Mikhail Gorbachev trong hồi ức của một nhà báo Việt Nam

Để củng cố quyền lực thì Gorbachev phải tìm kiếm ê kíp ăn ý với mình và gạt ra ngoài những người phản biện, không cùng chính kiến. Sự mất dân chủ, không muốn lắng nghe đã dẫn tới các chính sách của ông ấy ngày càng sai lầm, gây ra hậu quả to lớn và cả sự thất bại trong sự nghiệp cá nhân.

Mikhail Gorbachev trong hồi ức của một nhà báo Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát – nguyên phóng viên TTX Việt Nam thường trú tại Liên Xô, nguyên Trưởng Phân xã TTXVN tại Nga – kể về cựu Tổng thống Liên Xô M. Gorbachev.

Mở đầu cuộc trò chuyện thời gian làm việc ở Liên Xô và ký ức về Mikhail Gorbachev, ông Nguyễn Đăng Phát kể:

Thời kỳ tôi công tác ở Moskva – nơi đặt cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Liên Xô trước đây – là sau khi Mikhail Gorbachev lên cầm quyền. Tôi sang nhận nhiệm vụ từ đầu năm 1989 đến năm 1993, tức là giai đoạn Liên Xô suy yếu rồi tan rã, nước Nga hình thành. Vì thế, tôi được chứng kiến giai đoạn cuối của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) của bản thân ông Gorbachev.

Ngày ấy, chúng tôi vừa làm nhiệm vụ phản ánh tình hình Liên Xô, nhưng đồng thời cũng phục vụ công tác nghiên cứu nữa. Hoạt động đa dạng nên phải xông xáo, phải theo dõi báo chí, tham gia các hoạt động chính thức và không chính thức.

Bạn đọc bình thường có thể biết chúng tôi qua tin, bài trên báo chí. Nhưng nhiều bạn đọc cũng không biết hoạt động nghiên cứu của chúng tôi từ Liên Xô để thông tin về nước.

Hồi ấy, phương thức hoạt động chủ yếu là dự các cuộc họp báo chính thức và những cuộc tụ tập không chính thức. Cùng đó là tiếp cận giới nghiên cứu, các học giả và cũng phải tiếp cận lực lượng Liên Xô mới.

Đó là những năm hoạt động báo chí rất sôi động và cũng có những điều đáng tiếc.

– Trong quá trình tác nghiệp, ông có nhiều lần được gặp gỡ hay quan sát ông Gorbachev?

– Ông Gorbachev có một số lần đích thân chủ trì họp báo tại Trung tâm Báo chí của Bộ Ngoại giao.

Một trong những cuộc họp báo đáng nhớ mà tôi dự liên quan Chiến tranh Iran – Iraq, có sự can dự của Mỹ và lúc đó Liên Xô là Ủy viên Thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Một cuộc khác cũng rất nổi tiếng là cuộc họp báo của Ủy ban về tình trạng khẩn cấp. Cuộc họp ấy, ông Gorbachev không dự vì đang bị giữ ở Crimea.

– Ông nhận thấy tình hình kinh tế – xã hội của Liên Xô thời kỳ đó thế nào?

– Tình hình kinh tế – xã hội của Liên Xô lúc đó rất nguy khốn. Hàng hóa tiêu dùng khan hiếm. Tôi cứ tự hỏi: Tại sao đã cải tổ và tại sao chiến lược là đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của Liên Xô được đưa ra rất rầm rộ, nhưng rồi ngay cả những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng biến mất trên kệ hàng? Đến cuộn giấy vệ sinh cũng không còn nữa.

Sau này, người ta lý giải rằng có âm mưu phá hoại làm ngưng trệ sản xuất. Nhưng nói tóm lại là do đường lối, chính sách sai lầm mà thôi. Hàng hóa đã trống rỗng như thế thì đời sống của người dân cực kỳ khó khăn.

Hồi cuối năm 1990, tôi có một lần được về phép. Bà giáo dạy lớp 3 cho con tôi ở Liên Xô có nhờ mua ở Việt Nam cả cái áo may ô cho chồng bà ấy, dù cho thời điểm đó nước ta cũng đang trong giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh khó khăn về kinh tế là những bất ổn về chính trị như biểu tình phản đối chính sách của Đảng (Đảng Cộng sản Liên Xô), nhà nước, phe nhóm nọ đổ lỗi cho phe nhóm kia… Những mâu thuẫn nội bộ, lợi dụng sự bất mãn của người dân làm cho xã hội căng thẳng lắm. Căng thẳng trên thị trường dẫn đến căng thẳng trong xã hội lúc ấy rất rõ.

– Trong bối cảnh ấy, vai trò lãnh đạo của vị Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô như thế nào, thưa ông?

– Ông Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng 3/1985. Sau đó, ông ta nắm cả chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao. Có nghĩa là vừa đứng đầu Đảng, đồng thời cũng là nguyên thủ quốc gia.

Lúc ấy, ở Việt Nam nhưng tôi vẫn chuyên theo dõi về Liên Xô. Những năm đầu của công cuộc Cải tổ (phát động từ năm 1985), không khí phấn khởi lắm. Thời kỳ đó, xã hội cởi mở hơn với những hứa hẹn cải thiện tình hình là có vẻ tốt đẹp hơn.

Nhu cầu của Liên Xô lúc ấy là cần phải có một nhà lãnh đạo trẻ hơn so với những người trước đây, cứ tuổi cao rồi mất liên tiếp. Hai là xã hội và nền kinh tế cần có sự đổi mới vì trì trệ nhiều năm rồi.

Gorbachev là người ở địa phương lên, trước đây chưa nổi danh gì cả. Những năm đầu có vẻ ông ấy có những thuận lợi, nhưng dần dần bắt đầu gặp khó khăn. Vì thế, một trong những mối quan tâm của M. Gorbachev cùng các cộng sự là làm sao phải giữ được quyền lực.

Nếu chỉ là Tổng Bí thư thôi và thậm chí Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao thì cũng dễ bị phế truất lắm. Cho nên, Gorbachev và các cộng sự tìm cách cải tổ chính trị, dẫn đến lập ra Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô. Xô Viết Tối cao lúc ấy chỉ được coi là cơ quan thường trực, còn Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô mới là cơ quan quyền lực cao nhất.

Ông Gorbachev lại đi một bước cải tổ nữa là đặt ra chức danh Tổng thống. Ông ấy cũng không tổ chức phổ thông đầu phiếu, mà chỉ để Đại hội Đại biểu nhân dân dân Liên Xô bầu thôi.

Gorbachev được bầu làm Tổng thống Liên Xô vào tháng 3/1990 tại Đại hội bất thường của Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô. Thế là ông ấy trở thành Tổng thống Liên Xô.

Tiếp theo đó, Gorbachev lập ra Hội đồng Tổng thống gồm những nhân vật gần gũi, ủng hộ mình và như vậy là vô hiệu hóa vai trò của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Quyền lực vững rồi, Gorbachev tiếp tục hành động và thực hiện đường lối của cá nhân mình.

Theo tôi, đường lối cải tổ ban đầu có những ý đồ tốt đẹp, nhưng khi có diễn biến không lường trước được, những khó khăn cứ dần dần xuất hiện, ông ấy và ê kíp không thể làm chủ được nữa.

Những lực lượng tiến bộ trong Đảng Cộng sản Liên Xô, xã hội Liên Xô lúc ấy nhận thức được con đường nguy hiểm, cũng muốn gạt bỏ Gorbachev nên mới có cuộc đảo chính.

Nhưng đảo chính thất bại, Gorbachev tiếp tục lãnh đạo và từ đó trở đi chỉ còn quanh mình một nhóm cốt cán, gần gũi ông ấy thôi, chứ sự ủng hộ trong Đảng và xã hội không còn nữa.

Từ lúc ấy, Gorbachev chú trọng đến lĩnh vực đối ngoại hơn, đưa hết sáng kiến này sáng kiến nọ để nâng cao hình ảnh của ông ta ở phương Tây, còn ở trong nước thì uy tín cứ sụt giảm dần cho tới lúc phải tuyên bố rời khỏi cương vị Tổng thống.

– Ấn tượng của ông về sự kiện ngày 25/12/1991, khi Gorbachev tuyên bố từ chức?

– Với tư cách nhà báo tác nghiệp Liên Xô mấy năm rồi, trước khi sang cũng đã theo dõi về tình hình Liên Xô thì tôi không bất ngờ.

Nhưng phải nói thật là về mặt tình cảm, cái này không tránh được với tư cách là một người Việt Nam, một cán bộ Việt Nam thì lúc ấy buồn và đau đớn lắm. Khi sang công tác là Liên Xô, nhưng khi trở về thì Liên Xô không còn nữa. Giữa chừng, tôi lại phải đổi thẻ là phóng viên thường trú ở Nga, chứ không phải Liên Xô nữa.

– Cảm nhận, đánh giá của cá nhân ông về Gorbachev với tư cách nhà báo, người sống tại Liên Xô thời kỳ đó?

– Đầu tiên phải nói Gorbachev là người có kiến thức, cán bộ trưởng thành từ địa phương và khi ở địa phương cũng rất năng động.

Cá nhân ông ấy là người rất hùng biện, có tài ăn nói. Khi làm việc ở Hà Nội, tôi có những lúc đi dịch cho đoàn báo cáo viên của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, các vị ấy cũng nói là phong cách làm việc của Tổng Bí thư chúng tôi khác trước lắm: Trẻ trung, mạnh mẽ và năng động.

Khi soạn các bài diễn văn, Gorbachev gọi các trợ lý, thư ký và nhân viên đánh máy tập trung lại. Ông ấy đi lại trong phòng, nói năng hùng hồn như đang phát biểu. Nhóm cử tọa đặc biệt này cứ thế mà biên tập lại đôi chút là xong.

Gorbachev cũng có trí nhớ tốt. Tại các cuộc đi thăm trong nước, ngoài nước, ở hội nghị, họp báo, ông ấy nói năng lưu loát, không cần sổ sách gì nhiều, số liệu ông ấy trích dẫn rất thuyết phục.

Tuy nhiên, để củng cố quyền lực thì Gorbachev phải tìm kiếm ê kíp ăn ý với mình và gạt ra ngoài những người phản biện, không cùng chính kiến. Sự mất dân chủ, không muốn lắng nghe đã dẫn tới các chính sách của ông ấy ngày càng sai lầm, gây ra hậu quả to lớn và cả sự thất bại trong sự nghiệp cá nhân.

Theo VTC 

Tags: , ,