‘Mike điên loạn’ và đội quân đánh thuê khét tiếng châu Phi thế kỷ 20

Thế chiến II kết thúc, nhân loại tưởng đã sống trong hòa bình nhưng những cuộc xung đột vũ trang lại tiếp tục nổ ra ở châu Phi, Trung cận Đông, Nam Á. Ở những cuộc chiến ấy, đã xuất hiện một lực lượng mới, gọi là “lính đánh thuê” mà từ thập niên 1960 đến thập niên 1980 thế kỷ trước, Đội biệt kích số 4, số 5 của cựu đại tá Michael Hoare – biệt danh “Mike điên loạn” – được đánh giá là “những tay súng hàng đầu”… 

Nguồn In Sight Crime – Mad Mike and 5 Commando

Bối cảnh cuộc bạo loạn SimbaNằm ở miền trung châu Phi, Congo vốn là thuộc địa của Bỉ. Năm 1960, nước này giành được độc lập và đổi tên thành Cộng hòa Congo, do ông Kasanubu làm tổng thống. Tuy nhiên, vùng Katanga dưới sự lãnh đạo của Moise Tschombe tuyên bố ly khai, đồng thời chính quyền trung ương lại chia thành hai nhóm, một nhóm ủng hộ thể chế liên bang của Tổng thống Kasanubu, thân phương Tây, còn nhóm kia ủng hộ chế độ hợp nhất của Thủ tướng Lumumba, thân Liên Xô. Sự bất đồng quan điểm giữa hai nhóm là nguồn gốc gây ra cuộc nội chiến.

Năm 1961, Thủ tướng Lumumba bị ám sát. Và mặc dù đã mời nhân vật ly khai Moise Tschombe ra làm thủ tướng nhưng nội chiến vẫn tiếp tục kéo dài với sự tham gia của nhiều phe nhóm mà trong đó, nhóm Simba với chủ trương chống chính quyền trung ương, được coi là lực lượng mạnh nhất. Dưới sự chỉ huy của Gaston Soumialot và Christophe Gbenye, nhóm Simba có gần 2.600 tay súng, thề trung thành với cố Thủ tướng Lumumba.

“Simba” hay “Basimba” – thổ ngữ Swahili ở nước Cộng hòa Congo – có nghĩa là “sư tử lớn”. Gaston Soumialot và Christophe Gbenye  sử dụng cụm từ này  để tuyển mộ chiến binh, hầu hết là thanh thiếu niên, có người mới chỉ 14 tuổi. Nguồn kinh phí để mua vũ khí từ các nước láng giềng như Tanzania, Uganda, cũng như để nuôi dưỡng đạo quân Simba là kim cương.

Bằng cách bắt những người dân ở những vùng do Simba kiểm soát, lao động khổ sai trong các hầm mỏ, kim cương thô khai thác xong sẽ được chuyển lậu sang Nam Phi chế tác trước khi xuất hiện tại các cửa hàng vàng bạc đá quý ở Paris, London, New York hay Amsterdam. Thế giới gọi đó là “kim cương máu – blood diamonds”. Do tiền lương ít ỏi, Gaston Soumialot và Christophe Gbenye cho phép lính Simba tự do hãm hiếp, cướp bóc và giết người ở những làng mạc, thị trấn mà họ chiếm được.

Ngày 24-6-1964, một lực lượng Simba ước khoảng 400 người bất ngờ bao vây 2 tiểu đoàn quân đội Chính phủ Congo ở thành phố Kwilu. Đã từng nghe về sự tàn ác của quân Simba mỗi khi bắt được tù binh nên chỉ sau vài giờ và chẳng dám bắn một phát đạn nào, toàn bộ sĩ quan lính tráng của 2 tiểu đoàn này buông súng. Thừa thắng xông lên, chỉ trong vài tuần, một nửa lãnh thổ Congo đã nằm trong tay Simba.

Cuối tháng 7, quân Simba chiếm luôn thành phố lớn thứ nhì Congo là Stanleyville, 1.500 lính chính phủ bỏ chạy,  để lại nhiều loại vũ khí, trong đó có cả súng cối và xe bọc thép. Khi chiếm được Stanleyville, Simba đã hành quyết hàng nghìn người, bao gồm các viên chức chính phủ, lãnh đạo chính trị của các đảng đối lập, cảnh sát, giáo viên và những người… biết nói tiếng Anh! Nhiều vụ tàn sát được thực hiện với sự hung bạo cực độ ngay dưới chân tượng đài cố Thủ tướng Lumumba.

Đến tháng 8, quân Simba tiến về phía nam, bao vây tỉnh Kasai. Đây là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là kim cương và cũng là cửa ngõ chiến lược để có thể kiểm soát toàn bộ đất nước Congo. Nếu Simba chiếm được Kasai, họ sẽ tách quân chính phủ ra làm hai đồng thời cô lập tỉnh Katanga và các tuyến phòng thủ khác. Sau 2 tuần vây hãm, hàng nghìn tay súng Simba từ trên các ngọn đồi bao quanh thành phố Kasai tràn xuống. Chịu không nổi, quân chính phủ vứt bỏ vũ khí, chạy dài.

Trước tình thế này, thủ tướng mới của Congo là ông Moise Tshombe một mặt quyết định cầu viện phương Tây, chủ yếu là Mỹ, Bỉ, Bồ Đào Nha. Mặt khác, thông qua cố vấn quân sự Jeremiah Puren, Thủ tướng Tshombe đề nghị Puren mời một đội quân đánh thuê để chống lại nhóm Simba. Ngay lập tức, Peren nhớ đến người bạn thân là Michael Hoare – hay còn được gọi là “Mad Mike – Mike điên loạn”.

Sự ra đời của đội biệt kích số 4, số 5

Là người mang 2 dòng máu Anh quốc, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Thomas Michael “Mad Mike” Hoare sinh ngày 17-3-1920 tại thành phố Dublin. Gia nhập quân đội Anh khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, Hoare được điều sang Myanmar và đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong việc đánh bại phát xít Nhật.

Thế chiến 2 kết thúc, Hoare giải ngũ với cấp hàm đại tá. Tiếp theo, ông thi vào Khoa Kế toán, Đại học Dublin, Ái Nhĩ Lan rồi lúc tốt nghiệp, Hoare nhận lời làm việc cho một công ty Anh quốc ở Nam Phi. Năm 1954, Hoare chính thức định cư tại thành phố Durban, tỉnh Natal, Cộng hòa Nam Phi.

Đến đây, xin quay ngược lại thời gian khi mà tỉnh Katanga do Moise Tschombe lãnh đạo, tuyên bố ly khai chính quyền trung ương Congo hồi năm 1961 để thành lập vùng tự trị thì ngay lập tức, Chính phủ Congo gửi quân đội đến nhằm tái lập trật tự.

Lúc này, do thực lực vẫn còn khá yếu, một sĩ quan quân đội chính phủ – người đã cùng chiến đấu chống phát xít Nhật ở Myanmar với Michael Hoare – bay sang Nam Phi – đề nghị Hoare thành lập một đội quân nhằm giúp Chính phủ Congo đánh lại lực lượng Tschombe. Michael Hoare cho biết: “Tôi liên lạc với những người bạn đã từng chiến đấu với tôi và họ nhanh chóng nhận lời. Chỉ khoảng nửa tháng, tôi đã có hơn 90 tay súng. Tôi đặt tên cho nhóm của tôi là Đội biệt kích số 4”.

Khi ấy, Chính phủ Congo dành cho Đội biệt kích số 4 rất nhiều ưu đãi, chẳng hạn mỗi người lính đánh thuê nhận lương cơ bản mỗi tháng 300USD (trong lúc một sĩ quan cấp thiếu úy của quân chính phủ, lương chỉ 70USD), còn cứ mỗi ngày trực tiếp tham gia chiến đấu, họ nhận thêm 6USD nữa. Nếu họ bị thương mất một cánh tay, ngoài lương cơ bản 300USD, họ được bồi thường số tiền bằng 75% lương cơ bản. Nếu bị mất 1 chân, họ nhận 60%, mất ngón tay trỏ bên phải là 20%, mất ngón chân cái bất kỳ bên nào là 5%. Còn nếu họ chết khi đang chiến đấu, 1.800USD – nghĩa là 6 tháng lương cơ bản sẽ được chuyển về cho gia đình họ.

Với kinh nghiệm học được trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 cộng với sự gan lì, liều mạng, Đội biệt kích số 4 đã đánh cho quân ly khai những trận liểng xiểng vì vũ khí của họ chỉ gồm những loại súng lạc hậu do Trung Quốc, Algeria, Ai Cập sản xuất.

Ngẫu nhiên là lúc ấy, Thủ tướng Lumumba bị ám sát, người đứng đầu tỉnh ly khai Katanga là Moise Tschombe được mời ra làm thủ tướng nên ngay lập tức, Tschombe nhanh chóng bắt tay “giảng hòa” với Michael Hoare. Chính vì vậy, khi nghe cố vấn quân sự Jeremiah Puren cho biết đã gọi được một nhóm lính đánh thuê do Hoare cầm đầu để chống lại quân phiến loạn Simba thì Thủ tướng Tschombe mừng hơn bắt được vàng!

Thời điểm quân Simba bao vây thành phố Kasai thì lãnh đạo của họ là Nicholas Olenga. Đó là một gã vô học, không có quan điểm chính trị và tin vào bùa chú. Bằng cách phát cho mỗi chiến binh Simba một cái áo khoác, Olenga tuyên truyền rằng áo có khả năng chống đạn của kẻ thù. Mỗi lần chiếm được một thị trấn, một làng mạc từ tay quân chính phủ Congo, Olenga cho phép lính tự do hãm hiếp, giết người, cướp của. Đa số lính Simba đều là những thanh thiếu niên 15, 16 tuổi nên điều này đã khiến họ càng say máu hơn.

Đầu tháng 8-1964, Hoare bay tới Leopoldville, thủ đô Congo gặp Tshombe. Một hợp đồng “đánh thuê” được ký kết, trong đó Hoare “chịu trách nhiệm tuyển dụng và lãnh đạo một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chiến đấu chống lại bọn phản loạn Simba, giành lại các vùng đất đã mất. Lương bổng và các chế độ khác do Chính phủ Congo thanh toán còn các loại vũ khí trang bị,  Hoare được quyền mua theo nhu cầu. Chính phủ Congo sẽ chi trả khoản này”.

Quay trở lại Nam Phi, vài ngày sau trên các tờ báo ở Johanesburg, Cape Town, Rhodesian, London, Anh Quốc, Dublin, Ái Nhĩ Lan…, xuất hiện những quảng cáo tuyển người, ưu tiên cho những cựu quân nhân đã từng kinh qua chiến đấu để thực hiện những “việc làm có sự khác biệt”. Và thế là chỉ khoảng nửa tháng, Hoare đã đưa 650 quân gồm 19 quốc tịch khác nhau đến Congo.

Ông ta đặt tên cho lực lượng này là Đội biệt kích số 5, trong đó có những tay “sừng sỏ” như Jeremy Spencer, người Anh, chuyên gia chiến tranh du kích chống phát xít Nhật trong rừng mưa nhiệt đới ở Malaysia, hoặc John Peters, một cựu chiến binh thuộc Đơn vị Không quân đặc biệt Anh Quốc, đã từng nhảy dù xuống phía sau phòng tuyến của quân Đức Quốc xã ở Pháp hồi Thế chiến 2 để thực hiện những nhiệm vụ phá hoại, hoặc như David Golan, người Do Thái, rất giỏi tác chiến bằng tay không, có thể dễ dàng hạ gục 4 người vũ trang dao găm, giáo mác.

David Golan đã không giấu diếm sự hãnh diện về vai trò của mình trong Đội biệt kích số 5: “Vào lúc này, chúng tôi nghe thấy tiếng gọi của những người lính đánh thuê thời Phục hưng châu Âu, chúng tôi tự hào như những tay súng miền viễn tây hoang dã nước Mỹ…”. Cũng có cả những người đã từng tham gia quân đội Đức Quốc xã, chẳng hạn như Siegfriend Mueller, luôn khoe ra chiếc huy chương Chữ thập ngoặc, hay như Ferdinand Calistrat, trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha năm 1936, đã là chỉ huy phó của một tiểu đoàn…

Những ngày đầu tiên khi đến Congo, tất cả lính đánh thuê trong Đội biệt kích số 5 đều phải trải qua một khóa tái huấn luyện kéo dài 2 tháng theo cách của quân đội Anh, trong đó chiến thuật tác chiến cấp phân đội 6 người với xe Jeep, súng máy và lựu đạn được đặc biệt chú trọng.

Phát biểu trước những người lính của mình, Hoare nói: “Vì không có cuốn sách nào ở Congo dành cho chúng ta nên các bạn sẽ phải tự viết nó”. John Peters cho biết hàm ý của Hoare là: “Chúng tôi phải chiến thắng để tên tuổi Đội biệt kích số 5 mãi mãi đi vào lịch sử nội chiến Congo”.

Theo AN NINH THẾ GIỚI 

Tags: ,