‘Lá chắn thép’ Phan Rang đã bị xé toang như thế nào?

Cho đến đầu tháng 4/1975, Phan Rang đã trở thành mảnh đất “địa đầu” của VNCH. Ngoài ra, đây còn là quê nhà của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, một người cực kỳ mê tín. Vì vậy, Thiệu quyết tâm giữ Phan Rang bằng mọi giá.

‘Lá chắn thép’ Phan Rang đã bị xé toang như thế nào?

Bài viết của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.

Trung tuần tháng 4/1975 – Quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ Quân khu 1 và phần lớn Quân khu 2, xốc tới Sài Gòn với thế mạnh như triều dâng, lũ cuốn. Phía Việt Nam cộng hòa (VNCH) thì quyết tâm tử thủ để giữ lấy phần đất còn lại hòng kiếm tìm những giải pháp khác cho sự tồn tại của một chính thể đang trong cơn hấp hối.

Trong tình thế ấy, những người đứng đầu nền “đệ nhị cộng hòa” lại phải cầu cứu kẻ bảo trợ ở bên kia bán cầu.

Và chính Đại tướng John Wayne, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã cố vấn cho chính quyền Sài Gòn xây dựng một tuyến phòng thủ với “cái neo đặt ở thị xã Phan Rang, lấy Xuân Lộc làm mũi nhọn và Tây Ninh là rìa phía tây” để giữ lấy Sài Gòn và phần đất còn lại.

Thế là một tuyến phòng thủ được mệnh danh là “lá chắn thép” đã được khẩn trương dựng lên ở đây.

“Lá chắn thép” được xây dựng thế nào?

Phan Rang là thị xã thủ phủ tỉnh Ninh Thuận, cách Sài Gòn 361 km về phía Đông Bắc, có Quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt đi qua.

Địa hình khu vực tương đối phức tạp gồm các dải đồi cát và chân ruộng nhỏ hẹp ven biển, phía Bắc giáp với vịnh Cam Ranh, phía Tây có đèo Ngoạn Mục trên đường 27 nối với Đơn Dương và Đà Lạt.

Tại đây có các căn cứ quan trọng như chi khu quân sự Du Long án ngữ phía Bắc thị xã, sân bay Thành Sơn, quân cảng Ninh Chữ và tiểu khu quân sự Ninh Thuận.

Cho đến đầu tháng 4/1975, Phan Rang đã trở thành mảnh đất địa đầu – nơi tiếp giáp giữa phần đất còn lại của VNCH với đối phương. Ngoài ra, đây còn là quê nhà của Nguyễn Văn Thiệu – khi đó là Tổng thống VNCH, một người cực kỳ mê tín. Vì vậy, Thiệu quyết tâm giữ Phan Rang bằng mọi giá.

Với tầm quan trọng như vậy, một Bộ tư lệnh tiền phương của Quân khu 3 đã được thành lập đặt tại đây do tướng ba sao Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh. Một loạt các cứ điểm được cấp tốc xây dựng. Hàng loạt vũ khí, phương tiện chiến tranh được bổ sung tới đây.

Cụ thể, lực lượng phòng thủ mặt trận Phan Rang gồm các đơn vị: Lữ đoàn 2 Dù; Sư đoàn 2BB; Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân. Lực lượng Hải quân gồm Duyên đoàn 27 và một số tàu yểm trợ. Lực lượng Không quân gồm Sư Đoàn 6 Không Quân cùng các đơn vị địa phương, bảo an, dân vệ….

Ngày 2/4, tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III bay ra Phan Rang thị sát chiến trường.

Ngày 6/4, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III và tướng Phạm Ngọc Sang phúc trình với Bộ Tổng tham mưu QLVNCH kế hoạch phối trí phòng thủ Phan Rang bố trí dọc hai bên đường số 1 ở Bắc Phan Rang 20 km, lấy đường hẻm Du Long làm trận địa phòng ngự.

Trung đoàn 4 (Sư đoàn 2) giữ phía Nam đèo Ngoạn Mục; Lữ đoàn 2 Dù giữ sân bay Thành Sơn; Chi đoàn thiết giáp thuộc sư đoàn 2 làm dự bị; Bốn tiểu đoàn bảo an của chi khu Ninh Thuận giữ các chốt Suối Đá, Ba Râu, Hội Diên, Cà Đú, Đới Sơn và ngã tư Ga Tháp Chàm;

Lực lượng còn lại của Sư đoàn 6 không quân gồm hơn 150 máy bay các loại đóng tại sân bay Thành Sơn. Với sự bố trí như vậy, “lá chắn thép Phan Rang” đã sẵn sàng cho nhiệm vụ quan trọng mà Sài Gòn giao cho.

“Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”

Về phía Quân giải phóng, sau khi làm chủ Đà Nẵng, Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 3 Sao Vàng hình thành cánh quân Duyên Hải để cơ động dọc Quốc lộ 1 vào giải phóng các tỉnh phía Nam.

Nắm được ý định của phía VNCH, Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải quyết định áp dụng cách đánh “đánh nhanh, thắng nhanh” không cho đối phương có thời gian củng cố “lá chắn thép” theo ý đồ của chúng.

Lợi thế của cánh quân này là Sư đoàn 3 đã có mặt tại chỗ, được giao nhiệm vụ nổ súng trước, nhanh chóng đẩy địch ra khỏi “đường hẻm Du Long” để mở đường cho lực lượng phái đi trước của Quân đoàn 2 bao gồm Sư đoàn 325, hai Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 4 và 5 cùng một số đơn vị khác bước vào chiến đấu, sau đó lật cánh lên áp sát sân bay Thành Sơn cùng diệt địch.

Thực hiện đúng ý định của trên, sáng ngày 14/4, Sư đoàn 3 Sao Vàng bắt đầu đột phá tuyến phòng thủ tại hẻm Du Long do Trung đoàn 5 (Sư đoàn 2) và Liên đoàn 31 biệt động quân VNCH trấn giữ.

Để hạn chế thương vong, Sư đoàn 3 chỉ dùng Trung đoàn 2 đánh vỗ mặt, điều Trung đoàn 52 luồn sâu vào phía Nam, bất ngờ đánh chiếm ấp Bà Râu; đến buổi chiều cùng ngày thì khép được vòng vây ở phía Bắc Phan Rang tại Bà Râu, Du Long, Kiền Kiền, Ba Tháp, Suối Đá.

Trên hướng Tây Bắc, Trung đoàn 25 đánh bật các đợt phản kích của Trung đoàn 4, Sư đoàn 2 VNCH tại đèo Ngoạn Mục, đẩy đơn vị này phải lùi khỏi tuyến phòng ngự ngoại vi Phan Rang rút về thị xã.

Quân VNCH cho máy bay ném bom phá sập cầu Kiền Kiền và dùng trực thăng đổ thêm quân xuống tuyến phòng thủ Kiền Kiền – Ba Tháp, tạm thời chặn được mũi tấn công của Sư đoàn 3 Sao Vàng ở hướng này.

Ngày 15/4, Sư đoàn 3 một mặt tiếp tục kiềm chế địch ở khu vực Ba Tháp, Bà Râu để bàn giao cho Sư đoàn 325; mặt khác điều động lực lượng áp sát sân bay Thành Sơn chờ giờ nổ súng đồng loạt tiến công.

Về phía VNCH, tướng Phạm Ngọc Sang tiếp tục lệnh cho Sư đoàn 6 không quân ném bom đánh sập tất cả các cầu ở phía Bắc Du Long.

Trưa 15/4, tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III và Tổng trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn ra thị sát Phan Rang trong một chuyến đi chớp nhoáng. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi xin tăng viện một tiểu đoàn dù nhưng được trả lời rằng quân dù hiện đang tăng phái cho Xuân Lộc, không còn đơn vị nào để điều cho Phan Rang.

Tối hôm đó, Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn III bàn định một kế hoạch phản công quy mô vào sáng hôm sau để khôi phục tình hình ở Du Long. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã không bao giờ thực hiện được.

Ngay khi tiếp cận chiến trường, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã tung ngay Trung đoàn bộ binh 101 (Sư đoàn 325) và Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 4 thuộc Lữ đoàn 203 vào tham chiến theo phương thức tiến công trong hành tiến dọc theo Quốc lộ 1.

Đúng 5 giờ sáng ngày 16/4, tất cả các cánh quân đồng loạt nổ súng tiến công. Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 4 chở theo bộ binh dẫn đầu đội hình, bắt đầu đánh địch từ Bà Râu, Ba Tháp.

Trước hỏa lực mãnh liệt và xung lực dữ dội của tăng thiết giáp, quân VNCH chống cự yếu ớt và nhanh chóng tan rã. Trên hướng Tây, các đơn vị của Sư đoàn 3 cũng tiến công mạnh mẽ vào sân bay Thành Sơn.

Chưa kịp ra lệnh phản công, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã nhận được tin điện khẩn cấp từ Liên đoàn 31 biệt động quân đóng tại Hội Diên, Xuân An báo về:

“Xe tăng cộng sản vượt qua sông suối đang tràn qua Du Long vào Phan Rang”. Tướng Sang ra lệnh cho tất cả các máy bay còn bay được lập tức xuất kích ngăn chặn xe tăng đối phương.



Hàng chục chiếc A37 và trực thăng vũ trang thay nhau xuất kích liên tục oanh tạc vào đội hình tiến công của Quân giải phóng. Xe tăng, xe thiết giáp chạy giữa ban ngày, trên đường độc đạo nên một số chiếc đã bị trúng bom.

Tuy nhiên, trước hỏa lực phòng không 12ly7 của tăng thiết giáp kết hợp với tên lửa tầm nhiệt A72 và pháo cao xạ của Quân giải phóng, phía VNCH đã không thực hiện được ý định. Lần lượt các cứ điểm Gò Đền, Hội Diên, Xuân An, Cà Đú… bị đánh chiếm.

Chỉ sau chưa đầy 2 giờ chiến đấu, hướng tiến công dọc Quốc lộ 1 đã vào đến TX Phan Rang và chia làm 3 mũi: một mũi chiếm dinh tỉnh trưởng và Chi khu Ninh Thuận, một mũi đánh chiếm cảng Ninh Chữ, một mũi cơ động lên Thành Sơn phối hợp với Sư đoàn 3 đánh chiếm sân bay.

Lúc 9 giờ 30 phút, Trung đoàn 101 chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Tư, tỉnh trưởng Ninh Thuận. Lúc 10 giờ cùng ngày, Trung đoàn 25 (Sư đoàn 3) làm chủ sân bay Thành Sơn, truy bắt được Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang.

Mũi đánh chiếm cảng Ninh Chữ, xe tăng 763 bắn cháy 3 tàu địch. Toàn bộ quân bố phòng tại tuyến phòng thủ Phan Rang bị tiêu diệt và làm tan rã, Quân giải phóng thu 36 máy bay và 37 pháo lớn…

Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đưa thê đội 2 vào chiến đấu phát triển dọc theo Quốc lộ 1 đến Cà Ná. Tại đây, các xe tăng K63-85 bắn chìm một tàu chiến và bắn bị thương một số chiếc khác khi định vào để đón tàn quân và tổ chức phản công.

“Lá chắn thép Phan Rang” hoàn toàn bị tan vỡ. Quân giải phóng tiêu diệt và làm tan rã hơn một vạn quân địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, trong đó có nhiều máy bay A37 còn nguyên vẹn.

Ngoài kết quả chọc thủng “lá chắn thép” mở đường cho đại quân cánh quân Duyên Hải cơ động tiếp về phía Nam, trận tiến công Phan Rang cũng để lại những bài học vô cùng quý giá về nghệ thuật quân sự và nghệ thuật sử dụng lực lượng.

Đây là trận tiến công trong hành tiến quy mô lớn đầu tiên của Quân giải phóng và đã đạt hiệu quả rất cao, chiều sâu tiến công đạt gần 70 km/ngày.

Sở dĩ đạt được kết quả như vậy là nhờ chủ trương giải quyết nhanh, càng nhanh càng tốt, phá “lá chắn thép” khi quân VNCH chưa kịp củng cố công sự, hầm hào, khi thế phòng ngự còn lỏng lẻo, khi binh hỏa lực chưa được tăng cường toàn bộ…

Đạt được kết quả như vậy còn nhờ chủ trương lấy tăng thiết giáp làm lực lượng đột kích chủ yếu, vừa đi vừa đánh, bỏ qua những mục tiêu nhỏ lẻ để nhằm tới mục tiêu chủ yếu, mang tính quyết định.

Những kinh nghiệm rút ra từ trận đánh này đã góp phần không nhỏ vào quyết định thành lập “binh đoàn thọc sâu” của cánh quân phía Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh sau này.

Theo THỜI ĐẠI

Tags: , , , ,