⠀
Năng suất lao động của người Việt Nam hiện giờ đứng đâu trên thế giới?
Năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nhưng còn khoảng cách xa so với thế giới.
Cải thiện nhanh
Năng suất lao động theo giá hiện hành đã tăng từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020. Năng suất lao động năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011, trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động.
Theo số liệu Niên giám thống kê quốc gia 2022 của Tổng cục Thống kê, năm 2021 – năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năng suất lao động của Việt Nam tăng đột biến từ 150,1 triệu đồng/lao động của năm 2020 lên mức 172,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020; đến năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021.
Theo lý giải của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, nguyên nhân năng suất lao động tăng đột biến trong hai năm 2021 và 2022 do kỹ thuật tính toán khác thường của Tổng cục Thống kê khi đã loại trừ khoảng 4,4 triệu lao động tự sản xuất ra sản phẩm cho tiêu dùng của chính họ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong khi đó, giá trị của các sản phẩm do hoạt động tự sản xuất cho tiêu dùng được tính và đưa vào quy mô GDP để tính năng suất lao động của nền kinh tế. Số lao động tự sản, tự tiêu hiện nay chiếm khoảng 8,2% lao động đang làm việc của nền kinh tế.
Tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.
Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.
Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,6% so với năm 2020 (nếu tính cả lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì chỉ tăng 2,9%) do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 làm cho tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,56% trong khi lao động dần quay trở lại làm việc sau giãn cách xã hội.
Mặc dù năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng năng suất lao động của nền kinh tế cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%.
Nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%. Như vậy, theo ông Lâm, dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng.
Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Vẫn bị bỏ xa so với khu vực và thế giới
Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2022 tăng bình quân 5,3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia (1,4%/năm); Thái Lan (1,9%/năm); Singapore (2,2%/năm); Indonesia (2,8%/năm); Philippines (3%/năm).
Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần và 1,7 lần thì đến năm 2022 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 2,8 lần; 1,5 lần và 1,3 lần.
Tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia và bằng 94,5% của Philippines; tương đương mức năng suất lao động của Lào (20 nghìn USD).
So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá, điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.
So sánh năng suất tính theo số giờ làm việc trên mỗi lao động đang làm việc (tính bằng GDP trên tổng số giờ làm việc của lao động làm việc trong năm) thể hiện bức tranh rõ nét hơn sự thay đổi năng suất lao động trong nền kinh tế do kiểm soát tốt hơn tình trạng thiếu việc làm hiện phổ biến ở nhiều quốc gia.
Tính theo PPP 2017, năng suất lao động mỗi giờ làm việc năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 10,2 USD, mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đạt 74,2 USD; Malaysia 25,6 USD; Thái Lan 15,1 USD; Indonesia 13 USD; tương đương năng suất lao động mỗi giờ của Philippines 10,1 USD. Các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Mỹ đạt 70,7 USD; Pháp 58,5 USD; Anh 51,4 USD; Hàn Quốc 41,5 USD; Nhật Bản 39,6 USD; Trung Quốc 13,5 USD.
Cần những động lực mới
Năng suất lao động của nước ta thấp là do: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý; Chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trong 5 năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến cố, với 4 đặc trưng: Biến động khó lường; không chắc chắn; phức tạp và mơ hồ. Các biến cố đưa đến những thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế thế giới, trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo; các giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế bị thách thức nghiêm trọng; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo hướng linh hoạt, dễ thích nghi hơn.
Để vượt qua các biến cố kinh tế và xử lý thiếu hụt lao động do vấn đề nhân khẩu học, các quốc gia đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cơ cấu lại lực lượng lao động, đồng thời định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Những ứng dụng và điều chỉnh này trở thành động lực nâng cao năng suất lao động.
Ông Lâm kiến nghị, để hoà nhịp với xu hướng thay đổi không thể đảo ngược của kinh tế thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của năng suất lao động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
Theo VIETNAMNET
Tags: Kinh tế Việt Nam, Lao động - việc làm