Loạt ảnh quý giá về cuộc Kháng chiến chống Mỹ của phóng viên Giải phóng

Loạt ảnh của các phóng viên chiến trường miền Bắc đã đem lại cho phương Tây cái nhìn hiếm có về cuộc chiến tranh Việt Nam từ “phía bên kia”.Loạt ảnh quý giá về cuộc Kháng chiến chống Mỹ của phóng viên Giải phóng

“Một Việt Nam khác” (Another Vietnam) là tên của một cuốn sách ảnh đặc biệt do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Tim Page biên soạn, quy tụ khoảng 150 bức ảnh được thực hiện bởi các phóng viên chiến trường miền Bắc Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Xuất bản năm 2002, cuốn sách đã cung cấp cho người phương Tây một cái nhìn hiếm có về cuộc chiến tranh Việt Nam từ “phía bên kia”. Mới đây, một số hình ảnh trích từ cuốn sách đã được giới thiệu trên trang Mashable của Mỹ.

Các nữ cán bộ Giải phóng tới một địa điểm họp mặt trong rừng ngập mặn ở Năm Căn, Cà Mau, 1972. Họ đeo mặt nạ để bảo vệ danh tính, tránh bị lộ trong trường hợp có người bị bắt và thẩm vấn. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, việc chuyển hình ảnh từ các căn cứ trong rừng rậm đồng bằng sông Cửu Long ra miền Bắc là rất khó khăn, nhiều khi các bức ảnh thất lạc hoặc bị tịch thu trên đường, theo lời của nhiếp ảnh gia Võ Anh Khánh, tác giả bức ảnh.

Các tân binh trong buổi khám sức khỏe tại Hải Phòng, tháng 7/1967. Từ một đội quân có số lượng khoảng 35.000 người vào năm 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có hơn nửa triệu người vào giữa thập niên 1970, được Mỹ thừa nhận là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất trên thế giới. Ảnh: Bảo Hành.

Một nữ du kích đứng canh gác ở đồng bằng sông Cửu Long, 1973. “Bạn có thể thấy những phụ nữ như cô ấy ở khắp mọi nơi trong thời chiến. Cô mới 24 tuổi nhưng đã hai lần trở thành góa phụ. Cả hai người chồng của cô là những người lính. Trong mắt tôi, cô là hiện thân của một người nữ du kích lý tưởng, người đã chấp nhận hy sinh tất cả cho đất nước mình”, nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường, người chụp bức ảnh chia sẻ.

Một du kích ở đồng bằng sông Cửu Long chèo thuyền qua một khu rừng ngập mặn đã rụng lá do chất độc da cam, năm 1967. Người Mỹ hủy diệt thiên nhiên trên một vùng rộng lớn bằng hóa chất để xóa bỏ nơi trú ẩn của đối phương. Khi chứng kiến cảnh tượng này, nhiếp ảnh gia đã bị ám ảnh. Ảnh: Lê Minh Trường.

Những người phụ nữ kéo lưới đánh cá nặng trĩu trên một nhánh thượng nguồn sông Cửu Long, 1974. Đây vốn là một công việc khá nặng nhọc, thường do nam giới đảm nhiệm trong thời bình. Ảnh: Lê Minh Trường.

Loạt ảnh quý giá về cuộc Kháng chiến chống Mỹ của phóng viên Giải phóng

Các dân quân thu dọn đống đổ nát của một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ở ngoại ô Hà Nội, tháng 9/1972. Đây có thể là chiếc A-7C Corsair II do Trung úy Stephen Owen Musselman điều khiển, bị trúng tên lửa SAM ở phía Nam Hà Nội trong khi hỗ trợ hoạt động ném bom của máy bay B-52 vào ngày 10/9/1972. Musselman đã chết trong phi vụ này. Di cốt của ông được chính phủ Việt Nam chuyển giao về Mỹ ngày 7/7/1981. Ảnh: Đoàn Công Tính.

Các chiến sĩ du kích canh gác một tiền đồn ở biên giới Việt Nam – Campuchia, 1972. Khu vực này được được bảo vệ bằng chông tre tẩm độc. Ảnh: Lê Minh Trường.

Một bức ảnh rất hiếm hoi cho thấy các chiến sĩ Giải phóng mặt đối mặt với binh lính Sài Gòn ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong trận này, lực lượng Giải phóng tiến đánh từ hai phía và nhanh chóng xóa sổ đối phương. Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Hoàng Mai thực hiện.

Dân quân tập bắn máy bay bằng mô hình ở xã Mỹ Yên, Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội tháng 9/1965. Nhóm dân quân này đã đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” ba năm liên tiếp. Chỉ với những vũ khí có từ Thế chiến II, nhiều máy bay Mỹ đã bị dân quân miền Bắc Việt Nam bắn hạ. Ảnh: Minh Đạo.

Công nhân xây dựng thảo luận về việc sửa chữa cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa năm 1973 sau các trận ném bóm của không quân Mỹ. Là cây cầu duy nhất bắc qua sông Mã dành cho xe tải hạng nặng và xe quân sự, cầu Hàm Rồng đã bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt trong chiến tranh Việt Nam. Một số máy bay Mỹ đã bị lực lượng bảo vệ cầu bắn rơi trong cuộc chiến.

Những chiến sĩ hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn năm 1966. Con đường này dài 750 dặm với rất nhiều nhánh trải dài theo vùng biên giới phía Tây Việt Nam, tạo thành xương sống cho các hoạt động của lực lượng Giải phóng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Lê Minh Trường.

Du kích Lào chở vật tư bằng voi và bằng gùi cho quân đội Giải phóng gần đường 9 Nam Lào trong thời điểm quân đội Sài Gòn với sự yểm trợ của Mỹ đang nỗ lực chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh với Chiến dịch Lam Sơn 719, tháng 3/1971. Chiến dịch này đã trở thành một thảm họa, kết thúc với việc quân đội VNCH bỏ chạy trong hoảng loạn. Ảnh: Đoàn Công Tính.

Một chiến sĩ du kích người Khmer có tên Danh Sơn Huol được đưa đến trạm xá dã chiến trong một đầm lầy ngập mặn ở bán đảo Cà Mau để phẫu thuật sau khi bị thương do cuộc oanh tạc của Mỹ, ngày 15/9/1970. Bàn phẫu thuật nằm ngay trên mặt nước đầm lầy, được cách ly bằng vải màn. Ảnh: Võ Anh Khánh.

Các chiến sĩ Giải phóng băng qua bãi đất trống gần đường 9 Nam Lào trong hoạt động quân sự đối kháng với Chiến dịch Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn, 1972. Ảnh: Nguyễn Đình Ưu.

Vô số đôi giày lính bị quân đội Sài Gòn vứt bỏ cùng quân phục nhằm che giấu thân phận của mình trên một con đường ở ngoại ô Sài Gòn ngày 30/4/1975 – ngày Sài Gòn được giải phóng. “Tôi sẽ không bao giờ quên những đôi giày và tiếng ‘thùm, thùm, thùm’ của chiếc xe khi chúng tôi lái qua chúng. Nhiều thập kỷ của cuộc chiến đã trôi qua và cuối cùng chúng tôi đã có hòa bình”, nhiếp ảnh gia Dương Thanh Phong, người chụp bức ảnh này nhớ lại.

Hai cụ bà, một người miền Bắc và một người miền Nam ôm hôn nhau trong hạnh phục vì đã sống được đến ngày dải đất hình chữ S thống nhất và sạch bóng quân xâm lược nước ngoài, tháng 5/1975. Ảnh: Võ Anh Khánh.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , , , , , , ,