Khi thủ khoa thất nghiệp hàng loạt

Xã hội nào kịp đẻ ra công ăn việc làm cho đủ khi cả làng, cả tổng quyết “Học đại học bằng mọi giá”. Thế mới có chuyện thủ khoa vẫn thất nghiệp.

Đọc hàng loạt bài báo than thở về chuyện thủ khoa đại học mấy năm trời vẫn chưa tìm được việc làm, tôi nản quá. Nản cho cái bệnh cuồng bằng cấp của dân mình là một, nản việc truyền thông viết những bài báo một chiều thiếu những phân tích thực tế là hai. Thì còn ai vào đấy nếu không phải là truyền thông cứ vào kỳ thi đại học là rợp trời những bài báo ca ngợi người mẹ bán máu, người cha sống trong nhà vệ sinh công cộng nuôi con vào đại học, những đứa trẻ ăn đói mặc rách, cầm hơi một ổ bánh mì không, đạp xe hàng trăm cây số để đi thi đại học bằng được? Ơ hay, cả làng cả tổng đổ xô nhau quyết đạp bằng cả dãy Trường Sơn để vào được đại học, và trường đại học thì mọc lên như nấm khắp các huyện cùng thôn, thì xã hội nào kịp đẻ ra công ăn việc làm đủ cho từng ấy người mỗi năm được mà than thở?

Năm ngoái, sau bài báo “Học đại học bằng mọi giá” trong đó tôi đề nghị nên nhìn nhận lại hiệu quả thực tế của việc quyết tâm học đại học, có một bạn đọc kể với tôi: năm nay cuối cấp, em định chọn học nghề vì gia đình khó có thể nuôi em học suốt năm năm đại học, nhưng bạn bè ai cũng phản đối. Hỏi lý do, các em ấy không trả lời rõ ràng được, chỉ nói chung chung là ai cũng học đại học mà mình không học thì ngượng với người ta!

Ở nhiều vùng quê, có con thi đậu đại học vẫn là niềm tự hào của cả dòng họ, được làm tiệc ăn mừng, được trịnh trọng ghi tên vào sổ gia phả, cha mẹ nở mày nở mặt. Đáng tiếc là sau những tràng vỗ tay, hầu như chẳng ai quay lại xem các tân sinh viên sống, học hành và trải nghiệm xã hội thế nào với cái bụng rỗng và món nợ tiền bạc canh cánh không biết bao giờ mới trả được. Tâm trí ấy không hề thuận lợi cho việc học hành và nghiên cứu.

Khi ra trường, lại là một cuộc đấu khác để vào bằng được cơ quan nhà nước vì tâm lý làm nhà nước mới được gọi là ổn định, “oai” và có cơ hội thăng tiến lâu dài, đến những vị trí có thể “nuôi không những gia đình mà nuôi cả dòng họ”. Còn tự chủ hay làm việc trong khối tư nhân thì vẫn là thua kém hoặc “lông bông”.

Và tôi tiếp tục nản hết sức với những gia đình bỏ ra vài trăm triệu đồng chạy cho con vào một chỗ làm nhà nước lương chỉ vài ba triệu. Làm sao tôi dám tin những công chức ấy sẽ làm việc một cách công chính khi họ đã giành lấy công việc bằng con đường hối lộ? Tư tưởng phải “thu hồi vốn” sẽ chi phối họ đến mức nào? Đó là chưa kể do phải quyết vào đại học bằng mọi giá nên ham mê đã bị gạt bỏ, không ít sinh viên chấp nhận học một ngành không hề thích, không hề có khả năng, vật vã suốt bốn năm năm học, cuối cùng ra đời trở thành một cử nhân có năng lực làm việc làng nhàng và đầy một bụng bất đắc chí.

Xã hội cần nhiều người thợ lành nghề hơn những ông thầy ba mớ. Đã vậy thời gian đào tạo ngắn hơn nhưng thu nhập cao hơn một cử nhân sáng vác ô đi tối vác về là cái chắc. Nói đâu xa, ngay chú thợ khóa ở gần nhà tôi đây, hôm qua vừa mệt mỏi đẩy bớt sang cho đồng nghiệp các cuộc điện thoại gọi sửa khóa không ngớt, vừa khoe tháng sau đi Mỹ chơi với con gái đang học bên ấy. “Vui ở vài tháng, buồn buồn ở một tháng rồi về”-chú cười rất hỉ hả. Tay nghề chú cao, sửa rắc một ổ khóa cửa nhà tổng cộng khoảng 1 tiếng kể cả chạy đi chạy về đã đút túi 200.000 đ. Chưa đến 5 tiếng buổi sáng hôm đó chú đã sửa cho khoảng chục khách hàng. Sự thoải mái về tài chính này, sự tự do tự tại này, thật sự không nhiều người có được, bất kể là cử nhân hay không.

Thời gian làm báo ngành nông nghiệp, tôi hay được gặp những ông bà chủ nhỏ trong ngành. Họ trồng mít, làm bún, nuôi tôm, nuôi cá, bán thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đủ cả. Có một anh ở Cần Giờ chuyên mua cua óp rẻ tiền về nuôi thành cua gạch bán thật đắt và chạy, bằng một bí quyết nhiều người biết nhưng không làm được. Nhà anh là một ngôi biệt thự vườn nằm giữa năm bảy cái đìa rộng cả trăm ngàn mét mà anh tích góp mua dần dần, xung quanh cây cối mát mắt, con cái học trường tốt, người vợ hài lòng vui tươi và nhịp sống êm ái vững chắc. Hai vợ chồng anh thuê thêm vài người, tự đi mua cua mua cá vừa nuôi, vừa bán sỉ, vừa đặt vài chiếc bàn bán cho khách tới ăn ngay tại nhà.

Nói thêm, những người làm giàu bằng nghề nông nghiệp như anh không hiếm. Họ học hỏi không ngừng trong thực tế và sách vở. Máy tính nối mạng là người thầy gần nhất, cũng là cách thức để một anh nông dân Cần Giờ ngồi nhà điều phối việc bán hàng hóa đi khắp thành phố hay bán ra cả nước ngoài- như một chị chủ trang trại trồng chanh không hạt ở Long An mà tôi biết. Sau này làm ăn thành công, thuê thêm đất, bán được hàng đều đặn vào các siêu thị lớn và xuất khẩu đi nhiều nước thì chị mới thành chủ trang trại. Chứ những ngày đầu, chị từng chạy xe máy cả trăm cây số để tìm bằng được một giáo sư nông học hỏi cách trị bệnh của vườn chanh nho nhỏ mới gầy dựng.

Siêng năng, thực tế, lao động cật lực và hưởng thụ cuộc sống. Tự trong đáy lòng, tôi cảm phục những anh chị ấy và thấy đời sống của họ thật là vương giả!

Vậy đó! Tôi cho rằng nếu thoát được tâm lý chỉ có con đường đại học là duy nhất, tấm bằng đại học là chứng chỉ đẳng cấp, là chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa vào đời thì ta sẽ nhìn thấy rất nhiều lối đi thênh thang và râm mát nữa.

Theo KHÁM PHÁ (2015)

Tags: ,