Không phải chỉ khi giàu thì người Việt mới biết sợ ô nhiễm

Ô nhiễm không phải là mối lo xa xỉ của giới tinh hoa. Người dân – bất chấp địa vị và thu nhập – không mù quáng đánh đổi môi trường để lựa chọn đồng tiền.

Không phải chỉ khi giàu thì người Việt mới biết sợ ô nhiễm

Bài viết của Tiến sĩ Quỳnh Nguyễn, giảng viên bộ môn Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia. Bà lấy bằng tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Princeton (Mỹ). Bà tập trung nghiên cứu liên ngành giữa các lĩnh vực chính sách môi trường, thương mại quốc tế, dư luận xã hội và tâm lý chính trị. Đây là bài viết riêng của bà và Giáo sư Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ) cho Zing.vn.

Vì Việt Nam là nước đang phát triển nên khi phải đặt lên bàn cân giữa lợi ích kinh tế và môi trường, đa phần người dân có thu nhập thấp sẽ không quan tâm tới môi trường. Đối với họ, ô nhiễm chỉ là mối quan tâm xa xỉ của giới nhà giàu.

Đó là cách tư duy theo kiểu lối mòn đang bị thách thức trong những năm gần đây. Trên thực tế, kết quả của một cuộc khảo sát uy tín mang cấp độ toàn quốc đã chứng minh điều ngược lại: Người dân – bất chấp địa vị và thu nhập – không mù quáng đánh đổi môi trường để lựa chọn đồng tiền.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) trong 3 năm liên tiếp đã cho thấy những kết quả đáng lưu tâm. Kết quả năm 2019 cho thấy: 78% người Việt tham gia khảo sát ưu tiên bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế. Trong đó, 87,5% cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa và 85% ủng hộ lệnh cấm các cửa hàng sử dụng chai nhựa.

Xét đến ảnh hưởng trực tiếp lên lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân, một môi trường an toàn không phải là mối lo xa xỉ của giới tinh hoa. Công dân ở các nước có thu nhập thấp có thể không quan tâm đến môi trường nhiều như các nước phát triển; tuy nhiên, người Việt Nam vẫn rất chú ý và lo ngại về môi trường suy thoái.

Quan trọng hơn là tất cả thành phần trong xã hội đều có quan điểm tương đồng, nhất quán về vấn đề này.

DÂN SẴN SÀNG TỪ CHỐI MỌI DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Theo kết quả PAPI 3 năm liên tiếp từ 2017 đến nay, khi được hỏi yếu tố nào ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư, phần lớn người tham gia khảo sát lưu tâm tới các cam kết bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp có tiền sử vi phạm quy định bảo vệ môi trường, sức hấp dẫn cũng như khả năng được cấp phép đầu tư của họ giảm đi đáng kể.

Ví dụ, nếu một doanh nghiệp vi phạm quy định và gây thiệt hại cho 100 hộ dân cư, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với việc cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp này sẽ giảm khoảng 24%. Mức độ thiệt hại càng lớn, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với doanh nghiệp sẽ càng giảm.

Ngược lại, nếu nhà đầu tư nỗ lực áp dụng tiêu chuẩn thân thiện với môi trường trong sản xuất, người dân có xu hướng tích cực ủng hộ cấp phép cho doanh nghiệp.

Đáng ngạc nhiên là chỉ cần doanh nghiệp đó có ý định xin “giấy chứng nhận xanh” – tức thể hiện cam kết bảo vệ môi trường – tỷ lệ ủng hộ sẽ tăng thêm 14,6%. So với doanh nghiệp không áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nào, doanh nghiệp có giấy chứng nhận xanh được ủng hộ nhiều hơn 18,6%.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các công ty có tiền sử vi phạm quy định bảo vệ môi trường, không có giấy chứng nhận liên quan và có khuynh hướng tiếp tục vi phạm nghiêm trọng thường bị người dân quay lưng. Họ không bất chấp đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế mà thay vào đó dành ưu tiên cho các khoản đầu tư “xanh”.

Cụ thể, khoản đầu tư gây thiệt hại cho môi trường càng lớn, người dân càng có xu hướng phản đối doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh. Ví dụ, so với doanh nghiệp không vi phạm quy định bảo vệ môi trường, doanh nghiệp gây thiệt hại cho 1.000 hộ dân mất 28.7% tỷ lệ ủng hộ.

Không chỉ vậy, lượng chất thải mà doanh nghiệp đó thải ra môi trường cũng tác động không nhỏ đến thái độ của người dân. Nếu nhà đầu tư thải ra lượng chất thải tương đương với 1.000 hộ dân mỗi năm, tỷ lệ ủng hộ họ nhận được sẽ thấp hơn 9,3% so với các doanh nghiệp xả thải ít hơn.

Thế nhưng trong vấn đề này, rõ ràng không thể gạt bỏ hoàn toàn tác động của lợi ích kinh tế đối với thái độ của người dân trước các khoản đầu tư.

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra người dân Việt Nam thường cân nhắc cùng lúc hai yếu tố kinh tế và môi trường. Người Việt rất muốn thu lợi từ đầu tư, ngay cả khi chúng có tác động xấu đến môi trường.

Nhưng rõ ràng có tồn tại một “ngưỡng” nhất định trong nhận thức của họ. Nếu thiệt hại về môi trường vượt quá ngưỡng này, người dân Việt Nam sẽ từ chối mọi dự án đầu tư, bất kể lợi ích kinh tế mang lại có lớn đến đâu.

KHÔNG THỂ BẤT CHẤP PHÊ DUYỆT DỰ ÁN SINH LỢI CAO

Trong cuốn sách Varieties of Environmentalism, hai tác giả Ramachandra Guha và Juan Matinez-Alier nhận định: Ở các nước đang phát triển, nơi vấn đề môi trường hiện hữu ngày một rõ nét, người dân ngày càng cảnh giác với các khoản đầu tư có khả năng đe dọa sức khỏe.

Đầu tiên, khi nhận thức rõ hơn về vấn đề này, người dân không còn đơn thuần coi tác động của một khoản đầu tư lên môi trường chỉ là mối đe dọa đối với chất lượng cuộc sống. Đó còn là nguy cơ sống còn đối với sức khỏe con người.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra ô nhiễm không khí là nguyên nhân của các bệnh đường hô hấp ở Việt Nam. Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2013 liệt kê hàng loạt hậu quả của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người: sóng nhiệt có thể dẫn đến tình trạng say nắng, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất; nhiệt độ và lượng mưa thay đổi thất thường làm tăng nguy cơ mắc sốt rét và sốt xuất huyết.

Thứ hai, người dân ở các nước đang phát triển dường như ưu tiên các khoản đầu tư “xanh”, vì môi trường suy thoái có thể ảnh hưởng đến sinh kế truyền thống. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu gây hậu quả trực tiếp đến thu nhập của mỗi người dân, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.

Trái Đất nóng lên đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ở các nước như Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, năng suất lúa có thể giảm tới 50% vào năm 2100 so với năm 1990. Tại Việt Nam, ngành lúa gạo từng rơi vào khủng hoảng sau đợt hạn hán năm 2010; xuất khẩu gạo giảm 24,9% so với năm 2009.

Điều này góp phần định hình tư duy của người Việt, bởi 41% dân số Việt Nam vẫn sống dựa vào nguồn thu từ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp.

Không chỉ vậy, các vấn đề môi trường như ô nhiễm và rác thải còn tác động trực tiếp đến ngành du lịch của Việt Nam.

Hiện 28% dân số Việt Nam tham gia vào lĩnh vực dịch vụ, như bán lẻ, nhà hàng và khách sạn. Ngành du lịch tạo ra 18,4 tỷ USD (chiếm 9,1% GDP) và 4 triệu việc làm năm 2017 (chiếm 7,3% tổng số việc làm cả nước).

Sự phát triển của ngành này liên quan mật thiết đến môi trường tự nhiên, vì vậy bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng tương đương với các mục tiêu kinh tế khác.

Qua hàng loạt khảo sát và thống kê, nghiên cứu của chúng tôi đi đến kết luận thách thức quan điểm phổ biến, vốn luôn mặc định rằng người dân ở các nước đang phát triển vì còn nghèo nên không lưu tâm đến bảo vệ môi trường, và do đó không sẵn sàng hỗ trợ chính sách môi trường của chính phủ.

Một khi các vấn đề môi trường hiển hiện rõ nét, lan rộng và đe dọa đến sức khỏe con người, cả xã hội sẽ nhận thức được và dành sự quan tâm tương xứng.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và không khí ngày càng diễn biến xấu trên toàn cầu, câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào để khiến nhận thức phổ quát nói trên trở thành động lực cho hoạch định chính sách ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Nhìn vào kết quả của nghiên cứu, chính phủ sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn các loại hình đầu tư được cấp phép trong nước. Nếu phê duyệt những khoản đầu tư sinh lợi cao nhưng gây thiệt hại nặng nề cho môi trường, các nước có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối và bất mãn từ người dân.

Dù dựa trên kết quả nghiên cứu ở một quốc gia duy nhất là Việt Nam, điều này cũng có giá trị đối với nhiều nước đang phát triển khác, giúp họ soi chiếu và điều chỉnh cán cân kinh tế – môi trường, giảm thiểu hậu quả đối với môi trường trong quá trình mở rộng đầu tư.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,