Một góc nhìn của học giả quốc tế về nền thơ cổ điển Việt Nam

“Người châu Âu chúng ta biết gì về văn học, đặc biệt là về văn học Việt Nam? Một người châu Âu bình thường được nuôi dưỡng bằng thế giới quan của Mỹ chỉ biết về nó một cách phiến diện”.

Một góc nhìn của học giả quốc tế về nền thơ cổ điển Việt Nam

Bài phát biểu tham dự Hội nghị Quốc tế, giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài, tháng 1/ 2010 của nhà nghiên cứu Andrzej Grabowski, Ba Lan

Nhưng người Ba Lan chúng tôi do dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu.

Càng làm quen với những người bạn Việt Nam, tôi càng nhận thấy rằng mối quan hệ giữa chúng ta được thắt chặt bởi thế giới quan giống nhau như: nhạy cảm với thiên nhiên, lòng yêu cái đẹp, tôn trọng những giá trị mà nếu thiếu chúng con người không thể phát triển được, lòng yêu nước hơn cuộc sống của mình, sự hiến dâng cho gia đình, kính trọng nền văn hóa và lịch sử đất nước. Có nước nào trên thế giới có các vị tướng lĩnh – người bảo vệ tổ quốc lại làm thơ?

Trong số những người cầm quyền ở Ba Lan, vua Jan III Sobieski, người chiến thắng quân Thổ dưới thành Viên, đã thể hiện tác phẩm của mình bằng nghệ thuật đặc biệt dưới dạng những bức thư tinh tế gần như thơ. Nhưng phải đến thời kỳ Phục Hưng của những nhà thơ xuất sắc Ba Lan như Miklai Rej ở vùng Naglovic, người đầu tiên đấu tranh chống viết chữ La-tinh, đã viết lời kêu gọi để mọi người Ba Lan viết bằng chữ của mình như sau: “Những kẻ bên ngoài hãy luôn luôn biết rằng người Ba Lan không phải là những con ngỗng và biết ngôn ngữ riêng của mình”. Tôi dẫn ra Rej, mặc dù có thể cũng tốt khi nhắc đến một người yêu nước vĩ đại là Jan Kochanowski từ Czanolas, những bậc thầy đã được những người kế tục họ sau này trong thời kỳ lãng mạn của Ba Lan vào những năm cuối của thế kỷ 19 như Norwid, Mickiewicz hay Slowacki nhắc đến.

Cũng như vậy, các nhà thơ Việt Nam đã chăm lo gìn giữ ngôn ngữ của mình. Cần quáng bá cho thế giới rằng, sự tinh tế của thi ca là một trong những đặc tính có giá trị hiếm thấy giữa các dân tộc của những người có trách nhiệm với dân tộc mình. Ví dụ như vị tướng Lý Thường Kiệt hay hoàng tử Trần Quang Khải, nhà vua Trần Nhân Tông, một trong những nhà lãnh đạo và anh hùng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, là tác giả của hai tập thơ nổi tiếng. Có thể những người vĩ đại ấy đã mang lại chiến thắng vì họ có trí tưởng tượng lớn lao, đồng thời biết dự đoán và nhìn thấy được nhiều hơn những người khác… Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ nhưng đối với những người cha của nền thi ca, những nhà lãnh đạo thiên tài, sau vài thế kỷ, sẽ được những người kế tục của họ nhắc đến. Vì quan trọng nhất là những gì khởi thủy, nhắc đến nó là chúng ta tìm về cội nguồn. Không có gì tạo ra trong không khí, không có gì tự nhiên được sinh ra. Và giờ đây, tôi lại nhớ đến bài thơ rất sâu sắc của Đạo Hạnh Thiền sư, nhà thơ sống trước đây một ngàn năm như sau:

“Có” và “không”
Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có.
Bao là “không”, thì tất cả (thế gian) đều không.
“Có” và “không” như ánh trăng dưới nước.
Đừng có bám hẳn vào cái “có” cũng đừng cho cái “không” là không.

Phải chăng là chưa đến lúc để đề cao một Dân tộc đã có những nhà thơ như vậy trước đây nhiều thế kỷ? ! Một câu hỏi có tính hoa mỹ. Cố gắng tiếp cận với triết học của cội nguồn thơ Việt Nam, luôn luôn dừng lại với cái đẹp và sự thông minh của nó, tôi lặng yên để nhiều lần nhận rõ chân lý vĩnh cửu rằng, sự khiêm nhường và đức kiên nhẫn không bao giờ làm hại ai trong cuộc sống. Dân tộc Ba Lan, trong suốt quá trình lịch sử gian khó của mình, đã không ngừng buộc phải chiến đấu giành tự do cho dân tộc. Dân tộc Việt Nam cũng đã luôn luôn buộc phải đấu tranh chống lại sự thèm muốn của những nước láng giềng hiếu chiến. Điều từng trải đó của hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam rất giống nhau.

“Từ có vũ trụ, đã có giang san”. Ông quan thời Trần là Trương Hán Siêu từ thế kỷ 14 đã viết như vậy trong bài Bạch Đằng giang phú. Và nữa: “Quả là trời đất cho nơi hiểm trở, cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an”.

Cùng với sự thán phục, tôi xin nghiêng mình trước nền thơ cổ điển Việt Nam, tôi quan tâm đặc biệt là giai đoạn khởi thủy của nó, trong đó, con người được gieo trồng vào thiên nhiên, hòa vào nó làm một và qua đó càng hiểu rõ hơn số phận của con người tự do. Tôi nhận thấy rằng, đây gần như là sự mở đầu cho cuộc thảo luận về thơ thế giới, trong đó có nhiều điều đáng nói, nhưng cũng có nhiều điều để chia sẻ. Nền thơ này (thơ cổ điển Việt Nam – chú thích của người dịch) không những được thử thách, khám phá và được đặt đúng vị trí của mình trên thế giới.

Theo TẠP CHÍ HỒN VIỆT

Tags: ,