Làn sóng di cư và sự trỗi dậy của phong trào cực hữu ở châu Âu

Tình trạng di cư gia tăng trên khắp châu Âu, bao gồm cả sự gia tăng lớn nhất về số người xin tị nạn kể từ cuộc khủng hoảng di cư 2015-2016, đang thúc đẩy sự ủng hộ đối với các đảng cực hữu chống nhập cư, từ đó có khả năng định hình lại nền chính trị châu Âu trong nhiều năm tới.

Làn sóng di cưvà sự trỗi dậy của phong trào cực hữu ở châu Âu

Chính trị gia cực hữu Geert Wilders bày tỏ sự vui mừng khi đảng của ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan. Ảnh: AFP.

Từ điểm nhấn mới nhất tại Hà Lan…

Sự ủng hộ dành cho đảng theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ đường lối cứng rắn hơn chống nhập cư đang tăng mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận ở châu Âu gần đây. Và, những đảng này cũng đã tham gia vào chính phủ ở các nước, từ Italia cho đến Phần Lan, khi mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp cũng như ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraina và Trung Đông gia tăng.

Có quá nhiều dẫn chứng cho làn sóng này. Hồi tháng 9, cựu Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico đã trở lại nắm quyền một phần nhờ chiến dịch tranh cử nêu bật những thách thức từ làn sóng di cư bất hợp pháp đối với đất nước. Thắng lợi của ông Fico diễn ra sau chiến thắng năm ngoái của thủ tướng cánh hữu Giorgia Meloni tại Italia và chính phủ liên minh mới ở Phần Lan hồi đầu năm nay, trong đó có đảng Phần Lan (FP) cực hữu, vốn coi việc chống nhập cư là trọng tâm.

Tại hai quốc gia lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp, các đảng cực hữu cũng đang nhận được sự ủng hộ ngày một nhiều hơn. Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã tiến lên vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò trong năm qua, tăng tỷ lệ ủng hộ lên khoảng 1/3 để đạt trên 20%.

Tại Pháp, dù các cuộc bầu cử ở Pháp sẽ không được tổ chức cho đến năm 2027, một cuộc thăm dò gần đây do tờ Le Figaro thực hiện vẫn cho thấy đảng đối lập Mặt trận quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen dẫn trước 8 điểm so với đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tuần qua, lại thêm điểm nhấn mới là chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan của chính trị gia cực hữu Geert Wilders. Việc ông Wilders – người đã đặt các chính sách chống nhập cư làm trọng tâm trong cương lĩnh chính trị của mình suốt 15 năm qua – giành thắng lợi là một dấu hiệu mạnh mẽ nữa cho thấy cử tri châu Âu đang ngày càng hướng tới các chính trị gia có xu hướng chống chính phủ.

Để trở thành người đứng đầu chính phủ, ông Wilders vẫn sẽ cần thành lập một liên minh. Trong bối cảnh bức tranh chính trị có nhiều rạn nứt, điều này có thể đồng nghĩa rằng ông phải giảm bớt một số mục tiêu chính sách của mình, nhưng chính trị gia 60 tuổi vẫn rất tự tin cho biết ông đã sẵn sàng trở thành Thủ tướng Hà Lan.

Tuyên bố với báo giới, ông Geert Wilders cho biết sẽ đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về nhập cư và không muốn Hà Lan chấp nhận bất kỳ người xin tị nạn nào. Chính trị gia của đảng Tự do này gắn các vấn đề như chi phí sinh hoạt cao và thiếu nhà ở giá rẻ với chủ đề người di cư, lập luận rằng bằng cách cắt giảm số lượng người đến Hà Lan, chính phủ có thể có nhiều tiền hơn để giải quyết các vấn đề khác.

Rem Korteweg, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Clingendael – cơ quan tư vấn chính sách hàng đầu ở Hà Lan, cho biết: “Tất cả đều cộng hưởng với thông điệp chính trị quan trọng của ông ấy rằng đã đến lúc đặt người dân Hà Lan lên hàng đầu”. Điều này, cùng ngoại hình cao lớn và mái tóc khá giống nhau khiến ông Wilders thường được so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người cũng có quan điểm cứng rắn tương tự về vấn đề nhập cư.

…đến áp lực đè nặng từ dòng người di cư

Châu Âu đang trên đà nhận hơn 1 triệu đơn xin tị nạn trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015-2016 khi làn sóng người di cư chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi gây ra một cuộc khủng hoảng. Theo dữ liệu của EU, chỉ riêng trong tháng 9 đã có 108.000 đơn đăng ký, tương đương với mức của năm 2015.

Các số liệu kể trên không bao gồm khoảng 4,2 triệu người Ukraina phải di dời đã nhận được quy chế bảo vệ tạm thời trên khắp châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina. Nhìn chung, tình trạng di cư đã đạt mức cao nhất trong 15 năm ở một số quốc gia châu Âu bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Tại Hà Lan, số người nhập cư đã tăng lên gần 223.000 trường hợp vào năm 2022, cao nhất trong 2 thập kỷ ở quốc gia 17,5 triệu dân này. Năm ngoái, số đơn xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng 1/3, lên 46.400 đơn. Nội các Hà Lan hồi tháng 4 cho biết họ dự kiến sẽ phải nhận hơn 70.000 đơn xin tị nạn vào năm 2023 (không bao gồm người Ukraina), vượt xa con số khoảng 59.000 người tị nạn đến vào năm 2015, khi cuộc khủng hoảng di cư lên tới đỉnh điểm.

Sự gia tăng số lượng người xin tị nạn đang thúc đẩy nhiều quốc gia châu Âu thử nghiệm các chính sách mới để kiểm soát tình hình. Italia đã đạt được thỏa thuận với Albania để những người xin tị nạn chờ ở đó trong khi trường hợp của họ được Rome giải quyết. Còn Đức gần đây cho biết họ đang xem xét các thỏa thuận với các quốc gia khác, bao gồm một số nước ở châu Phi, để cung cấp nơi ở cho những người xin tị nạn.

Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn chưa từ bỏ những nỗ lực nhằm đưa người di cư đến Rwanda dù kế hoạch này bị Tòa án Tối cao bác bỏ. Hôm 20/11 vừa qua, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định sẽ làm tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo kế hoạch đưa người tị nạn tới Rwanda tiếp tục được triển khai.

Còn ở Thụy Điển, chính phủ đổ lỗi cho sự gia tăng tội phạm bạo lực một phần là do không hòa nhập được các cộng đồng người di cư và gần đây đã đề xuất những thay đổi cho phép nước này trục xuất những người di cư hoặc những người xin tị nạn có liên quan đến các nhóm tội phạm.

Mới nhất, hàng loạt quốc gia châu Âu như Áo, Đức, Italia, Pháp, Slovakia, Slovenia, Đan Mạch, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy đã phải tạm thời áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người di cư.

Thông thường, nhờ Hiệp ước Schengen, người dân được tự do đi lại qua hầu hết các nước đã ký kết. Nhưng, nay, các nước EU buộc phải sử dụng đến quy định của chính Hiệp ước Schengen, cho phép áp dụng việc kiểm soát biên giới “như là biện pháp cuối cùng” trong những trường hợp được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nội bộ hoặc chính sách công.

Bài toán không dễ giải cho châu Âu

Làn sóng di cư tới châu Âu xảy ra đúng vào thời kỳ cử tri tại đây đang không hài lòng trên diện rộng, một phần do tăng trưởng kinh tế chậm và lạm phát cao sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraina, đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Do đó, nó cũng trở thành chất xúc tác khiến cử tri cảm thấy bất an và bất mãn với chính phủ, đồng thời tạo ra những căng thẳng trong xã hội. Bối cảnh đó đem lại cơ hội cho những đảng cực hữu thu hút sự ủng hộ nhờ quan điểm chống nhập cư quyết liệt.

Ngay cả ở những quốc gia mà các đảng cực hữu chưa nổi lên mạnh mẽ, vẫn có những dấu hiệu căng thẳng xã hội. Tại Dublin (CH Ireland), đám đông đã náo loạn hôm Thứ năm tuần trước, đập phá xe buýt và cướp bóc các cửa hàng trong một vụ hỗn loạn mà cảnh sát nước này mô tả là tình trạng bất ổn xã hội tồi tệ nhất ở thủ đô trong nhiều thập kỷ. Sự việc xảy ra sau vụ đâm dao tại một trường học mà các nhóm cực hữu của Ireland cho rằng do người nhập cư nước ngoài thực hiện.

Vấn đề nhập cư đang đè nặng, nhưng với các chính phủ tại châu Âu, và thậm chí với cả những đảng cực hữu, việc ngăn dòng người di cư tới cựu lục địa không hề đơn giản. Chắc chắn, khi đã nắm quyền, các đảng này cũng sẽ phát hiện ra rằng nói dễ hơn làm.

Việc thành lập Liên minh châu Âu (EU) khiến hoạt động trấn áp người di cư và người xin tị nạn trở nên đặc biệt khó khăn. Khu vực Schengen không biên giới của khối, sự di chuyển lao động tự do trên khắp lục địa và các quy định của EU cam kết tiếp nhận những người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc đàn áp đã làm phức tạp thêm các kế hoạch chống di cư.

Chẳng hạn, dù Italia đã bầu ra chính phủ cánh hữu có quan điểm chống nhập cư vào năm ngoái, nhưng số người di cư đến nước này bằng đường biển trong năm nay vẫn gần bằng mức được thấy lần cuối trong cuộc khủng hoảng di cư. Hoặc, Vương quốc Anh chính thức rời EU vào năm 2020 một phần để có quyền kiểm soát biên giới tốt hơn bằng cách chấm dứt quyền của người châu Âu đến nước này mà không cần thị thực. Nhưng, năm ngoái, số người nhập cư hợp pháp vào Anh đạt mức kỷ lục 745.000 người và vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm nay. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, sự gia tăng này một phần do sự nhu cầu tuyển dụng lao động để lấp đầy các công việc trong các lĩnh vực đang khan hiếm nhân lực, như điều dưỡng chẳng hạn.

Những con số thống kê tại Anh nhắc lại một thực tế rằng sự gia tăng của dòng người di cư diễn ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lực lượng lao động hiện tại già đi và nghỉ hưu. Ở một khía cạnh nào đó, người nhập cư là sự bù đắp nhân lực cần thiết cho cựu lục địa. Vì thế, ngăn chặn dòng chảy di cư càng trở thành bài toán khó giải cho các chính phủ.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,