Một số vấn đề về dân chủ, độc tài và phát triển

Những kết quả tích cực có thể có của phương thức cai trị độc tài, trên thực tế, đều phải trả bằng những cái giá đắt nhất về phương diện xã hội, và thường không tránh khỏi để lại những hệ lụy đớn đau cho nhiều thế hệ về sau.

Một số vấn đề về dân chủ, độc tài và phát triển

Tác giả: PGS,TS Lê Văn Toan, Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014.

Cuốn sách Một số vấn đề về dân chủ, độc tài và phát triển của GS, TS Hồ Sĩ Quý do Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản tháng 4/2014. Cuốn sách chia làm ba chương. Chương đầu mổ xẻ những vấn đề cấp thiết về lý luận. Chương cuối phân tích những vấn đề bức xúc trong thực tiễn. Còn chương II, với số trang dày dặn hơn, bàn đến những hiện tượng, những sự kiện, những nhân vật và những quan hệ phức tạp giữa dân chủ, độc tài và phát triển ở một số quốc gia. Những quan niệm, quan điểm trong toàn cuốn sách đều được bàn từ góc độ lý luận, những vấn đề có tính thực tiễn rất cao, đậm chất thời sự.

Cuốn sách cho chúng ta biết những hiện tượng đầu tiên trong lịch sử nhân loại được gọi là độc tài và dân chủ cùng với các chế độ xã hội tương ứng hình thành và triển khai như thế nào.

Theo tác giả, nền dân chủ Athens, nền dân chủ đầu tiên của loài người, chính thức được hình thành bắt đầu vào năm 510 trước Công nguyên, dưới thời Cleisthenes. “Lúc đó, quyền lực của một thể chế dân chủ được quyết định bởi một Hội đồng thành phố, gồm những người tự do và giới quý tộc có gốc bản địa Athens. Các kỳ họp Đại hội đồng và Hội đồng là nơi diễn ra quyết định mọi công việc của thành bang thông qua lá phiếu của các đại cử tri. Ngay từ lúc đó, chính quyền thành bang đã sử dụng các hình thức phản biện công khai, bỏ phiếu tín nhiệm, phê bình nội bộ, kể cả đối với những người vừa có công tham gia lật đổ chế độ bạo chúa Peisistratos trước đó. Các đợt ân xá chính trị cũng được thảo luận và bỏ phiếu tại Hội đồng. Cơ chế này ổn định và có hiệu quả đến tận khi Alexandros Đại đế trị vì Hy Lạp vào thế kỷ 3 trước Công nguyên chấm dứt một trong những thí nghiệm thành công nhất của nhân loại về chính quyền tự quản của công dân” (xem chương I, phần 1.2.). Có thể thấy rằng, các hình thức dân chủ mà người Hy Lạp cổ đại đã nghĩ ra và sử dụng trong nhiều thế kỷ lại chính là các hình thức mà nhiều nơi trong xã hội hiện đại đang cố gắng xây dựng.

Trong cơ chế dân chủ Hy Lạp, với 30 nghìn Ủy viên Hội đồng trong số 250 nghìn cử tri, có đến khoảng 5 nghìn người thường xuyên phải tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng, ít nhất là 40 ngày trong một năm. Đây là kiểu tổ chức “quốc hội chuyên nghiệp” mà ngày nay cũng không nhiều nước trên thế giới có khả năng thực hiện. Bảng tham vấn về công việc của thành bang Athens hằng năm cũng có tới 6 nghìn công dân được lựa chọn để phỏng vấn. Ngày nay, một cuộc điều tra xã hội học thì 6 nghìn phiếu phỏng vấn đã được coi là quy mô (xem chương I, phần 1.2.).

Tác giả khẳng định rằng: “Dân chủ là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng lạm quyền. Logic tự nhiên của quyền lực, như Jean-Jacques Rousseau đã nhắc nhở, luôn đi theo xu hướng lạm quyền, dù ban đầu động cơ khởi thủy của quyền lực có thể là vì dân một cách trong sáng… Quyền lực không bị kiểm soát, không có chế tài luôn luôn là điều nguy hiểm. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào thật sự an toàn khi quyền lực tuyệt đối bị rơi vào tay một người hoặc một nhóm người… Không thể đem sinh mạng hay đời sống của đại đa số cư dân đặt cược vào lòng tốt hay lời hứa đạo đức đơn thuần…” (xem chương I, phần I.2.).

Về chế độ độc tài, cuốn sách cho chúng ta cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về hiện tượng độc tài, bản chất của độc tài, các hình thức nhà nước độc tài trong lịch sử và những hệ lụy đau khổ của nó, dù có những trường hợp độc tài đã có công đẩy nhanh sự phát triển. Theo tác giả, khái niệm độc tài không xuất hiện sau khái niệm dân chủ. Trong lịch sử, người ta có thể thấy các xã hội cả một thời kỳ dài trước Công nguyên đều ngổn ngang những hình ảnh đầy bạo lực, hà khắc, thậm chí đẫm máu, dù luôn được chép lại dưới hình thức thi vị hóa hay anh hùng ca. Được quan tâm ngay từ Platon và Aristotle, nhưng “đến thế kỷ 1 trước CN – thế kỷ 6, độc tài và chế độ độc tài mới trở thành các khái niệm tương đối xác định về phương diện chính trị và pháp quyền, do được thực tế làm sâu sắc hơn và phong phú hơn bởi những sự kiện oai hùng và bi tráng của một đế chế hùng mạnh vào loại bậc nhất đồng thời tồn tại lâu nhất trong lịch sử nhân loại – Đế quốc La Mã” (xem chương I, phần I.4.).Thời đó, “Độc tài” là một kiểu cai trị hợp hiến được Viện nguyên lão La Mã chuẩn y, nhằm khôi phục lại trật tự chính trị để ổn định Đế quốc La Mã.

Nhìn về phương Đông, tác giả cuốn sách cho biết rằng, các chế độ chuyên chế phương Đông khác nhiều, nếu không nói là khác hoàn toàn so với các chế độ độc tài kinh điển châu Âu. “Người đứng đầu tầng lớp cai trị châu Á ở phương Đông gắn nhiều hơn với xã hội thế tục, sức mạnh thần quyền ít được khai thác sử dụng, ngay cả đối với các nước có quốc giáo. Tuy vậy, chế độ chuyên chế của cá nhân nhà vua dựa trên pháp luật nhiều khi rất vô lối của vương triều và của bộ máy quan liêu của nhà nước, quân đội, cũng rất độc đoán, tàn bạo. Điều đáng nói là sự độc đoán, tàn bạo này thường không hề che giấu, là công cụ cai trị của một cá nhân duy nhất… Một vài triều đại như Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên ở Trung Quốc; Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ; hay Tamerlane (Timur) ở Tây Á… còn bị sử sách coi là những hoàng đế của các triều đại tàn nhẫn, hà khắc nhất trong xã hội loài người” (xem chương I, phần I.4.). Từ thực tiễn lịch sử, tác giả khẳng định rằng: “Đến cuối thế kỷ 20, gần như không còn một lý thuyết nào công nhiên bênh vực chế độ độc tài. Những kết quả tích cực có thể có của phương thức cai trị độc tài, trên thực tế, đều phải trả bằng những cái giá đắt nhất về phương diện xã hội, và thường không tránh khỏi để lại những hệ lụy đớn đau cho nhiều thế hệ về sau” (xem chương I, phần I.4.).

Chương II của cuốn sách là một kho tư liệu về các chế độ dân chủ và độc tài trên thế giới cùng với những vấn đề về phương diện phát triển. Những tư liệu vô cùng phong phú, vừa chi tiết, cụ thể vừa chắt lọc, điển hình của các chế độ xã hội ở Venezuela, Brasil, Peru, Chile, Nicaragua, Thái Lan, Philippine, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và ở Liên Xô thời Stalin đã được phân tích và xem xét khá kỹ lưỡng. Đã có rất nhiều tư liệu quý giá và đa dạng được tác giả khai thác, xử lý. Thật khó đưa ra các nhận xét đầy đủ về những nước, những vùng lãnh thổ, chế độ chính trị – xã hội mà tác giả đã phân tích mối quan hệ giữa phương thức cai trị và khả năng của chúng trong việc thúc đẩy hay kìm hãm xã hội phát triển. Mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử hiện ra như một gợi ý không dễ đánh giá theo kiểu một chiều. Mỗi quốc gia lại hiện ra như một kinh nghiệm đặc thù, vừa có điều cần học theo, vừa có điều cần phải tránh xa. Mỗi chính khách được đề cập tới lại đi vào lịch sử như những nhân cách đáng phải phân tích từ nhiều góc độ.

Chẳng hạn, về Singapore, cuốn sách chỉ ra rằng, vào những năm 60, GDP của nước này chỉ dưới 500 USD/người. Sau hai thập niên, năm 1985 GDP của Singapore là 10.811 USD/người, nghĩa là đã vượt qua ngưỡng bị coi là nước nghèo. Không rơi vào bẫy thu nhập trung bình và dừng lại ở đó, Singapore tiếp tục phát triển và trở thành NIC, một trong 4 con hổ châu Á – điều kỳ diệu của thế kỷ 20. Đến năm 2007, GDP (tính theo PPP) là 35.163 USD đầu người/năm; chỉ số phát triển con người (HDI) 2009 là 0,944, xếp hạng 23/182 nước. Sự thành công của Singapore gắn liền với tên tuổi của thủ tướng Lý Quang Diệu (giai đoạn 1959-1990) , người được thế giới ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, khi sử dụng các tư liệu của Tom Plate, Devan Nair, George T.Uri Gordon…, cuốn sách cho ta biết thêm những góc khuất của Singapore. Theo tác giả, phương thức quản lý của Lý Quang Diệu có thể là bình thường đối với một bộ phận dân chúng nào đó, nhưng lại là vi phạm tự do đối với một bộ phận cư dân khác. “Khi Singapore “hóa rồng”, tất cả những can thiệp phi lý, tàn nhẫn, vượt quá thẩm quyền của Lý Quang Diệu lại trở thành công lao” (xem chương II, phần II.4.2.). Để quản lý đất nước, Lý quang Diệu đã không ngần ngại sử dụng các thủ đoạn đối với phe đối lập và cả đối với dân chúng. Trong việc tiêu diệt đối thủ của mình, chiến thuật của ông có thể so sánh được với việc dùng một quả bom nguyên tử để tấn công một con muỗi. Cuốn sách kết luận: “Khi Singapore được cả thế giới nhìn nhận là một đảo quốc thịnh vượng, an toàn và trong sạch, với sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, người ta thường chỉ rút ra kết luận rằng, nếu không có một nhà lãnh đạo như ông Lý, Singapore sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được những thành tựu mà thế giới đang chứng kiến và muốn bắt chước. Lý Quang Diệu đã một lần nữa chứng minh cho quan điểm chuyên chính cực đoan tư bản chủ nghĩa – Mục đích có thể biện minh cho biện pháp, dù biện pháp ấy chẳng hề chính đáng chút nào”.

Về hai xã hội thành công của thế kỷ 20, Hàn Quốc và Đài Loan, tác giả đánh giá: “Hàn Quốc là tấm gương chưa từng có tiền lệ trong lịch sử để các nước đi sau nghiên cứu, tham khảo. Nhưng con đường tăng trưởng, phát triển rồi hóa rồng thông qua phương thức độc tài để đi đến dân chủ ở Hàn Quốc là một quá trình nghiệt ngã, đầy mâu thuẫn và không nên đánh giá một cách giản đơn” (xem chương II, phần II.2.). Còn Đài Loan, “từ tình trạng thiếu tài nguyên với vài chục triệu người sống ở mức nghèo đói, sau khoảng 30 năm đã “cất cánh”, hoá rồng và dân chủ hóa. Tác giả nhận định, điều thần kỳ về kinh tế Đài Loan nên được coi là kém ngoạn mục so với điều thần kỳ về đời sống xã hội. Ý kiến này thật đáng suy ngẫm.

Theo tác giả, ở Đài Loan, “chính quyền nhận ra giá trị của dân chủ và có ý thức cải biến xã hội. Các lực lượng chính trị cố gắng chuyển đổi xã hội trong khuôn khổ một trật tự ôn hòa, cải cách, chứ không cách mạng. Người dân được làm quen với các giá trị dân chủ và chẳng bao lâu đã làm chủ được giá trị dân chủ. Nền kinh tế – xã hội phát triển năng động, biết phát huy nguồn lực con người đã dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp trung lưu quan tâm đến văn hóa, văn minh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Một xã hội tôn trọng học vấn, có nền giáo dục tiên tiến, có nguồn nhân lực trình độ cao và đồng đều, có nền văn hóa kết hợp được truyền thống và hiện đại. Một xã hội có chính thể tiếp thu được áp lực quốc tế, chuyển từ độc đoán, độc tài sang thể chế dân chủ và đã ghi được những tư tưởng này vào Hiến pháp. Một xã hội có tầng lớp lãnh đạo có trách nhiệm, dám quyết định; Chính phủ sẵn sàng với mọi trách nhiệm quốc gia và quốc tế. Một xã hội dân sự đủ trưởng thành, gánh được các trách nhiệm dân sự, điều tiết được các hoạt động xã hội theo hướng lành mạnh. Một xã hội có pháp luật nghiêm và tương đối công bằng, không chùn bước trước tham nhũng, không nương nhẹ với chủ nghĩa tư bản thân hữu, kiểm soát được tội phạm và tệ nạn xã hội. Một xã hội mà về đại thể, quần chúng nhân dân trở thành một lực lượng chính trị ôn hòa, đấu tranh bất bạo động cho các mục tiêu tiến bộ v.v.” (xem chương II, phần II.2.).

Chương III của cuốn sách bàn về một số vấn đề thực tiễn – về cái giá phải trả của tình trạng mất dân chủ; về dân chủ hóa theo phương thức từ trên xuống; về trình độ tiếp nhận dân chủ của xã hội; về vấn đề độc tài sáng suốt.

Theo tác giả, tính đến nay, hệ lụy của các xã hội độc tài, dù là ở Hàn Quốc hay Philippin, ở Chilê hay Peru, ở Nga hay Đức… đều là những hệ lụy vẫn còn gây nhiều rắc rối cho sự phát triển ở các nước này và cũng không kém phần trực tiếp ảnh hưởng đến thế giới. Khép lại quá khứ và bình thường hóa các quan hệ xã hội không hẳn là điều dễ dàng, cần phải có thời gian, và có những vết thương lại cần rất nhiều thời gian. “Ngày nay, độc tài, toàn trị, hay chuyên chế đều là những cách thức không thể ứng dụng, dù chủ thể ứng dụng có chân thành hay nhân văn đến mấy. Những trường hợp độc tài được coi là sáng suốt, độc tài nhưng tâm huyết với sự phát triển của quốc gia và dân tộc, độc tài nhưng nhằm tới các mục tiêu nhân văn… chỉ có thể kể được ít ỏi vài quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và phần nào đó là Malaysia. Chỉ có thế, danh sách này không thể dài hơn được. Các chính thể độc tài, chuyên chế khác – tất cả đều chẳng những không thúc đẩy được sự phát triển, mà còn trực tiếp đẩy xã hội vào những tình huống không mong muốn, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức, gây tai họa và hệ lụy cho thế hệ đương thời và nhiều thế hệ về sau” (xem chương III). Về điều này, bên cạnh sự phân tích sâu sắc, tác giả đã trích lại một khẳng định của Aristotle: “không có một lập luận nào mà người ta dựa vào đó để cho rằng mình có quyền cai trị và bắt kẻ khác phải phục tùng được xem là đúng đắn. Đối với những kẻ cho rằng mình có quyền cai trị vì có đức độ hay tài sản hơn người, thì đa số có thể trả lời dễ dàng rằng chính đa số – một cách tập thể – mới tốt hơn và giàu có hơn một thiểu số” (Aristotle, Chính trị luận, Nxb Thế giới, (2012), tr.186.).

Lý giải cho lý do không nên đặt cược niềm tin vào sự độc tài gọi là sáng suốt, tác giả cho rằng, ngày nay, do điều kiện khách quan quy định, “quản lý vĩ mô không phải là sự nghiệp của một hay một vài người, hoặc dòng họ như trước đây. Việc cập nhật và xử lý thông tin xuyên quốc gia, liên kết phối hợp sử dụng tri thức, công nghệ và kinh nghiệm của nhiều người, nhiều vùng…để tìm kiếm các phương án tối ưu cho mọi việc, sẽ làm cho công việc lãnh đạo quản lý (xử lý thông tin và ra quyết định) trở nên thuận lợi hơn và giảm áp lực cho các chính khách. Về thực chất, đây là cách quản lý dân chủ, đồng thời tối ưu. Phương thức cai trị độc đoán, độc tài ngày nay không có được lợi thế này” (xem chương III).

Cuối cuốn sách, tác giả kết luận: “Dân chủ cần phải trở thành một thứ văn hoá tồn tại một cách tự nhiên, ngấm sâu trong đời sống xã hội. Những điều tích cực chỉ khi đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, vào phong tục, tập quán, thì mới có thể coi là đã hoàn thành và tồn tại bền vững, trở thành nhân tố điều chỉnh hành vi. Nếu dân chủ chỉ tồn tại một cách hình thức, hời hợt, hoặc chỉ như một thứ trang trí, tô vẽ cho vẻ bề ngoài của xã hội thì nó không thể tạo ra các quan hệ dân sự thực sự có sức mạnh, làm nhiệm vụ điều chỉnh hành vi xã hội và bảo vệ xã hội trong giờ phút hiểm nghèo. Sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ chỉ rõ, chế độ xã hội XHCN ở các nước này, trên thực tế thiếu các quan hệ thực sự dân chủ làm cơ sở tinh thần cho sự bền vững của chế độ. Do vậy, dân chủ chưa trở thành văn hoá điều chỉnh hành vi xã hội và tự bảo vệ xã hội, chưa trở thành vũ khí của quần chúng. Toàn bộ sự tồn vong của chế độ khi đó chỉ trông vào sức mạnh của bộ máy quyền lực. Bộ máy đó đổ là chế độ chẳng còn. Vì thế, hậu quả nguy hiểm nhất của mất dân chủ là sự mất khả năng đề kháng của xã hộitrước sự tấn công của kẻ thù” (xem phần kết luận).

Còn rất nhiều điều trong cuốn sách mà tôi chưa thể giới thiệu hết với độc giả. Và với hệ vấn đề này, lại cũng còn nhiều hơn thế những điều mà cuốn sách chưa kịp đề cập hay chưa có điều kiện để bàn luận. Nhưng, những điều mà tác giả đã làm thật đáng trân trọng. Sự tìm tòi, khảo cứu của tác giả rất nghiêm túc, công phu. Những số liệu, những trích dẫn, những nguồn tư liệu đã khai thác… rất đa dạng, phong phú và có độ chuẩn xác và tin cậy rất cao. Tính thời sự của các hiện tượng và dữ liệu cũng rất cập nhật. Trong cuốn sách chúng ta có thể bắt gặp những tác phẩm mới nhất của Tom Plate, DavidHeid, Amartya Sen hay Lý Quang Diệu…, những số liệu mới nhất của World Values Survey, WB, IMF hay Democracy Index… Tính khoa học của việc xử lý các dữ liệu này chắc chắn sẽ góp phần làm nên giá trị cuốn sách. Thêm vào đó, còn là văn phong, lập luận và diễn đạt chuẩn mực. Theo tôi, cuốn sách là một trong số không nhiều tác phẩm lý luận viết về những vấn đề khó, phức tạp mà lại được trình bày bằng lối diễn đạt giản dị, kiệm ngôn, mạch lạc và trong sáng. Hầu như không có mệnh đề nào không rõ nghĩa. Khái niệm, phạm trù, thuật ngữ… thường là rất chắt lọc.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,