đã qua. Internet hay công nghệ chip có tiên tiến đến đâu thì cũng phải có sản phẩm công nghiệp, nhưng Mỹ và phương Tây không thể tự mình làm được. Do đó, nó bị phụ thuộc nhiều vào việc “hút máu” từ bên ngoài. Năm 2022, tổng dân số thế giới đã đạt 8 tỷ người, phần lớn sống ở các nước đang phát triển, các nước phát triển chỉ có khoảng 1 tỷ người, tức là chưa đến 13% tổng dân số thế giới, nhưng GDP của họ chiếm gần 60% thế giới. Nguyên nhân là do họ vẫn giữ sự thống trị và tiếp tục khai thác hệ thống toàn cầu.

Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods do Mỹ vi phạm thỏa thuận trong “cú sốc Nixon” năm 1971, đồng đô la bị tách khỏi vàng và thay vào đó bị ràng buộc với dầu ở một mức độ nhất định. Hiện tại, có nhận định mới rằng, mối quan hệ giữa dầu gắn với đồng đô la Mỹ đang dần nới lỏng, và dầu đang gắn với các sản phẩm của Trung Quốc. Washington muốn chèn ép Bắc Kinh, điều này tất nhiên có tác động tiêu cực đến Trung Quốc, nhưng xét cho cùng, Trung Quốc đang kiểm soát nhiều trung tâm hoặc mắt xích cốt lõi trong chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế. Một khi Mỹ đánh mất chuỗi sản phẩm của Trung Quốc, quyền bá chủ của đồng đô la sẽ còn phải đối mặt với những vấn đề lớn hơn trong khuôn khổ “đô la gắn chặt với các sản phẩm của Trung Quốc”.

Đối với chiến lược “ngăn chặn kép” này, những phản ứng trong nước ở Mỹ đang gia tăng, tuy nhiên vẫn còn phải xem liệu điều này có dẫn đến sự điều chỉnh kịp thời của Washington hay không và điều chỉnh như thế nào. Nhưng nhìn chung, việc Mỹ thù địch với hai cường quốc tầm cỡ thế giới cùng một lúc là một sai lầm chiến lược đã được công nhận.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , ,