Nếu biết học theo Phần Lan, Ukraina đã không phải trả giá đau đớn đến vậy

Bài học mà Phần Lan dạy cho Ukraina là: Muốn an toàn thì đừng để nước lớn nằm sát vách cảm thấy mình đang gây mất an toàn cho họ, và nước xa thì không thể cứu được lửa gần.

Chiến tranh là sự chết chóc, chia lìa và tốn kém tiền bạc. Trong chiến tranh mong mỏi duy nhất của người dân là hoà bình, đoàn tụ. Để tránh được chiến tranh chúng ta phải hiểu được nguyên do của từng cuộc chiến, từ đó có ứng xử thích hợp góp phần đẩy xa nguy cơ những cuộc chiến. Bài viết chỉ là sự phân tích logic với các sự kiện đang diễn ra. Những sự kiện về Phần Lan – Liên Xô tham khảo từ cuốn Sụp đổ của Jared Diamond.

Từ Phần Lan

Nhìn vào bản đồ chúng ta thấy được Phần Lan có phía Bắc giáp với Na uy, phía Tây giáp với Thuỵ Điển, phía Đông giáp với Nga. Cách vịnh Phần Lan có Estonia, Latvia, Luthuania, Belarus.

Khoảng từ năm 1100, thì Phần Lan bị Thuỵ Điển và Nga tranh giành. Phần Lan gần như bị Thuỵ Điển kiểm soát đến năm 1809 thì Nga thôn tính hoàn toàn. Cách mạng tháng 10 của Nga nổ ra Phần Lan được độc lập. Từ đó Phần Lan là một nước theo chế độ dân chủ tư bản tự do, nhưng vẫn là một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn.

Vào tháng 8/1939 Hitler và Stalin ký với nhau Hiệp ước Bất tương xâm Đức – Liên Xô bao gồm cả thoả thuận ngầm Phần Lan thuộc ảnh hưởng của Liên Xô. Việc ký kết vừa xong thì bất ngờ Đức đánh vào Ba Lan. Stalin hiểu càng phải đẩy biên giới của Liên Xô càng xa phía Tây càng tốt nhằm ngăn chặn mối đe doạ của Đức. Do đó vào tháng 10 năm 1939, Liên Xô gửi tối hậu thư yêu cầu bốn nước vùng Baltic: Phần Lan, Estonia, Latvia và Luthuania sát nhập vào Liên Xô duy nhất chỉ có Phần Lan từ chối.

Đầu tháng 10/1939 Liên Xô đưa ra hai yêu sách với Phần Lan: Biên giới Liên Xô – Phần Lan ở Eo đất Karelia phải lùi xa Leningrad. Và Phần Lan phải để Liên Xô thiết lập căn cứ Hải quân trên bờ biển phía Nam Phần Lan gần thủ đô Helsinki đồng thời nhượng lại một số đảo nhỏ trong vịnh Phần Lan. Lo sợ nếu nhượng bộ một phần yêu sách sẽ phải tiếp tục nhượng bộ trong tương lai, họ từ chối.

Ngày 30/11/1939 Liên Xô đưa 500.000 quân với hàng ngàn xe tăng, máy bay và pháo binh tối tân vào Phần Lan. Phần Lan không có xe tăng, máy bay, pháo binh cũng như súng chống tăng. Họ chỉ có súng cá nhân và súng máy nhưng đạn được hạn chế. Họ sử dụng chiến thuật du kích với ván trượt tuyết để kéo dài trận chiến đấu. Việc kéo dài chiến tranh phục vụ mục đích đàm phán với Liên Xô và chờ sự chi viện các nước đồng minh.

Nhưng tất cả lời hứa chi viện đều là lừa phỉnh dối trá, chẳng có quân đội và máy bay nào sẵn sàng cho việc chi viện cả. Yêu sách của Liên Xô để kết thúc chiến tranh là toàn bộ vùng đất của Karelia, số dân ở đây vào khoảng 10% dân số Phần Lan phải rời bỏ Karelia lùi về phần đất còn lại của Phần Lan (giải toả trắng). Cảng Hanko gần Helsinki được Nga sử dụng làm căn cứ hải quân.

Đến năm 1941 Phần Lan lại bị cuốn vào chiến tranh thế giới thứ 2. Họ đứng về phe phát-xít chống Liên Xô nhằm lấy lại vùng đất Karelia. Với sự tan rã của phe Trục, đến tháng 7/1944 người Phần Lan phải đến Moskva để tìm kiếm hoà bình và ký hiệp định mới. Phần Lan trả tiền bồi thường chiến tranh cho Liên Xô 300 triệu USD trong 6 năm. Đó là khoản tiền lớn đối với nền kinh tế nhỏ lẻ chưa công nghiệp hoá của Phần Lan lúc bấy giờ.

Rồi chính nghịch cảnh này là động lực cho họ phát triển công nghiệp nặng như đóng tàu, các nhà máy xuất khẩu. Phần Lan phải chấp nhận 20% giao thương thương mại với Liên Xô. Họ nhập khẩu dầu, đầu máy xe lửa, nhà máy điện hạt nhân và kể cả xe Moskvich của Liên Xô, xuất khẩu tàu thuyền, tàu phá băng, hàng tiêu dùng sang Liên Xô. Về phía Liên Xô, Phần Lan là nguồn cung cấp công nghệ và là cửa ngõ của Liên Xô đến với phương Tây.

Phần Lan là một đất nước nhỏ bé, yếu ớt và sẽ không nhận được sự giúp đỡ thiết thực nào từ phương Tây nếu đối đầu với Liên Xô. Do đó, để giữ mối quan hệ hòa bình với Liên Xô, họ phải có một số nhượng bộ kinh tế và chính trị. Họ đã kiểm duyệt để truyền thông không chống lại Liên Xô theo giọng điệu phương Tây. Họ hiểu rằng Phần Lan sẽ không bao giờ an toàn nếu Liên Xô cảm thấy không an toàn. Trong quan hệ đối ngoại, Phần Lan luôn đi trên dây giữa việc phát triển mối quan hệ với phương Tây đồng thời duy trì sự tin cậy với Liên Xô. Kekkonen, vị Tổng thống có quan hệ gần gũi với Moskva của Phần Lan thậm chí còn thành công trong việc thông qua một đạo luật khẩn cấp để gia hạn nhiệm kỳ của mình thêm 4 năm.

Là một thể chế dân chủ tự do, trong nhiều thập niên Phần Lan vẫn duy trì được một mối quan hệ tuyệt hảo và tin cậy với Liên bang Xô Viết trước đây và nước Nga hiện thời mà không phải trở thành một nước đàn em.

Phần Lan chỉ là một nước nhỏ, có biên giới dài với Liên Xô. Họ hiểu rằng không thể trông cậy vào các nước đồng minh. Trách nhiệm sống còn của của dân tộc, của đất nước phải tự thân. Cho dù là một thành viên của EU và từng được mời gia nhập khối NATO nhưng cho đến nay Phần Lan vẫn chỉ bảo lưu lời mời đó. Họ biết rằng nếu họ gia nhập NATO thì chắc chắn Nga không để cho họ được yên ổn.

Nhìn về Ukraina

Năm 1991 Liên Xô Viết tan rã, 12 nước cộng hoà lần lượt được tách ra và tuyên bố độc lập. Ukraina là một trong số các nước cộng hoà đó tách ra từ Liên Xô. Giống như Nga sau khi được tách ra, Ukraina cũng có tình trạng kinh tế trì trệ. Hy vọng kinh tế khởi sắc nhờ việc bắt tay hợp tác với phương Tây và Mỹ. Nhưng Mỹ và phương Tây không hậu thuẫn cho Ukraina phát triển kinh tế trong hoà bình và thịnh vượng. Họ chỉ hậu thuẫn vũ khí để Ukraina đối đầu với Nga.

Lịch sử không có chữ nếu, nhưng lịch sử mang lại cho chúng ta những bài học. Tại thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Krym, nếu Ukraina chấp nhận thực tại như Phần Lan đã từng chấp nhận mất lãnh thổ, đồng thời không có ý định gia nhập vào khối NATO, thì sẽ không có sự kiện Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập hai vùng ly khai và tấn công Ukraina. Bài học mà Phần Lan dạy cho Ukraina là: Muốn an toàn thì đừng để nước lớn nằm sát vách cảm thấy mình đang gây mất an toàn cho họ, và nước xa thì không thể cứu được lửa gần.

Bài học Phần Lan không được áp dụng, nên Ukraina trở thành con tốt trong bàn cờ địa chính trị giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây, để tự mình đứng vào những nước thuộc Thế giới hỗn loạn. Đó là những nước mà tiến hay lùi đều không được nữa. Lưu ý với các bạn rất nhiều nước thuộc Thế giới hỗn loạn có nguyên nhân từ Mỹ mà tôi có thể kể tên: Iraq, Somali, Afghanístan, Syria… Ukraina sẽ không bao giờ thắng Nga trong các cuộc tranh chấp và Mỹ cùng với các nước phương Tây cũng chẳng bao giờ cho phép Ukraina thua tan tác. Họ sẽ tiếp tục hơi thổi ngạt để Ukraina ít nhất cũng sống lâm sàng với mục đích là một cái gai chọc vào sườn của Nga.

>> Chính sách đối ngoại ngu xuẩn của phương Tây đã đẩy Ukraina vào bi kịch

Lần lượt các nước Đông Âu trong phe CNXH cũ và những nước cộng hoà tách từ Liên Xô trở thành thành viên của EU và gia nhập khối NATO. Rào dậu biên giới, bước đệm để bảo vệ sự tấn công quân sự ngày càng siết chặt nước Nga. Kinh tế giảm sút, tiếng nói trên nghị trường Quốc tế không có giá trị, chỉ còn lại sức mạnh quân sự. Các đòn trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) liên tục giáng vào Nga làm cho nền kinh tế khó khăn càng khó khăn hơn. Do đó Nga có thể cho rằng nền kinh tế của họ đã nằm ở đáy rồi, họ không còn gì mà mất về mặt kinh tế nữa, mà nếu có mất cũng không đáng kể.

Là một đất nước đã từng là siêu cường quốc, Nga không thể đứng khoanh tay nhìn bản thân bị siết chặt đến mức ngạt thở. Nga sẽ không chấp nhận việc bị đe doạ về quân sự và kinh tế.

Bài học cho Việt Nam

Địa chính trị của thế giới luôn biến đổi như biểu đồ chứng khoán. Không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn, là một câu mà chúng ta vẫn thường nghe và nó luôn đúng. Chúng ta từng không nghĩ đến sự sụp đổ của Liên Xô và cuối cùng nó đã xảy ra. Vậy thì chuyện Trung Quốc tan đàn sẻ nghé cũng hoàn toàn có thể đến. Do đó việc kiên trì với mục đích kéo dài hoà bình cho đất nước, tranh thủ phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân là điều mà chúng ta cần hướng tới.

Hiện nay có một số “chí sĩ yêu nước bàn phím” tự nhận là cấp tiến, nhưng tầm nhìn không qua ngọn cỏ. Đó là những người bài Tàu một cách cực đoan, nhưng thực tế chuyên buôn hàng Tàu đểu, hay nếu bắt phải bỏ tất cả những thứ gì liên quan đến Trung Quốc ra thì họ đang khoả thân. Do nhận thức kém, do mù quáng họ luôn luôn kích động chống phá ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao của nhà nước. Xin được nhắc lại một bài học nữa từ Phần Lan, là một nước dân chủ tự do nhưng họ phải kiểm duyệt để truyền thông không được nói xấu Liên Xô. Những người tự nhận là cấp tiến muốn nước mình phải là đồng minh của Mỹ, cho Mỹ thuê cảng quân sự Cam Ranh với hy vọng Mỹ sẽ bảo vệ mình. Họ không biết hay quên rằng Mỹ đã từng bỏ rơi đồng minh của mình là Việt Nam Cộng hoà hay gần đây nhất là Afghanistan. Những “chí sĩ yêu nước bàn phím” này luôn muốn người phát ngôn Bộ Ngoại giao phải nói như họ nói. Sống bên cạnh thằng hàng xóm đầu gấu mà lắm tiền, thì phải biết ăn nói khéo léo chứ đừng chửi vỗ mặt như kiểu Ukraina!

Việt Nam một nước nhỏ sống bên một nước lớn Trung Quốc luôn có dã tâm xâm chiếm, vị trí địa chính trị của chúng ta tương tự như Phần Lan với Liên Xô hay như Ukraina với Nga. Do vậy chúng ta cần phải học kỹ những bài học lịch sử đã và đang diễn ra trên thế giới. Là người đã sống trong chiến tranh, có nhiều mất mát trong chiến tranh tôi luôn trân quý hoà bình. Vì vậy đối với tôi một lãnh tụ giỏi là người có đường lối ngoại giao uyển chuyển làm sao cho đất nước không chịu chiến tranh để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân!

Không muốn so sánh nhưng không thể không thấy sự khác biệt về cách hiểu về sự độc lập trong chính sách ngoại giao của Việt Nam và Ukraine.

Với Việt Nam, sự độc lập, tự chủ trong chính sách ngoại giao là đảm bảo rằng Việt Nam không thể bị thế lực nào lôi kéo, ép buộc vào một liên minh quân sự hay làm căn cứ quân sự cho một thế lực quốc tế này chống một thế lực quốc tế khác.

Với Ukraine hiện nay thì sự độc lập, tự chủ trong chính sách ngoại giao là việc họ có quyền tham gia vào NATO để chống lại Nga mà không bị ngăn cản.

Từ năm 1991 tới nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam là nhất quán. Từ 1991 tới nay, chính sách ngoại giao của Ukraine là sự đổi chiều từ theo Nga sang chống Nga và ngược lại.

Kết quả về kinh tế, ổn định chính trị, toàn vẹn lãnh thổ của 2 chính sách thế nào thì ai cũng biết.

Theo Bao Anh Thai Facebook 

Theo NGUYEN ANH VU / VIETNAM BUSINESS INSIDER

Tags: , , ,