⠀
Năm điều thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc
Bất chấp vẻ ngoài tự tin, vẫn còn nhiều vấn đề khiến giới cầm quyền cao nhất của Trung Quốc phải bận tâm. Có 5 vấn đề thực sự khiến họ bận tâm: đặc điểm địa lý, nước Mỹ, sự trỗi dậy và trở lại của các cường quốc khác, “chủ nghĩa ly khai” và sự ổn định kinh tế.
Bài viết của Tiến sĩ Jonathan Ward, nhà sáng lập Quỹ Atlas chuyên tư vấn về Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương. Ông nhận bằng Tiến sĩ về quan hệ Trung – Ấn tại Đại học Oxford, nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Columbia. Ông nói được tiến Trung, Nga và Ả Rập và đi tới rất nhiều khu vực ở Trung Quốc, Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Reed Simmons là sĩ quan Hải quân Mỹ. Ông lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Harvard. Phân tích trong bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ. Bài viết được đăng trên The National Interest.
Mối lo ngại của Trung Quốc về sự rạn nứt trong nước vẫn tồn tại ngay cả khi Trung Quốc gia tăng tập trung vào thế giới bên ngoài.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush, nhiều người biết đến việc ông hỏi Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào điều gì khiến ông mất ngủ vào ban đêm. Hồ Cẩm Đào đáp rằng đó là vấn đề tạo việc làm: Làm thế nào ông chắc chắn có thể mang lại việc làm cho 25 triệu người gia nhập lực lượng lao động mỗi năm?
Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào là một kỷ nguyên khác. “Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” nhường chỗ cho “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, và tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra vào tháng 10/2017, Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc giờ đây sẽ “tiến gần hơn đến vũ đài trung tâm”.
Hiện nay, có rất nhiều thứ cho thấy sự tự tin của Trung Quốc, từ vấn đề Biển Đông đến căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài, từ Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cấu trúc cho sự hiện diện toàn cầu của Trung Quốc ngày càng được tiết lộ. Vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đã thay đổi nhiều như thế nào? Bất chấp vẻ ngoài tự tin, vẫn còn nhiều vấn đề khiến giới cầm quyền cao nhất của Trung Quốc phải bận tâm.
Khi ĐCSTQ trở lại hoạt động sau một kỳ đại hội đảng mang tính khai tâm mở trí, các tác giả đã chọn ra 5 hạng mục thực sự khiến họ bận tâm: đặc điểm địa lý, nước Mỹ, sự trỗi dậy và trở lại của các cường quốc khác, “chủ nghĩa ly khai” và sự ổn định kinh tế.
Đặc điểm địa lý
Điều gì thúc đẩy sự mở rộng và thái độ quyết đoán của Trung Quốc? Mặc dù đã có nhiều bài viết về quyền đánh bắt cá, các nguồn dầu lửa và những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mang tính lịch sử, nhưng điều ít được nghiên cứu hơn lại là một chủ đề có tính toàn diện hơn: đặc điểm địa lý chiến lược không thuận lợi.
Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới; sự thịnh vượng liên tục của nước này dựa vào các tuyến thông tin liên lạc mở trên biển. Tuy nhiên, quyền tiếp cận biển khơi của Trung Quốc bị giới hạn một cách đáng kể. Từ phía Đông, các tàu phải đi qua những eo biển tiếp giáp với các thực thể thù địch tiềm tàng – Nhật Bản và Đài Loan. Từ phía Tây, quyền tiếp cận Biển Đông về cơ bản bị giới hạn ở các eo biển Malacca, Sunda và Lombok.
Khi chống lại khả năng dễ bị tổn thương chiến lược này, thường được mô tả là “tình thế tiến thoái lưỡng nan Malacca”, việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng hải quân, xây dựng đảo trên Biển Đông và sáng kiến “Vành đai và Con đường” nên được coi là một chính sách duy nhất. Hãy xem xét vấn đề năng lượng. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, Trung Quốc đã nhập khẩu dầu mỏ để đáp ứng khoảng 64% nhu cầu của họ trong năm 2016, một con số dự kiến sẽ tăng lên đến 80% vào năm 2035. Không phải ngẫu nhiên khi dự án quan trọng nhất của sáng kiến “Vành đai và Con đường” – Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan – lại tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng từ Gwadar đến Tân Cương, đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp của Trung Quốc. Trung Quốc đầu tư vào đâu, quân đội của họ sẽ theo đến đó. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã mở căn cứ ở nước ngoài đầu tiên của họ tại Djibouti, nằm ngoài một nút thắt chiến lược và là một động thái dựa trên những đợt triển khai lực lượng ở Ấn Độ Dương và những đóng góp vào các chiến dịch chống cướp biển của Hải quân PLA. Một chiến lược rõ ràng xuất hiện, làm sáng tỏ cách tiếp cận toàn chính phủ của Trung Quốc tới chính sách “phòng thủ tích cực”.
Sự mở rộng của Trung Quốc trên toàn cầu thường được xem là một dấu hiệu của sức mạnh đang gia tăng. Nó hẳn cũng là một sự thừa nhận tình trạng bất ổn đang gia tăng được phản ánh ở các lợi ích toàn cầu được mở rộng của nước này. Việc thành công của “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình phần lớn phải vượt qua một vài nút thắt hàng hải chắc chắn khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc do dự.
Nước Mỹ
Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã nói: “Một ngày nào đó, sớm hay muộn, Mỹ nhất định sẽ từ bỏ các vị trí ở Tây Thái Bình Dương và rút về nước, giống như họ từng phải từ bỏ các khu vực khác trên thế giới”.
Cho dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thích hay không thì tầm nhìn của ĐCSTQ vẫn bao gồm cả việc thay thế Mỹ ở châu Á. Điều đã thay đổi là Trung Quốc giờ đây không chỉ là một cường quốc châu Á mà còn là một bên tham gia chủ yếu trên phạm vi toàn cầu. Như đã được đề cập đến ở phần đầu bài viết, các nhu cầu về nguồn lực của Trung Quốc không thể được đáp ứng trong phạm vi biên giới Trung Quốc. Sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc sẽ theo dấu các nhu cầu của hoạt động thương mại của Trung Quốc và cuối cùng sẽ đòi hỏi phải có các năng lực đáng kể trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc phải tiến tới tăng cường cả về kinh tế lẫn quân đội của mình dưới bóng của siêu cường có ảnh hưởng lớn là Mỹ mà không kích động một phản ứng có thể gây nguy hiểm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mỹ vẫn có lợi thế so với Trung Quốc về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế, năng lực quân sự, các liên minh và mối quan hệ đối tác toàn cầu, và kinh nghiệm thực sự trong việc triển khai sức mạnh cả ở châu Á lẫn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Mỹ là một “gã khổng lồ” đang bị phân tâm, với những ưu tiên quốc gia cạnh tranh nhau. Ban lãnh đạo Trung Quốc vốn phải hướng lái với sự thận trọng khi trỗi dậy dưới cái bóng của nền hòa bình kiểu Mỹ. Điều mà ban lãnh đạo Trung Quốc lo ngại là Mỹ có thể đưa ra những kết luận không dễ chịu về bản chất của sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự thách thức của Trung Quốc đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ. Hai khả năng có thể xảy ra bao gồm việc bao vây khu vực ngoại vi của Trung Quốc bằng hệ thống phòng thủ tên lửa, hoặc sự trả đũa về kinh tế.
Ban lãnh đạo Trung Quốc xác định một “giai đoạn cơ hội chiến lược” mà khi đó sự trỗi dậy của Trung Quốc có khả năng không bị thách thức. Mặc dù Trung Quốc tỏ ra táo bạo hay quyết đoán trong các sáng kiến của họ từ xây đảo trên Biển Đông đến “Vành đai và Con đường”, nhưng đây là những nguy cơ đã được tính toán, được thiết kế nhằm thúc đẩy các tham vọng của Trung Quốc mà không kích động Mỹ có những hành động vượt ra ngoài những gì mà Trung Quốc có thể đối phó.
Sự trỗi dậy và trở lại của các cường quốc khác
Quỹ đạo tiềm tàng của quan hệ Mỹ-Trung đã được Henry Kissinger so sánh với sự trỗi dậy của Đức và cuộc đụng độ của nước này với Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuy nhiên, như một học giả người Mỹ đã giải thích tại Oxford cách đây vài năm, có một sự khác biệt mang tính quyết định giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Đức. Nước Đức lên nắm quyền giữa các đế chế đang sụp đổ trên lục địa châu Âu: cả đế chế Ottoman lẫn đế chế Áo-Hung đều đang suy yếu. Tuy nhiên, Trung Quốc lên nắm quyền khi bị bao vây bởi các quốc khác, hùng mạnh và đang trỗi dậy.
Tóm lại, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không diễn ra bên trong một khoảng trống. Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh không chỉ với Mỹ mà còn với cả một tập hợp các nước lớn khác mà nhiều nước trong số đó đang bắt đầu tập hợp lại thành nhóm để đối trọng với Trung Quốc bởi quan ngại về những tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, mỗi một nước trong số này đều có một lợi thế so sánh về địa lý so với Trung Quốc, điều làm phức tạp hơn nữa các tình thế tiến thoái lưỡng nan về địa lý của Trung Quốc.
Khu vực Ấn Độ Dương, nơi mà Trung Quốc dựa vào để có các dòng chảy thương mại và các nguồn năng lượng, là cái nôi của một Ấn Độ đang trỗi dậy, nước sẽ liên kết với Mỹ, Úc, Nhật Bản và các nước dân chủ khác có liên quan để triển khai sức mạnh quân sự và kinh tế. Nhật Bản có thể không phải là một quốc gia đang trỗi dậy, nhưng đó là một quốc gia hùng mạnh, và liên minh của họ với Mỹ tuy vậy có thể lập luận là vẫn giữ vững vị trí của nó trong một cuộc chiến với Trung Quốc. Indonesia là một cường quốc đang trỗi dậy, có GDP đạt mức 1.000 tỷ USD, tăng cường các lực lượng hải quân của mình và tham gia các tranh chấp hàng hải, điều có thể đẩy họ đứng về phe đối trọng với Trung Quốc. Nga dù gặp rắc rối về nhân khẩu học và trì trệ về kinh tế, vẫn là một cường quốc quân sự vượt trội. Mặc dù hợp tác quân sự và kinh tế giữa Trung Quốc và Nga hiện tại là đáng kể, nhưng sự liên kết lâu dài của Nga với các lợi ích của Trung Quốc là không chắc chắn, càng nhắc nhở chúng ta rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra giữa rất nhiều quốc gia hùng mạnh và có thể nguy hiểm đối với Trung Quốc.
Những lo ngại về sự bao vây hoặc kiềm chế do Mỹ dẫn đầu đã hiện diện trong Bộ Chính trị kể từ những thập kỷ mới thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Hiện nay, các cường quốc lớn khác đang tự mình hành động theo những cách mà sẽ củng cố lập trường của họ về sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Mặc dù những người phát ngôn và đông đảo người dân Trung Quốc thường chỉ trích sự hợp tác của Mỹ với các nước châu Á khác là “tư tưởng Chiến tranh Lạnh” và dường như thực sự không hiểu được rằng chính những hành động và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc dẫn đến dư luận và hành động tập thể chống lại Trung Quốc, nhưng không ai nghi ngờ về việc sự hợp tác ngày một gia tăng của các bên tham gia chủ yếu khác là một trong những vấn đề cốt lõi khiến ĐCSTQ lo lắng.
Chủ nghĩa ly khai
Trong cuốn “Vận mệnh của Trung Quốc” xuất bản năm 1947, Tưởng Giới Thạch viết: “Formosa, quần đảo Pescadores (Bành Hồ), 4 tỉnh Đông Bắc, Mãn Châu, Nội Mông và Ngoại Mông, Tân Cương và Tây Tạng – mỗi khu vực đều là một pháo đài thiết yếu đối với hệ thống phòng thủ và an ninh quốc gia. Sự chia rẽ bất kỳ khu vực nào trong số này khỏi phần còn lại của đất nước đồng nghĩa với việc gây rối loạn hệ thống phòng thủ quốc gia”.
Ngân sách Trung Quốc dành cho an ninh trong nước tương tự như quân đội nước này – một sự hiểu biết sâu sắc về sức ép của sự ổn định trong nước. Từ Tân Cương đến Tây Tạng, từ Hong Kong đến Đài Loan, nỗi lo sợ của Trung Quốc về rạn nứt trong nước vẫn tồn tại ngay cả khi Trung Quốc gia tăng sự tập trung vào thế giới bên ngoài. Chiến lược quân sự năm 2015 của Trung Quốc nhấn mạnh “nhiệm vụ khó giải quyết” là duy trì “an ninh chính trị và ổn định xã hội”, trích dẫn phong trào độc lập của người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, tư tưởng của ĐCSTQ về “chủ nghĩa ly khai” là liên tục nghi ngờ, theo lời của chính họ, “các lực lượng chống Trung Quốc vốn chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực của họ xúi giục một cuộc ‘cách mạng màu’ ở nước này”.
Điều mà ĐCSTQ làm ở một khu vực nào đó lại được các khu vực khác chú ý tới. Sự thất bại trong việc thực thi chính xác chính sách “Một Trung Quốc, hai chế độ” tại Hong Kong đã tác động đến Đài Loan: Nói chuyện với đông đảo công dân Đài Loan vào năm 2014, một tác giả nhận ra rằng có mối quan ngại về tình trạng “Hong Kong hóa”, một sự thừa nhận rằng bất kỳ sự hợp nhất cuối cùng nào với Đại Lục đều ám chỉ việc mất đi mọi quyền tự do đã được hứa hẹn.
Như “Phong trào ô dù” của Hong Kong tiết lộ, bản sắc địa phương đang nổi lên trong thành phố. Sự biến đổi về nhân khẩu học thậm chí còn rõ ràng hơn ở Đài Loan. Năm 2016, 59% người dân Đài Loan khẳng định bản sắc Đài Loan riêng biệt, tăng từ mức 18% vào năm 1992, và chỉ có 3% xem mình là người Hoa. Những hy vọng của ĐCSTQ về hội nhập kinh tế chưa dẫn đến sự đồng hóa về chính trị.
Tại sao lại có rắc rối như vậy? Về mặt chính trị, không thể hoàn tất công cuộc “phục hưng dân tộc” nếu không có sự thống nhất hoàn toàn. Điều này cũng đúng về mặt chiến lược. Đài Loan giữ vai trò chủ chốt đối với chuỗi đảo thứ nhất, và việc kiểm soát được nó sẽ biến Trung Quốc trở thành chủ nhân của các vùng biển gần. Theo một cuốn cẩm nang quân sự của Trung Quốc, “Ngay khi Đài Loan tái hợp nhất với Trung Quốc đại lục, thì các tuyến giao thông liên lạc trên biển của Nhật Bản sẽ nằm hoàn toàn trong phạm vi tấn công của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc”. Ở đây, động cơ chính trị gắn liền với động cơ chiến lược. Cũng như ở Tân Cương, an ninh bên trong gắn liền với an ninh bên ngoài. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, nỗ lực chính của Trung Quốc nhằm có được quyền tiếp cận trên đất liền đối với khu vực Ấn Độ Dương và các nguồn năng lượng của khu vực này, không chỉ xoay quanh Pakistan hỗn loạn mà còn xoay quanh quyền kiểm soát liên tục của Trung Quốc đối với tỉnh Tây Bắc của họ. Bất chấp tình trạng nhập cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương và Tây Tạng, chỉ có 6% dân số Trung Quốc sinh sống ở nửa phía Tây của nước này, nơi mà bản sắc của sắc tộc không phải là người Hán vẫn mạnh mẽ.
Sự ổn định kinh tế
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. ĐCSTQ đang ở giữa cái mà các nhà kinh tế gọi là một sự “tái cân bằng kinh tế”, điều có nghĩa là họ đang dịch chuyển các đầu tàu kinh tế của mình từ một mô hình được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang một mô hình được thúc đẩy bởi người tiêu dùng. Trên hết, Trung Quốc phải đối mặt với một gánh nặng nợ nần rất lớn và ngày một gia tăng, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù chính phủ có một số công cụ tài chính và tiền tệ mà họ có thể tùy ý sử dụng, nhưng Trung Quốc có thể sớm có một cuộc khủng hoảng tín dụng mà họ phải chịu trách nhiệm khi các bong bóng tài sản bị vỡ hay khi các gánh nặng nợ nần trở nên không thể chống đỡ được. Bất chấp những lời kêu gọi cải cách thay vì đưa ra gói kích thích, cải cách cơ cấu thực sự vẫn chưa diễn ra, mà bằng chứng là sự mở rộng liên tục của các “thành phố ma”, sự ủng hộ vẫn đang tiếp diễn đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả, và sự tồn tại dai dẳng của các khoản vay kém hiệu quả và các khoản vay cần chú ý đặc biệt. Việc tiếp tục nguyên trạng sẽ chỉ làm cho sự dịch chuyển khó khăn hơn khi gói kích thích mất đi hiệu quả của nó và gánh nặng nợ nần gia tăng.
Những sáng kiến mới như “Made in China 2025” được thiết kế nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị, và công cuộc tìm kiếm các vụ mua bán công nghệ trên toàn cầu, ở Mỹ và đặc biệt là ở châu Âu, cho thấy rằng ĐCSTQ đang tìm cách đảm bảo việc họ thực hiện được sự chuyển tiếp, nâng cao năng suất và tránh được một cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ nặng nề mà sẽ choán hết tâm trí của ĐCSTQ trong những năm tới.
Kết luận
Sự trỗi dậy của Trung Quốc tồn tại giữa các vấn đề lớn mà sẽ gây khó khăn cho việc hoàn tất công cuộc “phục hưng dân tộc” của Trung Quốc. Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi mang tính lịch sử trong cán cân quyền lực thế giới, nhưng cũng có khả năng là cán cân quyền lực nói chung cuối cùng sẽ quay sang chống lại Trung Quốc khi ngày càng có nhiều nước đi đến chỗ hiểu ra được ý nghĩa của “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Ngoài những phản ứng ngày một gia tăng trước sự tăng cường về quân sự và ép buộc về kinh tế của Trung Quốc, các nước đã bắt đầu phản ứng trước việc Trung Quốc “xuất khẩu” các hệ tư tưởng trong nước của họ. Nhóm tác giả đã tìm cách phơi bày phần nào điều mà Trung Quốc thực sự lo ngại. Cũng có những vấn đề mà Trung Quốc nên lo ngại. Cụ thể, đó là việc thế giới rộng lớn hơn bắt đầu đưa ra những quyết định cứng rắn về bản chất của những tham vọng của Trung Quốc và việc họ bắt đầu tìm kiếm những phương án nhằm kiềm chế hoặc ngăn chặn một thế giới được đánh dấu bởi “sức mạnh quốc gia toàn diện” của Trung Quốc. Điều mà ĐCSTQ nên lo ngại là “giai đoạn cơ hội chiến lược” của họ kết thúc và thế giới thức tỉnh.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Trung Quốc, Quan hệ Mỹ - Trung